Đại dịch Covid- 19 diễn ra gây ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần và đời sống của nhân viên. Sau khủng hoảng, các sếp cần làm gì để “sốc” lại tinh thần cho nhân viên và có một sự khởi đầu lại mạnh mẽ và quyết liệt hơn?
Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ sự cân bằng của chuỗi cung ứng toàn cầu, tấn công hầu hết các ngành sản xuất – kinh doanh và khiến hàng triệu người thất nghiệp. Hơn bao giờ hết, bản lĩnh và năng lực của nhà lãnh đạo sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong giai đoạn thử thách này.
Đặt sự tin tưởng vào nhân viên

Ở giai đoạn thị trường đang thuận lợi hoặc bình ổn, có nhiều nhà quản lý cấp trung và cấp cao chỉ tập trung chạy theo các chỉ tiêu ngắn hạn mà quên đi tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin.
Ðiều này dẫn đến nhân viên không tin tưởng vào sếp và sếp cũng không tin vào nhân viên, từ đó quan hệ giữa nhà lãnh đạo và nhân viên chỉ dừng ở mức giao việc và nhận việc mà không tạo được sự gắn kết, đồng thuận của những người cùng chung chí hướng.
Một khi khủng hoảng xảy ra, nếu không có niềm tin vào sếp, nhân viên sẽ dễ dàng hoang mang, lo sợ, dao động và thiếu tập trung vào công việc.
Bí quyết để tạo được sự tin tưởng nằm ở 2 yếu tố: khả năng lắng nghe và hồi đáp của nhà lãnh đạo.
Lắng nghe, đồng cảm và bắt tay vào cùng giải quyết vấn đề với nhân viên – đó là bí quyết giúp nhà quản lý và nhân viên hiểu và tin tưởng nhau hơn.
Khi nhân viên được tin tưởng, họ sẽ có động lực để trưởng thành hơn, làm việc hiệu quả hơn và sẵn sàng đồng hành cùng lãnh đạo khi doanh nghiệp gặp khó khăn.
Jack Welch từng nhận xét: “Lòng tin bắt đầu khi lãnh đạo thể hiện được sự minh bạch”.
Nếu ở “thời bình”, nhà lãnh đạo duy trì được sự minh bạch trong các cơ chế chính sách, sự công bằng đối với nhân viên và luôn là người đi đầu thực hiện nghiêm túc những quy định mà mình yêu cầu người khác thì trong “thời chiến” (ví dụ như cuộc chiến với Covid-19), nhà lãnh đạo đó sẽ có được sự tin tưởng và đồng thuận của đội ngũ để cùng nhau chiến thắng.
Bí quyết giữ lửa là học cách quản lý rủi ro

Trong kinh doanh, cơ hội và rủi ro luôn luôn song hành. Việc nhà lãnh đạo phớt lờ hoặc phản ứng thái quá với hiểm họa đều có mức độ ảnh hưởng tiêu cực như nhau đối với nhân viên.
Trong khi đó, một kế hoạch ứng phó với rủi ro cụ thể sẽ giúp nhân viên có được sự an tâm để tập trung vào công việc.
Vậy nhà lãnh đạo cần giữ tâm thế chấp nhận rằng những kế hoạch phát triển không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái” và thử thách luôn là một phần tất yếu.
Với quan điểm “luôn hy vọng cho những điều tốt đẹp nhất và cũng luôn chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra”, nhà lãnh đạo sẽ luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và do đó sẽ giúp nhân viên trấn tĩnh nhanh nhất khi họ biết rõ cần làm gì, hành xử thế nào trong những tình huống đó.
Trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chúng tôi đã đưa ra phương án duy trì hoạt động với các kịch bản cho từng tình huống giả định như: số lượng nhân viên có nguy cơ lây nhiễm do thuộc nhóm F1, 2, 3… từ 1 người đến 10%, 20% tổng số nhân viên, tình huống phải cách ly 50% nhân viên, hoặc có yêu cầu cách ly toàn bộ văn phòng…
Từng kịch bản đều có các giải pháp chi tiết cho các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin của ứng viên và khách hàng, quản lý nhân viên từ xa, theo dõi hiệu quả của công việc hàng ngày và duy trì mức độ tương tác với nhân viên trong mọi tình huống.
Tổ chức các cuộc thi nội bộ

Đại dịch Covid – 19 đã khiến hàng loạt các công ty toàn cầu rơi vào tình trạng trì trệ. Để khuấy động tinh thần và năng lượng làm việc sôi nổi và tích cực trở lại, bạn có thể tổ chức các cuộc thi, sự kiện nội bộ cho toàn thể nhân viên trong công ty. Không cần quá quan trọng vấn đề giải thưởng giá trị vật chất, chỉ cần bạn tạo được một nội dung cuộc thi hấp dẫn, vui vẻ là đã thu hút được các nhân sự tham gia.
Gắn kết đội ngũ và văn hóa doanh nghiệp

Chú trọng vào con người, văn hóa doanh nghiệp và giá trị cốt lõi là điều mà lãnh đạo cần ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn khó khăn vì đây là những yếu tố thường bị coi nhẹ khi khủng hoảng xảy ra.
Thị trường khó khăn dẫn đến nguy cơ không đạt chỉ tiêu doanh thu, từ đó có nhiều nơi đã xảy ra những hiện tượng thiếu lành mạnh như nhân viên tìm các giải pháp làm tắt, thiếu minh bạch, thậm chí vi phạm các nguyên tắc về sự chuyên nghiệp và tính chính trực.
Những hành động tiêu cực như lợi dụng lý do cách ly để trốn việc, móc nối ăn chia giữa nhà cung cấp và đơn vị sử dụng sản phẩm, dịch vụ… có nguy cơ xảy ra khá cao trong giai đoạn này.
Ngược lại, do quá lo lắng đến những rủi ro về các hành động thiếu chuyện nghiệp có thể xảy ra mà các nhà quản lý có thể áp dụng cách quản lý theo hình thức kiểm soát chặt chẽ, “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, dẫn đến hậu quả là những nhân viên làm việc tốt, tự giác và cống hiến hết mình có thể bị tổn thương, mất dần tinh thần làm chủ công việc và có nguy cơ giảm sút nhiệt huyết, thậm chí sẵn sàng rời bỏ công ty khi có cơ hội.
Nhà lãnh đạo chân chính luôn hiểu rõ tầm quan trọng của đội ngũ. Chỉ khi nhân viên thành công thì nhà lãnh đạo mới có thể được coi là thành công.
Vì vậy, mọi hoạt động trong giai đoạn khó khăn sẽ luôn luôn tập trung vào một nguyên tắc tối thượng: các lãnh đạo, các nhà quản lý cần làm gì để nhân viên có thể làm việc hiệu quả nhất và có những thành tựu cho cá nhân họ.
Tổng hợp