Sự thật ít người biết là đế chế LG trăm tỷ USD lại được trao quyền thừa kế vào tay người con trai nuôi của Chủ tịch quá cố Koo Boo-moo.
Chaebol hay còn gọi là tài phiệt ở Hàn Quốc là những gia tộc lớn mạnh và giữ vững truyền thống cha truyền con nối, ví dụ như dòng họ Lee của gia tộc Samsung.
Gia tộc LG – top 5 chaebol quyền lực nhất cũng tương tự nhưng có một sự khác biệt nhỏ là người được thừa kế toàn bộ tập đoàn này chỉ là con nuôi của cố chủ tịch LG Koo Bon-moo.
Người thừa kế “đặc biệt”
Koo Kwang-mo thực chất là con trai ruột của Phó Chủ tịch LG Electronics – Koo Bon-neung, em trai của cố Chủ tịch LG – Koo Boo-moo. Được biết, ông Koo Boo-moo có 2 người con gái nhưng 2 người này đã sớm không tham gia vào việc quản lý cơ nghiệp của gia đình. Sau khi ông Koo Bon-neung qua đời do một vụ tai nạn không rõ nguyên nhân, Kwang-mo chính thức được cố Chủ tịch Koo nhận nuôi.
Kể từ khi thành lập, gia tộc LG có truyền thống chưa bao giờ bị phá vỡ là luôn trao lại quyền lực cho người con trai cả của Chủ tịch đương thời.
Chính vì vậy, năm 2018, khi ông Koo Bon-moo qua đời, Koo Kwang-mo đã nối nghiệp bố nuôi và tiếp quản một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Năm 2019, ở độ tuổi 41, Koo trở thành vị Chủ tịch trẻ tuổi nhất trong số những chaebol quyền lực nhất ở Hàn Quốc.
Từng có người nghi ngờ rằng, Kwang-mo cố gắng bước chân vào gia đình cố Chủ tịch để chiếm lấy một phần tài sản thừa kế . Tuy nhiên, những nhân viên từng làm việc với Koo Kwang-mo đều nhận xét rằng, anh là một vị lãnh đạo tài năng và khiêm tốn.
Koo Kwang-mo gia nhập LG Group với một vị trí tại bộ phận tài chính của LG Electronics vào năm 2006. 5 năm sau đó, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc bộ phận. Sau đó, anh tiếp tục được bổ nhiệm vào một vị trí điều hành tại chi nhánh của LG Electronics tại Mỹ.
Tới năm 2014, Koo Kwang-mo trở lại làm Giám đốc điều hành LG Synergy. Anh cũng từng làm việc tại một cơ sở sản xuất của LG ở Changwon, tỉnh Gyeongsangnam, phía nam thủ đô Seoul.
Theo nhiều nguồn tin, nhân viên LG miêu tả Koo Kwang-mo là người “lịch sự và khiêm tốn” và thỉnh thoảng chơi bóng rổ với đồng nghiệp.
Tuy nhiên, tuổi đời còn trẻ và thiếu nhiều kinh nghiệm được cho là rào cản chính đối với anh Koo Kwang-mo khi tiếp quản LG. Dù vậy, đại diện LG cho rằng anh đã trải qua “huấn luyện đầy đủ về quản lý” thông qua nhiều vị trí tại LG Corp và LG Electronics.
Chuẩn hình mẫu “con nhà người ta”: đẹp trai, tài giỏi, nhiều tiền
Với vai trò là chủ tịch tập đoàn LG, Koo Kwang-mo đã trở thành lãnh đạo thế hệ thứ tư của tập đoàn do gia đình kiểm soát. Phát biểu tại thời điểm chuyển giao quyền lực, Koo tuyên bố: “Tôi có kế hoạch thành công và phát triển tài sản của LG, nơi tạo ra giá trị cho người tiêu dùng, tôn trọng mọi người và thực hiện quản lý đúng đắn tuân thủ đạo đức. Nếu có bất kỳ lĩnh vực nào cần thay đổi, tôi có kế hoạch cải thiện và nỗ lực hết sức để tạo dựng một cơ sở để phát triển trong thời gian dài”.
