Sau sự thâm nhập của G7, việc bắt đầu mở các cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend tại thị trường số 1 thế giới – Trung Quốc là động thái tiếp theo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhằm tiến vào thị trường F&B nhiều tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức.
Đất nước tỷ dân trở thành “miền đất hứa” của Trung Nguyên Legend
Tại Trung Quốc, trà vốn là một thức uống truyền thống và có văn hóa thưởng thức trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Tuy nhiên, theo các báo cáo nghiên cứu thị trường cho biết, bên cạnh trà, nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc có xu hướng tăng mạnh trong những năm qua.
Đặc biệt, ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, với đời sống xã hội phát triển nhanh cùng sự đón nhận các xu hướng văn hóa mới của người tiêu dùng trẻ đã tạo điều kiện cho cà phê trở nên phổ biến và được yêu chuộng.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 10,42%/năm trong giai đoạn 2022 – 2027.
Một thông tin khác từ Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), cho thấy tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%. Thị trường Trung Quốc có nguồn cung đa dạng từ gần 80 quốc gia tập trung chính từ Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil…
Trong đó, thống kê từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ cà phê lớn đầy tiềm năng của Việt Nam, đặc biệt từ năm 2018 đến nay. Từ vị trí thứ 12 vào năm 2018, đến 2021 Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 8 của Việt Nam.
Trung Nguyên Legend là thương hiệu cà phê số 1 Việt Nam đang được tin dùng và có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc. Trong hơn 10 năm qua, các sản phẩm, thương hiệu Trung Nguyên, G7, Trung Nguyên Legend của Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã nhận được sự yêu thích của những người yêu cà phê tại đây.
Đặc biệt, cà phê G7 của Trung Nguyên Legend đã trở thành thương hiệu cà phê hòa tan được ưa chuộng, tin dùng bởi hương vị thơm ngon, đem đến sự tỉnh thức từ nguồn nguyên liệu cà phê Robusta tốt nhất thế giới (theo báo cáo năm 2019 của Chnbrand – cơ quan xếp hạng thương hiệu hàng đầu Trung Quốc),giữ thị phần lớn thứ 2 trên thị trường thương mại điện tử.
Các sản phẩm cà phê năng lượng G7 đã được bày bán rộng rãi trên tất cả các trang mạng bán hàng lớn như Alibaba, Taobao.com, Tmall.com, Yihaodian.com, jd.com, và trên 1.000 siêu thị tại Trung Quốc.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 800 triệu ly cà phê Trung Nguyên Legend được bán ra tại Trung Quốc. Trung bình cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra trên toàn Trung Quốc thì có 1 ly cà phê đến từ thương hiệu Trung Nguyên Legend.
Đã có 15 triệu người dùng cà phê G7 thường xuyên ở Trung Quốc
Theo thông tin mới nhất do ông Lý Thanh Hải – Giám đốc phát triển kinh doanh thị trường toàn Trung Quốc của Tập đoàn Trung Nguyên Legend chia sẻ trên báo chí, hiện Tập đoàn đã có 15 nhà nhập khẩu, 300 nhà phân phối thứ cấp, 30.000 điểm bán trên kênh offline (bao gồm các đại siêu thị) và hàng vạn cửa hàng trên kênh online như JD, Amazon, Taobao.com, Tmall.com, Century Mart,.. Đặc biệt, đã có trên 15 triệu người dùng thường xuyên cà phê G7 tại Trung Quốc.
Trong 2 năm 2016-2017, doanh thu của Trung Nguyên tại thị trường Trung Quốc (bao gồm Hong Kong và Đài Loan – Trung Quốc) ước tính đạt hơn 30 triệu USD.
Sau sự thâm nhập của G7, việc bắt đầu mở các cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend là động thái tiếp theo nhằm tiến vào thị trường F&B nhiều tiềm năng. Ông Hải nói với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam: “Chúng tôi đã mất hơn 1 năm chỉ để xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các nguồn lực trước khi tham gia thị trường Trung Quốc và gần 5 năm trời chuẩn bị để triển khai hệ thống quán Trung Nguyên Legend tại đây”.
Vị sếp Trung Nguyên cũng thẳng thắn chia sẻ, các doanh nghiệp khi đầu tư vào nước ngoài cần một hành trình dài hơi, cần nguồn lược chuẩn bị đủ cho khoảng thời gian hoạt động tối thiểu là 3-5 năm. Có những thương hiệu quốc tế khi bước chân vào Trung Quốc cũng đã xác định 10-15 năm đầu không có lợi nhuận.
