Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu các doanh nghiệp Việt có sản phẩm tốt và biết vận dụng.
Bàn luận tiếp về câu chuyện doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT tập đoàn FPT vừa tiết lộ về thương mại điện tử xuyên biên giới:
“Thật bất ngờ, hôm nọ nghe một bạn trẻ tiết lộ: từ đầu năm đến giờ riêng cháu ship đi Mỹ hơn 1.7 triệu gói hàng qua con đường thương mại điện tử (TMĐT).
Lúc đầu tôi tưởng mình nghe lầm, hỏi đi hỏi lại “đi Mỹ á, từ Việt Nam đi Mỹ á”, “1,7 triệu gói hàng á”, “những mặt hàng nào hay ship đi Mỹ”, “có cả quần áo, giày dép á”, “chú tưởng quần áo ở Mỹ rẻ hơn Việt Nam rất nhiều cơ mà”, “làm cách nào mà sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Mỹ chấp nhận”.
Sau một hồi trao đổi, tôi tin rằng bạn ấy ship đi Mỹ qua con đường TMĐT, logistic chính thống là thật, mà quần áo, giầy dép xuất từ Việt Nam đi Mỹ qua con đường TMĐT là thật và 1,7 triệu gói hàng đi Mỹ là thật (không phải hàng hoá của Nike, Addida gia công).
Tất nhiên bên trong còn có nhiều bí quyết để các bạn ấy có thể bán được hàng cho người mua bên Mỹ qua TMĐT mà tôi không thể tiết lộ công khai.
Được biết, năm 2022 này, số thu ngân sách nhà nước vượt dự toán có thể lên đến 350.000 tỷ đồng, một con số rất lớn, rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế của đất nước. Một trong 5-6 nguyên nhân số thu ngân sách tăng vượt dự toán mà Bộ Tài chính đưa ra là tăng thu từ TMĐT, bán hàng online”.
Ngồi tại nhà, bán xuyên quốc gia
Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW Trần Thị Yến Phi cho biết, từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn TMĐT Alibaba, sau một năm, con số này tăng lên 260.000 USD. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu thời gian tới kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD, tiếp tục đưa hàng Việt thâm nhập thị trường EU.
DSW không phải là doanh nghiệp duy nhất tận dụng TMĐT xuyên biên giới để tăng kim ngạch xuất khẩu. Hiện rất nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công khi chuyển hướng bán hàng TMĐT xuyên biên giới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, trong thời gian đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng trưởng doanh thu 40 – 50% thông qua TMĐT xuyên biên giới. Trong đó ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, nhất là các sản phẩm như: OCOP, thủ công mỹ nghệ…
Giám đốc khu vực phía Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam Trịnh Khắc Toàn cho biết, TMĐT xuyên biên giới mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu, bởi phương thức kinh doanh này cắt bỏ hầu hết khâu trung gian của xuất khẩu truyền thống, dễ dàng tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn cầu, nhờ đó tiết kiệm được chi phí và tăng lợi nhuận bán hàng. Đồng thời kiểm soát tốt hơn thị trường và vòng đời sản phẩm nhờ sự phản hồi nhanh chóng từ khách hàng.
“Hiện có hơn 7,2 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang được bán tại nền tảng này trên khắp toàn cầu” – ông Trịnh Khắc Toàn dẫn chứng.
Thông tin từ Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, với mức doanh thu dự kiến 7.385 tỷ USD vào năm 2025.
Phó Giám đốc Trung tâm Tin học & Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số) Bùi Huy Hoàng cho biết, năm 2021, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD. Quy mô thị trường B2C TMĐT ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dự báo giai đoạn 2022 – 2025, TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
“Amazon Global Selling dự báo doanh thu xuất khẩu TMĐT B2C của người bán tại Việt Nam có thể đạt 256,1 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới” – ông Bùi Huy Hoàng nêu rõ.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, những con số triển vọng trên đã chứng minh, doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc sử dụng TMĐT để bán được sản phẩm ra nước ngoài, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, tiết giảm thời gian, chi phí so với giai đoạn trước.
5 Yếu tố thành công với thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt
Dưới đây là 5 gợi ý được tổng hợp lại từ sự kiện Tuần lễ Thương Mại Điện Tử xuyên biên giới 2022 vừa qua do Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức.
