Câu hỏi “nên làm chủ hay làm thuê?“ và loạt triết lý về đầu tư, làm chủ tài chính, tiền bạc của các chủ tịch tiếng tăm trên thương trường khiến bạn phải suy ngẫm.
Đầu tư, kinh doanh và làm chủ tài chính cá nhân đang là một trong những mục tiêu hàng đầu của người trẻ. Thế nhưng giữa muôn hình vạn trạng cách đầu tư, không phải ai cũng biết nắm cho mình đâu mới là thứ phù hợp nhất cũng như những lời khuyên hữu ích cho con đường sau này.
Lên sóng tập thười gian, series chương trình Tự do Tài chính – MoneyTalk với đa dạng câu chuyện của các vị chủ tịch máu mặt đang được rất nhiều dân mạng chú ý vì chủ đề đánh đúng thắc mắc trong tài chính của giới trẻ.
Trong suốt gần 1 tiếng 30 phút phát sóng, dưới sự dẫn dắt của BTV Ngọc Trinh, 2 vị Guru là ông Trần Thanh Tân – Founder và Phó Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam và bà Nguyễn Thị Mai Thanh – TGĐ Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE liên tục chia sẻ những kinh nghiệm hay ho của mình. Bên cạnh đó, hai vị doanh nhân dày dặn trên thương trường cũng đưa ra hàng loạt những phát ngôn đầy ấn tượng về chuyện đầu tư, kinh doanh hay làm chủ.
Làm chủ hay làm thuê?
Trong sâu thẳm tất cả những người đi đầu tư, bản chất là đưa tiền cho một bên nào đó, mong rằng bên đó sẽ đem lại lợi nhuận cho mình. Đó chính là cách để mình cảm thấy mình là ông chủ, không cần làm gì cũng có người đi cày cuốc kiếm tiền về. Đây là chia sẻ của BTV Ngọc Trinh trong chương trình “Tự do tài chính – Money Talk”.
“Làm chủ hay làm thuê?” là chủ đề lớn mà chương trình đem tới để cùng đưa ra thảo luận cùng với ông Trần Thanh Tân – Founder và Phó Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), công ty quản lý quỹ có lịch sử hoạt động lâu đời và tổng tài sản quản lý lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam và bà Nguyễn Thị Mai Thanh – TGĐ Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE, người từng được Tạp chí Forbes vinh danh trong Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
“Làm chủ hay làm thuê?” cũng là câu hỏi mà rất nhiều người trẻ phải đối mặt. Đại đa số những người được hỏi câu này đều lựa chọn muốn được “làm chủ”. Mỗi cá nhân lại có một lý do khác nhau cho đáp án của mình. Có người muốn được tự chủ hơn về thời gian, chi tiêu và các quyết định; có người muốn trở thành người truyền cảm hứng và cống hiến cho xã hội; hoặc muốn làm chủ chính bản thân đầu tiên, sau đó tiến tới độc lập tài chính…
Vì bản thân hai vị khách mời đều từng là người đi làm thuê, sau đó mới vươn lên để thành người làm chủ, họ cũng có những nhận định của riêng mình khi chia sẻ về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh rất tán đồng tinh thần của các bạn trẻ hiện nay. Bà cũng cho rằng, với điều kiện kinh doanh ngày nay, mọi người hoàn toàn có thể làm chủ thông qua những mô hình công ty 1 người, hoặc 2-3 người.
Ở mặt khác, bà cũng đưa ra lời khuyên: “Việc làm chủ cũng đặt ra rất nhiều vấn đề để đưa công ty ngày một lớn lên, phát triển những bước tiếp theo như thế nào. Công ty sẽ không thể chỉ có 2-3 người mãi, mà nó cần phải lớn mạnh, phải tăng trưởng không ngừng. Thời gian làm thuê sẽ là thời gian để mình không ngừng học hỏi rất nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, mình cũng đang tự làm chủ chính bản thân, làm chủ công việc, làm chủ một phần trách nhiệm.“
Ông Trần Thanh Tân cho rằng: “Chắc chắn một điều, ai cũng muốn làm chủ cuộc đời mình nhưng tùy thời điểm, tùy giai đoạn, mình có thể chủ động làm chủ hay làm thuê cho phù hợp. Khi bản thân tôi 18 tuổi đã có suy nghĩ khởi nghiệp rồi.”
“Với hai bàn tay trắng, nếu không làm gì đó thì sẽ không thể tự nuôi mình ăn học, vươn lên và tự lo cho bản thân được. Sau đó, khi đi làm ở một công ty, việc huy động 100 triệu USD của quỹ đầu tiên thất bại đã khiến ông nảy ra suy nghĩ: Có nhất thiết phải cần tới 100 triệu USD hay không”, đây là những suy nghĩ ban đầu của ông Trần Thanh Tân.
