Tỷ phú Howard Schultz, cựu CEO của Starbucks dạy cho con trai của ông về khoảnh khắc mà ông suýt từ bỏ ước mơ của mình: Đừng bao giờ để mình trở thành người đứng ngoài cuộc!
Trong một phần của loạt bài phỏng vấn giữa cha mẹ và con cái của Huffington Post, với chủ đề “Talk To Me”, Giám đốc điều hành Starbucks, Howard Schultz đã chia sẻ lại với con trai của mình, Jordan Schultz, về khoảnh khắc mà ông đã suýt từ bỏ ước mơ thành lập một công ty cà phê của mình.
Sau nhiều năm vật lộn để kiếm sống, Schultz gần như đã suýt từ bỏ đam mê của mình sau một cuộc nói chuyện thẳng thắn với bố vợ. Ông ta đã nói với Schultz rằng: “Đã đến lúc anh từ bỏ sở thích này và kiếm một công việc khác đàng hoàng hơn”. Howard đã thực sự bật khóc và ông đã cảm thấy vô cùng xấu hổ sau khi kết thúc cuộc trò chuyện đó.
Tuy nhiên, may mắn thay, sau khi trò chuyện với người vợ của mình, Sheri Schultz, khi đó bà đang mang thai và là trụ cột duy nhất của gia đình, ông đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của mình. Sheri Schultz đã nói với Howard rằng: “Chúng ta sẽ cùng nhau theo đuổi những giấc mơ của anh. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện được điều này”. Và bây giờ, sau tất cả, Schultz và người vợ yêu quý của mình đã thực sự biến những ước mơ đó trở thành hiện thực. Schultz nói với con trai của mình: “Sau tất cả, cuối cùng cha mẹ đã thực sự làm được điều đó”.
Cựu CEO của Starbucks, hiện nay là tỷ phú, cũng tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với việc, các bậc cha mẹ thành công nên lùi bước và cho phép con cái họ theo đuổi ước mơ của chúng. Howard đã nói với Jordan rằng: “Cha đã chứng kiến quá nhiều đứa trẻ, được sinh ra trong những gia đình có cha mẹ thành đạt, và tiếp tục nối gót theo sự nghiệp của họ. Và cha nghĩ rằng, áp lực đối với con hoặc em gái của con sẽ là quá lớn nếu như các con chọn lựa để tiếp tục làm việc tại Starbucks. Cha mẹ vẫn sẽ luôn ở bên cạnh và giúp đỡ các con theo một cách nào đó nếu các con cần. Tuy nhiên, hãy cứ thoải mái theo đuổi ước mơ và đam mê của chính mình, và cố gắng thực hiện nó thật tốt”.
Cuối cùng, Howard đã kết lại cuộc trò chuyện với một lời khuyên quan trọng dành cho con trai của mình rằng: “Đừng bao giờ để mình trở thành người đứng ngoài cuộc. Hãy tích cực tham gia và mạnh dạn dấn thân vào những sự thử thách, luôn tò mò và học hỏi những điều mới, và nỗ lực để tạo ra được nhiều sự khác biệt”.
Howard Schultz sinh ngày 19/7/1953. Khi còn nhỏ gia đình nghèo khó, nên cậu bé luôn mơ ước có được “Quả cầu thủy tinh ước gì được nấy” để trở nên giàu có. Nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước và cậu lại trở về với cuộc sống thực tế của gia đình nghèo. Vì vậy, cậu ra sức làm việc giúp gia đình và miệt mài học tập. Những cố gắng của cậu đã được báo đáp khi ước nguyện đầu tiên của cậu là thi đỗ vào Trường đại học Michigan đã thành hiện thực. Tốt nghiệp đại học, cậu tự xoay xở đi tìm việc làm. Năm 1975, Howard Schultz xin vào Công ty Xerox làm việc.
Sau 7 năm, Schultz lẹt đẹt chỉ là nhân viên quèn, tương lai chưa thấy gì sáng sủa. Tình cờ năm 1982, Schultz vào làm việc cho Starbucks, ông chủ có cảm tình với chàng thanh niên nhanh nhẹn, sống sắng này và ngay lập tức bổ nhiệm anh làm Trưởng phòng tiếp thị và bán lẻ. Vận mệnh đã đưa anh tới công ty này và kể từ đây cuộc đời của Schultz sang một bước ngoặt mới, đồng thời sự nghiệp của Starbucks cũng từ đó được lột xác.
Tiền thân của Starbucks là quán cà phê nhỏ lẻ do ba nhà khoa học là Giáo sư Anh ngữ Baldwin, Giáo sư lịch sử Zev Siegl và nhà văn Gordon Bowker sáng lập ngày 30/3/1971 tại Seattle, với sự tài trợ của ông chủ kinh doanh cà phê Alfred Peet. Mục tiêu của họ lúc đầu không phải là kinh doanh mà chỉ là nơi tụ tập, hội họp bạn bè trong ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật.
Kể từ khi Schultz tới làm việc, cửa hàng cà phê nhỏ bé dần dần phát triển thành công ty kinh doanh cà phê hạt cũng như mở thêm nhiều quán bán lẻ cà phê cho khách hàng tới thưởng thức. Cuối năm 1982, khi Schultz 28 tuổi, anh đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Dưới sự chỉ đạo tài ba của ông chủ Schultz, kể từ đó Starbucks bắt đầu nổi tiếng khắp nước Mỹ và Canada, đồng thời trở thành một Tập đoàn hùng mạnh. Vào giữa những năm 1990, Starbucks bắt đầu vươn xa ra khỏi nước Mỹ và Canada ra toàn cầu.
Tập đoàn Starbucks chẳng những kinh doanh cà phê mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Lúc đầu là cà phê uống, cà phê hạt, cà phê chế biến, cà phê gói… Tiếp đó là cà phê kèm với các loại bánh điểm tâm buổi sáng, dần mở rộng sang lĩnh vực khác như “cà phê âm nhạc”, “cà phê phim ảnh”, “cà phê đọc sách”, quán cà phê với các loại kem nổi tiếng, “cà phê internet” theo sở thích của khách hàng và nhu cầu xã hội các nước.
Giờ đây Starbucks đã trở thành tập đoàn cà phê hàng đầu thế giới với 17.009 cửa hiệu rải khắp 55 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới – trong đó 11.000 quán ở Mỹ, 1.000 quán ở Canada và 150 quán ở Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 25.000 nhân viên. Năm 1999, Starbucks chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc và đã làm thay đổi sở thích của người dân xứ sở “trà Tàu”: từ uống trà sang uống cà phê của Starbucks. Hiện nay Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của Starbucks ở hải ngoại.
Xem thêm bài liên quan
- Bật mí 10 bí thuật “biến sỏi đá thành vàng” của tỷ phú Lý Gia Thành: Hãy bắt đầu ở chính nơi người khác từ bỏ!
- Lời khuyên từ người mẹ “siêu nhân” của tỷ phú Elon Musk: 3 báu vật giúp con tài giỏi hơn người!
- Tỷ phú Elon Musk: “Tôi không học Harvard nhưng những người tốt nghiệp Harvard đều làm việc cho tôi”