Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức tâm niệm rằng: Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền, tôi làm việc chỉ vì đam mê. Ông cũng khẳng định sẽ chiến đấu vì sự tồn tại của Hoàng Anh Gia Lai với mong muốn lớn nhất là cổ đông sẽ có niềm vui trọn vẹn, cũng là vì danh dự của chính ông.
Năm 2009, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản gần 13.000 tỉ đồng (tỷ giá lúc này khoảng 16.000 đồng/USD) và đứng trước cơ hội trở thành tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam.
Thế nhưng cú “dứt áo” sang nông nghiệp đã khiến một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất thời đó sa vào nợ nần và ông chủ của Tập đoàn là người thấm thía hơn ai hết nhân tình thế thái của cuộc đời. Thế nên với bầu Đức, tất cả những việc ông làm trong hơn một thập kỷ qua là trả nợ, trả nợ và trả nợ.
Nhiều người cứ nghĩ tôi “quăng bom” nhưng…
Là cá nhân đầu tiên tại Việt Nam mua máy bay riêng; Đặt bản doanh tại khách sạn Rex nổi tiếng giữa trung tâm TP mỗi khi xuống Sài Gòn; từng cho Chính phủ Lào vay gần 200 tỉ đồng xây dựng sân bay… Bầu Đức giàu có một thời ai cũng biết. Nhưng nếu như đa số các đại gia đều né tránh nói về tiền bạc và sự giàu có của mình thì bầu Đức từ trước đến nay khá thoải mái khi đề cập đến vấn đề này.
Còn nhớ năm 2009 khi trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, ông chẳng ngần ngại nói, dù thị trường có lên hay xuống thì với kế hoạch tăng trưởng của HAGL, ông sẽ là tỉ phú USD đầu tiên ở Việt Nam vào năm kế tiếp.
Lúc đó, tôi hỏi ông “có ngại sự tự tin của mình sẽ khiến người khác ghét không”. Bầu Đức khảng khái: “Tôi làm ăn đàng hoàng, mỗi năm đóng thuế cho nhà nước cả ngàn tỉ đồng. Tôi không làm gì sai pháp luật nên không có gì phải sợ hãi khi nói sự thật cả”.
Cá tính này khiến cho những phát ngôn, chiến lược hay dự định nghiêm túc của bầu Đức luôn gặp không ít thị phi. Như kế hoạch mua 20% cổ phần Asenal, đứng thứ 5 trong danh sách 20 CLB có doanh thu cao nhất thế giới.
Năm 2007 tạp chí Forbes xếp Arsenal ở vị trí thứ ba trong top các đội bóng được định giá cao nhất thế giới với tổng giá trị ước tính 495 triệu bảng, chỉ sau Real Madrid và MU. Theo tính toán, để mua 20% cổ phần như tuyên bố, HAGL sẽ phải chi khoảng 100 triệu bảng, tương đương hơn 3.000 tỉ đồng.
Số tiền này không phải quá lớn với tài sản của bầu Đức nhưng không ít người vẫn nghi ngờ ông “nổ”, thích chơi ngông… bởi sở hữu 4 CLB hàng đầu bóng đá Anh trước nay đều là tỉ phú USD nổi tiếng thế giới.
Ý định này cuối cùng không thực hiện được do Việt Nam thời điểm đó chưa có quy định về việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Dù vậy, “cú hụt mua nổi tiếng” của bầu Đức cũng đã gây nên một cơn địa chấn lớn trên thị trường chứng khoán, bóng đá tại Anh và Việt Nam cùng rất nhiều đồn đoán.
Nhưng với ông mọi chuyện hết sức đơn giản, mua cổ phần của đội bóng đá hàng đầu thế giới chỉ vì lúc đó “tiền nhiều quá”. Mà với các doanh nhân, khi “tiền nhiều quá” thì khát vọng lớn nhất của họ là đưa thương hiệu Việt tiến ra nước ngoài. “Năm 2007 khi chúng tôi bán chung cư New Sài Gòn và phát hành thêm cổ phiếu HAG, hàng trăm người mua xếp hàng nộp tiền mua.
