Tập đoàn Samsung chiếm 20% GDP toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc. Người Hàn Quốc thường sống trong các tòa chung cư của Samsung, có thể được điều trị từ các trung tâm y tế do Samsung sở hữu, đến các trường đại học của Samsung và thậm chí kết thúc tại nhà tang lễ của Samsung khi qua đời…
Samsung là một trong những tập đoàn góp công tạo nên kỳ tích sông Hán, đưa Hàn Quốc giàu lên nhanh chóng. Công ty cũng đã bước qua nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế lớn, và ngày một mạnh mẽ hơn.
Hàn Quốc thiếu tài nguyên thiên nhiên, bị kẹp giữa hai đất nước hùng mạnh là Trung Quốc và Nhật Bản, thường trực nguy cơ chiến tranh với Hàn Quốc. Vậy nên đáng lẽ Hàn Quốc phải là một đất nước nghèo. Bất chấp những khó khăn trên, Hàn Quốc hiện đang có nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Một động lực lớn dẫn tới sự thành công của Hàn Quốc là một doanh nghiệp: Samsung.
Trong tiếng Hàn, cụm từ chaebol được dùng để chỉ những tập đoàn gia đình lớn như Samsung, LG, Hyundai. Sức ảnh hưởng của các chaebol đến kinh tế, chính trị và đời sống người dân Hàn Quốc là vô cùng lớn.
Theo Statista, vào năm 2021, doanh thu của 10 tập đoàn chaebol lớn nhất tại Hàn Quốc gần tương đương với 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Và chỉ riêng tập đoàn Samsung đã chiếm hơn 1/3 tổng doanh thu của top 10 chaebol.
Tại Hàn Quốc, có hai loại chaebol: Samsung và các chaebol còn lại. Học sinh Hàn Quốc chuẩn bị cả đời để có cơ hội được tham gia cùng khoảng 100.000 người khác trong kỳ thi Đánh giá Năng lực Samsung (SAT). Khi trượt kỳ thi của Samsung, các ứng viên sẽ phải tìm đến các chaebol khác như Hyundai hay LG.
Ngày nay, Samsung là một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới. Samsung Electronics, mảng kinh doanh chủ lực của tập đoàn, sản xuất một loạt mặt hàng điện tử tiêu dùng và công nghiệp, bao gồm thiết bị gia dụng, thiết bị kỹ thuật số, chip bán dẫn, chip nhớ và hệ thống tích hợp.
Không chỉ thống trị lĩnh vực thiết bị điện tử, Samsung còn có chỗ đứng trong ngành công nghiệp đóng tàu với Samsung Heavy Industries; ngành xây dựng với Samsung Engineering và Samsung C&T; ngành quảng cáo với Chiel Worldwide.
Tòa tháp cao nhất thế giới, công viên chủ đề, pháo tự hành hay máy bay chiến đấu, đều đã được Samsung sản xuất, xây dựng (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Getty Images, Shutterstock).
Trong quá khứ, Samsung còn sở hữu Samsung Aerospace Industries và Samsung Techwin (hiện đã bán cho tập đoàn Hanwha), hai công ty từng tham gia chế tạo máy bay chiến đấu KF-16 và pháo tự hành K9 Thunder, cũng như nhiều loại vũ khí khác. Tòa tháp cao nhất thế giới, Burj Khalifa, có nhà thầu chính là công ty xây dựng Samsung C&T.
Samsung đã trở thành một trong những cái tên dễ nhận biết nhất trong lĩnh vực công nghệ và chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Theo Companymarketcap.com, vốn hóa của riêng Samsung Electronics là 299,7 tỷ USD vào ngày 7/12. Trong khi đó, toàn thị trường chứng khoán Hàn Quốc mới có vốn hóa vào khoảng 1.500 tỷ USD. Hay nói cách khác, 20% vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán Hàn Quốc nằm trong tay một công ty con của Samsung.
