Những khách đến quán cà phê, gọi một ly nước loại rẻ tiền nhất rồi ngồi học hoặc làm việc nhiều giờ khiến các chủ quán rất khó chịu vì kinh doanh bị ảnh hưởng.
Mấy ngày gần đây, các diễn đàn mạng xã hội Hàn Quốc đang dậy sóng vì một bài đăng chia sẻ cách đuổi khéo khách ngồi dai tại quán cà phê. Một số mẹo phổ biến nhất gồm tắt Wi-Fi và giả vờ như không biết; quy định phải gọi món mới sau mỗi hai tiếng; dán thông báo không sử dụng laptop hay thậm chí là bịt ổ cắm điện.
Nhóm khách hàng bị đuổi khéo này ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc và được gọi bằng biệt danh “ka-gong” hay “ka-gong-zok” (cà học) ghép từ “cà phê”, “học tập” – tức những người đến quán cà phê để học bài trong nhiều giờ.
Trong phóng sự mới lên sóng của kênh truyền hình YTN, một ông chủ tiết lộ, giai đoạn gần các kỳ thi, quán của ông tràn ngập ka-gong. Họ buộc phải dùng mẹo mở nhạc âm lượng lớn hoặc các bài hát bị cấm để ka-gong khó chịu và rút lui sớm.
Các chủ quán cà phê cho biết, công việc kinh doanh của họ đang ngày càng khó khăn khi mọi chi phí đầu vào đều tăng, điển hình nhất là giá điện.
Trong khi đó, ka-gong chỉ gọi một món đồ uống rồi ngồi rất lâu, tranh thủ sạc laptop, máy tính bảng, điện thoại. Điều này càng gia tăng gánh nặng chi phí cho quán.
Theo chia sẻ của một chủ quán khác trên YTN, dù tiền điện tăng khoảng 10%, họ có cảm giác như đã tăng 20-30% vì quá sốt ruột với những ka-gong.
Những năm trước, tiền điện cao nhất từ tháng 6 tới tháng 8, khoảng 1,2 – 1,3 triệu won. Năm nay, trong tháng 1 hóa đơn đã lên tới 1,5 triệu won. Như vậy, tiền điện vào mùa cao điểm có thể vượt quá 2 triệu won.
Bên cạnh đó, họ phải chịu các chi phí cố định như thuê mặt bằng, nhân công, tủ lạnh, máy pha cà phê, lò vi sóng cũng tăng. Với các quán hạn chế chỗ ngồi, ka-gong ảnh hưởng lớn đến hệ số quay vòng bàn và doanh số.
Ka-gong không chỉ gồm học sinh, sinh viên mà có cả các gia sư. Họ thường gọi cà phê rồi ngồi dạy học khoảng 3 đến 4 tiếng. Nỗi lo của chủ quán càng trầm trọng khi họ chỉ gọi Americano – món rẻ nhất trong thực đơn, trung bình 3.000 won rồi ngồi đó làm việc.
Một khảo sát năm 2017 của website việc làm Albamon chỉ ra, mọi người thích đến quán cà phê học bài vì cảm thấy thoải mái hơn ở thư viện. Âm thanh trong quán cũng giúp họ tập trung hơn.
“Vào cuối tuần, các gia đình thường ghé đến rồi bỏ đi vì không có chỗ ngồi trong khi ka-gong đi một mình chiếm chiếc bàn 4 ghế. Hoạt động của quán ngày một khó khăn nhưng dường như họ không đếm xỉa điều đó”, một chủ quán giấu tên trải lòng.
Một số chủ quán đã phải đặt biển “Cấm học bài” tại quầy để ngăn chặn ka-gong. Tuy nhiên, họ cũng bị khách hàng phàn nàn vì không thể làm những việc mình muốn khi đã trả tiền cà phê.
Trong ngành nhà hàng, đôi khi phải “miễn phí” thì mới có lợi nhuận
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao doanh nghiệp lại chấp nhận bán lỗ một vài món hàng hay thậm chí là miễn phí cho khách chưa? Nếu họ bán lỗ thì làm sao có thể tồn tại được?
Trên thực tế, đa số các công ty bán nhiều loại hàng và để tồn tại, họ không nhất thiết phải tính giá bán của từng mặt hàng cao hơn chi phí sản xuất.
Doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo rằng tổng doanh thu của tất cả các mặt hàng bán ra bằng hoặc cao hơn tổng chi phí tương ứng.
Như vậy nếu giá tiền các món khai vị, tráng miệng và các món khác đảm bảo mức lợi nhuận biên đủ nhiều thì nhà hàng có thể miễn phí nước lọc mà vẫn tồn tại được.