Trên thực tế, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng với mức tiêu thụ cà phê tăng trưởng trung bình 15%/năm (theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc) nhưng đồng thời chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu lớn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng tại thị trưởng 1,4 tỷ dân cũng không hề “dễ tính”.
Starbucks đang được coi là chuỗi cà phê lớn nhất nhì ở Trung Quốc, khi đã bước vào thị trường này từ năm 1999 và hiện có 5.400 cửa hàng tại hơn 200 thành phố. Thương hiệu này đang đặt mục tiêu chạm mốc 6.000 cửa hàng cho đến cuối năm 2022.
Ngoài ra, Luckin Coffee cũng là cái tên gây nhiều chú ý tại thị trường tỷ dân. Thương hiệu này từng “phả hơi nóng” vào Starbucks khi “lớn nhanh như thổi”, tăng từ 1.189 cửa hàng (vào quý 3/2018) lên 3.680 cửa hàng chỉ sau một năm. Báo cáo doanh thu quý 3/2019 đạt hơn 208 triệu USD, tăng tới 558% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đến năm 2020, Luckin Coffee bị điều tra về việc ngụy tạo doanh thu, CEO và COO bị sa thải. Ngày 5/2/2020, Luckin đã nộp đơn xin phá sản tại Mỹ nhằm tái cơ cấu công ty. Dẫu vậy, đến tháng 5/2022, Luckin Coffee dường như đang hồi sinh khi công bố đã có lợi nhuận với chuỗi gần 7.200 cửa hàng.
Ngoài ra, thị trường Trung Quốc còn có sự góp mặt của một số thương hiệu khác như Costa Coffee (từ Vương Quốc Anh) với 400 cửa hàng, Tim Hortons (từ Canada) với hơn 300 chi nhánh.
Theo số liệu từ một chuyên trang về cà phê, Thượng Hải – nơi cửa hàng Trung Nguyên Legend đầu tiên khai trương, có dân số hơn 25 triệu người và hiện có hơn 7.000 cửa hàng cà phê.
Từ văn phòng đại diện đến mô hình Thế giới cà phê đầu tiên tại Thượng Hải
Sau gần 5 năm mở văn phòng đại diện tại trung tâm kinh tế, tài chính số 1 Trung Quốc và của cả thế giới, Trung Nguyên Legend tiếp tục khai trương mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại Thượng Hải.
Đây là không gian đầu tiên trên thị trường quốc tế của mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Trung Nguyên Legend tại thị trường tỷ đô Trung Quốc, cũng như tiếp tục hiện thực hóa khát vọng chinh phục thế giới.
Không gian đầu tiên trên thị trường quốc tế của mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tọa lạc tại số 699 đường Nanjing, con phố thương mại sôi động bậc nhất tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Không gian được tái hiện đậm bản sắc Việt Nam, thể hiện qua thiết kế kiến trúc, hình ảnh trưng bày, thực đơn ẩm thực mang dấu ấn văn hóa Việt Nam hòa quyện cùng văn hóa bản địa. Những hoa
văn, vật liệu truyền thống quen thuộc của người Việt như đá núi lửa, đất đỏ bazan, gốm, các đồ dùng bằng mây tre đan, hình ảnh nón lá đặc trưng của văn hóa Việt Nam được kết hợp hài hòa cùng những yếu tố bản địa mang đến một không gian cà phê Việt Nam vừa gần gũi, vừa mới mẻ cho người yêu cà phê thế giới.
Những sản phẩm được giới thiệu tại đây như Cà phê Thiền – một sản phẩm cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật do Trung Nguyên Legend sáng tạo nên, Cà phê sữa đá Việt Nam nổi tiếng toàn cầu; khách hàng còn có thể tìm hiểu các trào lưu và loại hình cà phê đã được UNESCO coi là di sản phi vật thể của nhân loại như Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, các món cà phê được ưa chuộng nhất thế giới như Sparkling Coffee, Western Cold Brew Coffee, Cà phê trứng Việt Nam…
Cà phê G7 bán tại Trung Quốc bao bì có chữ tiếng Việt sẽ có giá cao hơn
Cuối cùng, cho dù có sử dụng bao nhiêu phương thức marketing quảng bá, thì có một điểm cốt lõi không thể thay thế đó là chất lượng, hương vị sản phẩm.
