Dạo một vòng so sánh mức giá từ Apple Store và các thương hiệu khác tại Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy mức giá cho các sản phẩm có sự chênh lệch đáng kể.
Đây là giá của iPhone 14 Pro Max 128 GB:
– Trên Apple Store Việt Nam: 30.999.000 đồng.
– Ở Thế Giới Di Động và đại lý khác: 26.190.000 đồng.
Nghĩa là mua trực tiếp ở Apple sẽ có giá cao hơn 15%. Nhưng tại sao Apple lại làm vậy?
Đây là nguyên tắc kinh doanh cơ bản được dạy trong bất cứ sách giáo khoa nào.
– Nhà sản xuất không nên bán giá thấp hơn nhà phân phối để duy trì mối quan hệ và bảo vệ lợi ích đôi bên.
– Nhà sản xuất chỉ nên tập trung sản xuất, còn phân phối bán lẻ thì giao cho đối tác.
Để bán 1 chiếc iPhone hay bất cứ sản phẩm nào thì dễ. Nhưng để bán 1 triệu sản phẩm thì cần một mạng lưới phân phối.
Lợi ích của việc mua trực tiếp ở Apple là bạn có thể đặt hàng theo yêu cầu và thiết kế cá nhân. Ví dụ, đặt mua iPhone 14 màu vàng 1TB và khắc tên “Của Bạn.” Một điều không thể làm ở đại lý vì họ chỉ nhập về bán.
So sánh cách kinh doanh này với làn sóng livestream bán hàng giá rẻ trực tiếp trên TikTok ở Việt Nam hiện tại, chúng ta thấy vài vấn đề:
1. Nhà sản xuất lấn sang mảng bán lẻ và cạnh tranh với đối tác của mình. Như Hoa Linh làm với Võ Hà Linh, hậu quả là nhận lại làn sóng tẩy chay.
2. Khi lấy giá để cạnh tranh, nó kéo cả mạng lưới xuống và không có điểm dừng.
Đó là vì sao bạn sẽ ít khi nào thấy một doanh nghiệp Mỹ Âu tự làm đa kênh như trào lưu hiện tại ở Việt Nam, vì nó quá mâu thuẫn và dễ tạo xung đột. So sánh Apple với hàng hóa phổ thông tuy hơi không công bằng, nhưng nguyên lý vẫn không thay đổi.
Nhà sản xuất nên sản xuất, nhà bán lẻ nên bán lẻ, và đừng ai quá tham để tranh giành với nhau. Đừng học tư duy khôn vặt của Trạng Quỳnh rồi tự hại thương hiệu.
Tác giả: Nguyễn Trọng Nhân
Ngày đầu mở bán của Apple Online Store Việt Nam: Đắt nhất thị trường
Cuối cùng, ngày các ifan mong chờ đã tới, thời điểm Apple Store trực tuyến tại Việt Nam chính thức mở bán. Nhưng trái với các dự báo, mức giá cho các sản phẩm từ store trực tuyến cao hơn đáng kể so với những cửa hàng ủy quyền chính hãng (AAR – Apple Authorised Reseller) khác tại Việt Nam.
Dạo một vòng so sánh mức giá từ Apple Store và các thương hiệu khác, có thể dễ dàng nhận thấy mức giá cho các sản phẩm có sự chênh lệch đáng kể. Ở đây, chúng ta sẽ lấy ví dụ từ 3 cái tên AAR lớn trên thị trường, gồm Thế giới Di Động, FPT Shop, và Cellphones.
Với các sản phẩm iPhone, trong khi Apple Store để mức giá dung lượng thấp nhất 27,999,000 đồng cho dòng iPhone 14 Pro và 30,999,000 đồng cho dòng 14 Pro Max, các cửa hàng AAR khác để giá giảm khá sâu.
Ảnh chụp màn hình
Thế giới Di Động đặt giá lần lượt là 24,990,000 đồng cho dòng 14 Pro, và 26,690,000 đồng cho dòng Pro Max. TopZone – thương hiệu chuyên phân phối hàng Apple của Thế Giới Di Động – để mức “mềm” hơn một chút, lần lượt 24,790,000 đồng và 26,440,000 đồng. FPT Shop đặt mức 24,780,000 đồng và 26,430,000 đồng; CellphoneS để mức 24,790,000 đồng và 26,440,000 đồng.
