Tuy không “bán chui” cổ phiếu như ông Trịnh Văn Quyết nhưng tỷ phú Elon Musk từng chịu phạt rất nặng, bay luôn ghế Chủ tịch Tesla vì hành vi “làm giá”, gây nhiễu loạn thị trường chứng khoán.
Thông tin về việc ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC “bán chui” hàng chục triệu cổ phiếu FLC đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây. Hiện tại, phía Bộ Tài Chính đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết và đang xem xét xử phạt hành vi này.
Tỷ phú giàu có nhất thế giới Elon Musk từng nhiều lần bị xử phạt vì hành vi làm nhiễu loạn thị trường chứng khoán
Trên thực tế đây là hành vi không hiếm trên thị trường chứng khoán thế giới. Tỷ phú giàu có nhất hành tinh Elon Musk từng nhiều lần bị Sở Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) xử phạt về một số vấn đề liên quan tới hành vi làm nhiễu loạn thị trường chứng khoán.
Đáng chú ý trong số đó có thể kể đến vụ việc năm 2018. Theo đó, đầu tháng 8/2018, thông qua một tuyên bố trên Twitter, Elon Musk đã đưa ra tuyên bố gây choáng rằng đang cân nhắc biến Tesla Inc. thành công ty tư nhân để xóa bỏ áp lực đang chịu cảnh thua lỗ. Thông tin này thực sự gây sốc đối với các nhà đầu tư và khiến cổ phiếu Tesla tăng vọt tới 13%. Động thái này đến cùng trong thời điểm xuất hiện thông tin quỹ đầu tư nhà nước của Ả rập Saudi có gần 5% cổ phần trị giá 2 tỷ USD tại Tesla.
Thời điểm đó, nhiều người cho rằng Musk đưa ra tuyên bố không có cơ sở nhằm “lái cổ phiếu” hoặc làm tổn hại các nhà đầu tư bán khống cổ phiếu Tesla. Trên thực tế, theo ước tính của S3 Partners, dòng tweet của Musk đã khiến những người bán khống cổ phiếu Tesla chịu lỗ khoảng 1,27 tỷ USD.
Đến ngày 27/9, SEC đã đâm đơn kiện Elon Musk vì cáo buộc gian lận. Cụ thể, trong tuyên bố mà phía SEC cung cấp cho tờ BI, Musk bị cáo buộc đưa ra những tuyên bố “sai lệch và gây hiểu lầm” và không thông báo đầy đủ cho nhà chức trách về các sự kiện của công ty.
Với những cáo buộc này, SEC đề nghị tòa án cấm Musk giữ vai trò CEO hay thành viên hội đồng quản trị của bất kỳ công ty đại chúng nào ở Mỹ. Về phần mình, Musk đáp trả rằng ông rất buồn và thất vọng về “hành động vô căn cứ” của SEC.
Tuy nhiên sau đó, phía Tesla đã đạt được thoả thuận dàn xếp riêng với SEC.
Theo đó, Elon Musk sẽ được phép ở lại vị trí CEO Tesla nhưng phải rời khỏi vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị trong vòng 45 ngày tới. Theo hồ sơ nộp lên tòa án, ông cũng không thể ở tái tranh cử vị trí này trong vòng 3 năm tới.
Bên cạnh đó, Tesla đồng ý trả 20 triệu USD để dàn xếp cáo buộc rằng công ty đã không kiểm soát một cách thỏa đáng các dòng tweet của ông Musk.
Chưa hết, Tesla còn phải cam kết rằng kể từ bây giờ các phát ngôn của Musk sẽ phải được kiểm soát chặt chẽ, được luật sư kiểm duyệt trước khi đăng tải lên mạng xã hội.
Công ty cũng đồng ý chỉ định hai giám đốc độc lập mới vào Hội đồng quản trị và thành lập một Ủy ban thuộc Hội đồng quản trị để giám sát hoạt động thông tin liên lạc của ông Musk.
Vụ việc sau này vẫn trở thành vết đen trong sự nghiệp của Elon Musk, bị nhiều người mang ra bàn tán. Một số người chỉ trích rằng phán quyết của SEC khi ấy vẫn là quá nhẹ tay khi Musk vẫn giữ được chiếc ghế CEO. Tuy nhiên, theo Rebecca Roiphe, giáo sư tại trường luật New York, sẽ là sai lầm nếu loại bỏ Musk khỏi vị trí lãnh đạo Tesla. Nếu Musk không còn làm CEO, nhà đầu tư có thể bị thiệt hại vì Musk là nhà sáng lập, cổ đông lớn và là bộ óc phía sau sự thành công của Tesla.
“SEC là cơ quan giám sát có mục đích bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Dù có chung một vài mục tiêu với cơ quan khởi tố liên bang, sứ mệnh của SEC hoàn toàn khác biệt”, ông nói.
