Bức ảnh trên là văn phòng của ông lớn công nghệ Amazon năm 1999 và người trong hình không ai khác chính là tỷ phú giàu nhất nhì thế giới – Jeff Bezos – nhà sáng lập kiêm chủ tịch của sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon.
Năm 1999, lúc đó Amazon mới thành lập được 5 năm, trụ sở chính của công ty nằm ở một con phố khá phức tạp ở Seattle. Phóng viên Bob Simon của đài CBS lúc đó đã tìm đến trụ sở của Amazon để phỏng vấn Jeff Bezos cho chương trình “60 Minutes”.
Ông kể lại rằng: “Người ta nói với chúng tôi là hãy đến địa chỉ 1516 2nd Ave, nằm giữa đường Pike và đường Pine ở Seattle.”
“Thế nhưng khi chúng tôi tìm đến chỗ này, xung quanh có một tiệm cầm đồ, một cơ sở mát xa khiêu dâm, một tiệm bán tóc giả và một cửa hàng bán teriyaki thì không thấy bất kỳ lối đi riêng vào văn phòng hay tòa nhà văn phòng nào. Chỉ có một tòa nhà cũ có tên Columbia với số nhà là 1516. Vậy là chúng tôi đi vào bên trong tòa nhà này.”
Khi Simon lên cầu thang, ông càng ngạc nhiên hơn bởi sự tồi tàn của văn phòng Amazon – trên sàn là một tấm thảm đã ố bẩn, bàn làm việc của Jeff Bezos được chế lại từ một cánh cửa cũ.
Vào thời điểm 1999, Bezos đã là tỉ phú nhưng khi được hỏi tại sao lại làm việc trong một văn phòng tạm bợ như vậy, Bezos trả lời rằng: “Đây là một biểu tượng của việc đầu tư vào những thứ có ý nghĩa cho khách hàng thay vì phung phí vào những thứ không ý nghĩa.”
Bezos lúc đó mặc áo sơmi xanh và quần khaki, ông đi một chiếc xe Honda – cụ thể là Honda Accord 1997. Khi Simon cười nhạo Bezos rằng tỉ phú gì mà đi xe Honda thì Bezos trả lời: “Đây là một chiếc xe rất tốt.”
Sau khi tốt nghiệp đại học Princeton, Bezos ban đầu làm việc tại Wall Street nhưng sau đó ông quyết định thành lập Amazon dựa trên một triết lý sống rất logic mà ông gọi là “khuôn khổ hối tiếc tối thiểu”.
Bezos nói: “Tôi muốn sống một cuộc đời mà đến năm 80 tuổi, tôi giảm thiểu tối đa số lần phải hối tiếc. Tôi nghĩ thực tế có nhiều người sống theo kiểu này, ngay cả khi họ không gọi nó như tôi là “khuôn khổ hối tiếc tối thiểu” thì họ cũng hành động tương tự như vậy.”
Điều này không có nghĩa Bezos không ý thức được những rủi ro thực tế khi đưa ra quyết định. Ông nói: “Tôi biết chúng ta có thể mất tất cả nhưng đây không phải nỗi sợ, đây là sự thật.”
Jeff Bezos cũng từng chia sẻ với đài CNBC về tầm nhìn của ông vào năm 1999.
“Tôi tin rằng nếu bạn tập trung đến mức ám ảnh về trải nghiệm khách hàng, tính chọn lọc, tính đơn giản khi sử dụng, giá thấp và cung cấp thêm thông tin cho khách hàng để họ có thể quyết định chi tiêu.
Và nếu bạn cho khách hàng tất cả những thứ này cùng với dịch vụ khách hàng tốt nhất, chẳng hạn như chính sách cho trả hàng sau 30 ngày nếu không thích áp dụng với đồ chơi và thiết bị điện tử, thì tôi nghĩ rằng bạn sẽ có cơ hội tốt và đây cũng là những gì mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện.”
Đây là câu trả lời của Jeff Bezos khi được hỏi tại sao nên đặt cược vào cổ phiếu của công ty và “trải nghiệm khách hàng” cũng chính là chìa khóa thành công của Amazon.
Vào thời điểm đó, Amazon có hơn 3000 nhân viên, trung tâm điều phối hàng hóa rộng đến 370 ngàn m2, hàng chục kho đặt rải rác trên khắp nước Mỹ và nhờ hệ thống kho vận này, Amazon đã đưa trải nghiệm người dùng lên một cấp độ mới khi có thể giao hàng đến người dùng trong một khoảng thời gian hợp lý.
