Nhà sáng lập, Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ là một trong những tấm gương khởi nghiệp thành công từ con số không, đến trở thành một vị vua, vị anh hùng của cà phê Việt Nam.
26 năm trước, Đặng Lê Nguyên Vũ thành lập thương hiệu Trung Nguyên với vốn liếng ban đầu hầu như không có gì ngoài khát vọng làm giàu cháy bỏng. Cũng trong chính quãng thời gian khó khăn thuở thiếu thời, ông đã có những suy tư và trăn trở mang tính thời đại.
Có thể nói, những ưu tư của Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ dừng lại ở câu chuyện của cá nhân ông mà ông còn đau đáu về vận mệnh của quốc gia.
Đặng Lê Nguyên Vũ – Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend là một thương hiệu đặc biệt. Ông là cái tên đại diện cho những hoài bão, khát vọng vươn ra thế giới của doanh nhân Việt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Đặng Lê Nguyên Vũ luôn có trăn trở về một số câu hỏi. Ấy là “Tại sao có người thành công – kẻ thất bại?
Tại sao có nước giàu – nước nghèo? Tại sao Việt Nam vẫn mãi nghèo? Làm thế nào để trở thành quốc gia vĩ đại, hùng cường, có tầm ảnh hưởng? Người khác làm được sao ta không làm được? Nước khác làm được sao nước ta không làm được?”.
Bên cạnh đó, ông cũng luôn đau đáu với ba mục tiêu lớn.
Thứ nhất là xây dựng một tầm nhìn 20 tỉ đôla cho càphê Việt Nam, lấy lại giá trị thực mà cà phê Việt xứng đáng được hưởng.
Thứ hai là góp phần kiến tạo nên một quốc gia hình mẫu, dẫn dắt – có khao khát vĩ đại với lòng tin và tâm huyết đặt vào thế hệ trẻ.
Thứ ba là xây dựng một hệ sinh thái chữa lành, khai sáng để giúp nhân gian thoát khỏi những đau khổ, đói nghèo, bệnh tật triền miên và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.
Riêng đối với mục tiêu kiến tạo nên một quốc gia siêu Việt, hình mẫu thì theo Ông điểm căn cốt của câu trả lời là đức tin vào sức mạnh của bản thân, gia đình, quốc gia. Mà sức mạnh lớn nhất của mỗi cá nhân, từng gia đình và một quốc gia quốc gia lại hoàn toàn phụ thuộc vào độ lớn của khát vọng và trí huệ của từng cá thể người và toàn bộ quốc gia ấy.
Mục tiêu này cũng là mục tiêu mang tính thời cuộc, là vấn đề nổi bật trong tình hình xã hội hiện nay. Ông nhìn nhận lịch sử nhân loại từ ngàn xưa đến tận ngày nay là minh chứng không thể chối cãi rằng chính sức mạnh của cá nhân, gia đình, quốc gia quốc gia đã tạo dựng nên các nền văn minh chói sáng hay những đế chế thịnh cường bền vững.
Nhiệt huyết khi kết tinh cao độ sẽ trở thành chí cả dẫn dắt, thành khát vọng vĩ đại. Còn muốn đạt trí huệ thì phải tự thân trau dồi, đào luyện miệt mài. Nói rộng hơn thì các yếu tố khác như điều kiện tự nhiên, dân số và quốc gia tính, địa chính trị… tuy có ảnh hưởng nhưng không thể xác quyết vận mệnh quốc gia quốc gia.
Số phận mỗi con người là do chính họ tự chọn cho mình. Chỉ cần khát vọng vĩ đại và trí huệ mạnh mẽ thì cá nhân, gia đình và quốc gia đều có thể làm nên lịch sử rạng ngời.
Một quốc gia vĩ đại là một quốc gia biết thượng tôn và tôn thờ tri thức. Tri thức chính là nền tảng tạo nên sức mạnh và vị thế của một quốc gia. Sức mạnh tri thức sẽ chuyển hóa thành sức mạnh vật chất và thể chất của quốc gia.
Đã 6 năm kể từ khi khởi xướng vào năm 2012, hoạt động trao tặng sách cho thanh niên Việt với tên gọi ‘Hành trình từ trái tim – Hành trình lập chí vĩ đại – Khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu thanh niên Việt” của Tập đoàn Trung Nguyên Legend được xem như điểm sáng trong những nỗ lực tạo dựng một nền tảng tri thức vượt trội cho quốc gia Việt.
Kế hoạch trong 5 năm tới của Trung Nguyên Legend đó là tiếp tục trao tặng hàng trăm triệu cuốn sách cho 30 triệu thanh niên Việt Nam. Đặng Lê Nguyên Vũ đã từng có những trăn trở: “Thanh niên hiện tại khó lập chí vì họ không tin vào năng lực của mình, mà họ lại tin vào số phận. Giờ phải làm thế nào để đánh bật những tư tưởng tự ti đó ra. Cần có người thúc đẩy, thổi lửa cho họ”.
Ông cũng cho rằng, khi nhìn vào một quốc gia, chỉ cần nhìn vào khát khao, hoài bão của thế hệ thanh niên thì sẽ biết được tương lai của quốc gia đó. Đối với ông, thế hệ thanh niên Việt Nam là tương lai, là rường cột; muốn xây dựng một quốc gia minh triết và có tri thức thì cần có lòng tin và tâm huyết vào thế hệ trẻ.
