Ngân hàng trung ương Argentina đang tính tới khả năng in hình Lionel Messi trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất của nước này khi anh là người hùng của cả dân tộc khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia đến chức vô địch World Cup.
Theo báo chí Argentina, ngay khi Messi và đồng đội lên ngôi vô địch World Cup, Ngân hàng trung ương nước này đã có một cuộc họp khẩn cấp.
Cuộc họp này bàn về nhiều vấn đề quan trọng như tiền thưởng của đội tuyển, cách tri ân đội tuyển và cả kế hoạch in hình Messi trên tờ 1.000 peso (khoảng 8 USD ) – vốn là tờ có mệnh giá cao nhất ở Argentina.
Theo đó, mặt trước của tờ tiền sẽ in hình Messi và mặt sau là hình của HLV Lionel Scaloni. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của Lisandro Cleri – Thống đốc ngân hàng nhà nước Argentina và Eduardo Hecker – Chủ tịch ngân hàng Trung ương Argentina.
Phần đông người ủng hộ cho rằng đây là việc nên làm để tôn vinh Messi và HLV Scaloni. Thế nhưng cũng có những ý kiến phản đối bởi họ cho rằng trong bối cảnh lạm phát leo thang, chi phí sản xuất một tờ tiền mới sẽ ảnh hưởng đến ngân sách chung.
Argentina sẽ cho ra mắt những tờ tiền đặc biệt sau mỗi sự kiện mang tính lịch sử như sau vô địch World Cup 1978, kỷ niệm 50 ngày mất của Eva Peron (cố đệ nhất phu nhân Argentina).
Điều đó thúc đẩy ngân hàng trung ương Argentina cho ra mắt một tờ tiền để tôn vinh Messi khi anh và các đồng đội mang về chức vô địch mà người dân nước này đã phải chờ đợi suốt 36 năm.
Đội bóng của HLV Scaloni đã lên máy bay trở về Argentina và sẽ hạ cánh vào lúc 22h (theo giờ Argentina).
Hàng chục nghìn người hâm mộ ở xứ Tango đã chờ đợi sẵn ở sân bay để chào đón những người hùng dân tộc. Sắp tới, đất nước này chắc chắn sẽ chìm đắm trong tiệc tùng để mừng chiến thắng.
Kinh tế Argentina có cần một cúp vàng World Cup?
Ngai vàng World Cup khiến người Argentina quên đi tình cảnh khó khăn hiện tại. Nhưng có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tác động của cúp vô địch đối với nền kinh tế nước này.
Một câu hỏi khác được đặt ra sau khi Argentina đánh bại Pháp và lên ngôi vô địch World Cup lần thứ 3. Đó là nền kinh tế Argentina – vốn đang trượt dài trong khủng hoảng – có cần một cúp vàng hay không.
Giấc mơ vô địch World Cup trở thành niềm vui và hy vọng duy nhất của người Argentina giữa khủng hoảng kinh tế. Nhưng ông Diego Schwarzstein – bác sĩ của Lionel Messi – từng thu hút sự chú ý của dư luận khi tuyên bố muốn tuyển Argentina thua cả 3 trận vòng bảng.
Ông cảnh báo Chính phủ Argentina có thể “sử dụng thành công của đội nhà tại World Cup để che đậy cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước”.
Nền kinh tế chìm trong khủng hoảng
Tại Argentina, những người biểu tình đổ xuống đường thúc ép Chính phủ hành động để đối phó với mức lạm phát trên trời và hỗ trợ người nghèo. Lạm phát ở nước này đã vọt lên gần 100% trong năm nay.
Tăng trưởng tiền lương không theo kịp lạm phát. Sức mua của đồng nội tệ bị tàn phá nghiêm trọng. Cứ 10 người Argentina thì có tới 4 người rơi vào cảnh đói nghèo.
Cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới có thể khiến nền kinh tế bất ổn hơn nữa. Tình trạng hạn hán được cảnh báo sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Các nhà kinh tế được khảo sát bởi ngân hàng trung ương nước này cho rằng lạm phát sẽ quanh ngưỡng 100% đến cuối năm tới.
