Sau gần 35 năm thành lập, tập đoàn FPT đã tạo ra 60.000 công ăn việc làm, còn mình thì làm thủ lĩnh của 60.000 người ở 26 quốc gia, 4 Châu lục: Á Châu, Âu Châu, Bắc Mỹ, Mỹ Latin và Úc Châu, trong đó có cả nghìn nhân viên người nước ngoài.
“Hôm nay là ngày thật đặc biệt với người FPT: FPT chính thức đón nhân viên thứ 60.000 vào đúng ngày làm việc đầu tiên của năm. Đặc biệt, nhân viên thứ 60.000 là chị Watanabe Hirona, nữ kỹ sư hệ thống người Nhật Bản, làm việc tại FPT Japan, chi nhánh Fukuoka.

Cách đây gần 35 năm, khi thành lập FPT chắc anh Trương Gia Bình dù có mơ mộng đến đâu cũng không mơ đến ngày FPT tạo ra 60.000 công ăn việc làm, còn mình thì làm thủ lĩnh của 60.000 người ở 26 quốc gia, 4 Châu lục: Á Châu, Âu Châu, Bắc Mỹ, Mỹ Latin và Úc Châu, trong đó có cả nghìn nhân viên người nước ngoài.
Còn bản thân tôi, khi thành lập FPT, khát vọng thay đổi cuộc sống và sự nghiệp của cá nhân mình bằng phần mềm xuất khẩu là khát vọng rõ rệt nhất, còn khát vọng đóng góp vào sự giàu mạnh của đất nước nó xa hơn, mờ hơn, và cũng chẳng thể hình dung được FPT lại có qui mô lớn hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn nhân viên như ngày nay.
Với cá nhân tôi, việc tạo ra 60.000 việc làm có năng xuất lao động cao, thu nhiều tỷ dollar Mỹ về cho đất nước, đã và đang đào tạo vài trăm nghìn sinh viên từ cao đẳng đến đại học là ba trong những đóng góp lớn cho xã hội đáng tự hào của người FPT.
Hôm nay cũng là ngày Anh Trương Gia Bình công bố muốn xây dựng FPT thành công ty HẠNH PHÚC”.

– Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT FPT đăng lên trên cá nhân trước thành tích đáng tự hào của tập đoàn.
Khát vọng đầu năm: 1 tỷ USD phần mềm xuất khẩu
Doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023 của FPT Software dự kiến là 1 tỷ USD. Đấy là kế hoạch kinh doanh đã được lãnh đạo FPT phê duyệt, và có đến 99% sẽ hoàn thành, bởi năm 2022 này FPT Software đã đạt con số 1 tỷ USD tổng giá trị thắng thầu, 800 triệu USD doanh số và với tốc độ tăng trưởng 26% trung bình 3 năm gần đây thì con số 1 tỷ USD năm 2023 là rất hiện thực.
Vậy 1 tỷ USD phần mềm xuất khẩu lớn đến mức nào?
Để cho dễ hình dung, tôi lấy hình tượng thế này: 1 tỷ USD là tương đương với 23.500 chiếc xe VinFast VF8 bán ở Mỹ (với giá 42.500 USD một xe), tức tương đương với 23,5 chuyến tàu Silver Queen chở ô tô điện VinFast VF8 xuất cảng hôm 25/11/2022 vừa qua ở Hải Phòng.
Hay một hình tượng khác: 1 tỷ USD là số tiền đủ để nhập khẩu 80% số điện thoại iPhone hoặc 115% số điện thoại Samsung hoặc 70% số ô tô con 7 chỗ trở xuống cho toàn bộ thị trường Việt Nam trong năm 2021.
Chưa hết, khác với các sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp (ô tô, điện thoại, máy tính, may mặc, giầy dép, túi xách, máy móc phụ tùng) có giá trị gia tăng thấp, giá trị gia tăng của dịch vụ phần mềm xuất khẩu rất cao, lên đến 84%, cao gấp gần 4 lần giá trị gia tăng của nhóm hàng sản xuất hàng công nghiệp (một đôi giầy Nike sản xuất ở Việt Nam thì phần Việt Nam chỉ có 22% thôi, phần của Mỹ là 78%).
Như vậy có thể nói rằng, 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm tương đương với gần 4 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng máy tính, điện thoại, may mặc, giầy da, túi xách, máy móc, phụ tùng.
Tại sao dịch vụ phần mềm lại có giá trị gia tăng cao như vậy? Bởi làm dịch vụ phần mềm, không cần phải đầu tư dây truyền sản xuất, không phải nhập khẩu (mua) nguyên, vật liệu đầu vào. Đầu tư cho phần mềm rất ít: mỗi người làm phần mềm chỉ 1 chiếc máy tính và một chút bản quyền phần mềm cỡ 1200 USD, khấu hao 5 năm, mỗi năm 240 USD.
Chi phí lớn nhất của dịch vụ phần mềm là chi phí nhân công (lương, thưởng, phúc lợi, bảo hiểm, đào tạo, văn phòng làm việc), toàn chi cho con người và chi ở Việt Nam.