Jeff Bezos được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm 1999. Amazon ban đầu bán sách trực tuyến và qua thời gian thì danh mục sản phẩm được mở rộng như đĩa nhạc, video, game, phần cứng, phần mềm máy tính và đến nay có hơn 12 triệu sản phẩm được bán trên Amazon.
Từ 4 tỉ đô năm 2001, giá trị vốn hóa thị trường của Amazon đã đạt đến hơn 1600 tỉ đô vào năm 2020, trở thành “đế chế” bán lẻ lớn nhất thế giới. Hiện tại Jeff Bezos vẫn là người giàu thứ 4 hành tinh với khối tài sản 117,5 tỷ USD (Cập nhật tháng 11/2022).
Thời “khai thiên lập địa” của Amazon: Từ cửa hàng sách trở thành đế chế chi phối thương mại toàn cầu
Khởi đầu chỉ là một tiệm bán sách nhưng Jeff Bezos sau nhiều chục năm, người vừa mới từ chức CEO, đã biến Amazon trở thành một đế chế về công nghệ, mua sắm, giải trí, dịch vụ đám mây…
Khi khởi nghiệp năm 1994, Jeff Bezos 30 tuổi, còn tới bây giờ, sau 27 năm, ông trở thành tỉ phú giàu nhất thế giới. Hãy nhìn lại quá trình gây dựng Amazon từ khi còn là một cửa hàng sách của Jeff Bezos.
Dưới sự dẫn dắt của Jeff Bezos, Amazon đã chuyển mình từ một cửa hàng sách trực tuyến trở thành một tập đoàn khổng lồ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, điện toán đám mây, sản xuất phim…
Vậy Jeff Bezos đã thực hiện điều đó như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khởi nghiệp
Năm 1994, Jeff Bezos nghỉ việc và thành lập cửa hàng bán sách trực tuyến. Cửa hàng đi vào hoạt động tháng 7 năm 1995 và họ bán sách tại tất cả 50 tiểu bang tại Mỹ. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Amazon chỉ là ‘con tép’ so với những cửa hàng bán sách như Barnes & Noble hay Borders.
Tháng 7 năm 1996, Amazon giới thiệu chương trình hoàn tiền dành cho những trang web đưa người dùng tới trang bán sách của mình. Hiện tại, Amazon vẫn áp dụng chính sách này và là một trong những yếu tố thành công.
Tới tháng 5 năm 1997, Amazon IPO (phát cổ phiếu ra công chúng) với giá 18 USD/cổ phiếu. Dù doanh thu tăng 800% mỗi năm nhưng lúc đó Amazon vẫn lỗ, Jeff trấn an các nhà đầu tư rằng họ tập trung vào mục tiêu dài hạn. Cùng năm đó, Amazon giới thiệu tính năng mua và ship sách tới tận nhà thông qua một cú click chuột (1-Click).
Một năm sau, Amazon mua IMDb với giá 55 triệu USD, và là một thương vụ lớn đầu tiên của hãng. Ngoài sách, Amazon bắt đầu mở rộng ra bán cả DVD và CD, cũng như nhiều danh mục sản phẩm khác trong những tháng tiếp theo.
Năm 2000, Amazon có Amazon Marketplace, là nơi mọi người có thể bán sản phẩm chứ không chỉ riêng Amazon. Mãi tới năm 2003 thì lần đầu tiên Amazon mới có lãi với số tiền 75 triệu USD.
Amazon Prime
Đây là chương trình thuê bao hàng năm dành cho người dùng dịch vụ Amazon. Với 79 USD/năm, khách hàng được tận hưởng chương trình miễn phí ship và đảm bảo ship trong vòng hai ngày tại tất cả các bang của Mỹ.
Ở thời điểm năm 2005, đó là một chính sách cực kỳ quan trọng và lớn lao khi mọi sản phẩm bán trên Amazon đều được đảm bảo thời gian ship chỉ 2 ngày. Người dùng bắt đầu thấy tiện lợi hơn là đi ra các cửa hàng bán lẻ.
Năm 2006, Amazon giới thiệu sản phẩm Amazon Web Services, là nền tảng đám mây cho các dịch vụ Internet của mình. Hiện tại AWS là mảng kinh doanh rất lớn của Amazon, nó cũng đi trước vài năm so với các đối thủ như Azure (2010) hay Google Cloud (2008). Các công ty dùng dịch vụ đám mây của Amazon có thể kể đến như Netflix, Instagram, Dropbox, Pinterest…
Cũng trong năm 2007, Amazon ra sản phẩm phần cứng đầu tiên, chính là máy đọc Kindle. Cùng với kho sách điện tử, việc ra mắt thiết bị đọc đã dần giúp cho khái niệm này trở nên phổ biến. Amazon ban đầu đưa sách giấy lên mạng bán, còn giờ họ bán sách số cho thiết bị đọc.
