Trước khi chính thức startup và có sự nghiệp riêng với tập đoàn Sunhouse, Shark Phú cũng bắt đầu như những người khác, tốt nghiệp đại học, xin việc và… nhảy việc.
Tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân
Ông Nguyễn Xuân Phú, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse, trong chương trình “Đường đến thành công” phát sóng số Tết 2013 kênh VTC10 đã kể về tuổi thơ khó khăn của mình.
“Tôi nhớ hồi nhỏ gia đình tôi trồng rất nhiều hoa, ngoài ra làm thêm rất nhiều nghề phụ để nuôi được con cái học hành. Như bao gia đình Việt Nam thời đó, điều kiện kinh tế rất khó khăn. Mình còn rất nhỏ nhưng đã phải cùng gia đình làm thêm rất nhiều việc.
Tôi nhớ hồi đó phải chăn nuôi, làm nghề phụ như làm đậu phụ… Vừa đi học, về nhà phải tham gia cùng gia đình làm thêm để có điều kiện trang trải cuộc sống và học tập” ông chủ Sunhouse kể lại.
Mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống của một người con xứ Nghệ (bố ông Nguyễn Xuân Phú là người gốc Nghệ An), luôn mong mỏi con cái được học hành đến nơi đến chốn, bố mẹ Shark Phú đã tạo điều kiện hết sức để ông bước chân vào giảng đường đại học. Thậm chí còn mời gia sư riêng ôn thi đại học cho ông.
Năm đó, không phụ lòng kỳ vọng của bố mẹ, ông Phú đã đỗ đại học Kinh tế quốc dân.
Giải thích vì sao lại là đại học Kinh tế quốc dân mà không phải trường khác, ông chủ Sunhouse cho biết, khi đó xã hội manh nha mở cửa, mọi người có cơ hội tiếp cận với thông tin thế giới qua màn ảnh tivi.
Ông Phú khi đó bắt đầu có nhận thức về thế giới bên ngoài và đã đặt ra câu hỏi “Tại sao chúng ta nghèo như vậy?” Gia đình ông nghèo, những người xung quanh nghèo và cả đất nước cùng nghèo!
Ông đã bắt đầu hành trình tìm kiếm câu trả lời bằng việc bước chân vào cổng trường đại học Kinh tế quốc dân.
Công việc kinh doanh đầu tiên Shark Phú làm là mua đi – bán lại những “thùng hàng” gửi từ Liên Xô
Bước ngoặt đầu tiên đến với Shark Phú đó là vào năm thứ nhất đại học, mẹ ông mua 1 gian hàng ở chợ Ngã Tư Sở.
Anh trai ông Phú đi Liên Xô gửi về thùng hàng cho gia đình. Từ việc tìm chỗ tiêu thụ thùng hàng đó, ông Phú đã phát hiện ra nhiều gia đình khác cũng có những “thùng hàng” tương tự nhưng không biết chỗ mua – bán. Từ đó, ông đã đến nhà họ mua và đem đi bán, hưởng chênh lệch.
Shark Phú đã làm công việc “thương mại” đầu tiên này trong khoảng hơn 2 năm. Khi ông tốt nghiệp đại học, Liên Xô tan vỡ, những thùng hàng gửi về cũng chấm dứt.
Đây trở thành bài học kinh doanh quý báu đầu đời như Shark Phú nhiều lần nhấn mạnh “vô cùng quan trọng cho tôi trong sự nghiệp sau này”.
Nghỉ việc ở Tổng công ty xăng dầu Việt Nam vì “rất nhẹ nhàng và không dùng hết thời gian của mình”
Sau khi ra trường, Shark Phú trúng tuyển trở thành nhân viên của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam. Tuy là công việc ước mơ của nhiều người cùng trang lứa nhưng Shark Phú vẫn cảm thấy “rất nhẹ nhàng và không dùng hết thời gian của mình”.
