Để trở thành một doanh nhân thành đạt, bạn chắc chắn không thể tránh khỏi vấp ngã khi khởi nghiệp. Dù không có người thầy nào giỏi bằng trải nghiệm, vẫn có rất nhiều bài học khởi nghiệp có thể được tiếp thu mà không cần phải trải qua thất bại. Hãy cùng Tạp Chí Doanh Nhân tìm hiểu 4 bài học khởi nghiệp kinh điển qua bài viết dưới đây
1. Bài học khởi nghiệp số 1: Cách tạo ra và quản lý tiền bạc
Nhiều nhà khởi nghiệp bắt đầu chạy một công ty mà không hề biết cách quản lý các nguồn lực của họ.
Chẳng hạn như Kamil Faizi (Singapore) từng không biết làm thế nào để gọi vốn khi mở Công ty cung cấp sản phẩm quảng cáo tùy chỉnh Challenge Coins 4 U. “Tôi ước có thể biết được cách gọi vốn. Lúc đó, việc kiếm tiền rất khó khăn, chúng tôi phải chi tiêu rất tiết kiệm từ nguồn doanh thu bán hàng”, Faizi nói.
Leticia Mooney – nhà sáng lập, CEO Công ty chiến lược nội dung Brutal Pixie (Úc) cũng ước rằng mình có được các kiến thức tài chính sớm hơn.
“Đây là điều khó nhất mà tôi đã học được, bởi vì tôi xuất thân từ lĩnh vực phi tài chính. Hiện tại tôi vẫn còn đang phải học hỏi. Và tôi nghĩ rằng nếu tất cả các doanh nhân đều đầu tư đúng mức cho kiến thức tài chính ngay từ những ngày đầu, sẽ có nhiều doanh nghiệp thành công hơn”, Mooney chia sẻ.
Bài học khởi nghiệp rút ra: Hãy biết cách tạo ra và quản lý tiền bạc một cách thông minh và hiệu quả
2. Bài học khởi nghiệp số 2: Cách lãnh đạo và làm việc cùng đội ngũ
Khi thành lập công ty cách đây 6 năm, Jason Acidre – nhà đồng sáng lập, CEO Công ty tiếp thị kỹ thuật số Xight Interactive (Manila, Philippines) đã biết khá nhiều về cách vận hành một doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính vì biết nhiều thứ như vậy nên Acidre đã tự mình làm hết mọi thứ và không biết cách ủy thác cho người khác.
“Khi làm chủ doanh nghiệp, bạn phải biết cách sử dụng thời gian hiệu quả. Để doanh nghiệp phát triển và mở rộng quy mô, bạn buộc phải đặt năng lượng và tâm trí vào những phần việc giúp tạo ra tác động lớn đến nhiều người, bao gồm khách hàng, đội ngũ, và chính bản thân mình.
Điều này đồng nghĩa với việc phải tin tưởng và giao phó cho đội ngũ nhân viên làm những phần việc mà thời gian không cho phép bạn làm, và đảm bảo mỗi thành viên đó có thể thực thi thật hiệu quả”, Acidre cho biết.
Bài học khởi nghiệp rút ra: Bạn cần biết cách giao việc cũng như hiểu rõ thế mạnh của nhân viên để công việc diễn ra một cách hiệu quả hơn
3. Bài học khởi nghiệp số 3: Cách thoát ra khỏi các phương thức cũ
Liam McCance làm trong lĩnh vực quảng cáo đã 12 năm, và từng tuân thủ tất cả các quy định về thời gian làm việc, số ngày nghỉ phép… “Nhưng rồi tôi nhận ra những khuôn khổ này khiến nhân viên khó phát triển được tiềm năng của mình”, McCance nói. Và đây chính là lý do tại sao Subscribe to Food – công ty riêng của ông, có trụ sở ở Singapore – cung cấp cho nhân viên chế độ làm việc rất linh hoạt.
“Chúng tôi vẫn có không gian văn phòng, nhưng cho phép nhân viên có thể làm việc linh hoạt tại nhà, với chế độ nghỉ phép không giới hạn và cho họ thưởng thức miễn phí các loại thực phẩm và đồ uống ngon”, McCance tiết lộ. Chế độ đãi ngộ hấp dẫn này đã giúp Công ty thu hút được nhiều nhân tài – những người sẵn sàng làm việc chăm chỉ và không ngại thử nghiệm những ý tưởng mới.
“Chủ các doanh nghiệp mới không bị buộc phải tuân theo các cách làm cũ. Hãy tạo ra một văn hóa làm việc phù hợp với thực tiễn công ty”, Liam McCance nhận định từ kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp riêng.
Bài học khởi nghiệp rút ra: Bạn nên áp dụng những phương pháp mới trong cách làm việc, không nên đi theo các phương pháp cũ khi chúng không còn hiệu quả ở hiện tại
4. Bài học khởi nghiệp số 4: Định hướng rõ ràng cho dịch vụ/sản phẩm
Khi mở Công ty Hedge and Hog Prints, Pragya Agarwal (người Anh) có cách tiếp cận khá đơn giản. Agarwal không nghĩ nhiều đến USP (Unique Selling Point: đặc điểm bán hàng độc nhất, yếu tố làm nên sự khác biệt của doanh nghiệp so với các đối thủ) hoặc thậm chí là đối tượng khách hàng tiềm năng mình nhắm đến.
“Tôi thiết kế nên các sản phẩm nghệ thuật và nghĩ rằng những người yêu thích nghệ thuật giống như mình sẽ thích chúng”, Pragya Agarwal viết trên trang blog cá nhân.
Nhưng khi doanh nghiệp phát triển, Agarwal buộc phải đánh giá lại công việc kinh doanh và đưa ra định hướng rõ ràng hơn: “Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nghĩ về tuổi tác, tình trạng tài chính, giới tính, sở thích của khách hàng, và quan trọng nhất là điều gì sẽ thúc đẩy họ mua sản phẩm. Tôi nghĩ những điều này nên được đầu tư thật kỹ ngay từ đầu.”
Bài học khởi nghiệp rút ra: Bạn nên có định hướng cũng như mục tiêu rõ ràng, cụ thể chi tiết cho sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn định bán trên thị trường
Trên đây là 4 bài học kinh điển đã được Tạp Chí Doanh Nhân đúc kết. Hy vọng có thể giúp ích được cho các bạn đã và đang trong quá trình khởi nghiệp.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn