Tập đoàn LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton) được thành lập từ những năm 1980 bởi vị chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành kiệt xuất Bernard Arnault.
Xuyên suốt những năm khủng khoảng gần đây, ngành công nghiệp xa xỉ là một trong những điểm sáng hiếm hoi của thị trường, duy trì được tốc độ phát triển với nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Nổi bật trong đó là tập đoàn LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton) với hệ sinh thái “bất bại” của mình.
Hệ sinh thái xa xỉ
Được thành lập từ những năm 1980 bởi doanh nhân kiệt xuất Bernard Arnault. Qua nhiều thập kỷ, LVMH không ngừng mở rộng và đa dạng hóa danh mục và hiện sở hữu đến 75 thương hiệu hàng đầu toàn cầu trong các lĩnh vực thời trang, trang sức, mỹ phẩm…
Người tiêu dùng thường nhầm lẫn giữa “xa xỉ” và “đắt tiền”, để đủ điều kiện trở thành thương hiệu xa xỉ, thương hiệu cần sở hữu và duy trì một di sản độc đáo, luôn được định giá cao, là ước mơ của số đông với sự ảnh hưởng nhất định đến đến văn hóa đại chúng.
Theo Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của hãng xe cao cấp BMW: “Công việc của tôi là đảm bảo những thanh niên 18 tuổi quyết định rằng, ngay khi có tiền, họ sẽ mua một chiếc BMW. Tôi phải đảm bảo rằng khi họ đi ngủ vào ban đêm, họ sẽ mơ thấy BMW.”
Đó cũng chính là “ước mơ” mà các thương hiệu của LVMH luôn mang lại.
LVMH không chỉ mua lại các thương hiệu dựa trên thành công sẵn có mà còn đóng góp và tạo ra sự thay đổi mãnh liệt. Ví dụ, sau khi mua lại thương hiệu Louis Vuitton vào năm 1987, tập đoàn đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, tạo ra những dòng sản phẩm độc đáo và sáng tạo. Louis Vuitton đã trở thành một biểu tượng của sự sang trọng và phong cách, và mang lại lợi nhuận đáng kể cho LVMH.
LVMH cũng đã mua lại lại Dior vào năm 1985 và tạo ra một sự kết hợp hoàn hảo giữa sự sáng tạo và kỹ thuật, tạo ra những bộ sưu tập kết hợp sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và phụ kiện, trở thành một thương hiệu toàn diện và thu hút đông đảo khách hàng trên thế giới.
Chiến lược “phản marketing”
Chỉ vì khách hàng thích thứ gì đó hay thị trường có một xu hướng nổi trội, không có nghĩa là đội ngũ thiết kế tại Louis Vuitton sẽ thay đổi bộ sưu tập tiếp theo để làm cho nó phù hợp với thẩm mỹ đại chúng.
Các thương hiệu như Louis Vuitton, Dior và Celine luôn đóng vai trò “chi phối khẩu vị” cho toàn thị trường. Những gì LVMH tạo ra sẽ luôn bị sao chép bởi hàng loạt thương hiệu thời trang nhanh như Zara và H&M.
Lấy sự sáng tạo làm trọng tâm, LVMH sẵn sàng bảo trợ cho nghệ thuật và định vị mình là người ủng hộ những tài năng mới nổi.
Ví dụ, bảo tàng nghệ thuật The Louis Vuitton Foundation ở Paris tập trung vào nghệ thuật tiên phong, cũng như thương hiệu Louis Vuitton luôn tài trợ cho các buổi biểu diễn âm nhạc đương đại.
Lợi thế từ mô hình hoạt động
Tuy thương hiệu đều trực thuộc tập đoàn LVMH, nhưng chúng được quản lý theo mô hình phi tập trung, hầu hết các quyết định được đưa ra bởi các nhà quản lý cấp trung chứ không phải người đứng đầu.
Mỗi thương hiệu tại LVMH đều hoạt động độc lập và do đó có thể phản hồi nhanh chóng với biến động. Mỗi thương hiệu thời trang, chẳng hạn như Dior, Louis Vuitton sẽ có giám đốc sáng tạo riêng, giống như mỗi thương hiệu nước hoa đều có Trưởng phòng tiếp thị riêng.
Sự thành công của LVMH cũng đến từ việc khai thác sự tương tác và hỗ trợ giữa các thương hiệu trong hệ sinh thái của mình.
Các thương hiệu của LVMH không chỉ tồn tại độc lập, mà còn tạo ra những liên kết chặt chẽ và tận dụng sự phối hợp giữa các bộ sưu tập. Ví dụ, việc sử dụng túi xách Louis Vuitton kết hợp với trang sức Bulgari hoặc nước hoa của Dior đã tạo ra những bộ sưu tập hoàn hảo và gia tăng giá trị cho từng thương hiệu.
Sang trọng luôn gắn liền với lịch sử và lịch sử gắn liền với một nền văn hóa. Đây là lý do tại sao LVMH luôn sản xuất các sản phẩm xa xỉ hàng đầu của mình tại nơi xuất xứ, chấp nhận chi phí sản xuất cao để đổi lại một hình ảnh thương hiệu không bao giờ bị sứt mẻ.