Công việc đó không thỏa mãn được mong mỏi và cũng chẳng giúp ông trả lời được câu hỏi “Tại sao đất nước chúng ta nghèo? Tại sao chúng ta không bằng các quốc gia khác”
9 tháng sau, ông Phú quyết định nghỉ việc, mặc dù vừa được ký biên chế chính thức khoảng 1,5 tháng.
Doanh nghiệp nước ngoài cũng không giữ được chân ông
Sau khi nghỉ ở Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, ông Phú dành ra 3 tháng thất nghiệp ở nhà để học tiếng Anh với quyết tâm thi vào doanh nghiệp nước ngoài nhằm tìm hiểu văn hóa và cách thức làm ăn của họ.
Công việc tiếp theo của Shark Phú là làm việc cho doanh nghiệp sản xuất xe máy 100% vốn của Đài Loan – công ty VMEP. Ở đây, ông Phú chịu trách nhiệm tìm kiếm nguồn hàng, vận chuyển và những công việc liên quan xuất nhập khẩu,..
Sau thời gian làm việc, công việc chưa đáp ứng được kỳ vọng và mức đãi ngộ chưa công bằng, ông Phú lại 1 lần nữa chuyển việc. Thời gian đó, làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều, ông muốn tìm 1 công ty thực sự lớn, có quy mô toàn cầu.
Năm 1995, tập đoàn Ford đầu tư vào Việt Nam và ông Phú đã nắm bắt cơ hội, nộp hồ sơ vào đây.
Shark Phú kể lại ” Ngay từ khâu phỏng vấn đã là 1 sự thách thức. Tôi phải trải qua 3 vòng phỏng vấn. Thậm chí tôi nhớ còn không nghe nổi họ nói gì, vì các bạn biết đấy, từ người Đài Loan nói tiếng Anh, chuyển sang người Mỹ hoặc người Anh, người Úc nói tiếng Anh là cả 1 bước ngoặt. Rất may mắn tôi đã vượt qua và được nhận.”
“Cách quản lý của công ty Mỹ khác hẳn với công ty Châu Á” shark Phú nhận xét “Họ quản lý dựa trên mục tiêu. Họ giao cho mình quyền thực sự chủ động dựa trên mục tiêu họ đề ra”
“Đây là những bước giúp tôi rất rất nhiều” Shark Phú khẳng định và kể tiếp: Tôi được giao dựng ra phòng vật tư. Họ cung cấp cho tôi ngân sách 1 triệu đô la và 1 ông cố vấn người Úc, còn làm như thế nào, làm gì thì chúng tôi phải tự xây dựng. Hàng tuần, khi họp họ luôn đặt ra những câu hỏi và bắt chúng tôi trả lời.
Chúng tôi được đi thăm 3 nhà máy của Ford trên thế giới, tự học, tự xem và tự rút kinh nghiệm cho công việc của mình.
“Tôi nghĩ giai đoạn làm Ford đã giúp tôi tính tự tin và dám quyết định” Shark Phú nói.
Sau 2,5 năm làm việc ở Ford, khi nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, ông Phú cảm thấy công việc lặp đi lặp lại và thấy rằng mình phải tiếp tục phát triển. Lần thứ 3, ông nghỉ việc.
Sau khi rời Ford, ông còn làm cho 1 doanh nghiệp Hàn Quốc trước khi startup doanh nghiệp riêng của mình.
Sự nghiệp sau này của ông Phú gắn trực tiếp với thương hiệu Sunhouse và mấy năm gần đây có thêm thương hiệu Richy được ông “mang lên” chương trình Shark Tank Việt Nam.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse tiền thân là Công ty TNHH Phú Thắng được thành lập ngày 22/5/2000.
Năm 2004, Sunhouse liên doanh với Công ty TNHH Sunhouse Hàn Quốc, thành lập Công ty TNHH Sunhouse Việt Nam và xây dựng nhà máy liên doanh sản suất đồ gia dụng, dây chuyền ứng dụng công nghệ Anodized lạnh tiên tiến từ Hàn Quốc tại khu vực Asean.
