Ít người biết rằng trước khi trở thành tập đoàn công nghệ nổi tiếng nhất Hàn Quốc, xuất phát điểm của Samsung chỉ là một cửa hàng nhỏ, chuyên kinh doanh mỳ ăn liền, cá khô tại thành phố Daegu.
Những chiếc điện thoại chất cao như núi trên sân nhà máy Gumi, mỗi phút lại nhiều hơn. Điện thoại, tivi, máy fax cùng các thiết bị khác vỡ toang khi bị ném xuống sàn, trong khi ông Lee Kun Hee và giám đốc đập nát chúng bằng búa. Sau đó, họ châm một ngọn lửa, quẳng mọi thứ vào trong.
2.000 nhân viên bắt đầu khóc, song không thể ngăn lại cơn lũ sản phẩm tiếp tục được mang đến. CEO Samsung khi ấy tức giận vì chất lượng sản phẩm tệ hại sản xuất tại nhà máy của mình vào đầu những năm 1990. Trong cơn giận dữ, ông ra lệnh tất cả phải bị phá hủy.
Cứ như thế, khoảng 50 triệu USD đã bị đốt cháy chỉ trong một ngày năm 1995 khi Samsung giương cao biểu ngữ “Chất lượng trên hết” và bắt đầu cuộc hành trình chậm chạp đến ngôi vị thống trị thế giới. Một Samsung Electronics rất khác nổi lên từ tro tàn…
Từ tôm tới bán dẫn
Với hầu hết mọi người, cái tên “Samsung” gắn liền với smartphone, tivi, tủ lạnh, lò vi sóng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước khi có Samsung Electronics, Samsung chỉ là một công ty thương mại nhỏ, do ông Lee Byung Chull sáng lập năm 1938 tại Daegu với số vốn vỏn vẹn 30.000 won, chuyên chế biến hải sản khô và sản xuất mỳ ăn liền. Việc làm ăn thuận lợi giúp ông Lee mở thêm Samsung Mulsan (nay là Tập đoàn Samsung) năm 1948. Dù vậy, sau thời gian chăm chỉ phát triển Samsung Mulsan, ông Lee buộc phải từ bỏ tài sản của mình tại Seoul khi thành phố bị kẻ thù chiếm đóng.
Ông gần như trắng tay.
Câu chuyện của Samsung lẽ ra kết thúc ở đây, song ông Lee đã đến Busan để bù đắp mất mát và đưa Samsung Mulsan từ cõi chết trở về. Nền kinh tế chiến tranh tạo điều kiện cho tập đoàn non trẻ: chỉ trong vài năm, ông Lee có trong tay một vài doanh nghiệp nổi bật.
Từ đó, kỷ nguyên gia đình trị (chaebol) của Samsung bắt đầu. Ông Lee Byung Chull ngồi ở chiếc ghế cao nhất và theo thời gian, chuyển giao lại công việc cho 6 người con gái và 4 người con trai. Không ai xuất chúng hơn cậu con trai út Lee Kun Hee, người chính thức gia nhập tập đoàn năm 1968 sau khi học xong kinh tế học tại Đại học Waseda và lấy bằng MBA tại Đại học George Washington.
Năm 1969 chứng kiến sự ra đời của Samsung Electronics. Sản phẩm đầu tay của họ là những món đồ gia dụng khiêm tốn. Samsung bắt tay với Sanyo để sản xuất tivi đen trắng do họ không có kinh nghiệm, tiếp đó là tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện.
Ông Lee xác định nhu cầu ngày một lớn đối với điện tử tiêu dùng sẽ có ý nghĩa rất lớn với Samsung. Song có một vấn đề là nhiều linh kiện trong sản phẩm đến từ nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Do sức ảnh hưởng của các thương hiệu Nhật như Sony, doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện và kiến thức ngoại nhập.
Năm 1974, Samsung mua cổ phần trong công ty bán dẫn Korea Semiconductor để giảm lệ thuộc vào nước ngoài. Không phải ai trong Samsung cũng đồng ý với quyết định này, vì vậy ông Byung Chull giải quyết vấn đề bằng tiền riêng. Korea Semiconductor đổi tên thành Samsung Semiconductor năm 1978, Samsung cũng sớm tự sản xuất bán dẫn, nước đi đem đến thành công lớn vài thập kỷ sau đó.