Tập đoàn phải huy động 7 nhân viên, 4 máy từ sáng tới khuya chỉ để đếm tiền. Đếm không kịp, không nghỉ nên máy cũng… cháy luôn” – bầu Đức kể lại và cười lớn (không biết cái vụ cháy máy đếm tiền là đùa hay thật). Nhưng khẩu khí thì đúng chất bầu Đức và quan trọng nhất, đó là sự thật.
Tham gia thị trường bất động sản rất sớm, bầu Đức nổi tiếng với tuyên bố “bán giá nào cũng có lời” và không ít lần khiến cho các dự án xung quanh đứng hình. Thị trường bất động sản chắc vẫn chưa quên vụ bán căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình (Q.7) với giá 25 triệu đồng/m2 trong khi các dự án khác xung quanh đang bán trên 40 triệu đồng/m2.
Vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín… Hoàng Anh Thanh Bình khi đó đã khiến không ít cao ốc khu vực này đóng băng cả năm bởi mức chênh lệch quá cao nói trên. “Nhiều người cứ chửi tôi quăng bom nhưng lợi thế của tôi là có nhà máy gỗ, nhà máy đá, công ty xây dựng và mua đất từ sớm nên tôi làm nhà giá rẻ hơn. Mà mình làm rẻ thì mình bán rẻ cho bà con thôi” – bầu Đức giải thích.
Nhìn lại lịch sử thị trường, HAGL là doanh nghiệp đi đầu trong phát triển dự án cao tầng ở các tỉnh Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ… Tập đoàn này sở hữu khu phức hợp gồm khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê lớn nhất Yangon (Myanmar). Những tòa nhà cao nhất, hiện đại nhất, lớn nhất ở Attapeu (Lào) là của bầu Đức.
“Nhưng thời thế, thế thời, thời phải vậy. Phải chấp nhận” – bầu Đức chốt lại và nói, ông là người thấm thía hơn ai hết việc nợ nần vì thế “quyết tâm chính trị của tôi là trả nợ, trả nợ và trả nợ”.
Tôi không biết “quản trị”, chỉ biết Quảng Ngãi thôi
Khi những cây cao su đầu tiên được HAGL trồng trên vùng đất Attapeu năm 2012, giá mủ đang ở mức hơn 5.000 USD/tấn, giá vốn mà Tập đoàn này bỏ ra chỉ 1.000 USD/tấn. Cuối năm 2013 lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến “cao su trồng tính bằng núi”, “mía trồng tính bằng km” và hệ thống tưới nhỏ giọt có chiều dài “4 vòng trái đất” để khuất phục sự khô cằn ở vùng đất nam Lào của Hoàng Anh Gia Lai.
Cũng như hành trình thử nghiệm thịt heo xuyên Việt, chuyến đi này mang phong cách có một không hai của bầu Đức. “Xây một tòa nhà to đùng giữa TP.HCM hay Hà Nội thì nổi tiếng liền nhưng đổ hàng trăm triệu USD xây nhà máy mía đường ở đây thì không ai biết.
Mà không biết thì nghi kỵ, đồn thổi dẫn đến những phức tạp không đáng có. Tôi muốn người thật chứng kiến việc thật”, ông giải thích về việc đưa đoàn hơn 100 khách mời trong đó 2/3 là những nhà đầu tư của HAGL trong chuyến qua Lào năm đó.
Lúc này, HAGL đã đầu tư hàng tỉ USD trồng cao su, cọ dầu, mía với tổng cộng hơn 40.000 ha. Nếu mọi việc đi đúng kế hoạch, bầu Đức đã kiếm bộn tiền từ nông nghiệp. Thế nhưng không ai ngờ, giá cao su lao dốc không phanh, HAGL mất thanh khoản.
