Tỷ phú Jeff Bezos cam kết sẽ cho đi phần lớn khối tài sản trị giá 124 tỷ USD để làm từ thiện, nhưng thừa nhận rằng việc đảm bảo hiệu quả cũng khó như xây dựng đế chế Amazon.
Đây là lần đầu tiên tỷ phú Bezos đưa ra cam kết hiến tặng phần lớn tài sản của mình. Cam kết được đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN của nhà sáng lập Amazon và bạn gái Lauren Sanchez.
Vị tỷ phú 58 tuổi, người giàu thứ tư thế giới, theo danh sách tỷ phú của Forbes, đã nêu cam kết trên sau khi tặng 100 triệu USD cho ca sĩ nhạc đồng quê Dolly Parton để trao cho các tổ chức từ thiện mà cô lựa chọn trong khuôn khổ giải thưởng Courage and Civility thường niên, Guardian đưa tin hôm 14/11.
Trước đó, nhà sáng lập Amazon từng bị chỉ trích vì không có nhiều đóng góp cho hoạt động từ thiện so với một số tỷ phú khác.
Ông Bezos và bạn gái Lauren Sánchez cho biết họ đang xem xét cách tốt nhất để phân bổ tài sản của ông cho những mục đích chính đáng. Theo ông, phần khó trong việc này là tìm ra cách thực hiện để điều đó có thể tạo ra đòn bẩy.
“Xây dựng Amazon không hề dễ dàng. Điều đó mất rất nhiều công sức và cần những người đồng đội thông minh. Hoạt động từ thiện cũng vậy. Nó thực sự khó và bạn cũng có thể làm những thứ không hiệu quả theo rất nhiều cách. Chúng tôi đang xây dựng năng lực để có thể cho đi số tiền này”, vị tỷ phú nói trong cuộc trả lời phỏng vấn cùng bạn gái Lauren Sanchez cho đài CNN.
Khi được CNN hỏi trực tiếp liệu ông có ý định quyên góp phần lớn tài sản của mình trong suốt cuộc đời hay không, ông Bezos đã khẳng định “tôi có”.
100 triệu USD cho Parton là khoản quyên góp thứ ba mà ông Bezos đã thực hiện như một phần trong giải thưởng Courage and Civility của mình.
Trước đó, ông đã có khoản tài trợ tương tự cho đầu bếp José Andrés và nhà vận động khí hậu Van Jones.
“Những gì cô ấy muốn làm là mang lại ánh sáng cho thế giới của những người khác. Và vì vậy, chúng tôi không thể nghĩ ra ai tốt hơn khi trao giải thưởng này cho Dolly, và chúng tôi biết cô ấy sẽ làm được những điều tuyệt vời với nó”, bà Sánchez nói.
Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng ông Bezos nên tập trung nhiều vào việc trả lương và các điều kiện làm việc cho nhân viên Amazon như việc quyên góp tiền cho hoạt động từ thiện.
Amazon sẽ sa thải 10.000 nhân sự ngay trong tuần này?
Hôm 14/11, Amazon đã tiết lộ kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân viên trong những ngày tới. Đây là đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất trong lịch sử gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử này.
Nguồn tin của New York Times tiết lộ, đây sẽ là đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất lịch sử Amazon. Đợt cắt giảm này tập trung vào bộ phận thiết bị của công ty, bao gồm trợ lý ảo Alexa, cũng như bộ phận bán lẻ, nhân lực.
Tổng số bị sa thải chưa rõ ràng, song con số xấp xỉ gần 10.000 người, tương đương với 3% khối văn phòng và chưa tới 1% lực lượng lao động toàn cầu. Hiện tại, Amazon tuyển dụng hơn 1,5 triệu người, chủ yếu là nhân viên theo giờ.
Kế hoạch sa thải ngay trước mùa mua sắm bận rộn nhất năm cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đang gây áp lực lớn thế nào đến các doanh nghiệp từng tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch. Amazon cũng sẽ là hãng công nghệ lớn nhất tiến hành thu hẹp quy mô nhân sự. Đầu năm nay, gã khổng lồ thương mại điện tử vẫn còn tăng gấp đôi mức trần thưởng tiền mặt cho nhân viên xét tới thị trường nhân sự cạnh tranh.
Mô hình kinh doanh thay đổi cùng môi trường vĩ mô khó đoán gây ra hàng loạt các vụ sa thải trong ngành công nghệ. Elon Musk đuổi việc một nửa nhân viên Twitter sau khi thâu tóm. Meta – công ty mẹ Facebook – cũng vừa cho 11.000 người ra đi. Lyft, Stripe, Snap và các hãng khác trong ngành cũng không thoát khỏi số phận này.
Trong thời gian Covid-19 bùng phát, Amazon lập kỷ lục lợi nhuận khi người dùng chuyển đổi thói quen mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến, còn doanh nghiệp chuyển lên “đám mây” nhiều hơn bao giờ hết. Amazon tăng gấp đôi nhân sự trong 2 năm và thừa thắng xông lên với việc mở rộng nhà kho, đầu tư tìm kiếm “cỗ máy kiếm tiền” tiếp theo.
Dù vậy, đầu năm 2022, Amazon ghi nhận tăng trưởng chậm nhất trong hai thập kỷ. Chi phí vận hành tăng mạnh trong khi khách hàng lại quay về thói quen mua sắm cũ, kết hợp với lạm phát cao ảnh hưởng xấu đến doanh số. Tuy hồi phục nhẹ trong quý III, Amazon cảnh báo nhà đầu tư tăng trưởng sẽ yếu trở lại, có thể là chậm nhất kể từ năm 2001.
Công ty đã thắt lưng buộc bụng trong quá khứ và sẽ làm như vậy một lần nữa. Theo nguồn tin của New York Times, ban lãnh đạo Amazon đã gặp gỡ các nhà đầu tư lớn khi cổ phiếu “chạm đáy”, thổi bay 1.000 tỷ USD vốn hóa kể từ khi ông Andy Jassy tiếp quản chiếc ghế CEO.
Ông đang theo dõi sát sao các bộ phận để cắt giảm chi phí. Vài tháng gần đây, hãng đóng cửa hoặc thu hẹp một số dự án, bao gồm dịch vụ khám bệnh từ xa Amazon Care, robot giao hàng Scout… Từ tháng 4 tới tháng 9, khoảng 80.000 nhân viên Amazon bị cho thôi việc, chủ yếu làm theo giờ.
Amazon đóng băng tuyển dụng tại một số đội nhóm trong tháng 9. Vào tháng 10, công ty ngừng tuyển dụng trên mọi bộ phận trong ít nhất vài tháng tiếp theo.
Thiết bị và Alexa luôn nằm trong thế bấp bênh. Alexa và thiết bị liên quan trở thành ưu tiên hàng đầu của Amazon trong cuộc đua trợ lý giọng nói. Từ năm 2017 đến 2018, Amazon tăng gấp đôi số lượng nhân viên phát triển Alexa và thiết bị Echo lên 10.000 kỹ sư. Dù bán được hàng trăm triệu sản phẩm, chúng có biên lợi nhuận thấp và các nguồn thu khác từ Alexa không đáp ứng được kỳ vọng.
Một nguồn tin tiết lộ, năm 2018, Alexa và Echo lỗ khoảng 5 tỷ USD.