Không hề triết lý và khó hiểu, tất cả những câu nói truyền cảm hứng của Shark Linh đều được diễn giải vô cùng gần gũi, dễ hiểu thông qua những trải nghiệm và đúc kết trong sự nghiệp kinh doanh của mình.
Hình ảnh giỏi giang với lối sống tích cực và tràn đầy năng lượng của Shark Thái Vân Linh chính là thành quả của rất nhiều sự chuẩn bị, đấu tranh và thích nghi. Chị không thích chữ ‘cân bằng’, song nếu muốn đạt được tất cả mọi thứ chúng ta cần có những lựa chọn hợp lý, tinh thần lạc quan và không ngại trả giá.
Shark Thái Vân Linh là một trong những ‘cá mập’ được yêu thích nhất chương trình Shark Tank Việt Nam mặc dù chị là một trong những giám khảo nghiêm khắc và khó tính nhất.
Lý do chị được hâm mộ có rất nhiều, nhưng tựu trung sẽ rơi những điều sau: vừa xinh đẹp lại vừa giỏi giang, đủ combo thông minh – duyên dáng – dí dỏm, luôn khắt khe với startup nhưng trên tinh thần xây dựng, đã cam kết xuống tiền thì sẽ hỗ trợ startup hết mình ở nhiều mặt chứ không riêng gì chuyện tiền bạc…
Tham gia chương trình “Một tuần một chuyên gia”, Shark Thái Vân Linh đã hé lộ rất nhiều sự chuẩn bị, đấu tranh, thích nghi cũng như cách lựa chọn đúng, quá trình tạo nên thói quen suy nghĩ tích cực, không ngại trả giá để có được một ‘Shark Thái Vân Linh’ như ngày hôm nay cũng như chạm đến tất cả những mục tiêu mình muốn trong tương lai.
Thế nên, chị không ngại khi mọi người gọi mình là “người đàn bà thép”, vì chị cảm thấy mình có đủ phẩm chất của thép: ngoài cứng và lạnh, thép cũng rất dễ uốn theo nhiều kiểu dáng đẹp, dễ sử dụng và có thể được dùng trong nhiều loại công trình khác nhau. Cũng vì lẽ đó, chị không muốn sự nửa vời ở chữ ‘cân bằng’, mà muốn có 100%, bằng cách thực hiện lần lượt mục tiêu quan trọng ở từng thời điểm thích hợp.
1. Muốn biết một doanh nghiệp có bền vững hay không, chúng ta chỉ cần nhìn vào đội ngũ quản lý và khách hàng
Theo chị, thế nào là một doanh nghiệp phát triển bền vững?
– Để 1 công ty phát triển bền vững, điều quan trọng nhất, Nhà sáng lập nên biết khách hàng của họ: họ thích gì, nam hay nữ và bao nhiêu tuổi. Bạn nhất định phải biết những chi tiết đó. Và bạn phải biết sâu hơn nữa, giống như bạn là người bạn thân nhất của khách hàng mình, để biết được sở thích lớn nhất ngay lúc này của họ là cái gì. Sở thích khách hàng thay đổi, thì bạn cũng phải thay đổi ngay lập tức.
Điều quan trọng sau đó, bạn phải điều chỉnh mô hình kinh doanh và cải tiến sản phẩm của mình để theo nhu cầu hiện tại của khách hàng cũng như xu hướng thị trường. Bằng cách này, mình mới có thể luôn luôn đổi mới và chạy kịp cùng thị trường.
Để đạt được mục tiêu trở thành doanh nghiệp bền vững, các startup cần trải qua bao nhiêu giai đoạn?
– Với 1 công ty, chuyển từ công ty khởi nghiệp sang công ty thành công sẽ gồm rất nhiều giai đoạn. Trong quá trình phát triển sẽ có rất nhiều yếu tố mà chúng ta không thể kiểm soát được sẽ xảy ra. Nhưng, có những điều mình kiểm soát được phải làm rất tốt, ví dụ như 2 điều dưới đây.
Thứ nhất, mình phải tạo kế hoạch rất tổng quan. Tức để bắt đầu và thực hiện dự án khởi nghiệp, mình phải có kiến thức sâu rộng, tìm hiểu về thị trường, đối thủ cạnh tranh, khách hàng…Tức mình phải đi tìm hiểu, phòng vấn, trải nghiệm ở nhiều nguồn và với nhiều người. Và đó chỉ là bước đầu thôi.
