Nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đến vào thời điểm nhạy cảm, khi Huawei chật vật tìm cách đối phó với áp lực ngày càng tăng từ phía Mỹ.
Truyền thông địa phương đưa tin, bà Mạnh Vãn Châu sẽ ngồi vào ghế chủ tịch luân phiên của tập đoàn Huawei từ tháng 4. Theo SCMP, đây là lần đầu tiên con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đảm nhận vai trò quan trọng này.
Nhiệm kỳ của bà Mạnh sẽ kéo dài 6 tháng, đến 30/9, tiếp theo là 2 chủ tịch luân phiên khác gồm Ken Hu Houkun và Eric Xu Zhijun. Thông tin được hội đồng quản trị Huawei xác nhận trong một cuộc họp nội bộ hôm 28/3.

Đây là lần đầu tiên con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi giữ vai trò lãnh đạo cao nhất tại tập đoàn.
Giai đoạn sống còn
Bà Mạnh bị quản thúc tại gia gần 3 năm ở Canada, trong thời gian tranh tụng kéo dài nhằm chống lại việc dẫn độ sang Mỹ. Theo thỏa thuận với các công tố viên Mỹ, vụ án và các cáo buộc khác bị bác bỏ vào tháng 12/2022.
Nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của bà Mạnh diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi Huawei đang phải đối mặt với áp lực cấm vận ngày càng tăng. Nhiều thông tin cho rằng chính quyền Mỹ xem xét chặn mọi mối quan hệ kinh tế giữa tập đoàn này và doanh nghiệp Mỹ.
Từ năm 2020, Huawei phải điều chỉnh hoạt động sản xuất smartphone và thiết bị mạng viễn thông sau khi chính quyền Washington áp đặt biện pháp hạn chế thương mại, bao gồm quyền tiếp cận chip bán dẫn được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, từ bất kỳ nhà cung cấp nào.
Theo Counterpoint Research, lệnh trừng phạt khiến cho hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei đình trệ. Từ quý III/2022, họ cạn kiệt vật liệu bán dẫn dùng trong việc thiết kế vi xử lý đời mới cho smartphone.

Tuy nhiên, công ty vẫn chưa từ bỏ mảng kinh doanh thiết bị cầm tay. Họ vừa tung ra smartphone cao cấp P60 và điện thoại gập Mate X3 vào tuần trước. Không có kết nối 5G, các thiết bị này được cung cấp sức mạnh bởi phiên bản 4G của chipset Snapdragon 8.
Huawei cũng tăng cường phát triển các sản phẩm thay thế trong nước. Trong 3 năm qua, họ đổi 13.000 linh kiện trong nhóm bị cấm vận và thiết kế lại hơn 4.000 bảng mạch.
Tiền đề cho quá trình chuyển giao
Theo nhận định của SCMP, nhiệm kỳ của bà Mạnh có thể đưa ra những gợi ý về quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo tại Huawei.
Mặc dù tập đoàn Trung Quốc kín tiếng về kế hoạch này, những lời đồn đoán rộ lên trong bối cảnh ông Nhậm Chính Phi, 78 tuổi, kêu gọi nhân viên tập trung vào sự sống còn của công ty, từ bỏ suy nghĩ viển vông.

Ông Nhậm có 3 người con từ 2 cuộc hôn nhân. Theo bài báo của New York Times vào năm 2013, Son Ren Ping tỏ ra không mấy quan tâm đến việc tiếp quản sự nghiệp kinh doanh. Trong khi đó, cô con gái 25 tuổi Annabel Yao, có biệt danh “công chúa nhỏ” của Huawei, đang theo đuổi lĩnh vực giải trí.
Điều này khiến bà Mạnh trở thành ứng cử viên có nhiều khả năng nhất trong việc tiếp quản Huawei, bất chấp những bình luận phủ nhận trước đó của nhà sáng lập tập đoàn.
Theo SCMP, ông Nhậm Chính Phi từng nói rằng Mạnh Vãn Châu không bao giờ đảm nhận vai trò chủ tịch công ty do không có nền tảng kỹ thuật.
‘Công chúa Huawei’ sau hai năm được trả tự do
Hiện tại, ông Xu Zhijun đang giữ chức Chủ tịch luân phiên và nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào ngày 31/3. Tại Huawei, nhiệm kỳ của mỗi chủ tịch luân phiên kéo dài 4 tháng. Trong tuyên bố chính thức của mình, Huawei cho biết đang tối ưu hóa và hoàn thiện cơ cấu quản trị nội bộ để đảm bảo công ty được xây dựng để trường tồn.
Trước khi nhậm chức, bà Mạnh đã chủ trì buổi lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Huawei và Tập đoàn Vật liệu xây dựng Quốc gia Trung Quốc.