Từ người tiền nhiều đến mức định mua đội bóng nổi tiếng thế giới, bầu Đức trở thành con nợ. Ông đã bán các dự án thủy điện, mía đường, khu phức hợp ở Yangon và cả Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG)… và làm “như điên” để giảm khối nợ gần 36.000 tỉ đồng xuống khoảng 10.000 tỉ đồng hiện nay.
Theo kế hoạch, năm nay HAGL sẽ trả 5.000 tỉ đồng và năm 2023 sẽ nỗ lực trả nốt số còn lại với mục tiêu trở thành “công ty doanh thu ngàn tỉ không nợ đầu tiên của Việt Nam”. Để thực hiện, trước Tết Nguyên đán vừa rồi, bầu Đức đã rao bán 48 triệu cổ phiếu HNG. Nhiều người khuyên ông nên “thư thư” đợi giá cổ phiếu tăng lại bởi khi đó, thị trường đang bị ảnh hưởng bởi vụ bán chui cổ phiếu với số lượng lớn.
Nhưng bầu Đức kiên quyết “tôi không phải dân đầu tư tài chính mà đợi cổ phiếu lên giá rồi lướt sóng trong khi ôm nợ phải trả lãi. Đã bán thì không tiếc và bán để trả nợ thì giá nào cũng bán. Tôi rất ý thức về nợ nần và quyết tâm trả nợ”.
Không giấu giếm hay né tránh, bầu Đức thừa nhận, ông đã vướng vào nợ nần và “không ai có cảm nhận giống tôi về nợ”. Thế nên “quyết tâm tôi là phải trả nợ, trả nợ và trả nợ”. Nhìn lại quá trình gần một thập kỷ sa vào nợ nần, ông có lẽ không bao giờ quên những câu chuyện nhân tình thế thái mà cuộc đời một doanh nhân như ông đã trải qua.
Đó là một người em đồng nghiệp “dúi” vào tay ông 20 tỉ đồng bảo “anh cứ cầm lấy trang trải tạm, em biết anh đang khó”. Số tiền nhỏ nhưng ân tình lớn. Ông càng không thể quên cú điện thoại cho lãnh đạo một ngân hàng cổ phần rơi vào im lặng nhưng hôm sau, số cổ phiếu HAGL đang cầm cố tại nhà băng này bị bán ra thị trường.
Đó là món nợ nhỏ nhất trong tổng nợ gần 36.000 tỉ đồng của HAGL nhưng tác động thì rất lớn. Cổ phiếu của Tập đoàn này khi đó ngay lập tức bị bán tháo trên sàn cùng hàng loạt đồn đoán, thị phi. Dù thừa nhận “bàn giao xong HNG tôi rụng rời cả người” nhưng bầu Đức luôn trân trọng và biết ơn ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, công ty đã đầu tư vào HAGL giai đoạn khó khăn nhất.
“Có những người vài năm trước chưa là gì, nay coi mình không ra gì. Có người nói tôi không biết quản trị. Nhưng tôi đầu tư qua Myanmar là số 1, Lào là số 1, Campuchia là số 1… mà không biết quản trị thì ừ, tôi không biết Quảng Trị (nói lái quản trị – PV), chỉ biết Quảng Ngãi thôi” – bầu Đức kể lại rồi lại cười lớn, như để lại đằng sau những hỉ nộ ái ố của cuộc thăng trầm.
Ít ai biết rằng, không chỉ nỗ lực bằng mọi giá trả nợ. Suốt một thập kỷ qua, nhà của ông bầu nổi tiếng nhất Việt Nam là trên chiếc ô tô. Bầu Đức đã thuộc từng ổ gà trên cung đường đèo dốc hiểm trở từ Gia Lai sang Lào, Campuchia.
