Tình thương của 1 người cha với người con bị bại não suốt 26 năm đã giúp CEO Satya Nadella vực dậy cả đế chế nghìn tỷ USD Microsoft như thế nào?
Mới đây, thông tin người con khuyết tật của CEO Microsoft qua đời đã khiến nhiều người bàng hoàng và tiếc thương. Cậu Zain Nadella mới 26 tuổi là con trai duy nhất của CEO Satya Nadella đã mất vào sáng ngày 28/2/2021.
Sự ra đi của người con trai bị bại não bẩm sinh là một mất mát lớn với cả gia đình Nadella lẫn Microsoft bởi chính chàng trai khuyết tật này đã giúp CEO Satya hiểu về sự đồng cảm, qua đó thay đổi hoàn toàn văn hóa làm việc của công ty.
Cứu tinh của Microsoft
Satya Nadella là một trong số ít những người nhập cư Ấn Độ làm việc tại tập đoàn công nghệ khổng lồ Microsoft. Những dự án đầu tiên của ông có thể kể đến như sản phẩm tương tác truyền hình hay hệ điều hành Windows NT.
Sau một thời gian đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch Microsoft bCentral – nhóm dịch vụ web dành cho doanh nghiệp nhỏ, năm 2001, Nadella trở thành phó chủ tịch Microsoft Business Solutions vốn được hình thành sau hàng loạt thương vụ thâu tóm. Microsoft Business Solutions sau đó đã phát triển hệ thống CRM trên nền tảng đám mây để cạnh tranh với Salesforce.

Nhiều năm sau đó, sự nghiệp của Satya Nadella tiếp tục thăng tiến. Tới tháng 2/2011, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Bộ phận Công cụ và Máy chủ chuyên giám sát các sản phẩm cho trung tâm dữ liệu Microsoft, chẳng hạn như Windows Server.
Dưới sự vận hành của Nadella, doanh thu bộ phận này tăng gần 4 tỷ USD chỉ sau vỏn vẹn 2 năm. Tuy nhiên, lúc này, Microsoft lại lâm vào một rắc rối lớn khi Windows 8 trở thành thảm họa, còn nhu cầu đối với PC sụt giảm nghiêm trọng. Các dòng smartphone lúc bấy giờ cũng vượt trội hơn hẳn so với các sản phẩm của Microsoft.
Đến tháng 2/2014, sau nhiều đồn đoán, Microsoft tuyên bố Nadella chính thức trở thành CEO mới của công ty. Một công cuộc cải tổ bắt đầu từ đó.
Ông cho phép hệ điều hành đối thủ Linux chạy trên dịch vụ đám mây Windows Azure, ra mắt bộ công cụ văn phòng Microsoft Office cho iPad của Apple, một số ứng dụng cho iPhone và smartphone chạy hệ điều hành Android…

Dưới “triều đại” Nadella, Microsoft được bước sang kỷ nguyên mới, nơi hàng loạt những quy luật bất biến trước đó được xóa bỏ. Gã khổng lồ Microsoft khi đó thực sự bừng tỉnh và từng bước quay lại vị thế vốn có của nó.
Đến tháng 6/2021, Satya Nadella nhận được sự ủng hộ từ hội đồng quản trị Microsoft cho vị trí chủ tịch công ty, bên cạnh vai trò CEO hiện tại. Đây là lần đầu tiên Microsoft có một lãnh đạo đảm nhận đồng thời hai vị trí.
Phong thái dị biệt
Trong 1 bài phỏng vấn của hãng tin Bloomberg năm 2017, CEO Nadella đã thừa nhận rằng việc nuôi dạy những người con khuyết tật, kiên trì với chúng suốt bao năm cùng tình thương của cha mẹ đã giúp ông hiểu rất rõ về sự đồng cảm trong xã hội.
Sự đồng cảm này không chỉ thể hiện ở việc Microsoft tập trung thiết kế các sản phẩm phục vụ người khuyết tật tốt hơn dưới thời Nadella mà còn ở văn hóa công ty.
Ngay khi lên nắm quyền vào tháng 2/2014, một trong những hành động đầu tiên của CEO Nadella là yêu cầu tất cả các giám đốc điều hành cấp cao đọc cuốn sách “Giao tiếp bất bạo động” (Nonviolent Communication) của Marshall Rosenberg.