Thương mại điện tử xuyên biên giới là sân chơi đầy tiềm năng mới mở ra cho các doanh nghiệp để hiện thực hóa mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế. Và vì là sân chơi mới, mô hình kinh doanh – xuất khẩu mới, nhiều doanh nghiệp hoặc người tham gia vẫn còn loay hoay tìm kiếm “công thức thành công”.
Dưới đây là 5 gợi ý tổng hợp từ sự kiện Tuần lễ Thương Mại Điện Tử xuyên biên giới 2022 vừa qua do Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức.
1. Tìm kiếm ngành hàng tiềm năng
Tìm ra ngành hàng, chọn lựa sản phẩm phù hợp để kinh doanh đã khó; càng khó hơn khi khách hàng của bạn nằm ở các thị trường ngoài lãnh thổ Việt Nam như Bắc Mỹ, Châu Âu…
Tuy nhiên, việc lắng nghe thị trường từ xu hướng tiêu dùng và cập nhật các nhóm ngành hàng Việt được ưa chuộng trên sân chơi quốc tế như Amazon các năm gần đây sẽ mang lại các phân tích đầu tiên trong bước chọn lựa ngành hàng tiềm năng để kinh doanh.
Xu hướng tiêu dùng chứng kiến nhiều thay đổi trong và sau đại dịch. Người dùng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần, chăm sóc nhà cửa và không gian sống, thúc đẩy nhiều nhóm ngành tăng trưởng vượt bậc, đa dạng hóa danh mục sản phẩm.
Sự thay đổi này được phản ánh qua Top 5 ngành hàng bán chạy nhất của nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon năm 2022, gồm: Nhà bếp; Nhà cửa; May mặc; Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân; Tiện ích gia đình.
Theo thống kê, Việt Nam hiện đang là nhà xuất khẩu về Nội thất gỗ hàng đầu thế giới vào thị trường Mỹ. Điều này cũng phản ánh đúng ở xuất khẩu thương mại điện tử khi nhóm Nhà cửa – Nội thất và nhóm Nhà bếp cũng lọt Top 5 ngành hàng bán chạy nhất của các nhà bán hàng từ Việt Nam trên Amazon.
ChicnChill đang là thương hiệu Việt có thành tích ấn tượng trong nhóm Nhà cửa – nội thất khi chỉ sau 1 năm ra mắt đã chinh phục khách quốc tế, doanh nghiệp đã đạt tốc độ tăng trưởng 700%, tạo việc làm cho hơn 800 nghệ nhân tại các làng nghề cói xiên Nam Định, Ninh Bình.
Bên cạnh đó, sản phẩm Dệt may & Phụ kiện cũng chứng kiến sự tăng trưởng tốt khi hoạt động du lịch, dã ngoại trong thời kỳ bình thường mới không còn bị giới hạn, kéo theo nhu cầu về quần áo, phụ kiện tăng cao.
Một điểm nhấn thú vị đó là khi hậu đại dịch, sức khỏe tinh thần ngày càng được chú trọng, xu hướng tặng quà trở nên phổ biến bởi nó mang lại giá trị tinh thần cho nhau. Các sản phẩm như ly tách, cốc giữ nhiệt hay áo thun, thiệp 3D có in thông điệp chúc mừng tăng mạnh trong các dịp ngày lễ như Ngày của Cha, Ngày của Mẹ, lễ Tạ Ơn.
2. Tận dụng nguồn lực hậu cần tin cậy, độ phủ toàn cầu
Biết cách tận dụng các nguồn lực có sẵn từ các đối tác hậu cần hoặc chương trình bán hàng quốc tế đã thiết lập hệ thống hậu cần chuyên nghiệp là chiến lược thông minh mang lại hiệu quả nhanh và dài hạn.
Năm 2022, số liệu ghi nhận hàng nghìn doanh nghiệp Việt tham gia dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA), số lượng tăng hơn 90%. Nhờ hệ thống hơn 400 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn cầu, Amazon đã hỗ trợ người bán hàng bằng cách sau khi nhà bán hàng chuyển sản phẩm đến các trung tâm này và có khách hàng đặt mua, Amazon sẽ phụ trách toàn bộ các khâu như đóng gói hàng, vận chuyển, chăm sóc khách hàng như thực hiện đổi trả hàng.