Đi xuyên qua núi rừng, xuyên qua những cánh đồng mênh mông cao su, cọ dầu, cây ăn trái… Ông “xoay” đủ mọi cách để tồn tại, từ nuôi bò Úc vỗ béo, bò sữa, trồng cây ăn trái. Có cái tết, khi đa số mọi người nghỉ ngơi, đoàn tụ thì bầu Đức ở bên kia biên giới Việt – Lào vẫn quên ngày quên đêm chuyển từ cao su sang cây ăn trái.
Những khó khăn, vất vả là không thể tả xiết nhưng cho tới tận giờ, ông chưa bao giờ than thở một lời. Ông “lặn sâu” để cày trả nợ. Những chuyện chúng tôi biết là tự thấy, tự cảm nhận và phần lớn đều chọn sự im lặng để chia sẻ.
Không xin xỏ, không trốn tránh, nợ thì trả bằng mọi giá “không thiếu một đồng lời của các ngân hàng”. Dám làm dám chịu, đúng chất bầu Đức dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Bầu Đức: Tôi sẽ kiên trì chiến đấu vì danh dự cá nhân, không phải vì tiền
Giãi bày nhiều tâm sự với cổ đông tại họp đại hội thường niên 2021, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ sau 5 năm, đây là lúc ông cảm thấy tự tin về con đường nông nghiệp đã chọn.
Phải làm vì danh dự
Bầu Đức cho biết khi chuyển giao Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán: HNG) cho Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương đầu năm nay, ông chỉ còn lại Hoàng Anh Gia Lai nên không còn con đường nào khác ngoài việc phải xây dựng công ty một cách nhanh nhất, chứ không thể làm cầm chừng, thăm dò.
Ông Đức gửi lời cảm ơn ông Trần Bá Dương, nhấn mạnh ông chủ Thaco là người đã cứu Hoàng Anh Gia Lai chứ không phải ai khác. “Chúng ta phải ghi nhận cái ơn đó. Nếu anh Dương không ôm HAGL Agrico bên kia thì Hoàng Anh Gia Lai rất khó khăn. Chúng tôi đề nghị tất cả cổ đông cũng cần có tinh thần đó”, ông bầu bóng đá phố núi chia sẻ sự cảm kích với ông Trần Bá Dương.
Theo ông, sau khi rà soát lại trong mảng nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai quyết định chọn 2 mảng chủ lực là cây chuối và con heo để “chiến đấu”. Nhiều cổ đông không hình dung được Hoàng Anh Gia Lai đang làm gì vì bản thân bầu Đức cũng thận trọng, thông tin một cách chừng mực, tránh chuyện nói trước bước không qua. Đến ngày hôm nay, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai tin rằng hướng đi đã đúng.
“Hoàng Anh Gia Lai hiện nay rất gọn gàng, còn 4-5 công ty con. Cấu trúc rất đơn giản, rất minh bạch hơn ngày xưa rất nhiều. Trong thời gian ngắn vừa rồi một năm, tôi cũng đã rất nỗ lực, làm với mục đích chính là để cổ đông theo Hoàng Anh Gia Lai có niềm vui trọn vẹn. Đấy là mong muốn lớn nhất của tôi, cũng là danh dự, là cái tôi phải làm.
Nhiều cổ đông mà thất bại vì Hoàng Anh Gia Lai thì đó là sự nhục nhã của bản thân tôi trước chứ không phải của công ty. Cho nên các bạn yên tâm về tinh thần quyết liệt của tôi”, ông bầu bóng đá nổi tiếng giãi bày.
Ông Đức hy vọng từ năm 2022 trở đi có thể khẳng định những gì đã chọn nhiều năm nay sẽ đi đúng hướng. Theo ông, cây chuối đang rất tốt, thị trường xuất khẩu ổn, giá lên. Về nuôi heo, khi giá bán thấp, nông dân sẽ bỏ, đến cuối năm hoặc năm sau thiếu heo lại đẩy giá lên. Đây là những cơ sở để ông tự tin kết quả kinh doanh năm tới sẽ rất tốt.
