Nhiều chuyên gia nghiên cứu về bộ não và hành vi của con người ủng hộ ý tưởng rằng thời gian làm việc ít hơn tốt cho người lao động, từ đó công ty cũng được hưởng lợi theo.
Làm việc 4 ngày/tuần trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết sau khi một cuộc thử nghiệm diễn ra ở 61 công ty tại Anh có kết quả khả quan, theo Insider.
Được tổ chức bởi 4 Day Week Global, thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần kéo dài 6 tháng ở Anh nhằm tìm kiếm câu trả lời liệu nhân viên có thể làm việc hiệu quả trong 80% thời gian, với mức lương không đổi, hay không. Tổng cộng, khoảng 2.900 người lao động trên khắp Vương quốc Anh đã tham gia thí điểm.
Đối với 47 công ty đã báo cáo dữ liệu tài chính, doanh thu phần lớn không thay đổi.
“Công việc dù mang lại nhiều lợi ích và thỏa mãn bao nhiêu thì nó cũng vẫn gây căng thẳng và tốn thời gian đến mức chúng ta muốn dành thời gian để làm những việc khác. Đối với tôi, lập luận làm việc ít giờ hơn giúp dẫn đến nhiều cải tiến là hợp lý”, Philip Gehrman, một nhà tâm lý học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), nói.
Não bộ “thích” deadline
Việc thời gian làm việc trong tuần được rút ngắn có thể tạo thêm một phần áp lực để làm việc hiệu quả. Theo Alex Korb, nhà thần kinh học tại Đại học California tại Los Angeles (Mỹ), điều này không hẳn là tiêu cực, bởi bộ não con người đôi khi hoạt động tốt nhất khi có deadline.
“Deadline giúp nhân viên tập trung năng lượng và nỗ lực. Nếu cấp trên giao một dự án khó mà không đưa ra thời hạn, cấp dưới chắc chắn sẽ mất thời gian nhiều hơn dự kiến mới hoàn thành và bản thân người làm cũng không đạt được tiến bộ”, Korb phân tích.
Ngược lại, con người có xu hướng tăng cường nỗ lực khi thời hạn đến gần.
“Con người không phải là robot. Hầu hết thời gian, chúng ta không làm việc ở mức cao nhất. Vì vậy, việc rút ngắn tuần làm việc sẽ cắt giảm những lúc thời gian không tập trung đó”, ông nói.
Giảm stress
Điều dễ hiểu là công việc dễ gây căng thẳng. Hai nghiên cứu đã kết luận rằng chỉ cần thức dậy vào buổi sáng và biết rằng mình sắp phải làm cũng có thể khiến cơ thể tiết ra Cortisol – một lượng hormone gây căng thẳng – cao hơn so với thời điểm thức dậy vào cuối tuần.
Điều đó không hẳn là xấu. Nhưng căng thẳng kéo dài và quá nhiều Cortisol tiết ra theo thời gian dễ gây ra một loạt vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Căng thẳng cũng có thể kích hoạt phản ứng bỏ cuộc của cơ thể và làm gián đoạn sự tập trung, dẫn đến hiệu suất công việc kém hơn. Nói cách khác, ít ngày căng thẳng giúp tạo ra những người làm việc hiệu quả hơn.
Trong thử nghiệm ở Anh, kết quả báo cáo mức độ căng thẳng giảm nhẹ. Trên thang điểm 1-5, người lao động tham gia báo cáo mức độ căng thẳng trung bình lần lượt là 3,07 và 2,74, trước và sau thử nghiệm.
Tuy nhiên, tuần làm việc 4 ngày có thể phản tác dụng trong một số trường hợp: những nhân viên thích hoàn thành khối lượng công việc sớm, trong thời gian ngắn hơn deadline, lại dễ thấy áp lực. Đó là điều đã xảy ra với 13% người lao động trong cuộc thử nghiệm, trong khi 39% cho biết họ cảm thấy bớt căng thẳng hơn.