Những nhà lãnh đạo bản lĩnh chia sẻ quan điểm về câu hỏi người trẻ nên làm chủ hay làm thuê. Ảnh: Moneytalk
Năm 1994, khi mới 26 tuổi, ông Tân đã quyết định thành lập Dragon Capital. Ông cho biết: “Thời điểm đó, khái niệm làm chủ hay làm thuê còn chưa định hình quá rõ như hiện nay. Chúng ta chỉ thực sự theo đuổi đam mê của mình. Khi chúng ta yêu thích và hết lòng vì công việc thì một ngày nào đó nhất định sẽ thành người làm chủ.“
Nữ TGĐ Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE cũng tán đồng với chia sẻ này vì bản thân bà chỉ hết mình với công việc hiện tại, rồi cơ hội để làm chủ đã tự đến khi thời cơ chín muồi.
Khi bản thân chúng ta hoàn thiện công việc tốt đẹp, tạo ra giá trị cho mình thì lúc đó không cần đòi hỏi “Tại sao tiền lương của mình ít vậy?”, “Tại sao tiền thưởng của mình không tương xứng với công sức?” mà tự lãnh đạo đã trao cơ hội.
Đây chính là cách bà Nguyễn Thị Mai Thanh được ngồi vào vị trí Giám đốc, là bước khởi đầu trên con đường làm chủ bản thân.
Cùng điểm lại những phát ngôn về đầu tư – tiền bạc của các chủ tịch tiếng tăm trên thương trường là gì nhé!
1. Đời người không cần đến 100 tỷ. Nếu bạn đủ thông minh, kiên trì, có phương pháp đầu tư và kỷ luật, đôi khi chỉ cần 5 tỷ bạn có thể sống cả đời.
2. Đồng tiền không phải là giá trị tất yếu nhưng nó là nền tảng.
3. Nếu đó là nỗi sợ, hãy đâm đầu thẳng vào nỗi sợ.
4. Mỗi một người đã đạt được vị thế trong xã hội đều có một cách làm riêng. Việc vung tiền để tạo sức ảnh hưởng cũng là một cách.
5. Đầu tư nếu chỉ tham tham chạy theo lợi nhuận, không biết công ty đó làm việc như thế nào, không được pháp luật bảo vệ thì bạn phải trả giá.
6. Muốn có high return thì phải chấp nhận high risk.
7. Khi làm thuê cũng chính là làm chủ bản thân mình.
8. Nếu bạn yêu thích công việc, có tố chất – Tin tôi đi, một ngày nào đó bạn sẽ làm chủ.
9. Tôi chưa thấy ai làm thuê mà giàu, hơi hiếm! Nếu muốn giàu thì hãy làm chủ. Khi làm thuê thì bạn đối diện với 1 ông chủ, nhưng khi làm chủ thì đối diện với hàng tỷ ông chủ khác nhau.
10. Làm trong ngành tài chính, chúng ta phải đủ tự tin để nghĩ bất cứ điều gì cũng phải làm được, dù là lên mây bắt cá.
11. Mình làm việc tốt là tạo giá trị cho mình để mình có thể làm chủ.
12. Ở môi trường tài chính khắc nghiệt, đòi hỏi người lao động trong 1 công ty phải sáng tạo, chủ động và linh hoạt – Em không có nên em fail.
13. Tôi biết mình là người như thế nào, nên những lời chê hay khen đều không ảnh hưởng đến tôi.
14. Công ty muốn lao động phải suy nghĩ vượt quá cái trần nhà thì lương phải 100 triệu.
15. Kinh nghiệm chẳng qua tích lũy từ sự vấp ngã mà thôi!
“Tự do tài chính” là một sản phẩm talkshow truyền hình đầu tiên của Việt Nam, cung cấp cho người xem kiến thức bài bản, bổ ích về quản lý tài chính cá nhân, cũng như những thông tin phong phú hấp dẫn về thế giới tài chính Việt Nam và quốc tế.
Là sự kết hợp giữa dạng talkshow truyền hình và hình thức streaming trực tiếp, “Tự do tài chính” là chương trình kế thừa những thành tựu TV show đặc sắc của thế giới, từ đó cấu trúc lại để phù hợp với văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Host của chương trình là biên tập viên Dương Ngọc Trinh – gương mặt đã định hình dấu ấn 15 năm quen thuộc nhưng cũng đầy biến hoá của Bản tin Tài chính Kinh doanh (VTV1), cũng đồng thời là gương mặt đình đám trong giới đầu tư trẻ.