Bầu Đức nhấn mạnh không phải mình đang kêu gọi mọi người đầu tư vào công ty. Thay vào đó, ông mong những ai đã đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai hãy bình tĩnh.
“Hãy tin tôi, trong thời gian rất ngắn, các bạn sẽ rất ổn. Đây là câu nói suốt 5 năm qua tôi chưa bao giờ dám nói với cổ đông. Đây là lần đầu tiên tôi kêu gọi cổ đông, những người nào đã đầu tư cố chờ đợi một thời gian ngắn nữa sẽ thành công”, ông Đức phát biểu.
Ông khẳng định nhà đầu tư thành công, ông cũng thành công và ngược lại. Bầu Đức nói sẽ chiến đấu, kiên trì gần như không biết mệt mỏi, không phải vì tiền mà vì sự tồn tại của Hoàng Anh Gia Lai, vì danh dự cá nhân, vì thương hiệu đã xây dựng hơn 20 năm không có lý do gì để bỏ.
Hai mũi nhọn cây chuối và con heo
Bầu Đức cho biết dù nuôi heo là ngành mới với Hoàng Anh Gia Lai nhưng trong ngành chăn nuôi, khó có đơn vị nào có những lợi thế cạnh tranh như công ty của mình.
Đầu tiên, muốn nuôi heo, doanh nghiệp phải có vị trí đất biệt lập để xây chuồng trại cách ly hoàn toàn với khu dân cư. Hoàng Anh Gia Lai lại đang có quỹ đất lớn với vị trí tốt, phù hợp để chăn nuôi.
Yếu tố thứ hai theo ông Đức có phần trùng hợp ngẫu nhiên chính là cây chuối, loại cây ăn trái Hoàng Anh Gia Lai theo đuổi bấy lâu nay. Sau khi trồng chuối nhiều năm, công ty thống kê lượng chuối phải bỏ đi rất lớn. Một buồng chuối 25-30 kg theo bầu Đức chỉ xuất khẩu được 50%, còn lại phải thải bỏ.
Nhưng sau khi nhờ chuyên gia trong ngành dinh dưỡng phân tích, kết quả là trong chuối có nhiều chất phù hợp cho heo, đặc biệt là tinh bột. Bầu Đức khẳng định lượng chuối thải bỏ của Hoàng Anh Gia Lai đều sẽ được đưa vào làm thức ăn gia súc. Điều này khiến công ty sở hữu lợi thế lớn về chi phí chăn nuôi.
Theo ông Đức, không ai trồng chuối để nuôi heo trong khi Hoàng Anh Gia Lai đang có khoảng 5.000 ha vườn chuối, vừa dùng để xuất khẩu, vừa dùng làm chế biến thức ăn gia súc. Tiền thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65% chi phí thì công ty đã chủ động được 40% khẩu phần. Bầu Đức tính toán giá thành chăn nuôi heo của công ty khoảng 36.000 đồng/kg đã tính cả khấu hao, công nuôi, điện nước.
“Mình đã chủ động được thức ăn thì tự tin chuyện lỗ vì nuôi heo là không có”, bầu Đức nói. Ông cũng sẵn sàng mời những cổ đông thật sự quan tâm đến công ty lên Gia Lai để đưa đi thăm từng cơ sở, khu vườn chuối, trang trại chăn nuôi hiện đại.
“Các bạn sẽ bị thuyết phục ngay, không bao giờ nghĩ rằng Hoàng Anh Gia Lai làm được trong một năm, có cơ ngơi như thế”, ông quả quyết.
Đất đai không cần quá lớn
Bầu Đức chia sẻ sau khi chuyển giao HAGL Agrico cho phía Trường hải, Hoàng Anh Gia Lai và HAGL Agrico tách bạch từ kinh doanh, đầu tư, con người đến đất đai. Ông thừa nhận phần đất đai trước đây do HAGL Agrico sở hữu là chính. Nhưng đây không phải là vấn đề sau khi chuyển giao.