Thế nhưng tại sao nhà hàng lại phải miễn phí nước lọc? Điều này không phù hợp với logic về cạnh tranh hoàn hảo, theo đó khách hàng phải trả toàn bộ chi phí cho bất cứ hàng hóa hay dịch vụ tăng thêm nào họ mua.
Thực tế thì cạnh tranh không bao giờ hoàn hảo. Trong ngành nhà hàng cũng như nhiều nghề khác, chi phí trung bình để phục vụ mỗi khách hàng tỉ lệ nghịch với số lượng khách được phục vụ. Càng đông khách thì chi phí để phục vụ càng rẻ và họ sẽ có càng nhiều lợi nhuận trên mỗi hóa đơn hơn khi đông khách.
Khi không có nhà hàng nào cung ứng nước lọc miễn phí thì chi nhánh nào làm điều đó sẽ thu hút được nhiều khách hơn, qua đó tăng lợi nhuận bởi chi phí phát sinh thêm cho mỗi lần thêm nước miễn phí là không đáng kể.
Để hình thức khuyến mãi này đạt hiệu quả, lợi nhuận nhà hàng thu được từ các bữa ăn bán được thêm phải cao hơn chi phí tiền nước lọc miễn phí cho khách.
Vì lợi nhuận biên của nhà hàng trên các bữa ăn tăng thêm thường lớn hơn chi phí phát sinh do miễn phí nước lọc nên tổng lợi nhuận của nhà hàng sẽ tăng.
Đến tận đây chắc chắn bạn sẽ hỏi nếu các nhà hàng đều thêm nước miễn phí thì điều gì sẽ xảy ra?
Đúng vậy, nếu các nhà hàng đều thêm nước miễn phí thì số lượng khách mỗi nơi sẽ chẳng thay đổi so với khi chưa áp dụng khuyến mãi. Vì lợi nhuận biên trong ngành kinh doanh nhà hàng thường ít nên việc miễn phí nước lọc có vẻ sẽ gây lỗ cho nhiều nhà hàng.
Tuy nhiên điều này chỉ xảy ra khi nhà hàng vẫn giữ nguyên giá các loại đồ uống hay món ăn khác. Thay vì bù đắp lợi nhuận qua gia tăng số lượng khách, nhà hàng sẽ tăng giá chút ít các đồ uống và món ăn khác.
Vậy là dù lượng khách có thể không tăng theo lý thuyết nhưng nhà hàng vẫn đảm bảo được lợi nhuận khi thêm nước lọc miễn phí.
Trên thực tế, nhiều thực khách sẵn sàng chi thêm một khoản nhỏ cho các đồ uống khác để cảm thấy thoải mái gọi thêm nước lọc miễn phí. Khi phong trào khuyến mãi nước lọc lắng xuống, nhà hàng vẫn có thể duy trì chương trình này để thu hút khách mà không sợ lỗ.
Bên cạnh đó, không phải thực khách nào cũng uống quá nhiều nước lọc miễn phí và đa số thường gọi thêm đồ. Vậy là nếu không quá 10% chỉ gọi nước lọc miễn phí thì nhà hàng gần như chắc chắn sẽ có lời.
Hãy cư xử với “thượng đế” thật tế nhị
Ở Singapore có một điều khá thú vị. Khi khách hàng vào một tiệm thức ăn nhanh, ở đó cũng có những bạn học sinh đang đọc sách hoặc làm việc. Bên cạnh đó sẽ thấy một tấm bảng với dòng chữ: “Chúng tôi khuyến khích bạn đọc sách, học tập ở đây nhưng xin bạn hãy nhường chỗ cho những vị khách muốn thưởng thức bữa ăn khi quán đông nhé”.
Một cách hết sức tế nhị và làm hài lòng cả đôi bên. Tại sao chúng ta không thử áp dụng như vậy thay vì tranh cãi vì sự ích kỷ của cả người bán lẫn người mua?
Theo Daum, MK, YTN/Vnexpress
Xem thêm bài liên quan
- Giải bài toán khách gọi một ly nước rồi ôm laptop “cắm rễ” cả ngày ở quán cà phê, khiến nhiều chủ quán “khóc thét” vì sắp phá sản
- Học được gì từ chiến lược kinh doanh của chuỗi cà phê The Coffee House: Khách hàng không là thượng đế mà lấy khách hàng là trung tâm
- Cà phê Tứ Phủ thất bại và bài học kinh doanh: Đầu tư 15 tỷ đồng, thuê mặt bằng 280 triệu/tháng, trang trí phong cách Đạo Mẫu nhưng đóng cửa sau một năm?