Không chỉ bán hàng, cần xây dựng và bảo vệ thương hiệu
Trên hành trình TMĐT xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần nhận thức được sức mạnh của thương hiệu trong việc tiếp cận, bán sản phẩm trực tiếp với khách hàng trên toàn cầu. Để phát triển dài hạn, cần đầu tư từ bước đăng ký thương hiệu, bảo vệ thương hiệu tiến lên xây dựng thương hiệu một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Với Brand Registry, thương hiệu của bạn được bảo hộ khi đăng ký trên Amazon, tránh những tranh chấp về sở hữu thương hiệu về sau. Brand Protection giúp chủ động ngăn chặn hàng giả, bảo vệ hình ảnh và uy tín thương hiệu; và trải nghiệm của người tiêu dùng.
Ngoài ra, hàng loạt các công cụ để xây dựng & phát triển thương hiệu cũng nên được khai thác để thiết lập một cửa hàng online “chuẩn quốc tế”, có lượng truy cập cao, thu thập phản hồi của khách hàng và cải thiện không ngừng để tăng uy tín của gian hàng, thương hiệu của mình trên môi trường online.
Tận dụng các mùa lễ hội mua sắm lớn
Với thị trường nước ngoài, tính bản địa có ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu. Chỉ tính riêng Âu Mỹ, một năm có rất nhiều ngày lễ lớn như năm mới, Ngày của Cha, Ngày của Mẹ, lễ Tạ ơn, Halloween, Black Friday, Giáng sinh… Đây là thời điểm lý tưởng không chỉ cho các tín đồ mua sắm mà cả nhà bán hàng trước sức mua khổng lồ từ thị trường.
Các sàn TMĐT cũng thiết kế ngày hội mua sắm riêng để kích cầu, như ngày hội Prime Day dành cho khách hàng thành viên đóng phí của Amazon. Đơn cử, hơn 300 triệu sản phẩm được bán ra trên toàn cầu trong 2 ngày Prime Day 2022 vừa qua, đánh dấu kỷ lục mới của ngày hội mua sắm lớn nhất từng có trong lịch sử Amazon. Các nhà bán không thiếu cơ hội tạo đột phá doanh số, điều cần thiết là có kế hoạch truyền thông quảng bá, dự trữ hàng hóa, tối ưu hóa quy trình để đón bắt cơ hội từ các lễ hội mua sắm này.
Cập nhật và làm mới kiến thức của mình với TMĐT xuyên biên giới
Thông tin cập nhật liên tục từ các chương trình thúc đẩy TMĐT sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian tìm hiểu thị trường, tự trang bị “tấm vé thông hành” dài hạn vào sân chơi quốc tế. Các doanh nghiệp có thể cập nhật kiến thức thông qua các sự kiện về TMĐT của Chính phủ và các nền tảng, các chương trình, sáng kiến, hội thảo… nhằm trang bị kiến thức cho doanh nghiệp trong nước.
Mới đây, Amazon Global Selling tổ chức sự kiện thường niên Amazon Week với các hoạt động tại chỗ và trực tuyến. Sự kiện cung cấp những thông tin cập nhật, đa chiều, hữu ích với các phiên bàn tròn thảo luận, workshop chia sẻ với mục tiêu giúp các đối tác bán hàng Việt Nam khai phóng tiềm năng xuất khẩu, mở rộng thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Các doanh nghiệp muốn tìm hiểu về bán hàng xuyên biên giới trên Amazon có thể tham khảo các chương trình bệ phóng cho nhà bán mới, thông tin hướng dẫn… tại Seller University, tiếp nhận tư vấn trực tiếp bởi chuyên gia từ Amazon Global Selling.
Cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp để bước ra thế giới. Vượt qua những e ngại ban đầu, thay đổi tâm thế với cuộc chơi mới, đồng thời tận dụng các gợi ý nắm bắt cơ hội & thành công cùng thương mại điện tử xuyên biên giới ngay từ hôm nay.
Theo Kinh tế đô thị, Vietcetera
Xem thêm bài liên quan
- Một bạn trẻ tiết lộ: “Từ đầu năm đến giờ riêng cháu ship đi Mỹ hơn 1,7 triệu gói hàng qua con đường thương mại điện tử”
- Đây là văn phòng “tạm bợ” của đế chế Amazon cách đây hơn 20 năm: Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân!
- Loạt công ty Trung Quốc bành trướng đối đầu trực tiếp “ông trùm” Amazon trên chính đất Mỹ: Sự trỗi dậy của những con rồng Châu Á