Kết luận
Tập trung vào chất lượng, sáng tạo, và quản lý thương hiệu đa dạng, LVMH đã trở thành một tập đoàn xa xỉ hàng đầu trên thế giới, với giá trị thị trường lên tới 500 tỷ USD.
Bất chấp Covid-19, LVMH đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng trưởng 12% trong quý 3 năm 2020 và kết thúc năm đại dịch 2020 với doanh thu 144 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện có mặt tại hơn 70 quốc gia và sở hữu 4.800 cửa hàng bán lẻ, LVMH được dự báo sẽ giữ vững vị thế của mình trong nhiều năm sắp tới.
Bí quyết làm nên thành công của Bernard Arnault – “Ông trùm xa xỉ” vừa đoạt ngôi giàu nhất thế giới từ Elon Musk
Bí quyết thành công của Bernard: Gia đình là số một!
Bernard Arnault cho biết ông là người được sinh ra để làm kinh doanh. “Trong suốt cả cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ làm thứ gì khác cả.” – Bernard đã từng nói như vậy.
Bản thân ông cũng đã tiếp quản công việc kinh doanh mà người cha để lại từ năm 25 tuổi, đồng thời những gì mà cha của ông để lại đã trở thành một phần vững chắc cho đế chế LVMH ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra mối quan hệ giữa Bernard và các con cũng rất tốt đẹp. Marie Josee Kravis, một thành viên trong hội đồng quản trị LVMH từng nói rằng ông thực sự rất ấn tượng về sự thân thiết và gắn kết giữa Bernard và con cái.
“Gia đình rất có ý nghĩa với ông ấy. Bernard luôn dành thời trang cho con cái, điều mà rất nhiều người thường đã bỏ qua”. Có lẽ cũng do đó mà Antoine Arnault, con trai tỷ phú người Pháp cũng rất thông cảm cho thói tham công tiếc việc của bố.
Ông kể về bố mình như một nhân vật thường đến văn phòng rất sớm vào mỗi buổi sáng và luôn ra về muộn nhất. Để nói về ông bố của mình, Antoine luôn dùng những lời tán dương có cánh.
“Với tôi, điều đáng nể nhất của bố là có thể tiếp cận được với những người tài giỏi và đưa họ vào bộ máy của mình. Vấn đề không nằm ở việc tạo lợi nhuận, tăng doanh thu haymở rộng quy mô; đó là điều tất yếu. Điều giỏi nhất ở bố tôi, đó là thu hút được những người giỏi nhất làm cho mình.” – Antoine Arnault tự hào nói về ông Bernard, bố của mình.
Bernard Arnault (sinh ngày 5 tháng 3 năm 1949) là một ông trùm kinh doanh, một nhà đầu tư và nhà sưu tầm nghệ thuật người Pháp. Arnault là chủ tịch và giám đốc điều hành (CEO) của LVMH, công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới.
Bernard Arnault bắt đầu sự nghiệp của mình từ khi ra nhập công ty của cha mình vào năm 1971. Với tầm nhìn chiến lược và tài năng kinh doanh tài ba, ông đã đưa công ty phát triển vượt bậc trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Ông trở thành CEO của công ty vào năm 1977 và đến năm 1979, ông kế nhiệm cha mình trở thành chủ tịch công ty.
Năm 1981, với nhiều biến cố trong xã hội pháp lúc bấy giờ, Bernard Arnault cùng gia đình chuyển đến Mỹ sinh sống. Ông bắt đầu lại công việc kinh doanh của mình và kiếm được một khoản lợi nhuận rất lớn. Đến năm 1983, khi môi trường kinh doanh trong nước trở lại ổn định, Bernard Arnault quyết định quay về Pháp.
Sau khi về Pháp, ông mua lại nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có Boussac Saint-Frères và Financière Agache. Đến năm 1985, ông chính thức trở thành CEO của thương hiệu thời trang Christian Dior.
Năm 1988, ông đầu tư 1,5 tỷ USD vào tập đoàn LVMH. Đến năm 1989, ông nắm tới 43,5% cổ phần LVMH và trở thành chủ tịch công ty. Dưới sự lãnh đạo của Bernard Arnault, LVMH đã phát triển một cách thần tốc trở thành một trong những tập đoàn giá trị nhất toàn cầu, sở hữu nhiều thương hiệu xa xỉ như: Dior, Celine, Marc Jacobs, Fendi, Louis Vuitton, TAG Heuer, Hublot, Bvlgari, Tiffany…
Với sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng và khối tài sản đồ sộ, Bernard Arnault đã lọt vào Top 10 người giàu nhất thế giới vào năm 2005.
Theo Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- 5 câu chuyện thành công kinh điển trong kinh doanh đáng suy ngẫm nhất mọi thời đại: Thành công không phải may mắn mà là quá trình không ngừng nỗ lực cố gắng
- Phân tích hành trình “hóa rồng” của tập đoàn Vingroup: Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân và bài học rút ra
- “Kim tứ đồ” trong kinh doanh của bậc thầy Robert Kiyosaki: Bàn đạp cho sự giàu có và thịnh vượng của bất cứ ai