Samsung không chỉ có sức ảnh hưởng tới nền kinh tế Hàn Quốc. Ở Việt Nam, một trong những trung tâm sản xuất chính của Samsung, công ty mang về doanh thu 74,2 tỷ USD vào năm 2021. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP của Việt Nam vào năm 2021 là 362,6 tỷ USD. Như vậy, doanh thu của Samsung tại Việt Nam tương đương với 20,5% GDP.
Kiến tạo kỳ tích Sông Hàn
Theo Britannica, Samsung được thành lập vào ngày 3/1/1938 bởi ông Lee Byung-Chul (Lý Bình Triết). Ban đầu, Samsung chỉ là một cửa hàng sản xuất mỳ và kinh doanh tạp hóa tại địa phương, có khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), ông Lee đã thâu tóm tài sản giá hời từ thời Đế quốc Nhật, mở rộng hoạt động kinh doanh sang dệt may và mở thêm nhà máy xẻ gỗ lớn nhất trong nước. Ông Lee tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nặng, với mục tiêu phục hồi đất nước sau chiến tranh.
Trong những năm sau đó, Samsung đã mua thêm các ngân hàng, công ty bảo hiểm, nhà máy lọc dầu, công ty sản xuất nylon … Tới thập niên 70, công ty mở thêm nhiều lĩnh vực, bao gồm Samsung Heavy Industries, Samsung Shipbuilding và Samsung Precision Company.
Samsung bước chân vào lĩnh vực điện tử vào năm 1969, với sản phẩm đầu tay là TV đen trắng. Trong những năm 1970, công ty bắt đầu xuất khẩu đồ gia dụng ra nước ngoài.
Trong giai đoạn 1970-1980, Samsung nhanh chóng mở rộng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm mảng điện tử, bán dẫn, hàng không, dữ liệu, công nghệ thông tin … Mảng kinh doanh thiết bị điện tử, với đứa con cưng là Samsung Electronics, đã giúp công ty trở thành người khổng lồ như hiện nay.
Samsung cùng với những chaebol như LG, Hyundai, SK Group đã góp phần tạo nên cái gọi là “Kỳ tích sông Hán”. Trong giai đoạn từ 1950 đến 1990, GDP của Hàn Quốc liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, và đã tăng gấp 100 lần.
Chỉ trong 40 năm, Hàn Quốc chuyển mình từ một nước kém phát triển thành một quốc gia phát triển. Ngày nay GDP đầu người của Hàn Quốc đã gần đuổi kịp Nhật Bản. Công lớn trong thành tích này thuộc về Samsung.
Lướt qua khủng hoảng
Khủng hoảng nợ 1997
Khủng hoảng nợ năm 1997 bắt đầu tại Thái Lan đã nhanh chóng lan rộng ra khắp Đông Á và Nam Á. Hàn Quốc cũng trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng trên, khi đồng tiền nhanh chóng bị mất giá, thị trường chứng khoán đi xuống, dòng vốn tháo chạy.
Samsung cũng như nhiều chaebol khác không thể tránh khỏi tác động từ cuộc khủng hoảng. KIA Motors, nhà sản xuất xe hơi lớn thứ ba Hàn Quốc, đã phải yêu cầu khoản vay khẩn cấp. Hiệu ứng dây chuyền lan rộng nhanh chóng, khiến Samsung Motors, khoản đầu tư trị giá 5 tỷ USD của Samsung trong lĩnh vực ô tô, phải giải thể và bán mình cho Renault của Pháp.
Theo Wall Street Journal, Samsung Electronics, lĩnh vực mũi nhọn của công ty, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tương tự như nhiều doanh nghiệp châu Á vào những năm 90, Samsung tập trung vào sản xuất nhiều nhất có thể và cố gắng chiếm lĩnh thị trường, hơn là lợi nhuận.
Các chaebol Hàn Quốc lúc bấy giờ từng kỳ vọng rằng có thể vay nợ mới để trả nỡ cũ mãi mãi do lãi suất thấp và sức ảnh hưởng lớn. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng năm 1997 đã khiến lãi suất tăng vọt và ngân hàng khó tính hơn trong việc cho vay. Kết quả là, Daewoo Group, một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc, đã sụp đổ trước núi nợ hàng chục tỷ USD.