Bà Mạnh Vãn Chu tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong của Trung Quốc. Bà gia nhập Huawei từ năm 1993. Mặc dù là con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nhưng bà Mạnh không được đối xử đặc biệt. Trước khi đạt được vị trí cao nhất, bà Mạnh đã giữ nhiều vai trò chiến lược khác nhau.
Đơn cử, bà đã liên tiếp giữ chức vụ Giám đốc Kế toán toàn cầu, Giám đốc Tài chính Huawei Hong Kong và Chủ tịch Bộ phận quản lý kế toán. Sau đó, bà giữ chức vụ Phó chủ tịch, Chủ tịch luân phiên, CTO và CFO của công ty.
Từ năm 2003, bà Mạnh Vãn Chu đã lãnh đạo việc thiết lập một cấu trúc, quy trình, hệ thống và nền tảng công nghệ thông tin thống nhất toàn cầu của Huawei. Từ năm 2007 đến năm 2014, bà Mạnh đã thúc đẩy cải cách IFS (dịch vụ tài chính tích hợp) của Huawei trên toàn cầu, biến quản trị hiệu quả trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng liên tục của Huawei.
Vào năm 2014, bà đã lãnh đạo quá trình chuyển đổi dữ liệu của Huawei và xây dựng một hệ thống quản lý dữ liệu toàn diện. Bà cho phép các tổ chức tài chính trở thành đối tác kinh doanh. Kể từ năm 2019, bà Mạnh đã xây dựng một kế hoạch chi tiết tổng thể cho quá trình số hóa tài chính phù hợp với kế hoạch phát triển dài hạn và tầm nhìn chiến lược của Huawei.
Thông qua mô hình điều tra và kiểm soát rủi ro, một hệ thống kiểm soát rủi ro không tiếp xúc và hệ thống quản lý và vận hành linh hoạt đã được thiết lập để thực hiện quản lý vận hành thông minh và ra quyết định dựa trên dữ liệu và thuật toán AI.
Một năm trước, cái tên Mạnh Vãn Chu trở thành tâm điểm chú ý của công chúng. Lý do là bà xuất hiện trong hàng ngũ điều hành Huawei, tại buổi họp báo công bố báo cáo thường niên của công ty ngày 28/3/2022 ở Thâm Quyến.
Đây là lần xuất hiện đầu tiên của bà Mạnh, đánh dấu sự trở lại của bà với “gã khổng lồ viễn thông” Huawei. Bà Mạnh đã trở về Trung Quốc sau hơn 1.000 ngày bị giam lỏng tại Canada.
Sự trở lại của bà Mạnh diễn ra trong bối cảnh Huawei phải đối mặt với những thách thức to lớn. Nguyên nhân là gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến đã bị mất một phần thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu trị giá 100 tỷ USD vào năm 2021.
Các biện pháp trừng phạt cứng rắn do Washington áp đặt, bao gồm quyền truy cập vào các chip tiên tiến được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, từ bất kỳ đâu, đã khiến doanh thu của Huawei giảm mạnh.
Năm 2021, doanh thu Huawei chỉ đạt 636,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 100 tỷ USD), giảm 29% so với năm trước và có hiệu suất bán hàng hàng năm tồi tệ nhất được ghi nhận. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp hiệu quả, lợi nhuận ròng Huawei đạt 113,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 76% so với năm 2020.
Mặc dù doanh thu không còn tốt như những năm trước, nhưng bà Mạnh – được coi là người thừa kế tại Huawei, đang gửi đi một thông điệp tích cực. “Doanh thu của Huawei giảm trong năm 2021, nhưng khả năng tạo ra lợi nhuận và tạo ra dòng tiền của chúng tôi lại tăng lên”, bà nói.
Bà Mạnh Vãn Chu đã trở lại Trung Quốc trên một chuyến bay vào tháng 9/2021, được ca ngợi như một chiến thắng ngoại giao, trấn an rằng Huawei “có khả năng đối phó với những rủi ro ngày một cao hơn”, thậm chí sau nhiều năm khi công ty bị chính phủ Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại.
“Khả năng tạo ra lợi nhuận và tạo ra dòng tiền của chúng tôi đang được cải thiện và chúng tôi có thể đối phó tốt hơn với những rủi ro”, bà Mạnh nói. Người phụ nữ 51 tuổi kết luận: “Các đợt trừng phạt khác nhau mà Mỹ áp đặt đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi, đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính”.
Trên thực tế, rất nhiều điều đã xảy ra kể từ khi bà Mạnh bị giam giữ tại Sân bay Quốc tế Vancouver vào tháng 12/2018 theo yêu cầu dẫn độ từ Bộ Tư pháp Mỹ khi cơ quan này cáo buộc bà Mạnh gian lận và lừa dối các ngân hàng về các giao dịch kinh doanh của Huawei ở Iran.
Trong cùng năm đó, Huawei đang trên đà trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, vượt qua Samsung và Apple. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt do Mỹ áp đặt đã thay đổi cục diện thị trường. Chỉ một năm sau lệnh trừng phạt, Huawei đã tụt xuống vị trí thứ tám từ vị trí nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai thế giới trước đó.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Huawei và các vụ giam giữ sau đó đã thay đổi cuộc đời của bà Mạnh. Từ một giám đốc điều hành khiêm tốn của Huawei, bà Mạnh đã trở thành nhân vật trung tâm trong cuộc đấu tranh ngoại giao liên quan đến Bắc Kinh, Washington và Ottawa.
Điều đó đã biến bà thành một biểu tượng ở Trung Quốc đại lục. Bài phát biểu của Mạnh trên đường băng của sân bay quốc tế Baoan, Thâm Quyến đã được phát sóng trên toàn quốc.
Theo SCMP/Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Cuộc đời ly kỳ của “Hoàng đế Huawei” Nhậm Chính Phi: 43 tuổi bị lừa 290 nghìn USD, công ty bị xóa tên, vợ bỏ đi, đem theo con cái và ba mẹ sống trong một căn hộ 10 m2
- Cuộc đời “Hoàng đế Huawei” Nhậm Chính Phi: 43 tuổi bị lừa 290 nghìn USD, công ty bị xóa tên, vợ bỏ đi, đem theo con cái và ba mẹ sống trong một căn hộ 10 m2
- 6 tháng sau khi bị giam lỏng, “Công chúa Huawei” thâu tóm thêm quyền lực