Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Lionel Messi và người Argentina đã vô địch World Cup sau 36 năm. Và cúp vàng đến với họ như một sự cứu rỗi hào hùng và đẹp đẽ giữa những cuộc biểu tình, bất ổn kinh tế và rối ren xã hội.
Với Lionel Messi và La Albiceleste, mọi sự chờ đợi đều là xứng đáng. Kết thúc trận chung kết đầy kịch tính, Argentina đánh bại Pháp 4-2 sau loạt luân lưu và giành cúp vàng World Cup lần thứ 3.
Chiếc cúp vàng đến với Argentina trong một bối cảnh đặc biệt. Đó là khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang nhấn chìm đất nước 45 triệu dân. Lạm phát vọt lên gần 100% và cứ 10 người thì có 4 người sống trong cảnh nghèo đói. Niềm tin vào đồng nội tệ bị hủy hoại, dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương cạn kiệt.
“Nhưng chúng tôi đang cùng chia sẻ niềm hân hoan mãnh liệt. Những chiếc ôtô treo đầy cờ chạy khắp thành phố”, cô Guillermo Ortiz, một bác sĩ 52 tuổi, chia sẻ. “Dường như bóng đá đã vẽ ra một vòng tròn và đưa tất cả chúng tôi vào đó”, cô chia sẻ.
Cô cho biết sự đoàn kết là điều hiếm khi xảy ra ở đất nước này, nhất là trong cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng. Những người biểu tình thường đổ xuống đường để phản đối các vấn đề về kinh tế và lạm phát.
Hoàn thành giấc mơ World Cup
Cách đây 8 năm, La Albiceleste đã thua Đức trên sân Maracaná (Brazil) và bỏ lỡ cúp vàng World Cup trong tiếc nuối. Nhưng những cổ động viên người Argentina đều đồng tình rằng ở mùa World Cup 2022, họ mong đợi, phấn khích và hồi hộp hơn nhiều.
“Nguyên nhân là tình cảnh hiện tại của chúng tôi. Hàng triệu người dân đều đang trải qua quãng thời gian rất khó khăn. Và chúng tôi đều chờ đợi một cái kết ngọt ngào”, ông Martín Ferreyra, một thợ sửa ống nước 46 tuổi, chia sẻ.
Theo Al Jazeera, các cổ động viên Argentina năm nay thuộc nhóm cuồng nhiệt nhất lịch sử World Cup. Tại mỗi trận đấu của đội nhà, hàng nghìn người hâm mộ đã có mặt bên trong những sân vận động giữa lòng sa mạc. Họ đánh trống, ca hát, nhảy múa và cùng nhau ăn mừng sau chiến thắng.
Theo Đại sứ quán Argentina tại Qatar, khoảng 35.000 đến 40.000 người hâm mộ đã tới World Cup để cổ vũ cho đội tuyển. Sau tiếng còi mãn cuộc, cầu thủ Argentina thường nán lại sân rất lâu để chia sẻ khoảnh khắc đầy cảm xúc với người hâm mộ.
Cô Maria Parreira, một cổ động viên Argentina, cho biết hầu hết người Argentina đã đốt hết tiền tiết kiệm cho chuyến đi tới Qatar. Bóng đá có ý nghĩa rất lớn, và họ sẵn sàng rỗng túi trở về nhà.
Trước trận chung kết, các cổ động viên Argentina thậm chí phải giành giật những tấm vé với mức giá trên trời ở thị trường chợ đen. Giá của nhiều chiếc vé thậm chí cao gấp 8 lần mệnh giá.
Một người bán lại vé giấu tên đã chào bán chiếc vé có mệnh giá 3.650 riyal Qatar (1.000 USD) với mức giá 10.000 riyal (2.800 USD).
Theo truyền thông địa phương, người hâm mộ Argentina dành dụm tiền tiết kiệm hàng năm trời để tới Qatar xem Messi và đồng đội thi đấu.
Suốt nhiều năm, họ đổi nội tệ sang USD để tránh đồng peso mất giá. Dĩ nhiên, đó là một quá trình không dễ dàng. Những biện pháp kiểm soát hối đoái đã đẩy giá USD chợ đen tại Argentina lên gấp đôi mức chính thức.
Hơn nữa, những người hâm mộ bóng đá đều hiểu rằng chuyến đi tới Qatar xem World Cup không hề rẻ. Đồng riyal của Qatar neo với USD, vốn đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ đầu năm. Một thước đo về sự biến động trên thị trường ngoại hối vào năm nay đang ở mức trung bình cao nhất kể từ năm 2016.
Nhưng với cúp vàng được mang về xứ sở Tango, chuyến đi của hàng chục nghìn cổ động viên đáng giá từng đồng.
Nói với AFP, cựu tiền đạo người Pháp David Trezeguet tin rằng sự gắn kết giữa các cầu thủ Argentina và người hâm mộ của họ đã được hun đúc bởi cuộc khủng hoảng kinh tế đang tàn phá đất nước.