Tại Việt Nam, G7 tiếp tục khẳng định là thương hiệu cà phê thuộc top 3 thương hiệu cà phê hòa tan được chọn mua nhiều nhất khu vực 4 thành phố trọng điểm và nông thôn năm 2022 (theo báo cáo Brand Footprint của đơn vị nghiên cứu thị trường Kantar).
Ngoài lãnh thổ Việt Nam, G7 đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong năm 2020, G7 xếp hạng Top 5 thương hiệu cà phê được yêu thích và mua sắm nhiều nhất trên kênh online tại Hàn Quốc khi xuất hiện trên hơn 30 trang thương mại điện tử lớn nhất tại thị trường này (theo Báo cáo từ Nielsen).
Tại Trung Quốc, năm 2021, G7 dẫn đầu top 13 thương hiệu cà phê hòa tan được yêu thích nhất tại đất nước này, theo công bố từ Chnbrand – cơ quan xếp hạng thương hiệu hàng đầu Trung Quốc, vượt qua các thương hiệu cà phê Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Đài Loan.
Một minh chứng khác cho sức hút của cà phê Trung Nguyên đó là cửa hàng cà phê mà Trung Nguyên Legend khai trương ở Thượng Hải hồi tháng 10. Mới chỉ sau một tháng hoạt động đã được người tiêu dùng bình chọn là cửa hàng cà phê được yêu thích nhất – Thông tin Trung Nguyên Legend chia sẻ trong sự kiện ngày 25/11 tại Buôn Ma Thuật, Đăk Lăk.
Cũng trong sự kiện này, Trung Nguyên chia sẻ một thông tin khá thú vị. Người tiêu dùng Trung Quốc gọi cà phê G7 là tri – tri – hảo (phiên âm, tạm dịch: rất rất tốt). Ngoài ra cà phê G7 bán tại Trung Quốc với bao bì có chữ tiếng Việt được bán với giá cao hơn, vì người tiêu dùng cho rằng sản phẩm tại quốc gia chính gốc (Việt Nam) sẽ có chất lượng tốt hơn hàng xuất khẩu.
Đây chính xác là tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam vẫn thường ưu ái cho các sản phẩm ngoại nhập. Trung Nguyên đã làm được điều ngược lại ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Nhìn lại một chặng đường 19 năm, để một sản phẩm giữ được vị thế trên thị trường không thể chỉ dựa vào những chiêu thức marketing, quảng cáo. Sức hút của cà phê Trung Nguyên không chỉ nằm ở hương vị, mà còn nằm ở những giá trị phi vật chất được doanh nghiệp gây dựng qua thời gian.
Bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh & Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), kể một câu chuyện về một đại lý của Trung Nguyên ở Úc.
” Tôi vừa mới gặp một nhà phân phối, chủ một chuỗi siêu thị lớn ở Úc, anh ấy kể cho tôi nghe có người mang cà phê G7 nào đó mời anh mua với giá thấp hơn. Anh ta đã từ chối và trả lời rằng: Tôi luôn luôn chung thủy với anh Đặng Lê Nguyên Vũ và cà phê Trung Nguyên mà tôi đã kinh doanh trong rất nhiều năm rồi “.
Bà Hạnh cảm thấy rất chia sẻ với tình cảm tự nhiên của nhà phân phối đó và nói thêm: ” Đã là nhà kinh doanh thì thế nào người ta cũng phải tìm lợi nhuận tốt hơn, tuy nhiên có một cái còn tốt hơn lợi nhuận, đó là tình nghĩa, là sự thiện lương, là đạo đức của những người Việt Nam khi kinh doanh trên toàn cầu”.
Tham khảo: Nhịp sống thị trường, Trung Nguyên Legend
Xem thêm bài liên quan
- Người Trung Quốc ngỡ ngàng khi bước vào cửa hàng Cà Phê Trung Nguyên tại Thượng Hải: “Đây là ly cà phê quốc dân rất đáng thử”
- 20 năm hành trình Cà phê G7 Trung Nguyên: Từ tinh thần dám thách thức tới thương hiệu toàn cầu tại hơn 100 quốc gia vùng lãnh thổ và hiên ngang dẫn dắt cuộc đua về giá trị văn hóa, văn minh
- Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ: “Tới một ngày, nói đến cà phê, thế giới sẽ nghĩ tới Việt Nam”