Bước thứ nhì quan trọng hơn, mình phải thực hiện những gì mình đã vạch ra, vì kế hoạch tổng thể chỉ là lý thuyết, muốn nên cái gì đó thì phải hành. Mình phải rất tập trung và chăm chỉ. Có lúc, thực hiện chỉ là viết một vài viết, đầu tiên là viết trong 1 tiếng, đọc lại rồi cho người khác xem; sau đó mình sẽ điều chỉnh thêm 1 lần nữa. Ngoài chăm chỉ, chúng ta cũng nên tập trung vào những chi tiết, để khi mình đưa ra sản phẩm cuối cùng thì nó tốt nhất có thể.
Ngoài ra, founder hay CEO phải học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho danh sách việc cần làm của mình, để tập trung vào một số mục cần thiết. Là một Giám đốc điều hành, bạn phải tìm ra những gì nên nói đồng ý và đôi khi quan trọng hơn – cái gì nên nói không.
Những dấu hiệu nào cho thấy, một dự án startup có thể trở thành một doanh nghiệp bền vững sau này?
– Để cho một dự án khởi nghiệp thành công, có 2 điều quan trọng: kinh nghiệm của nhà sáng lập và góc nhìn.
Về kinh nghiệm của các nhà sáng lập: thường khi Linh nói chuyện với các doanh nghiệp đang muốn gọi vốn, đầu tiên Linh sẽ hỏi về profile (lý lịch – PV) của các founder. Kinh nghiệm trong quá khứ của họ là gì? Vì như chúng ta biết, khi khởi nghiệp chúng ta bắt đầu tư con số 0, nên nếu chúng ta có đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực, sản phẩm hoặc tệp khách giống dự án hiện tại mà chúng ta theo đuổi, sẽ rất tốt. Cách này sẽ giúp các founder có nền tảng tốt để công ty thành công.
Về góc nhìn: góc nhìn của nhà sáng lập phải luôn luôn rất lạc quan. Vì sao? Bởi vì thành lập công ty và điều hành doanh nghiệp là phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Thức dậy, đi ngủ và cả ngày đều có vấn đề. Để tiếp tục đổi mới và sáng tạo hay thức dậy có nhiều động lực và sức lực để làm việc, thì mình phải lạc quan. Chỉ có cách này, các founder mới đi lâu dài cùng startup. Vì nếu không lạc quan, chúng ta rất dễ bỏ cuộc.
Nói chung, đội ngũ quản lý cần có khả năng tập trung vào việc tìm ra câu trả lời và cách tốt nhất để làm điều đó là với một thái độ tích cực. Nếu bạn muốn duy trì công việc khởi nghiệp trong thời gian dài, phải nhớ rằng mình nên luôn có suy nghĩ/góc nhìn tích cực và lạc quan.
Đây tất nhiên không phải là những chỉ số duy nhất, nhưng đây là những chỉ số ban đầu mà Linh tìm kiếm khi đánh giá các doanh nghiệp đầu tư tiềm năng.
Chị có thể cho biết những dự định về đầu tư hoặc kinh doanh trong tương lai của mình?
– Trong tương lai, Linh vẫn rất muốn được tiếp tục đầu tư. Phần này Linh cũng sẽ tiếp tục làm “nhà đầu tư thiên thần”. Linh nghĩ vai trò của một nhà đầu tư không chỉ là về tiền bạc. Nhà đầu tư cũng nên giúp lên chiến lược, giới thiệu về network cho họ, giúp bán sản phẩm và giúp tạo ra sự hào hứng trong công ty. Vì vậy, đó là những gì Linh tìm kiếm ở các công ty đang và sẽ làm việc cùng.
Và phần nữa, Linh sẽ tập trung đa phần vào công ty khởi nghiệp mới của mình, chuyên về đào tạo cho các bạn trẻ, bắt đầu từ thời gian sau khi tốt nghiệp và lên đến cấp quản lý, tức trong khoảng 10 năm. Theo quan sát của Linh, trong khoảng thời gian đó, các bạn trẻ Việt luôn cảm thấy mình thiếu kỹ năng, có thể cứng hoặc mềm.