Nhưng bất chấp tình cảnh khốn cùng hiện tại, những người hâm mộ bóng đá vẫn tràn ra đường phố, nhảy múa, ca hát và cùng nhau ăn mừng chiến thắng của đội tuyển quốc gia.
“Ảo tưởng về sự vĩ đại đã trở lại mạnh mẽ, ngay cả với những người không quan tâm tới bóng đá. Chúng tôi đang ở trong một tình thế rất khó khăn. Và World Cup mang lại niềm hy vọng và sự nhẹ nhõm”, ông Julio Roger, 51 tuổi, chia sẻ.
Nhân viên văn phòng tại Argentina được nghỉ trong các trận đấu của đội nhà tại World Cup. Những công viên đông đúc giờ cũng vắng tanh. Một số trường cho học sinh nghỉ học. Và với cúp vô địch World Cup sau 36 năm, người Argentina sẽ còn tiếp tục ăn mừng.
Những lo ngại rằng các vấn đề về kinh tế – xã hội sẽ bị phớt lờ do đó cũng tăng lên. Tháng trước, Bộ trưởng Lao động Kelly Olmos tuyên bố việc đối phó với lạm phát có thể kéo dài một tháng. “Điều quan trọng bậc nhất với người Argentina là giành cúp vô địch”, bà nhấn mạnh.
Vị bộ trưởng dẫn lời các nhà phân tích cho rằng đây là lĩnh vực duy nhất mà đất nước có thể cạnh tranh ngôi vị đầu bảng. Bà Olmos sau đó đã phải xin lỗi về lời bình luận vì bị công chúng chỉ trích dữ dội.
Tạm quên những vấn đề kinh tế
Xét trên khía cạnh cá nhân, nhiều người Argentina thậm chí bán của cải để có tiền tới Qatar xem World Cup. Cô Maria Parreira, một cổ động viên Argentina, cho biết hầu hết người Argentina đã đốt hết tiền tiết kiệm cho chuyến đi tới Qatar. Bóng đá có ý nghĩa rất lớn, và họ sẵn sàng rỗng túi trở về nhà.
Nhưng với cúp vàng được mang về xứ sở Tango, chuyến đi của hàng chục nghìn cổ động viên đáng giá từng đồng.
Với những người hâm mộ Argentina, bóng đá vẫn được coi là “liều thuốc giảm đau” và có tác dụng gắn kết người với người. “Dường như bóng đá đã vẽ ra một vòng tròn và đưa tất cả chúng tôi vào đó”, cô Guillermo Ortiz, một bác sĩ 52 tuổi, chia sẻ.
Cô cho biết sự đoàn kết là điều hiếm khi xảy ra ở đất nước này, nhất là trong cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng.
Theo một nghiên cứu gần đây của nhà nghiên cứu Marco Mello tại Đại học Surrey (Anh), quốc gia vô địch World Cup có xu hướng hưởng thêm 0,25 điểm phần trăm tăng trưởng GDP trong 2 quý sau khi giải đấu kết thúc.
Vị chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc gia tăng xuất khẩu. Bởi cúp vàng World Cup sẽ giúp nước vô địch được nhận diện tốt hơn trên toàn cầu. Điều này từng xảy ra với Brazil sau khi vô địch World Cup 2002.
Nhưng về dài hạn, nhiều người cho rằng việc thất bại hay chìm đắm trong niềm vui chiến thắng cũng sẽ không tác động nhiều tới kinh tế Argentina.
Nền kinh tế này đã hứng chịu khủng hoảng nối khủng hoảng trong nhiều thập kỷ. Kể từ những năm 1950, Argentina nhận 20 gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Kinh tế Argentina đón tin xấu giữa “Tiệc mừng World Cup”: Khi Messi được coi là một “mặt hàng xuất khẩu”
- Việt Nam thăng hạng nhiều nhất trong các điểm kinh doanh hàng đầu thế giới, có tiềm năng trở thành “con hổ mới của châu Á”
- Bloomberg: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng “ngoạn mục” nhất châu Á năm 2022, GDP tăng cao nhất 12 năm