Cải thiện giấc ngủ
Theo một báo cáo năm 2016 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hơn một phần ba người trưởng thành ở Mỹ không ngủ đủ 7 giờ/đêm hoặc hơn như khuyến nghị.
Với số giờ làm việc ít hơn, thời gian để nghỉ ngơi và cụ thể là dành cho giấc ngủ tăng lên.
Giáo sư Gehrman, người chỉ đạo phòng thí nghiệm tâm lý học và sinh học thần kinh giấc ngủ của Đại học Pennsylvania, phân tích: “Một trong những điểm đầu tiên xuất hiện khi ai đó bị căng thẳng là giấc ngủ của họ bị ảnh hưởng. Khi không ngủ đủ giấc trong tuần và ngủ nướng vào cuối tuần, 2 ngày đó không đủ để loại bỏ tác động của 5 ngày không đủ giấc. Còn có 3 đêm phục hồi cho 4 đêm mất ngủ chắc chắn tốt hơn”.
Trong thí điểm tuần làm việc 4 ngày, 46% nhân viên cho biết ít mệt mỏi hơn bình thường. Đổi lại, điều đó cho phép họ dồn nhiều năng lượng vào công việc.
Giữ chân nhân viên
Báo cáo đã quan sát thấy sự sụt giảm về tỷ lệ vắng mặt, gồm số ngày nghỉ ốm hoặc bận việc riêng của nhân viên, nhưng chú thích thêm sự sụt giảm này không có ý nghĩa về mặt thống kê.
Song, mối liên hệ chặt chẽ giữa Cortisol, giấc ngủ và hệ thống miễn dịch có thể lý giải một phần. Theo thời gian, quá nhiều Cortisol có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, trong khi giấc ngủ có thể phục hồi hệ thống này.
Số lượng nhân viên rời khỏi doanh nghiệp tham gia thử nghiệm ít hơn 57% so với cùng kỳ năm trước.
“Các nhân viên nhìn thấy giá trị của làm việc 4 ngày/tuần và cảm thấy công ty thực sự quan tâm đến sức khỏe của nhân viên. Điều đó khiến họ có thêm động lực gắn bó”, nhà thần kinh Alex Korb giải thích.
Tương lai của làm việc 4 ngày/tuần
Gần như tất cả công ty tham gia thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần ở Anh đều chọn tiếp tục mô hình này, với nhân viên cho biết họ có thể cân bằng công việc – cuộc sống tốt hơn.
Trong số 61 công ty tham gia thử nghiệm kéo dài 6 tháng ở Vương quốc Anh, 56 doanh nghiệp duy trì làm việc 4 ngày/tuần, 18 đơn vị đã biến điều này thành vĩnh viễn.
Những phát hiện này sẽ được trình bày trước các nghị sĩ hôm 21/2, trong nỗ lực thúc giục các chính trị gia cung cấp cho tất cả người lao động ở Anh tuần làm việc 32 giờ, theo The Guardian.
Joe Ryle, Giám đốc chiến dịch 4 Day Week, gọi thử nghiệm là “cú đột phá lớn”.
“Trên nhiều lĩnh vực, phúc lợi của nhân viên được cải thiện đáng kể, năng suất kinh doanh được duy trì hoặc cải thiện trong hầu hết trường hợp. Chúng tôi thực sự hài lòng với kết quả và hy vọng đó là minh chứng cho thấy thời điểm để triển khai làm việc 4 ngày/tuần rộng rãi hơn chắc chắn đã đến”, ông cho biết thêm.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Một công ty yêu cầu nhân viên làm việc kém phải “tác động vật lý” vào mặt nhau nhằm tạo động lực làm việc
- “Bà trùm” thời trang Lưu Nga: Thu nhập không phải mục tiêu cuối cùng của người lao động, thành quả mới là mục tiêu cuối cùng
- “Nữ hoàng trang sức” PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Là lãnh đạo, đừng bao giờ nghĩ mình đang nuôi nhân viên, mà chính họ mới là người nuôi mình