Ví dụ về networking. Để mình có thể tạo cho mình 1 sự nghiệp phát triển bền vững, thăng tiến đều đặn và lên lương thuyền xuyên, mình phải quen biết rất nhiều người. Vì những người trong networking của mình sẽ giúp mình học hỏi, cho mình góc nhìn khác hơn, chia sẻ kinh nghiệm và cho mình lời khuyên khi mình không thể tự giải quyết một vấn đề nào đó. Nói chung, khi mình có vòng kết nối rộng và sâu, điều đó sẽ giúp mình trong lâu dài.
Lớp học của Linh sẽ chạy chi tiết và từng bước, để các bạn có thể phát triển và xây dựng được những kỹ năng mềm cho bản thân. Thường khi mọi người nghe về kỹ năng mềm, thường có hơi mơ hồ, mình không biết cách để học kỹ năng mềm. Linh suy nghĩ lại, trong 20 năm qua, mình đã học được những kỹ năng mềm như thế nào? Mình đã phải trải qua, mình đã mắc cỡ, xấ hổ và làm sai rất nhiều lần. Linh đã học hỏi được rất nhiều từ những sai lầm của bản tân.
Bây giờ, mình sẽ ghi xuống những nguyên tắc mà chưa ai ghi, để cho các bạn trẻ ngày hôm nay không phải trải qua những bài học và sai lầm mà Linh từng phải trải qua.
2. Linh không thích từ “cân bằng” vì chỉ đạt 50% mọi thứ thì thật sự tồi tệ
Làm sao để một nhà lãnh đạo cân bằng được cuộc sống của mình và công việc?
– Linh không thích chữ “cân bằng”. “Cân bằng” nghĩa là gì? Có nghĩa là mỗi bên 50%? Nhưng vấn đề, 50% là một số điểm thực sự thấp. Khi bạn còn đi học và chỉ đạt 50% khi làm bài kiểm tra của mình, điều đó có tốt không? Không, điều đó thực sự tồi tệ! Vậy tại sao bạn lại muốn cuộc sống của mình chỉ là 50%? Mình phải tập trung vào 80% hoặc 90%. Đó là lý thuyết và quan điểm của Linh.
Tôi nghĩ: mọi người cho rằng, họ muốn cân bằng vì họ cảm thấy lo lắng về cuộc sống của họ. Nhiều người phụ nữ dành nhiều thời gian để làm chủ yếu 2 việc: làm việc và chăm sóc gia đình. Và họ nghĩ rằng nếu họ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, điều này sẽ giải quyết mọi lo lắng của họ. Tuy nhiên, trường hợp này thường không xảy ra. Nếu bạn hỏi một người phụ nữ không đi làm và dành toàn bộ thời gian cho con cái, họ không quá hạnh phúc và nhiều người trong số họ có những lo lắng khác.
Linh cũng đang nghĩ về vấn đề này rất sâu, vì Linh đang ở trong hoàn cảnh này, vừa muốn có sự nghiệp mà vừa muốn có nhiều thời gian cho gia đình. Vậy giải pháp là gì?
Linh nghĩ lý do tại sao chúng ta cảm thấy lo lắng là vì chúng ta không thích những điều chưa biết. Con người chúng ta có một bộ não rất tiên tiến. Và vì vậy, chúng ta luôn muốn biết và kiểm tra những gì sẽ xuất hiện. Linh nghĩ, chìa khóa để bạn cảm thấy cân bằng là hiểu rõ về cuộc sống cũng như mục tiêu của mình. Khi bạn đã lên kế hoạch cho tất cả những thứ đó, bạn có thể chọn những mục tiêu cần ưu tiên.
Linh nhìn cuộc đời mình với 6 giá trị cốt lõi chính: cá nhân – sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý; gia đình; và sự nghiệp; Hỗ trợ 3 mảng đó là các hoạt động chính về tài chính – đủ tài chính làm những gì mình muốn; học tập – vì con người luôn muốn học hỏi thêm để cuộc sống thú vị hơn; và giao lưu xã hội – có bạn bè để cuộc sống mình nhiều màu sắc hơn. Trong mỗi lĩnh vực, Linh viết ra kế hoạch ngắn hạn của mình là gì, ví dụ như kế hoạch trong vòng 12 tháng tới, rồi kế hoạch trong 3 năm tới và kế hoạch dài hơn 3 năm.