Năm 2010, Sunhouse chính thức lấy tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse, đầu tư vào nhiều lĩnh vực đa dạng (hàng gia dụng, điện gia dụng, thiết bị nhà bếp, thiết bị điện công nghiệp, máy lọc nước, thiết bị chiếu sáng…).
Hiện nay, Sunhouse là 1 thương hiệu đồ gia dụng có tiếng trên thị trường Việt Nam với doanh số nghìn tỷ.
Theo Nhịp sống kinh tế
Tổng hợp những câu nói hay của Shark Phú
1.“Tồn tại hay không tồn tại chính là bạn phải thay đổi.”
2. “Bạn không biết tiêu bao nhiêu tiền, có bao nhiều tiền, có thể bạn chết giữa đường mà không biết.”
3. “Trong kinh doanh có những rủi ro không phải tại mình. Để trả được nợ có khi mất cả cuộc đời.”
4. “Tiền nhiều chỉ có ý nghĩa cho người có tham vọng. Nếu cá nhân nào không có tham vọng đó, không nhất thiết phải nhiều tiền để làm gì.”
5. “Người thành công là người trụ lại cuối cùng trong bất kỳ lĩnh vực nào. Dồn hết nguồn lực để có thể trụ lại ở đó.”
6. “Mỗi cuộc khủng hoảng giúp chúng ta khôn lên và cứ thế hoàn thiện dần tư duy dự phòng và giảm thiểu tác động khi rủi ro ập đến.”
7. “Tôi là nhà kinh doanh, tôi phải bảo toàn được vốn, để có được đồng tiền đó là mồ hôi công sức của rất nhiều người.”
8. “Nếu thất bại, em làm thế nào để hoàn vốn lại cho anh.”
9. “Nhiều Startup mắc sai lầm là kêu gọi một khoản tiền cực lớn, định giá cực kỳ cao nhưng bản thân bạn chưa có gì.”
10. “Thông thường kinh doanh dựa trên ý tưởng vì người thân cũng là tốt nhưng để thành công hoặc thành công lớn phải dựa trên một nhu cầu lớn.”
11. “Khi làm kinh doanh thì phải lường trước được rủi ro cao nhất là gì và mình có phương án để xử lý nó hay chưa.”
12. “Ai chả thích làm tỷ phú USD, khác nhau là bắt tay vào hành động.”
13. “Tôi sẽ hạnh phúc trọn vẹn nếu như những người xung quanh cũng hạnh phúc.”
14. ” Đầu tư thì luôn phải nghĩ tới trường hợp xấu nhất. Khi có cách giải quyết cho cái xấu nhất rồi thì chúng ta không sợ, chúng ta tự tin làm.”
15. “Một startup muốn trụ vững thì nhất thiết phải tạo ra được sản phẩm thu hút người dùng.”
16. “Bắt tay giải quyết vấn đề, vận dụng thực tế hái về thành công.”
17. “Khi có tầm ảnh hưởng, dù đưa ra ý tưởng kỳ quái thế nào, mọi người vẫn ủng hộ.”
18. “Có 100 tỷ đồng là đủ phục vụ. Nhiều tiền có khi là khổ.”
19. “Tôi nghĩ cuộc đời là sự công bằng. Ai muốn hài hòa sẽ không có đỉnh cao. Muốn đỉnh cao phải chấp nhận khiếm khuyết. Điều đó là bình thường, do lựa chọn của mỗi người mà thôi.”
20. “Con đường thành công chưa bao giờ là dễ dàng. Muốn thành công phải dám nghĩ, dám làm.”
Với những thông tin chia sẻ trên đây, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về Shark Phú cũng như nắm được một số kinh nghiệm quý báu để start up thành công.
Xem thêm bài liên quan
- Tuổi trẻ của “Vua chảo” Shark Phú thời chưa có Sunhouse: Sinh viên năm nhất đã đi buôn, bỏ việc nhà nước vì quá nhàn, tự luyện tiếng Anh để thi vào Ford
- Cô gái Mường khởi nghiệp thịt chua được đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022
- “Vua gia vị Việt” Nguyễn Trung Dũng: “Mình đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên như thế nào?”