Tác phẩm này đề cao sự hiệu quả trong giao tiếp thông qua lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và thấu hiểu hơn là sự cạnh tranh hay phán xét người khác.
Vậy là Nadella ngay từ đầu đã tuyên bố rằng mình muốn thay đổi văn hóa làm việc của công ty phần mềm thuộc hàng lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Điều này đi ngược lại phong cách của những nhà điều hành cũ. Trong khi nhà sáng lập Bill Gates nổi tiếng vì thói soi mói, mắng mỏ nhân viên hay Steve Ballmer tán thành chiến thuật kinh doanh cứng rắn khiến đối thủ sợ hãi, khách hàng ghét bỏ thì Nadella lại rất mềm mỏng.
Tờ Fortune nhận định việc chịu ảnh hưởng từ Phật giáo cũng như tình thương của người cha với những đứa con khuyết tật suốt nhiều năm đã đem đến cho Nadella một phong thái hoàn toàn khác. Vị CEO này nổi tiếng bình tĩnh ngay cả trong những tình huống tranh cãi nảy lửa nhất và luôn biết dùng sự tích cực để động viên.
Người cha hết mực thương con
Nổi tiếng với tài dẫn dắt Microsoft, song ít ai biết được rằng, vị CEO này đã phải trải qua 26 năm đầy nước mắt cùng người con trai mắc bệnh bại não. Anh tên là Zain Nadella, vừa qua đời vì căn bệnh quái ác, hưởng dương 26 tuổi.
Tất cả đều bàng hoàng. Toàn bộ nhân viên của Microsoft hiện đang cầu nguyện cho gia đình Satya Nadella và cho họ khoảng thời gian riêng để vượt qua nỗi mất mát này.
“Zain sẽ được mọi người nhớ đến với gu âm nhạc tinh tế, nụ cười tỏa nắng cùng niềm vui vô bờ bến mà cậu mang lại cho gia đình và tất cả những người thân yêu”, Jeff Sperring, Giám đốc điều hành của Bệnh viện Nhi nói.

Được biết cậu bé Zain từ khi sinh ra đã chỉ nặng 3 pound (khoảng 1,35 kg). Con bị khiếm thị, giao tiếp hạn chế, liệt tứ chi và phải phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn.
Nadella và vợ ông, Anu, khi đó vô cùng tuyệt vọng. Họ không biết làm gì khác ngoài kêu khóc với trời: “Tại sao điều này lại xảy ra với vợ chồng tôi chứ?”.
Tuy nhiên, CEO Microsoft sau đó đã sốc lại được tinh thần. Ông tập quen với việc làm cha của một người con bại não, chăm sóc và dành phần lớn thời gian bên con tại viện Seattle Children’s – nơi Zain được điều trị.

“Đã có khoảng thời gian tôi suy sụp hoàn toàn. Tôi buồn vì những thứ tồi tệ diễn ra với tôi và Anu. Rất may, cô ấy đã giúp tôi nhận ra nhiều điều. Từ những gì xảy ra với Zain, tôi đồng cảm với nỗi đau của con và nhận ra trách nhiệm của mình, với tư cách là cha của Zain”, CEO Nadella chia sẻ.
Gia đình ông sau đó đã quyên góp 15 triệu USD cho Seattle Children’s để hỗ trợ lĩnh vực y học thần kinh và chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Viện. Ông và bà Anu cũng góp công thành lập Zain Nadella Endowed Chair in Pediatric Neurosciences như một phần của Trung tâm Nghiên cứu Não Tích hợp của Seattle Children’s.
“Là cha, là mẹ, cuộc sống của chúng tôi xoay quanh nhu cầu của các con. Hy vọng rằng, trong quá trình tôn vinh hành trình chiến đấu căn bệnh quái ác của Zain, chúng tôi đã có thể đóng góp một chút cho công cuộc chăm sóc thế hệ trẻ tương lai”, bà Anu Nadella chia sẻ.

Anu và những gì xảy ra với Zain đã dạy tôi nhiều điều. Tôi biết cách tha thứ cho bản thân. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo và cũng không ai trong chúng ta sẽ hoàn hảo cả.
CEO Microsoft
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, CEO Nadella nhớ lại khoảng thời gian đến thăm Zain trong phòng chăm sóc đặc biệt của Seattle Children’s. Ông nhận ra mọi thiết bị y tế ở đó đều chạy Windows – sản phẩm của Microsoft.
“Đó là lời nhắc nhở sâu sắc, rằng công việc của chúng tôi tại Microsoft đã vượt lên trên cả sứ mệnh thông thường. Nó giúp con trai tôi có thể sống”, ông bộc bạch. “Zain đã trải qua rất nhiều ca phẫu thuật gian khổ và con đã phải nhờ cậy vào các thiết bị y tế của Microsoft. Con đã dạy tôi bài học về trách nhiệm của một công ty nền tảng, một công ty công nghệ”.
Chia sẻ với Bloomberg, CEO Microsoft cho biết chính những khó khăn trong quá trình chăm sóc các con đã dạy ông cách yêu thương và thấu cảm. “Nhiều người cho rằng thấu cảm là đức tính mà bạn vốn có sẵn. Tôi cho rằng đây là ưu tiên hàng đầu trong một doanh nghiệp. Công ty của bạn sẽ chẳng thể nào đáp ứng được nhu cầu khách hàng nếu không biết lắng nghe”, CEO Microsoft chia sẻ.
Ông cũng nói thêm rằng gia đình cảm thấy rất biết ơn và may mắn khi trong suốt những năm tháng qua, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Seattle đã hết mực quan tâm Zain.