Sau đó, Linh chọn 3 điều trong rất nhiều thứ đã viết ra để tập trung cho vài tuần hoặc vài tháng tiếp theo. Sau khi mình chọn những mục tiêu ưu tiên hoàn thành, nếu mình vẫn cảm thấy không hạnh phúc thì mình có thể thay đổi. Chúng ta có thể linh hoạt thay đổi chúng vì đây là cuộc sống của bạn và bạn thỏa thích chọn mục tiêu mà mình muốn.
Trong khi tập trung vào 3 lĩnh vực nào đó, lĩnh vực đó có thể là 90% và những thứ khác có thể thấp hơn hoặc thậm chí 0%. Tức có những lúc mình cảm thấy không cân bằng, nhưng thật ra đó mới là cân bằng! Mình đã tập trung vào những gì mình cảm thấy quan trọng ngay lúc này và đồng thời mình có cả bức tranh hoàn hảo về cuộc đời để mình có thể chọn từ từ sau này.
Linh chấp nhận rằng các lĩnh vực khác có thể không nhận được nhiều sự quan tâm bởi nhận thức được rằng chúng vẫn tồn tại và mình sẽ sớm tập trung vào chúng. Tức Linh có thể tập trung 90% vào một điều gì đó, đảm bảo rằng bản thân làm tốt và cũng không cảm thấy tội lỗi khi mình đang quên hoặc bỏ quên điều khác.
Ai cũng nói rằng mình nên sống một cuộc sống lạc quan, nhưng đó chỉ là lý thuyết và rất khó để có thể thực hành. Chị có giải pháp nào để giúp các bạn trẻ làm theo không?
– Linh nghĩ rằng: khóa học bổ sung mà tất cả chúng ta, cả nam và nữ đều cần là cách trở thành CEO trong tâm trí của mình.
Linh đã đọc rằng: chúng ta có 50.000 suy nghĩ trong một ngày. Và trong số 50.000 đó, 70% là tiêu cực. Bạn có thể tưởng tượng mình đang nghĩ 35.000 suy nghĩ tiêu cực trong một ngày không? Mọi người thường hỏi Linh, làm thế nào để có thêm năng lượng, làm thế nào để duy trì động lực? Bước đầu tiên là ngừng chú ý đến 35.000 suy nghĩ tiêu cực.
Linh thích nghĩ rằng Linh chính là Giám đốc điều hành của bộ não của bản thân. Điều nay nghĩa là gì? Khi bạn là Giám đốc điều hành, bạn có quyền quyết định đầu tư vào những dự án nào và những dự án nào nên bỏ qua. Vì vậy, trong khi bộ não của bạn có thể mang đến 50.000 suy nghĩ mới mỗi ngày, bạn kiểm soát những suy nghĩ nào bạn muốn tập trung vào.
Vì vậy, bạn nên tập trung vào những ý tưởng tích cực. Mọi hành động của chúng ta đều bắt đầu từ một suy nghĩ. Vì vậy, tất cả chúng ta cần thực hành bỏ những điều tiêu cực và lặp lại những điều tích cực. Thay thế suy nghĩ tiêu cực bằng tích cực.
Một mẹo Linh thường làm: đưa ra quyết định 3 điều mình muốn làm hôm nay. Và 3 điều này có thể thay đổi bất cứ lúc nào, dựa trên những gì bạn có trong lịch trình cho ngày hôm đó. Ví dụ, cho ngày hôm nay, 3 suy nghĩ của Linh là: gia đình tôi khỏe mạnh, tôi thích chia sẻ ý tưởng của mình, tôi thích thời gian với bạn bè. Điều quan trọng là phải chuẩn bị những suy nghĩ này vào đêm hôm trước để sẵn sàng chúng cho ngày hôm sau.