Xuất khẩu phần mềm, ngoài việc mang trí tuệ Việt Nam ra thế giới, tạo ra nhiều công ăn việc làm có năng xuất cao, còn thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, góp phần vào ổn định tiền tệ quốc gia.
Bạn có biết, nếu một doanh nghiệp giữ được tốc độ tăng trưởng đều đặn 26% năm thì sau 3 năm doanh số sẽ lớn gấp 2 lần, sau 6 năm sẽ lớn gấp 4 lần, sau 9 năm sẽ lớn gấp 8 lần và sau 12 năm sẽ lớn gấp 16 lần.
Như vậy nếu giữ được tốc độ tăng trưởng 26% năm như 5 năm qua, thì doanh số của FPT Software đến năm 2026 là 2 tỷ USD, đến năm 2029 là 4 tỷ USD, đến năm 2032 là 8 tỷ USD và đến năm 2035 là 16 tỷ USD. Điều ấy có nghĩa rằng đến năm 2035, giá trị mà FPT Software tạo ra sẽ tương đương với 64 tỷ USD nhóm hàng sản xuất công nghiệp.
Xuất khẩu phần mềm, ngoài FPT ra còn có hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp phần mềm khác, tạo ra một ngành kinh tế có qui mô và ý nghĩa kinh tế, xã hội không hề nhỏ, không hề thua kém nhiều ngành kinh tế khác.
Cơ hội cho Việt Nam còn rất lớn, bởi riêng Ấn Độ, năm 2022 ngành xuất khẩu phần mềm đã mang về 200 tỷ USD cho đất nước họ, tương đương 50% GDP của Việt Nam.
FPT thành tập đoàn toàn cầu: Khi Sếp người Việt lãnh đạo nhân viên người Tây
Các bạn hãy nhìn kỹ bức ảnh ở dưới. Ảnh rất đẹp đúng không? Văn phòng rất đẹp, cảnh mùa thu Châu Âu rất đẹp, công ty có vẻ rất chuyên nghiệp.

Thế nhưng bức ảnh mang cho tôi nhiều cảm xúc không chỉ vì nó đẹp mà vì người đang đứng trên bục quay lưng lại là bạn Lê Hải, CEO FPT Software EU & Germany, còn những người ngồi dưới là nhân viên FPT Praha – Czech Public (hình như là 100% là người local – Czech).
Nhớ lại thời những năm 2005 trở về trước, mỗi lần có cuộc họp với các hãng cung cấp Mỹ, các công ty Việt Nam chúng tôi và chúng tôi vẫn được gọi là “local”, “Local Partner” ý là người địa phương, đối tác địa phương để phân biệt với những đối tác, những người đến từ Mỹ, Úc, Singapore. Thời ấy đất nước mình còn nghèo, qui mô các công ty còn bé thế nên cái từ ”local” đã hằn lên một ấn tượng ”cửa dưới”.
Giờ thì FPT đã trở thành công ty toàn cầu, bức ảnh tương tự như ảnh này có thể có ở Atlanta (Mỹ), ở Kosice (Slovakia), ở Berlin (Đức), Tokyo (Japan)… với số người ngồi dưới không phải chỉ 16-17 người mà là trên 300 người.

Ngày hôm qua, FPT Software Japan vừa đạt dấu mốc 2.000 nhân viên, 13 chi nhánh ở 13 thành phố lớn của Nhật Bản, trong đó có đến 461 nhân viên là người Nhật Bản.
Ở Việt Nam, một công ty có số nhân viên trên 1.000 người đã được gọi là công ty lớn (rất nhiều công ty không gọi họ là công ty mà họ dùng từ ”tập đoàn”). Thế mà công ty FPT Software Japan đã có trên 2.000 nhân viên rồi.

Có lần lâu rồi, chúng tôi ngồi tranh luận với nhau về việc gọi tên FPT là tập đoàn hay công ty, Lê Quang Tiến nói ”cứ gọi là công ty FPT thôi, cần gì tập đoàn. IBM, Microsoft có vài trăm nghìn nhân viên họ vẫn gọi là công ty thôi, họ có gọi là tập đoàn đâu”.
Thế là ở FPT có công ty mẹ (FPT), công ty con (FPT Software), công ty cháu (FPT Software USA, FPT Software EU), công ty chắt (Intellinet Consulting, công ty Mỹ mà FPT mua lại năm 2018 và FPT Software Slovakia). Và chắc chắn FPT sẽ có công ty “chít” nữa, bởi FPT còn đẻ khoẻ lắm.
– Chia sẻ của doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT tập đoàn FPT
Hiện diện trên toàn cầu
Năm 1988, 13 nhà khoa học trẻ thành lập Công ty FPT với mong muốn xây dựng “một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển đầy đủ nhất về tài năng và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.”
Với nguồn lực và mạng lưới 178 văn phòng tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, FPT là đối tác quan trọng cung cấp dịch vụ/giải pháp cho hàng trăm tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có trên 100 khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500. Đồng thời là đối tác công nghệ cấp cao của các hãng công nghệ hàng đầu như GE, Airbus, Siemens, Microsoft, Amazon Web Services, SAP…
Không ngừng đổi mới, liên tục sáng tạo và luôn tiên phong mang lại cho khách hàng các sản phẩm/ giải pháp/ dịch vụ công nghệ tối ưu nhất, FPT trở thành công ty CNTT-VT lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam với trên 37.100 cán bộ nhân viên, trong đó có 17.728 nhân lực công nghệ. FPT cũng là doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực: Xuất khẩu phần mềm, Tích hợp hệ thống; Phát triển phần mềm; Dịch vụ CNTT.

Xem thêm bài liên quan
- Thời “khai thiên lập địa” FPT Software: Tự sự về 1 tỷ USD và giấc mơ “Xuất khẩu phần mềm” lãng mạn
- Sau khi cán mốc tỷ USD, FPT đã “thâu tóm” một doanh nghiệp Mỹ: Mục tiêu thành công ty công nghệ tỷ USD đẳng cấp thế giới vào năm 2023
- Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Việt Nam sẽ là “cường quốc” về phần mềm và trí tuệ nhân tạo