Tâm huyết trong suốt 6 năm qua và nhiều năm tiếp theo của Đặng Lê Nguyên Vũ chính là tạo dựng nền tảng tri thức bền vững cho thanh niên Việt Nam thông qua việc trao tặng hệ thức thành công đã được đúc kết từ những cuốn sách quý trong Tủ sách Nền tảng đổi đời.
Tủ sách với hơn 100 đầu sách thuộc 12 lĩnh vực then chốt của nhân loại: Huyền học, Triết học, Khoa học, Đạo đức học, Nghệ thuật, Mỹ học, Tâm lý học, Xã hội học, Chính trị học, Kinh tài học, Y học và Võ học; được tuyển chọn bằng tấm lòng thiện lành của Đặng Lê Nguyên Vũ và trao gửi đến hàng triệu thanh niên Việt Nam, với mong ước thắp sáng khát vọng vĩ đại và trí huệ trên hành trình tạo dựng quốc gia minh triết thông qua Hành trình từ trái tim – Hành trình Lập chí vĩ đại – Khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu thanh niên Việt.
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ rằng: “Tôi tự thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam, mong muốn họ tin rằng, những gì tôi có thể làm được, họ cũng làm được. Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn”.
Thật vậy, nhìn vào những tâm huyết và trăn trở mà Đặng Lê Nguyên Vũ dành cho thanh niên Việt Nam, cho vận mệnh quốc gia Việt Nam, đủ để thấy rằng ông đã mang trong mình những khát vọng lớn.
Trách nhiệm đối với thanh niên Việt Nam chính là trách nhiệm đối với đất nước, với quốc gia. Có lẽ, đất nước cần nhiều hơn nữa những người như Đặng Lê Nguyên Vũ, dám khát vọng lớn vì một quốc gia Việt Nam vĩ đại và ảnh hưởng.
“Tôi luôn biết trong mỗi chúng ta đều có một vũ trụ đang chờ khai phá – điều duy nhất chúng ta cần lúc này là một đức tin, một ý chí, một khát vọng được tôi luyện” – Đặng Lê Nguyên Vũ
Theo Lao động
Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh ngày 10 tháng 2 năm 1971) là một doanh nhân nổi tiếng Việt Nam. Ông là nhà sáng lập, đồng thời là chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Trung Nguyên, Việt Nam. Ông là người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là “Vua Cà phê Việt Nam”.
Khởi nghiệp bằng con đường cà phê, ông Vũ không chỉ làm sáng thương hiệu kinh doanh của mình. Ông còn nâng tầm ý nghĩa kinh doanh, là người khai sáng triết lý cà phê Trung Nguyên hình thành đạo cà phê với Học thuyết cà phê, “cà phê triết đạo nhân sinh” thể hiện sự đóng góp của cà phê đối với nhân loại. Ông cũng là người đưa nước Việt trở thành “thánh địa cà phê” toàn cầu.
Những dấu ấn của cà phê Trung Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế
Từ Cafe hòa tan G7
Năm 2003 là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự bắt đầu “trỗi dậy” của trung Nguyên với việc phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7. Mặc dù chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn nhưng Trung Nguyên đã dần dần khẳng định chỗ đứng trong thị trường cà phê Việt Nam.
Theo số liệu của Euromonitor công bố đầu năm 2015 thì cà phê hòa tan Trung Nguyên đang đứng thứ 3 (chiếm 5%) thị phần Việt Nam, sau Nescafe (38,3%) và Vinacafe (37,5%).
Kế đến, công ty cafe Trung Nguyên khánh thành nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam tại Bình Dương năm 2005. Nhà máy này do vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đứng tên. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng mâu thuẫn tranh chấp vợ chồng, ông Vũ đã quyết định sang tên lại cho mình vào ngày 21/4/2016.
Tiếp đó năm 2006, ông Vũ quyết định thành lập hệ thống cửa hàng phân phối G7 Mart một mô hình siêu thị kiểu mới, với mức đầu tư 475 tỷ VNĐ cho mục tiêu 10.000 điểm bán lẻ. Nhưng chỉ sau 5 năm, mô hình này thất bại. Sau thất bại, năm 2011, G7 Mart chuyển hướng sang cộng tác nhượng quyền với Ministop của Nhật Bản nhưng cũng phải từ bỏ sau 4 năm.
Thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ vươn ra thế giới
Năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, tiêu biểu như tại Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, khối Asean.
Ngày 27/4/2011 là ngày cái tên “Cà phê Trung Nguyên” xuất hiện trên tờ báo Financial Times (Thời báo Tài chính) danh tiếng như một trường hợp nghiên cứu điển hình về mô hình doanh nghiệp thành công và được bình chọn là một trong những doanh nghiệp thành công nhất. Trong đó có đoạn viết: “Ông Vũ khơi dậy khát vọng của người dân Việt Nam. Một tầng lớp trung lưu đang nổi lên đã chấp nhận thương hiệu này và các quán cà phê Trung Nguyên trở thành những trung tâm xã hội quan trọng”.
Tiếp theo vào tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller là “Vua Cà phê Việt”
Tháng 8/2012, Tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi “zero to hero” (nhân vật từ vô danh thành anh hùng).