Nếu không, với Linh, khi thức dậy – thậm chí trước khi mở mắt, bộ não của Linh thường tự hỏi rằng mình đang ở đâu? Và sau đó Linh nghĩ về và nhớ tất cả các vấn đề của ngày hôm qua. Và khi bạn làm điều này, bạn sẽ kéo tất cả các vấn đề từ hôm qua sang ngày hôm nay. Sau đó, bạn cũng có thể kéo các vấn đề câu hỏi từ tuần trước, tháng trước, hoặc từ nhiều năm trước vào ngày hôm nay. Và khi bạn làm điều này, bạn đang giữ mọi vấn đề và lo lắng bên mình.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn vòng lặp này? Bạn phải có những suy nghĩ tích cực để thay thế những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, đó là lý do tại sao Linh chuẩn bị 3 suy nghĩ tích cực vào đêm hôm trước. Cho nên, khi thức dậy và bắt đầu nghĩ xem mình đang ở đâu, Linh nhớ đến 3 suy nghĩ tích cực đó. Và đó là 3 suy nghĩ đầu tiên Linh nghĩ đến trong ngày. Và điều này đặt nền tảng vững chắc cho ngày hôm nay.
Trong suốt cả ngày, khi Linh nghĩ về những điều tiêu cực, Linh chỉ lặp đi lặp lại 3 suy nghĩ tích cực đó. Và vào cuối ngày, Linh nghĩ về ngày mai và 3 điều tích cực mà Linh muốn cho ngày mai. Và vòng lặp tích cực lại bắt đầu.
3. Một phần của việc lập kế hoạch là quyết định trước những gì bạn sẽ hy sinh để đạt được mục tiêu của mình
Chị hay nói, để phát triển bản thân chúng ta cần biết “ôm lấy những nỗi đau”, nhưng nếu ‘đau quá sức chịu đựng’ thì chúng ta phải làm gì?
– Linh rất thích câu ‘ôm lấy những nỗi đau’, vì bằng cách đó chúng ta có thể đạt được tất cả những mục tiêu và những gì mình muốn trong cuộc sống.
Với Linh, không có cái gọi là “quá sức chịu đựng”. Cơ thể con người và bộ não con người rất tuyệt vời, chúng có thể vượt qua rất nhiều thứ mà bạn có thể nghĩ là quá sức.
Ví dụ như câu chuyện chạy marathon. Khái niệm về marathon bắt đầu khi cách đây nhiều năm, ở Hy Lạp (Hy Lạp) có một người đưa tin (người báo tin) phải chuyển thông tin từ một thành phố tên là Marathon đến Athens, anh ta đã chạy 40 km, chuyển được thông tin, sau đó quá kiệt sức nên qua đời. Và bây giờ, có những người chạy marathon mọi lúc mọi nơi.
Và có những người chạy ba môn phối hợp: tức họ chạy marathon trong khi trước đó họ đạp xe 112km và trước đó họ bơi 4 km. Và thậm chí có những người chạy siêu marathon, tức là chạy liên tục 100km không nghỉ.
Vì vậy, Linh thực sự không nghĩ rằng có bất cứ điều gì là “quá sức”. Bạn chỉ còn cách ôm nỗi đau. Điều đó có nghĩa là bạn chấp nhận rằng có một thách thức mà bạn phải vượt qua. Bạn không cố gắng tránh nó, hoặc đi vòng quanh nó. Bạn sẽ chấp nhận thử thách.
Sau đó, vấn đề chỉ là lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Một phần của việc lập kế hoạch này là: quyết định trước những gì bạn sẽ hy sinh để đạt được mục tiêu của mình. Có quyền lực? Tiền bạc? Một lối sống thoải mái? Bởi vì hành trình vượt qua những trở ngại của bạn sẽ rất dài và khó khăn, vì vậy bạn phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh.
Và một khi bạn đã chuẩn bị tất cả những điều đó, thì bạn chỉ cần thực hiện.
Ngày nay trong các lĩnh vực đều có những gương mặt nữ tiêu biểu, với chị – từ góc nhìn khách quan thì trong kinh doanh, thì phụ nữ có lợi thế và điểm yếu nào?
– Về ưu điểm: Linh cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về mọi thứ. Đối với bản thân mình, khi lớn lên, Linh cảm thấy phải có trách nhiệm chăm sóc gia đình vì mình là con cả trong nhà. Và sau đó phải có trách nhiệm với sự nghiệp của mình – kể cả việc lựa chọn tình yêu. Còn bây giờ, Linh cảm thấy trách nhiệm của mình là phải đảm bảo cho các con được học hành đến nơi đến chốn, được ăn ngon và hạnh phúc.