“Ký ức đầu tiên của tôi về tuyển Argentina là năm 1986 ở Mexico. Họ thật điên rồ vào thời điểm đó, nhưng bây giờ còn hơn thế”, anh nói.
“Tình hình kinh tế xã hội ở Argentina khiến sự ủng hộ dành cho đội bóng cuồng nhiệt hơn bao giờ hết”, cựu tiền vệ nói thêm.
Và trái ngọt đã đến. Lionel Messi giành được mảnh ghép còn thiếu cuối cùng trong sự nghiệp của một chân sút vĩ đại. La Albiceleste hoàn thành giấc mơ World Cup cho hàng triệu người dân Argentina đang rơi vào cảnh khốn cùng vì khủng hoảng kinh tế.
Vươn lên từ khủng hoảng
Dĩ nhiên, các vấn đề của Argentina sẽ trở lại, thậm chí còn tàn khốc hơn khi World Cup qua đi. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế Argentina sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay nhưng sụt giảm mạnh vào năm sau. Nhóm phân tích cảnh báo sự chững lại trong các hoạt động kinh tế vào 2 quý cuối năm có khả năng tác động dây chuyền sang năm sau.
OECD nhấn mạnh trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhập khẩu bị hạn chế, dự trữ ngoại hối và dư địa tài khóa thấp, Argentina sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn nữa vào năm sau. Đầu tư và tiêu dùng tư nhân do đó cũng lao dốc.
Nhưng với nhiều người Argentina, chiếc cúp vàng World Cup đã mang sự vĩ đại trở lại, và thậm chí còn quan trọng hơn tình hình kinh tế. “Lên ngôi vô địch, chúng tôi có thể chứng minh Argentina là một quốc gia dũng cảm và vươn lên từ khó khăn”, một cổ động viên nói với Financial Times.
Khoác trên người chiếc áo màu xanh trắng của đội tuyển Argentina, anh Nicolás Viublionnet – một người bán khăn dạo – cho biết nếu được chọn, anh sẽ chọn Argentina vô địch World Cup thay vì kinh tế phục hồi.
Anh tin rằng bất cứ sự phục hồi nào cũng là ngắn hạn. Bởi nền kinh tế Argentina đã hứng chịu khủng hoảng nối khủng hoảng trong nhiều thập kỷ. Kể từ những năm 1950, nước này nhận 20 gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
“Không nghi ngờ gì nữa, tôi mong Argentina chiến thắng hơn. Bởi dù thắng hay thua, tình hình kinh tế vẫn chẳng thay đổi gì”, anh chia sẻ.
Và Argentina đã giành cúp vàng World Cup. Còn cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn chưa thấy điểm kết thúc.
Liên hệ tình cờ giữa bóng đá và lạm phát Argentina
Trong 2 lần vô địch World Cup trước đây của tuyển Argentina, lạm phát của nước này đều ở mức rất cao. Năm nay, tỷ lệ lạm phát ở đây cũng dự kiến lên tới 3 con số.
Khi Diego Maradona đưa đội tuyển Argentina vô địch World Cup năm 1986, mức lạm phát trung bình năm tại quốc gia Nam Mỹ này là 116%. Khi Argentina vô địch kỳ World Cup trên sân nhà năm 1978, con số thậm chí còn lớn hơn: 176%.
Theo Bloomberg, đây có thể là một trong những lý do khiến người Argentina thêm tự tin vào thành tích của đội nhà trong kỳ World Cup tại Qatar lần này. Tỷ lệ lạm phát của Argentina được dự báo đạt mốc 99% vào tháng 12 này, cũng như sẽ sớm đạt mốc ba con số.
Dù vậy, lạm phát đã là điều mà người Argentina quá quen thuộc. Họ không cần phải chờ tới khi vô địch World Cup mới phải hứng chịu tình trạng này.
Khi Maradona và các đồng đội thất bại trước Tây Đức trong trận chung kết và giành ngôi á quân World Cup 1990, Argentina đang phải đối mặt với siêu lạm phát khoảng 2.000%.
Năm 2014, khi Argentina một lần nữa thua Đức, tỷ lệ lạm phát được Buenos Aires công bố là 22%, nhưng giới quan sát nghi ngờ số liệu không chính xác.
Dù sao, thành tích của Messi và các đồng đội tại kỳ World Cup lần này cũng được coi như “liều thuốc” xoa dịu xã hội Argentina giữa khó khăn về kinh tế.
Trong suốt giải đấu kéo dài một tháng, những khó khăn về kinh tế của Argentina đang bị lép vế trước tình yêu bóng đá, khi đội tuyển của họ liên tục tiến sâu.
“Bóng đá giúp chúng tôi phần nào quên đi những khó khăn hiện tại. Và chúng tôi cần quên chúng đi”, Natalie Acosta, một người dân Argentina, chia sẻ với Wall Street Journal. “Chúng tôi chẳng khá hơn dù Argentina vô địch. Nhưng ít nhất, chúng tôi sẽ hạnh phúc”.