“Chính bàn tay tôi tìm vài chục nghìn ha đất tại Lào, Campuchia cho HAGL Agrico. Việc tìm mấy chục nghìn ha đất mới cho Hoàng Anh GIa Lai không quá khó với tôi nhưng chúng ta cần phải tính bao nhiêu để phù hợp với sức đầu tư”, ông nhấn mạnh.
Bầu Đức bộc bạch kinh nghiệm lớn nhất của cuộc đời ông chính là Hoàng Anh Gia Lai Agrico sở hữu đất đai quá lớn để đến khi trục trặc dòng tiền lại không đủ sức gồng gánh. Do đó, phương châm hiện tại là đất đai chỉ cần vừa phải nhưng phải tốt, đủ khả năng sinh lợi chứ không cần nhiều đất như ngày xưa. Theo ông, nếu biết cách làm, chỉ cần một ha cũng sinh ra lợi nhuận rất lớn.
Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cũng chia sẻ thêm hiện tại tài sản của công ty vẫn còn bị cầm cố cho các khoản vay của HAGL Agrico và ngược lại. Hoàng Anh Gia Lai, Thaco và ngân hàng BIDV đang ráo riết làm việc để giải quyết vấn đề chồng chéo trên. Đây là lý do HAGL Agrico chưa trả nợ 2.100 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai.
Ngay sau khi hoàn thành tách bạch tài sản, HAGL Agrico có thể trả nợ 700 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai trong tháng 12 tới và tiếp tục trả thêm 700 tỷ đồng mỗi năm 2022-2023 để tất toán số nợ 2.100 tỷ đồng. Hoàng Anh Gia Lai sẽ dùng chính số tiền này để trả nợ cho BIDV.
Làm mọi cách để cổ phiếu không bị hủy niêm yết
Dù lắng nghe chia sẻ lạc quan của ông Đoàn Nguyên Đức, cổ đông Hoàng Anh Gia Lai vẫn lo lắng về khoản lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng của công ty. Giải đáp về vấn đề này, ông Đức cho biết trong khoản lỗ của doanh nghiệp, trích lập dự phòng chiếm phần lớn.
Trong năm 2022, công ty có kế hoạch hoàn nhập dự phòng sau khi đánh giá tài sản của các bên đang nợ Hoàng Anh Gia Lai và thu hồi các khoản phải thu. Bầu Đức chia sẻ có nhiều công cụ để hoàn nhập dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng, giảm lỗ lũy kế phân nửa. Còn lại, công ty phấn đấu dùng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh để xóa lỗ lũy kế đến năm 2023.
Liên quan đến bức xúc của cổ đông về việc liên tục hồi tố báo cáo tài chính khiến các khoản lãi những năm trước đây chuyển thành lỗ lớn, Tổng Giám đốc Hoàng Anh Gia Lai Võ Trường Sơn cho rằng chi phí trích lập dự phòng mang ý nghĩa về khả năng thu hồi của tài sản và có tính thời điểm. Hôm nay có thể là số này, ngày mai có thể là số khác. Ông Sơn nhấn mạnh các khoản phải thu về pháp lý vẫn còn quyền thu nợ và công ty không từ bỏ
CEO doanh nghiệp phố núi cũng trấn an cổ đông tình hình tài chính của công ty đã dần cải thiện, các chỉ số về nợ, khả năng thanh toán đã tốt hơn trước. Ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ làm mọi cách để cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai không bị hủy niêm yết, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.
Bầu Đức: “Giờ tôi đã có thể ngủ ngon“
Sau 10 năm làm nông nghiệp, Bầu Đức nói giờ niềm vui mỗi ngày không còn là đi đánh golf mà thấy những con heo khoẻ mạnh và chuối của HAGL đi nước ngoài liên tục.