Thật ra, việc phải gánh vác nhiều trách nhiệm là một điều tốt, vì nó đã cho Linh nhiều năng lượng mới và động lực mới nhằm tìm ra những cách làm việc – giải quyết vấn đề sáng tạo, để đạt được những thành quả như ngày hôm nay.
Nhưng đồng thời, đây cũng là một yếu điểm lớn. Ngay lúc này, vì có nhiều trách nhiệm, nên Linh bị stress, thiếu ngủ do quá lo lắng khi làm mãi không hết việc. Vậy nên, Linh luôn phải tự nhắc mình rằng: mình không phải là người lớn duy nhất trong gia đình này, còn có cả ông xã và mẹ nữa. Linh cần sự giúp đỡ từ họ, vì nếu Linh cố gắng làm tất cả mọi thứ một mình, bản thân sẽ rất căng thẳng và kết quả cuối cùng sẽ ít giúp ích cho gia đình hơn.
Việc có em bé có ảnh hưởng hoặc thay đổi như thế nào đến phong cách làm việc/kinh doanh của chị?
– Khi có con, Linh phải thay đổi góc nhìn của mình. Trước đây, Linh từng nghĩ rằng: một ngày làm việc bắt đầu từ 7h30 hoặc 8 giờ sáng và phải tiếp tục suốt cả ngày; sau đó đến 7 – 8 giờ tối mình mới đi về. Nhưng bây giờ, Linh đã linh hoạt hơn. Tại vì bé không ‘làm’ theo giờ của mình, mà mình phải chiều theo nó, khi em bé khóc, mình không thể nói là “hãy chờ chút nữa mẹ mới có thể cho con bú hoặc thay tã”.
Linh đang phải thay đổi lịch của mình, có thể thức dậy sớm hơn ở 3 đến 4 giờ sáng và đi ngủ lúc 9 đến 10 giờ tối. Trong khoảng thời gian đó, mình phải vừa làm vừa dừng lại để chăm sóc gia đình. Có thể nghỉ ngơi để chơi với bé và sau đó sẽ làm việc lâu hơn sau khi em bé ngủ vào ban đêm. Đây là khái niệm mới đối với Linh, mình phải tập trung vào hiệu quả.
Trước đây, khi Linh có 30 phút để làm một việc gì đó, thường sẽ chọn trả lời email vì cảm thấy 30 phút là không đủ để hoàn thành một dự án hoặc vấn đề gì đó phức tạp. Nhưng hiện tại, 30 phút rất quý, nên Linh phải tập trung làm việc liền, như đủ để Linh viết một bài nội dung gì đó dài 3 trang, chứ không thể thong thả xem email hoặc uống nước như trước đây.
Tóm lại, việc có con đã dạy cho Linh ý nghĩa thực sự của câu “tôi không có thời gian”. Và bởi vì thực sự không có thêm thời gian, Linh đã dành từng phút một theo cách hiệu quả nhất có thể. Có như vậy, Linh mới vừa làm tốt công việc vừa chăm sóc được cho gia đình.
4. Linh không ngại khi được gọi là “người đàn bà thép”
Chị có thoải mái khi người khác gọi mình là “đàn bà thép”?
– Khi nghĩ đến “thép”, người ta thường nghĩ về một thứ gì đó cứng và lạnh. Tuy nhiên, nhiều người không nhận ra rằng: thép cũng rất dễ uốn theo nhiều kiểu dáng đẹp, dễ sử dụng và có thể được dùng trong nhiều loại công trình khác nhau.
Vậy nên Linh không ngại khi được gọi là ‘người đàn bà thép’. Linh biết mình là một người mạnh mẽ và độc lập, mặt khác, Linh cảm thấy mình vẫn là một người mềm mại và một đối tác vui vẻ. Linh vẫn luôn sẵn sàng thảo luận về tất cả các chủ đề và quan điểm khác nhau cùng mọi người. Một trong những câu nói yêu thích của Linh là: “Mình không biết những gì mình không biết”.
