Khởi nghiệp, lo làm sản phẩm cho thật tốt rồi mới làm thương hiệu, hay ngược lại? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn cho ý định khởi nghiệp của bạn.
Một cậu em than thở rằng cậu đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi dành rất nhiều tâm huyết và thời gian để tạo sản phẩm thật tốt, thật chất lượng để rồi chẳng bán được cho ai. Cậu mất cả năm trời chăm chút cho sản phẩm, nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp chất lượng, đủ cả… Và thực tế, sản phẩm của cậu cũng hơn đứt nhiều sản phẩm khác trên thị trường về nhiều mặt. Vậy mà cậu chẳng bán được bao nhiêu trong khi sản phẩm của đối thủ, cũng ra đời cùng lúc, thua kém về chất lượng, nhưng chú trọng xây dựng thương hiệu nên bán chạy ào ào.
Tôi chuyện trò với em và nói, chẳng có gì ngạc nhiên khi em đã làm ngược – lo cho sản phẩm trước, thương hiệu sau, trong khi lẽ ra phải làm ngược lại, hoặc ít nhất là song song, cho dù là lúc mới bắt đầu.
Tôi cho rằng phải chú trọng đến thương hiệu ngay từ lúc bắt đầu nghiên cứu sản xuất những sản phẩm đầu tiên. Việc làm cho sản phẩm tốt đến mức nào, chất lượng cao, thấp đến đâu là tùy thuộc vào chiến lược thương hiệu, trong đó quan trọng bậc nhất là chiến lược định vị. Nhiều bạn trẻ không hiểu điều này nên cứ chằm chằm làm cho sản phẩm thật tốt mà không chú trọng thương hiệu (ngay từ đầu) nên phải “ôm đầu máu” khi tung sản phẩm ra thị trường thì không có gì ngạc nhiên.
Nguy hiểm là ở chỗ, nhiều người, trong đó có rất nhiều chuyên gia ở các lớp đào tạo khởi nghiệp cứ khuyên vậy mới chết chứ! Cứ làm tốt sản phẩm mà không có chiến lược thương hiệu, không xác định trước sản phẩm này được định vị ra sao, điểm khác biệt là gì, bao bì nên in ấn thế nào, truyền tải thông điệp gì cho khách hàng… thì khác nào xây nhà không cần thiết kế, và cũng không biết xây để làm gì, phục vụ ai (làm văn phòng cho thuê, khách sạn, hay căn hộ dịch vụ…)!
Thế nào là tốt? Tốt ở khía cạnh nào? Tốt cho đối tượng nào? Tốt bao nhiêu là đủ? Hy sinh cái gì để đổi lấy cái gì ở khía cạnh tốt ấy (vì đâu thể tốt tất tần tật mọi thứ được?)… Những câu hỏi này cần phải trả lời trước, và sẽ không thể trả lời trước nếu chưa có một chiến lược thương hiệu. Vậy nên, chiến lược thương hiệu phải có trước, thậm chí phải có trước khi sản phẩm ra đời.
Nghịch lý chăng? Vâng nghịch lý vậy, nên chỉ có 5% số người khởi nghiệp nhận ra, trong khi 95% số còn lại không hề nghĩ đến.
Nếu bạn cho rằng làm sản phẩm phải thật tốt, thật chất lượng rồi mới làm thương hiệu? Không sao! Suy nghĩ “hợp logic” này sẽ giúp bạn nhanh chóng lọt vào số 95% thất bại. Số 5% còn lại có tư duy ngược đời thường lại là những người khởi nghiệp thành công!
Hồi còn làm thương hiệu cho những sản phẩm giải khát và thực phẩm chế biến, trước khi tung ra thị trường chúng tôi phải giải đáp hàng loạt câu hỏi về định vị thương hiệu, khách hàng mục tiêu, giá trị mang lại, điểm khác biệt, lý do để tin, tên gọi, màu sắc chủ đạo, kiểu dáng bao bì, thiết kế logo, slogan, nội dung in ấn, thông điệp truyền thông. Tất cả đều phải được chuẩn bị rất kỹ trước khi sản xuất thử nghiệm rồi sản xuất hàng loạt và tung ra thị trường. Chính nhờ cách làm ngược này mà những sản phẩm đó mới nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và trở thành những thương hiệu thành công.
Theo: blogdoanhnhan
Xem thêm bài liên quan
- Phân tích hành trình “hóa rồng” của tập đoàn Vingroup: Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân và bài học rút ra
- Vua đồ hiệu LVMH – Hệ sinh thái “bất bại” 500 tỷ USD: Khi son môi Dior, vali Louis Vuitton và đồng hồ Hublot cùng chung một mái nhà
- Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: hành trình đưa thương hiệu cà phê Việt vươn tầm tại đất nước tỷ dân Trung quốc