Điều đặc biệt nhất, chuyên gia trong chương trình đều là những Guru khủng trong giới tài chính – kinh doanh, như lãnh đạo các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, doanh nghiệp… hàng đầu Việt Nam.
“Tự do tài chính” sẽ nói cho khán giả trẻ – những người đang có năng lực tư duy tốt nhất về đồng tiền, về các vấn đề cơ bản nhất trong quản trị tài chính cá nhân, đó là Kiếm tiền – Tiêu tiền – Đầu tư – Tiết kiệm. Với dàn cố vấn siêu khủng, gương mặt host siêu “hot” cùng xuất hiện trên kênh digital của Đài Truyền hình Việt Nam, MoneyTalk được kỳ vọng sẽ trở thành chương trình giải trí về tài chính đầu tiên và số 1 của Việt Nam.
Theo Pháp luật và bạn đọc
Muốn giàu thì phải làm chủ?
“Phi thương bất phú” chắc ai cũng từng nghe câu này rồi và trước đây tôi đã từng mặc định đây là điều đang diễn ra.
Nhưng liệu có phải nếu không kinh doanh thì không giàu? Liệu có phải thật sự mình muốn giàu có hay không? Như thế nào là giàu?
Theo tôi không nên chia ra làm chủ hay làm thuê, vì có người từng nói với tôi là làm chủ cũng như một nghề vậy và với trải nghiệm của tôi thì điều này là đó đúng. Mà nếu nó đã được xem là một nghề thì không phải bất kỳ ai cũng phù hợp để làm.
Tôi thật sự ngưỡng mộ những ai có thể tự làm chủ dự án kinh doanh cho riêng mình. Không những phải lo đủ thứ từ các vấn đề về sản phẩm, vận hành, tài chính, nhân sự, giá bán, giá vốn, nhà cung cấp… mà còn những áp lực vô hình đến từ các vấn đề nảy sinh trong quá trình kinh doanh nữa.
Tư duy không ngại khó là rất tốt nhưng mỗi người mỗi nghề mỗi sứ mệnh riêng, bản thân mình nên ưu tiên những gì phù hợp và quan trọng để làm trước.
Nếu so sánh cả hai khía cạnh về làm chủ và làm thuê thì tôi thấy không cái nào hơn cái nào hết. Cái nào cũng có điểm tốt và không tốt. Mỗi người sẽ có lựa chọn cho riêng mình. Đối với họ mặt tốt là phù hợp với con người của họ, và mặt không tốt thì họ chấp nhận được.
Làm chủ là vì tiền ư? Tôi không nghĩ vậy. Hiện nay vẫn không ít những bài viết, sách vở trên mạng đều nói về vấn đề: Không làm chủ thì không thành công được, không làm chủ thì không giàu được, làm thuê chỉ dành cho những người tư duy kém, các tấm gương thành công nhờ bỏ làm thuê đi làm chủ. Lý do những ý kiến này nhiều bởi do đối tượng trẻ thích vì nghe “có vẻ hợp lý”.
Dần dần những người thích đọc những thông tin trên sẽ hình thành tư duy là mong muốn có một sự nghiệp của riêng mình. Vấn đề là việc làm chủ nó cũng cần rất nhiều yếu tố. Chưa nói đến các yếu tố bên ngoài, những yếu tố bên trong cũng quan trọng không kém ví dụ như: suy nghĩ, tính cách, tư duy, sở thích, thần thái…
Mặt khác tôi thấy hiếm có người nào đi theo con đường làm chủ vì tiền mà ra gì lắm, khi trong suy nghĩ đang bị áp lực từ đồng tiền. Tiền bạc đối với tôi chỉ là yếu tố đến sau, nó là sự phản ánh năng lực của bản thân mình dù bất kể mình làm chủ hay làm thuê đi nữa.
Câu hỏi đặt ra không nên là: Làm cách nào để làm chủ? – đây là câu đến sau chứ không phải câu hỏi đầu tiên. Mà đúng ra phải là: Liệu làm chủ có hợp với mình hay không? Liệu mình đã thật sự giỏi khi làm thuê hay chưa? Tôi chưa từng thấy ai mà chưa từng làm thuê mà ra làm chủ lại ổn cả.
Trước khi bắt đầu một hành động một vấn đề nào đó thì việc phân tích hoàn toàn không thừa xíu nào. Nó cũng tương tự như câu của Abraham Lincoln: “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành bốn tiếng để mài rìu”.
Ý kiến của độc giả Cường Nguyễn gửi Vnexpress