Để tránh số phận tương tự, Samsung đã nhanh chóng có những động thái để cải thiện tình hình tài chính và hoạt động. Công ty đã giảm chi phí bằng cách sa thải bớt nhân viên, thay đổi hệ thống thăng tiến.
Samsung cũng giảm sự liên kết giữa các công ty con, khiến những doanh nghiệp này đối xử với nhau như người ngoài. Đồng thời, công ty cố gắng thu hút nhà đầu tư và cải thiện việc báo cáo hiệu quả hoạt động.
Samsung cũng chú trọng vào tính linh hoạt, cho phép hàng tiêu dùng đi từ giai đoạn thử nghiệm đến khi lên kệ hàng chỉ trong vòng 6 tháng, cắt giảm hàng tháng thời gian phát triển.
Trong giai đoạn khó khăn này, Samsung cũng mạnh dạn đầu tư vào những công nghệ hiện đại nhất. Nhờ sự đầu tư này, Samsung đã dần dẫn đầu công nghệ về tivi (màn hình LCD), chip nhớ và điện thoại.
Cuối cùng, để tiếp tục tăng trưởng và giữ sức cạnh tranh, công ty đã đặt cược vào Trung Quốc, nơi có chi phí sản xuất rẻ và thị trường rộng lớn.
Khủng hoảng tài chính 2008
Hơn 10 năm sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu lại một lần nữa làm chao đảo nhiều doanh nghiệp. Samsung cũng áp dụng những chiến lược tương tự như trong cuộc khủng hoảng năm 1997, và kết hợp với một số sách lược mới, tập trung vào chất lượng.
Đầu năm 2009, Samsung đã tiến hành tái cấu trúc và tập trung vào một số mảng quan trọng như bán dẫn, LCD, và điện thoại. Công ty kỳ vọng người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng hàng chất lượng cao, do lo sợ hàng kém chất lượng không dùng được lâu trong thời suy thoái.
Samsung đã đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và marketing, đồng thời thuê những giám đốc điều hành tốt nhất. Kết quả là, cho tới nay, Samsung đề đã trở thành người đi đầu trong cả ba lĩnh vực: bán dẫn, màn hình và điện thoại.
Mối quan hệ của người dân xứ kim chi với tập đoàn Samsung rất khăng khít. Trong suốt nhiều năm qua, doanh thu của tập đoàn Samsung tương đương với 20% GDP của Hàn Quốc. Để so sánh, chi tiêu chính phủ Hàn Quốc thường chiếm từ 20 đến 25% GDP.
Toyota là công ty có doanh thu lớn nhất của Nhật Bản. Doanh thu của doanh nghiệp sản xuất ô tô này chỉ tương đương 5% GDP. Walmart, công ty có doanh thu lớn nhất thế giới, chỉ tương đương với 2,5% GDP nước Mỹ.
Chỉ có những quốc gia phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như Arab Saudi, mới có tỷ lệ doanh thu của một doanh nghiệp/GDP cao đến 20% như trường hợp của Samsung và Hàn Quốc. Nhưng thực tế là Samsung lớn mạnh không phải nhờ khai thác tài nguyên.
Sức ảnh hưởng của Samsung còn được nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày. Khi người dân Hàn Quốc mua điện thoại, chiếc điện thoại đó sẽ là từ Samsung Electronics; khi mua bảo hiểm, nhiều khả năng người dân sẽ mua từ Samsung Life Insurance; khi đi phà, chiếc phà sẽ được Samsung Heavy Industries đóng; khi đi chơi, người dân sứ kim chi sẽ đến công viên giải trí Samsung Everland.
Samsung đã trở thành một biểu tượng không thể tách rời của Hàn Quốc.
Tính đến hết năm 2021, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung Việt Nam là 18 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Samsung đang vận hành tất cả 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D. Samsung hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều giá trị và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Việt Nam.
Doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD năm 2021, tương đương 20% GDP của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu của Samsung Việt nam đạt 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020, tương đương gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, giá trị sản phẩm làm ra ở Việt Nam của Samsung cũng đóng góp vào xuất khẩu khoảng 20%.