Dẫu cho mức giá ở các cửa hàng AAR còn thay đổi phụ thuộc vào màu sắc của máy, nhưng cũng không thể chạm tới cột giá từ Apple Store.
Câu chuyện tương tự diễn ra với các dòng iPhone và phụ kiện khác của nhà Táo, bao gồm iPad, Airpods, Apple Watch… Mức giá từ Apple Store vẫn là mức cao nhất, chênh lệch từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng.
Vậy cạnh tranh thế nào?
Trên thực tế ngay từ thời điểm Apple công bố sẽ mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành đã nhận định sự cạnh tranh từ nhà Táo là gần như… không có.
Như ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) cho biết, Apple đến đây sẽ chỉ để làm thương hiệu, và ông “không tin một vài cửa hàng Apple có thể thay thế hơn 3,000 cửa hàng từ Thế Giới Di Động và các đối thủ cạnh tranh” trong chuyện phục vụ thị trường 90 triệu dân. Bởi lẽ, họ sẽ cần một chuỗi rất lớn.
Hay như ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động của FPT Shop cũng cho rằng khả năng để Apple Store đặt giá ngang hoặc thấp hơn so với các cửa hàng AAR khác tại Việt Nam là gần như không có. Thực tế chứng minh ông đã đúng.
Ngay đến việc chỉ bán trực tuyến cũng là một điểm bất lợi của Apple Store. Theo một số chuyên gia trong ngành, thói quen mua sắm của người Việt vẫn là đến tận nơi để trải nghiệm – điều mà Apple Store với cửa hàng trực tuyến của mình chưa thể cung cấp.
Vậy Apple Store tới đây làm gì, và họ cạnh tranh như thế nào?
Nếu là về giá, quả thật Apple Store sẽ không thể cung cấp sản phẩm với mức giá tốt nhất, vì sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tác AAR lâu năm trên thị trường của họ. Ngay cả trường hợp họ sẵn sàng gạt bỏ các đối tác của mình thì như ông Tài đã nói, họ cũng chưa thể đủ lực để trở thành nguồn cung duy nhất trên thị trường Việt Nam.
Tuy vậy, Apple Store có thể cạnh tranh nhờ các mảng dịch vụ khác, điển hình là giúp khách hàng mua Apple Care và Apple Care plus – chương trình bảo hành chính hãng từ Apple – một cách dễ dàng hơn so với nhiều cửa hàng AAR. Ngoài ra, khách hàng có thể nói chuyện trực tiếp với các chuyên gia từ chính Apple, và bằng tiếng Việt. Đây cũng là một lợi thế, vì xét cho cùng, thường thì chỉ các nhân viên của hãng mới là những người hiểu rõ nhất về sản phẩm và dịch vụ mà hãng cung cấp.
Bên cạnh đó, Apple Store có những dịch vụ khác so với AAR thông thường, như lựa chọn khắc tiếng Việt cho các sản phẩm như AirPods, AirTag, iPad và Apple Pencil (2nd Gen); đặt hàng các phiên bản tuỳ chỉnh bộ nhớ của các dòng máy Mac, dây đeo cho Apple Watch, Apple Studio…
Về tùy chọn trade-in (hay thu cũ đổi mới) dành cho các khách hàng muốn nâng cấp máy của mình bằng việc đổi máy cũ, theo người viết tìm hiểu thì không có nhiều khác biệt với các dịch vụ tương tự từ những đối tác AAR trên thị trường.
Xem thêm bài liên quan
- Huyền thoại thiết kế của Apple – Jonathan Ive: “Thật ra 10 năm nay tôi toàn ngồi chơi vì tất cả các mẫu iphone đều do cộng đồng mạng tự thiết kế”
- Triết lý kinh doanh triệu đô của “Vua bán lẻ” Nguyễn Đức Tài: Khách hàng là số 1, nhân viên là số 2, nhà đầu tư là số 3
- Không bằng cấp, “Phù thủy công nghệ” Steve Jobs vẫn dạy ta 10 bài học Marketing kinh điển trường tồn với thời gian