Năm 2009, Amazon ra thương hiệu AmazonBasics, bán những đồ dùng cơ bản và thiết yếu nhất. Có những lùm xùm nhất định khi các gian hàng nói Amazon không lành mạnh khi ra thương hiệu riêng để cạnh tranh với họ, cũng như Amazon đi copy bên thứ 3 cho các sản phẩm dưới nhãn AmazonBasics.
Cùng với cửa hàng trực tuyến của mình, Amazon đã lớn mạnh hơn rất nhiều và bắt đầu đi mua các đối thủ cạnh tranh, điển hình như Zappos với giá 928 triệu hay Woot giá 110 triệu USD.
Hiện Twich của Amazon là một trong những dịch vụ stream game lớn nhưng khởi nguồn chính là Amazon Prime Instant Video ra mắt năm 2011. Đây là kho phim, TV show mà người dùng coi bằng cách stream trực tiếp thay vì tải về hay mua về xem.
Cũng trong năm này, Amazon ra mắt tablet Kindle Fire và kho app cho Android. Kindle Fire hướng tới phân khúc giá rẻ, giống như các tablet Android khác, nó chưa bao giờ phổ biến và đem lại thành công cho Amazon.
Mở rộng dải sản phẩm
Sau tablet Fire, Amazon bắt đầu ra mắt nhiều sản phẩm phần cứng dưới thương hiệu này. Năm 2014, họ giới thiệu Fire TV, thiết bị đầu thu giống Apple TV hay Roku. Sau đó là Fire Phone, dự án làm điện thoại của Amazon, vốn bị chấm dứt vào tháng 9 năm 2015.
Cũng trong 2014, Amazon giới thiệu Echo, loa thông minh tích hợp trợ lý ảo Alexa. Ban đầu, Echo chỉ giới hạn cho thành viên Prime nhưng sau đó mở rộng cho toàn bộ khách hàng từ năm 2015. Echo là sản phẩm rất thành công của Amazon, hiện tại Alexa là một trong ba dịch vụ trợ lý ảo phổ biến nhất, bên cạnh Siri hay Google Assistant.
Nếu anh em hay mua hàng có thể biết ngày giảm giá Black Friday hay ngày Prime Day của Amazon. Nó khởi nguồn từ năm 2015 nhân kỷ niệm 20 năm thành lập công ty. Kể từ đó, Amazon tổ chức định kỳ ngày bán hàng giảm giá nhằm kích cầu mua sắm.
Năm 2015, Amazon cũng mở cửa hàng sách bán lẻ đầu tiên tại Seattle và sẽ mở thêm nhiều cửa hàng kiểu này tại Mỹ. Ngoài Amazon Books, còn có Amazon Go là cửa hàng tiện lợi mà không có người bán (mua bán thông qua tự động hóa hết).
Toàn cảnh
Có câu là nếu không cạnh tranh nổi thì mua lại, nó rất đúng với Amazon. Trong quá trình phát triển, Amazon mua lại rất nhiều công ty, nổi bật là Whole Foods năm 2017 với giá lên tới 13,7 tỉ USD. Đây là chuỗi bán lẻ thực phẩm rất lớn, Amazon muốn xâm nhập vào thị trường này. Một năm sau, họ tiếp tục mua lại công ty ở lĩnh vực an ninh trong nhà là Ring với giá 1 tỉ USD.
Tháng 9/2018, giá trị vốn hóa của Amazon lần đầu đạt 1 ngàn tỉ USD. Chương trình Prime ship trong vòng 2 ngày giờ đây được giảm xuống chỉ còn một ngay trên khắp nước Mỹ, quá ấn tượng. Không khó hiểu khi lượng thuê bao Prime và doanh số bán lại liên tục tăng. Để làm được điều này, mạng lưới logistic của Amazon phải rất khủng khiếp.
Ngoài ra, trong quá trình lãnh đạo của mình, Jeff Bezos cũng tung ra rất nhiều dịch vụ và sản phẩm khác như làm game hay dịch vụ stream game Luna, cửa hàng Amazon Fresh hay làm phim…
Hiện Amazon đã rất lớn mạnh và đã đến lúc Jeff Bezos rút khỏi công việc điều hành hàng ngày, để tập trung cho những dự án khác của ông.