Hầu hết những năm 1970, Samsung Electronics sản xuất thiết bị giá rẻ như tivi màu để xuất khẩu. Đến thập niên 80, Samsung Group trở thành một trong các chaebol lớn nhất Hàn Quốc. Dù vậy, khách hàng nước ngoài vẫn “ngó lơ” các sản phẩm điện tử của hãng. Ai lại muốn mua tivi Samsung khi xếp cạnh tivi Sony trên kệ? Điều tệ hơn là những người cho Samsung một cơ hội lại phát hiện sản phẩm quá tệ, song ông Byung Chull không có đủ thời gian để giải quyết việc này.
Tạm biệt Lee Byung Chul, xin chào Lee Kun Hee
Bầu trời Seoul giăng đầy mây đen vào ngày ông Lee Byung Chull qua đời (20/11/1987) vì căn bệnh ung thư gan. Chỉ hai tuần sau, ông Lee Kun Hee tiếp nhận Tập đoàn Samsung và trở thành Chủ tịch đời thứ hai. Ông không ngần ngại loại bỏ hai người anh trai do không làm tốt nhiệm vụ. “Họ không phù hợp với vị trí lãnh đạo. Cuộc đời một người rất ngắn nhưng một tập đoàn thì không”, ông trả lời trên tạp chí Time năm 1976.
Nhiệm kỳ của ông Kun Hee gắn với các khoảnh khắc mang tính quyết định đối với hướng đi của cả tập đoàn. Tầm nhìn của ông Lee chính là Samsung ngồi trên đỉnh ngành công nghiệp thế giới, tầm nhìn đó không có chỗ cho những sản phẩm tệ hại và hoạt động bất cẩn mà ông chứng kiến ngày qua ngày.
Năm 1993, ông tới Đức và triệu tập khoảng 200 lãnh đạo Samsung, làm rõ tầm nhìn trong 3 ngày. “Thay đổi mọi thứ, trừ vợ và con các ông”, ông Lee nói. Samsung Electronics đang gặp rắc rối và mọi người trong căn phòng đó cần phải thay đổi nhanh chóng.
Dù vậy, dường như mọi người đã sớm quên thông điệp của Chủ tịch. Năm 1995, ông Lee gửi một số điện thoại Samsung mới nhất làm quà tặng năm mới, để rồi bị bẽ mặt vì nhận được thông báo chúng không hoạt động tốt. Chất lượng tiếp tục trượt dốc, ông quyết định phải vào cuộc. Đó là nguyên nhân dẫn đến vụ tiêu hủy 50 triệu USD sản phẩm cùng năm.
Từ đây, Samsung Electronics nỗ lực gấp đôi vào R&D. Việc bổ nhiệm CEO Yun Jong Yong vào tháng 12/1996 chứng minh hiệu quả. Ông lèo lái Samsung Electronics qua nhiều giai đoạn khó khăn như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Ông giúp Samsung Electronics chuyển từ một nhà sản xuất thiết bị thường thường sang hiện đại. Ngoài ra, đầu tư sớm vào bán dẫn cho phép Samsung cạnh tranh theo cách mà các hãng điện tử khác – như Sony – không kịp chuẩn bị.
Samsung Electronics không cố tiên phong trong các lĩnh vực chưa phổ biến. Thay vào đó, họ chọn ra các thị trường có tiềm năng và kiên trì đánh bại đối thủ. Chẳng hạn, Samsung sản xuất màn hình TFT-LCD đầu tiên vào giữa những năm 1990 và bỏ ra số tiền đáng kể để cải thiện chất lượng sản xuất, độ sắc nét, kích cỡ do nhu cầu màn hình phẳng tăng mạnh từ cuối thập niên 90.
Di động cũng là một cơ hội khổng lồ. Chiến lược dựa trên đầu tư khủng và phát triển nhanh đã giúp Samsung vượt lên đối thủ, tương tự họ đã làm được trên thị trường màn hình. Cách tiếp cận này có thể gọi là “tán xạ”. Dù là điện thoại phổ thông hay điện thoại thông minh, Samsung Electronics luôn cho ra đời sản phẩm mới với tốc độ ánh sáng để xem phản ứng của người dùng. Điều đó dẫn tới một số lượng lớn thiết bị có vòng đời cực ngắn, đôi khi chỉ vài tháng, nhưng lại là tiền đề cho các thành công sau này.
Năng lực sản xuất đáng kinh ngạc, sự tận tâm với tốc độ và hiệu quả, mức độ “điên rồ” của các nhà lãnh đạo và sự sẵn sàng vứt bỏ mọi sản phẩm “khuyết tật”, tất cả đã góp phần giúp Samsung thống trị gần như mọi ngành công nghiệp mà họ tham gia.
Theo Itcnews