Linh cố gắng ghi nhớ điều này để bất cứ khi nào không đồng ý với ai đó, Linh sẽ kiên nhẫn lắng nghe tất cả các quan điểm, vì không muốn bỏ lỡ cơ hội học hỏi từ những người xung quanh. Nếu ai đó có thể trình bày một cách logic các ý kiến của họ, Linh sẵn sàng thử luôn giải pháp ấy.
Là một doanh nhân bận rộn, một ngày của chị trải qua như thế nào?
– Tôi nghĩ mọi ngày của tôi đều khác nhau. Tôi luôn cố gắng có được ít nhất 10 tiếng làm việc mỗi ngày; tuy nhiên, 10 tiếng đó không kéo dài liên tục. Đôi khi tôi bắt đầu làm việc lúc 6 giờ sáng và kết thúc lúc 9 giờ tối. Nhưng ở giữa, tôi thường có khoảng nghỉ dài để dành thời gian cho 2 con.
Còn từ 4 đến 6 giờ sáng là phải tập trung vào bản thân, vì mình phải luôn chăm sóc bản thân trước. Sau khi thức dậy, Linh sẽ đặt và ghi ra mục tiêu ngày hôm nay của bản thân. Và cũng vì hơi sớm, Linh sẽ viết một vài bài vì buổi sáng Linh rất tỉnh táo và nhiều cảm hứng sáng tạo. Khoảng 5 giờ, Linh sẽ chạy khoảng 30 phút – vì mình thích chạy, 15-20 phút tiếp theo mình sẽ tập tạ, 15 phút tiếp theo là thiền.
Bắt đầu từ 6 giờ sáng, Linh sẽ phải ‘chạy’, như nấu ăn cho bé, rồi chuẩn bị cho bé đi học, 7h – 7h30 bắt đầu làm việc, khoảng 3 đến 4 giờ chiều sẽ nghỉ – khi bé về. Sau đó chơi với bé khoảng mười mấy phút, rồi trở lại làm việc nữa. Quan trọng nhất là mình phải kỷ luật. Muốn 4h sáng thức giấc, thì khoảng 9 đến 10 giờ tối phải đi ngủ. Đây là một điều rất quan trọng, bạn vào tập trung vào sức khỏe bằng tập thể dục thể thao, ăn uống đủ chất và ngủ đủ giấc; để mình có đủ tinh thần làm việc hiệu quả trong ngày kế tiếp.
Tôi đang thử nghiên cứu rằng mình có nên làm việc lúc 3h30 sáng hay không? Bởi, đây là thời gian yên tĩnh, tôi có thể hoàn toàn tập trung trong 2 tiếng đồng hồ trước khi các con thức dậy. Hiện tại, tôi vẫn đang thử áp dụng nhiều lịch trình và sẽ chia sẻ với mọi người khi tìm được phương pháp hợp lý trong tương lai.
Ngoài chăm chỉ ra thì chị thấy đức tính nào cũng rất cần thiết cho sự thành công?
Linh nghĩ, sự lạc quan là điều quan trọng nhất mà mỗi người cần phải có. Sự lạc quan là thứ sẽ tạo ra động lực để bạn tiếp tục làm việc chăm chỉ. Tại sao là như vậy? Đó là bởi vì từ ‘lạc quan’ là tiền thân của tất cả những phẩm chất cần thiết khác giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc.
Ví dụ, một người lạc quan sẽ có can đảm để thử những điều mới. Và khi họ thử những điều mới, rồi kể cả thất bại – bởi khi chúng ta thử một cái gì đó mới xác suất thất bại tương đối cao, thì một người lạc quan sẽ đứng lên và thử lại. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: kiên trì là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thành công.
Tóm lại, những người lạc quan luôn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời, họ cũng sẵn sàng yêu cầu mọi người giúp đỡ hơn. Họ sẽ làm tất cả những điều cần thiết để đạt được hạnh phúc và thành công.
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Shark Linh: “Tôi rất ủng hộ những bạn trẻ sống độc thân để hết mình dành cho công việc, sự nghiệp”
- Thời gian – Sức lực – Tiền bạc chẳng bao giờ đến cùng lúc: Vì thế dù ở độ tuổi nào, hãy biết trân trọng cuộc sống hiện tại
- CEO Con Cưng: “Cứ 17h30-18h nên đứng dậy đi về, tan làm đúng giờ mới là chuyên nghiệp”