Đau đáu trả nợ
“Làm nông nghiệp vất vả lắm, có thời điểm ngày mùng 4 Tết tôi vẫn đi trồng cây nhưng thu được toàn trái đắng”, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa tự lái xe trong khu rừng rộng hàng nghìn ha chuối vừa kể lại.
Trong 10 năm cày cuốc, ông từng trồng đủ các loại cây ăn trái từ chanh dây cho tới bưởi nhưng đến tận bây giờ, “mới mò ra được một loại cây và con phù hợp”.
Trồng chuối và nuôi heo đang là hai trụ cột chính giúp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trở lại vạch xuất phát. Đến nay, tổng diện tích trồng cây ăn trái của Hoàng Anh Gia Lai khoảng 10.000 ha với một nửa là diện tích trồng chuối, còn lại là mít, bơ, sầu riêng, xoài… Trong đó, 2.500 ha tại Việt Nam, 1.500 ha tại Lào và 1.000 ha tại Campuchia.
Với heo, HAGL đã xây được 7 cụm chuồng với công suất nuôi khoảng 300.000 con heo thịt mỗi năm. Năm 2022, ông Đức sẽ cải tạo thêm 10.000 ha để trồng chuối và xây dựng thêm 9 cụm chuồng nuôi heo với công suất lên tới 1 triệu con.
Trả nợ cũng là đau đáu lớn nhất của người đàn ông tuổi Nhâm Dần này. Vào những ngày cuối năm trước khi sang năm tuổi của mình, ông Đức cho biết HAGL đã giảm nợ từ 36.000 tỷ xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng.
“Chắc chưa ai quyết tâm trả nợ mãnh liệt như tôi và ngay chính bản thân tôi cũng không ngờ mình lại nỗ lực để trả được nhanh như thế”, ông Đức nói và ước tính chỉ 1-2 năm nữa xoá sạch các khoản nợ.
Theo tính toán của ông, năm 2022, HAGL sẽ bán nốt số cổ phần HNG còn lại và nếu tạm tính theo mệnh giá, số tiền thu về tối thiểu là 2.200 tỷ đồng. Phía Thaco cũng bàn bạc sẽ trả 2.200 tỷ nợ HAGL trong năm 2022. Tổng tiền 4.400 tỷ đồng HAGL sẽ dùng để giảm nợ. Nếu có đối tác phù hợp, HAGL có thể phát hành thêm để có thể tất toán luôn số nợ còn lại.
“Giờ tôi đã có những giấc ngủ ngon. Niềm vui mỗi ngày không phải là đi đánh golf, chơi thể thao cùng bạn bè, hoặc sở hữu bất động sản mà là chứng kiến những con heo phát triển khoẻ mạnh, chuối xuất đi liên tục, tạo uy tín”, ông Đức nói.
Trồng chuối và nuôi heo ‘ăn chuối’
Cái khó lớn nhất của làm nông nghiệp là đầu ra và bài toán này, năm 2021, ông Đức tự cho mình “đã giải thông suốt”.
“Có tháng cao điểm, sản lượng chuối thu hoạch lên tới hàng chục nghìn tấn nhưng chưa bao giờ chúng tôi có khái niệm tồn kho mà đa phần cung chưa đáp ứng hết cầu”, ông Đức khoe.
Theo ông, chuối của HAGL được trồng ở độ cao 800 m nên dẻo, thơm hơn so với các sản phẩm khác. Đảm bảo cả số lượng và chất lượng là hai yếu tố khiến HAGL được “tuyển thẳng” vào thị trường Trung Quốc.
Để được tham gia vào sàn giao dịch chuối với nhiều đối thủ trên thế giới, HAGL phải đáp ứng được chất lượng của sản phẩm theo tiêu chuẩn của Trung Quốc từ bao bì đóng gói đến kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, số lượng hàng sản xuất ra mỗi năm phải lên tới hàng nghìn tấn.