“Anu và những gì xảy ra với Zain đã dạy tôi nhiều điều. Tôi biết cách tha thứ cho bản thân. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo và cũng không ai trong chúng ta sẽ hoàn hảo cả. Hãy lắng nghe nhiều hơn. Tôi nghĩ tôi thành công được như ngày hôm nay cũng là nhờ biết đối diện với những sai lầm và thiếu sót của chính mình”.
Trọng sinh
Ngay từ những ngày đầu lên nắm quyền, CEO Nadella đã hiểu rằng mọi thứ phải thay đổi nhanh chóng bởi Microsoft đang lụi tàn. Tập đoàn đã thua trận trong cuộc chiến smartphones. Nguồn doanh thu chính của hãng từ giấy phép kinh doanh phần mềm đang bị xói mòn khi các doanh nghiệp dần chuyển sang dùng điện toán đám mây.
Trong khi những ông lớn như Amazon thành công với điện toán đám mây thì Microsoft vẫn dựa dẫm vào nguồn thu từ bản quyền phần mềm. Thậm chí chính những nỗ lực dịch chuyển sang các mảng mới của công ty cũng gặp nhiều lực cản từ nội bộ.
Hệ quả là dù lợi nhuận cao nhưng cổ phiếu của hãng vẫn đi ngang bởi các nhà đầu tư đều nhìn thấy tương lai xám xịt của tập đoàn. Trên thị trường công nghệ, việc không có đổi mới, cải tiến đồng nghĩa với việc bị bỏ lại phía sau. Bài học của Nokia và Apple là minh chứng quá rõ ràng.

CEO Nadella hiểu được điều này và ông tin rằng trọng tâm thay đổi của Microsoft trước tiên phải nằm ở văn hóa làm việc, xây dựng kỹ năng, tư duy đồng cảm với mọi người, với đồng nghiệp và khách hàng mới là yếu tố tiên quyết.
Tiếp theo đó mới là định hướng đầu tư cái gì bởi nếu không hiểu được cuộc khủng hoảng mà công ty phải đối mặt, không hiểu được khách hàng muốn gì mà cứ ngồi trên đống lợi nhuận từ bản quyền phần mềm thì Microsoft sẽ trở thành Nokia thứ 2.
Vậy là CEO Nadella, với 26 năm nuôi dạy những người con khuyết tật đã tỏ rõ rằng văn hóa hung hăng cũ kỹ của Microsoft không còn được hoan nghênh nữa. Vị lãnh đạo này không bao giờ cao giọng hay thể hiện sự tức giận với bất kỳ ai. CEO mới của Microsoft luôn cố gắng tạo môi trường làm việc thoải mái nhất cho mọi người, không viết email cục xúc hay la mắng trong cuộc họp.
Thậm chí ngay cả với đối thủ, Nadella cũng sẵn sàng hợp tác chứ không cạnh tranh gay gắt như văn hóa cũ. Vị CEO này đạt được thỏa thuận với Salesforce, vốn cạnh tranh với CRM của Microsoft. Nadella cũng ký kết được với Linux Red Hat, đối thủ với Windows Server của hãng, cho việc sử dụng mảng điện toán đám mây Azure của Microsoft.
Nhờ sự đồng cảm và mềm dẻo mà chỉ 4 năm sau khi nhậm chức, Nadella đã tách được nhóm phát triển Windows cũ thành 2 đội ngũ riêng biệt, qua đó chính thức chấn chỉnh nội bộ, giảm bớt sự phụ thuộc vào bản quyền phần mềm để dồn lực phát triển công nghệ mới.
Những cố gắng của Nadella đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tổng mức vốn hóa của Microsoft tăng từ 300 tỷ USD lúc mới lên nắm quyền đến 2,5 nghìn tỷ USD, qua đó trở thành công ty giá trị nhất thế giới, ngang ngửa với Apple hay Google. Mảng điện toán đám mây hiện thu về lợi nhuận cao thứ 2 cho Microsoft trong khi các dịch vụ khác vẫn tăng trưởng.
Rõ ràng, trong khi Microsoft tàn phế dần thì CEO Nadella, với kinh nghiệm nuôi dưỡng 26 năm người con khuyết tật của mình bằng tình thương của người cha đã vực dậy cả tập đoàn nhờ bí quyết cảm thông, nhẫn nại.
Nguồn: Fortune, Bloomberg
Xem thêm bài liên quan
- Bài diễn thuyết gây tranh cãi của Tỷ phú Lý Gia Thành: Làm công là cách đầu tư ngu ngốc nhất
- Huyền thoại thiết kế của Apple – Jonathan Ive: “Thật ra 10 năm nay tôi toàn ngồi chơi vì tất cả các mẫu iphone đều do cộng đồng mạng tự thiết kế”
- Tỷ phú giàu nhất lịch sử Rockefeller chia sẻ 5 nguyên tắc “bất di bất dịch” mà ai cũng nên biết: Người làm việc cả ngày là người không kiếm được tiền