“Bán chui”, thao túng giá chứng khoán: Mỹ phạt tù 20 năm và tối đa 25 triệu USD, Hong Kong bỏ tù 10 năm và hơn 1 triệu USD
Luật pháp tại nhiều nước phát triển đưa ra hình phạt tương đối nặng để răn đe các hành vi gian lận về kinh tế trong lĩnh vực chứng khoán.
Tại Mỹ, những vi phạm phổ biến như chậm báo cáo tài chính hay nghiêm trọng hơn là “giao dịch nội bộ” đều bị xử lý rất nghiêm khắc. “Giao dịch nội bộ” là việc mua hoặc bán chứng khoán bởi người có khả năng tiếp cận các thông tin bí mật, chưa được công bố về loại chứng khoán đó.
Theo quy định của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), “giao dịch nội bộ” được định nghĩa là việc mua bán cổ phiếu của những pháp nhân có liên quan đến các thông tin nội bộ của doanh nghiệp niêm yết như hội đồng quản trị, ban giám đốc, người nội bộ, người thân hay bạn bè của những cá nhân trên. Tất cả giao dịch dựa trên thông tin về hoạt động của doanh nghiệp đó mà chưa được công bố đại chúng, sẽ bị quy vào việc vi phạm “giao dịch nội bộ”.
Tại Mỹ, các cá nhân và tổ chức có hành vi “giao dịch nội bộ” có thể chịu mức án lên tới 20 năm tù giam và phạt tiền 25 triệu USD. Cụ thể, cá nhân sẽ bị phạt 5 triệu USD trong khi tổ chức chịu mức phạt tối đa là 25 triệu USD. Theo nhận định của các chuyên gia, khoản tiền phạt lớn và mức án tù có thể lên tới hàng chục năm sẽ khiến nhà đầu tư chùn bước khi muốn giao dịch nội bộ.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán, công ty tài chính có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động hay nghiêm trọng hơn là bị cấm hoạt động trong ngành tài chính/chứng khoán suốt đời.
Trong khi đó, tại Hong Kong, các hành vi sai trái bị cấm trên thị trường chứng khoán bao gồm giao dịch nội bộ, gian lận giá, tiết lộ thông tin sai lệch hay gây hiểu lầm. Mức phạt đối với những cá nhân và tổ chức vi phạm là 10 triệu đôla Hong Kong (hơn 1 triệu USD), phạt tù đến 10 năm.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, việc bán cổ phiếu hay thao túng giá trị trường thông qua sử dụng thông tin không được tiết lộ trên thị trường chứng khoán là một vi phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, cá nhân/tổ chức vi phạm thu lợi từ hành vi này dưới 100 triệu won sẽ bị kết án từ 6 tháng đến 1 năm tù. Nếu con số này từ 100 – dưới 500 triệu won, hình phạt sẽ là 1-4 năm tù. Nếu trên 500 triệu won và dưới 5 tỷ won, mức phạt là 3-6 năm tù. Trên 5 tỷ won sẽ bị phạt từ 5-9 năm hoặc nhiều hơn.
Còn ở Trung Quốc, Luật Chứng khoán của nước này quy định, bất kỳ ai cũng bị cấm thao túng thị trường bằng một trong những cách sau: Lợi dụng việc nắm giữ cổ phiếu, lợi dụng thông tin để mua bán, thao túng giá, khối lượng giao dịch chứng khoán; thông đồng với người khác giao dịch chứng khoán với nhau vào thời điểm, giá cả cũng như phương thức đã thỏa thuận trước; thực hiện các giao dịch chứng khoán giữa các tài khoản mà mình thực sự kiểm soát, gây ảnh hưởng đến giá hoặc khối lượng giao dịch…
Cá nhân/tổ chức vi phạm một trong những điều trên sẽ bị phạt tù không quá 5 năm, phạt số tiền bằng 1-5 lần thu nhập bất hợp pháp nhờ hành vi vi phạm.
Còn tại Anh, một số biện phát trừng phạt phổ biến nhất với hành vi thao túng thị trường là phạt tiền (không có giới hạn cụ thể), công bố công khai hành vi và đối tượng vi phạm, đình chỉ và hạn chế đối với cá nhân/tổ chức vi phạm, cảnh báo riêng.
Theo: Doanh nghiệp và tiếp thị/CNBC, Bloomberg
Xem thêm bài liên quan
- “Gã ngông” Elon Musk trên đà giành lại ngôi vị người giàu nhất thế giới: Lùi 1 bước để tiến 3 bước?
- Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk: Không có gì ngoài cổ phiếu Tesla
- 14 nhà sáng lập nổi tiếng bị sa thải khỏi chính công ty của mình: Steve Jobs ra đi lập hãng phim hoạt hình, Elon Musk lúc đang đi nghỉ dưỡng, Sam Altman “không nhất quán và thẳng thắn”