Sau khi được Trung Quốc thẩm định nguồn hàng, HAGL tự động được kết nối với các “tay to” trên thị trường thông qua sàn hàng hoá với 500 nhà cung ứng. Ông Đức cũng thường khảo sát rất kỹ giá của các đối thủ quốc tế và luôn đưa ra được mức hấp dẫn hơn. “Khi đã có uy tín, chỉ cần chào giá hấp dẫn hơn là được chốt đơn và nhận tiền ngay khi hàng lên tàu”, ông nói.
Tại vụ cao điểm, mỗi đợt xuất của công ty này đạt 200-300 container chuối sang Trung Quốc, chưa kể hàng đi ở thị trường Nhật, Hàn Quốc. Ông đánh giá, tiềm năng của thị trường chuối vô cùng “khổng lồ”, chỉ tính riêng khách hàng Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ hàng năm đạt đến 18 triệu tấn, trong khi tổng sản lượng của HAGL và HAGL Agrico (HNG) chưa đến 1 triệu tấn. Việc đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng chuối trong năm nay sẽ giúp HAGL có được bức tranh sáng sau 10 năm “trầy trật” làm nông nghiệp.
Giá chuối gần đây trong xu hướng tăng mạnh, trung bình vào khoảng 12.000 đồng một kg, trong khi giá vốn làm ra sản phẩm, theo ông Đức, chỉ 6.500 đồng một kg. Với chuối thải loại để làm cám cho heo, giá tạm tính 4.000 đồng một kg, mỗi ha chuối có thêm 150 triệu đồng lợi nhuận. Bình quân, một ha chuối của HAGL một năm lãi 400 triệu.
Cùng với chuối, nuôi heo cũng đang giúp doanh nghiệp có được lợi nhuận tốt. Theo tính toán của HAGL, mỗi con heo bán ra với giá thông thường có thể thu lãi gộp 25-35%. Hiện, giá thành mỗi con heo mà HAGL sản xuất ra chỉ ở mức 35.000 đồng một kg. Trong khi đó giá thị trường bán ra của heo thông thường đang là 48.000-50.000 đồng.
Thay vì dùng kháng sinh, heo được ăn thảo mộc để tránh bệnh tật. Ngoài ra, HAGL tự chế biến và sản xuất cám cho heo nguyên liệu có sẵn là chuối. Công ty tận dụng những trái chuối được bỏ lại sau khi đã chọn lọc hàng xuất khẩu để chế biến thành nguyên liệu nuôi heo.
Thông thường thu hoạch được khoảng 25 kg chuối, ông Đức có thể chỉ chọn 12 kg để xuất khẩu, còn lại để làm nguyên liệu nuôi heo. “Không có chuối thì làm heo không được”, ông kể.
Với nhóm heo nái, chuối được ủ chín để cho chúng ăn thêm có sữa nuôi con, còn heo nuôi lấy thịt, trái chuối được sơ chế và phơi khô xay lấy bột trộn với các loại vitamin, đậu nành để tạo ra một công thức riêng đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho chúng phát triển.
Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.820 tỷ, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng. Riêng với việc bán chuối, nuôi heo, kế hoạch của ông Đoàn Nguyên Đức là lợi nhuận nghìn tỷ đồng và doanh thu tỷ USD khi mở rộng quy mô.
Nhưng đây vẫn là kế hoạch, cho tới khi “heo ăn chuối” của ông được bán ra thị trường, dự kiến vào tháng 3 năm nay.
Tham khảo: Thanh niên, Dân trí, Vnexpress
Xem thêm bài liên quan
- Bầu Đức giãi bày: “Với tôi, đích đến cuối cùng không phải là tiền, mà là danh dự, uy tín và những gì tôi làm được cho đời này”
- Bầu Đức: “Với tôi, đích đến cuối cùng không phải là tiền, mà là danh dự, uy tín và những gì tôi làm được cho đời này”
- Thi đại học 4 lần vẫn trượt, Bầu Đức đã khởi nghiệp thành công bằng cách nào? – Ngã ở đâu tôi đứng lên ở đó!