Koo Kwang-mo sinh năm 1978 tại Seoul. Anh từng theo học ngành Kỹ thuật tại Đại học Rochester của Hoa Kỳ và có bằng thạc sĩ về Quản trị kinh doanh của Đại học Stanford.
Được biết, trường đại học Rochester là một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu của nước Mỹ. Trường tổ chức giảng dạy theo mô hình cá nhân. Rochester vẫn là một trong những trường đại học có quy mô lớp nhỏ nhất trong số các trường đại học nghiên cứu hàng đầu, tỷ lệ sinh viên/ giáo viên là 10:1 nhằm tăng tương tác và khả năng tiếp thu của sinh viên trong các lớp học.
Trường có Viện Quang học được thành lập vào năm 1929 và là nơi đầu tiên trên đất nước Mỹ tổ chức chương trình giáo dục dành riêng cho lĩnh vực quang học. Đây được coi là một trong những trường quang học hàng đầu của quốc gia và là nơi tiên phong, lãnh đạo trong nghiên cứu và lý thuyết quang học cơ bản.
Theo thống kê của Forbes, anh Koo hiện là người giàu thứ 13 ở Hàn Quốc với khối tài sản 1,8 tỷ USD. Anh đang nắm quyền Chủ tịch và Giám đốc điều hành của LG – top 5 chaebol quyền lực nhất Hàn Quốc và cũng là cổ đông lớn nhất tại tập đoàn này với 17,52% cổ phần.
Trước khi nắm quyền lực cao nhất tại LG, anh Koo cũng đã cho thấy tài năng lãnh đạo của mình khi cùng LG thiết lập những cột mốc kinh doanh ấn tượng. Trong 23 năm gắn bó với LG, anh Koo đã giúp doanh thu của tập đoàn tăng hơn 5 lần, lên 148 tỷ USD năm 2017.
Còn suốt 2 năm qua trên cương vị mới, dù khá kín đáo, nhưng Chủ tịch Koo cho thấy những thay đổi mà anh mang lại là vô cùng tích cực. Koo Kwang-mo đã phát triển LG theo “chủ nghĩa thực dụng” và tập trung vào việc chọn lọc và xây dựng phong cách quản lý.
Lực lượng lao động của LG đã trải qua nhiều thay đổi dựa trên chế độ nhân tài. Trong những năm qua, hơn 100 giám đốc điều hành mới đã được chọn và những người có hiệu suất kém đã bị sa thải.
Không chỉ vậy, các đơn vị không chính thống và kém hiệu quả của tập đoàn cũng đã bị đóng cửa để đảm bảo nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Năm ngoái, LG đã thanh lý công ty con pin nhiên liệu LG Fuel Cell Systems, vốn đang đầu tư vào việc phát triển pin nhiên liệu thế hệ tiếp theo. Cùng năm đó, LG Display đã rút khỏi ngành kinh doanh OLED chiếu sáng. Năm nay, LG Chem đã bán doanh nghiệp kinh doanh màn hình tinh thể lỏng cho một công ty Trung Quốc.
LG đã bán cổ phần của mình tại tòa Tháp Đôi Bắc Kinh, được nắm giữ bởi LG Electronics, LG Chem và LG Corp, để đảm bảo khoảng 1,37 nghìn tỷ won (1,14 tỷ USD) tiền mặt trong năm nay.
Với số tiền được bảo đảm, tập đoàn hiện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ mới, có thể bao gồm các bộ phận xe hơi, trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ sinh học.
Trong hai năm qua, LG đã mua lại các doanh nghiệp mới, bao gồm nhà sản xuất keo dán ô tô Uniseal của Mỹ, công ty Robostar, công ty truyền hình địa phương CJ HelloVision, thương hiệu mỹ phẩm Evermere của Nhật Bản, công ty làm đẹp New Avon của Mỹ và quyền kinh doanh tại châu Á và Bắc Mỹ của thương hiệu mỹ phẩm châu Âu Fisiogel.
Tập đoàn này cũng đang tăng cường đầu tư vào các công nghệ mới. LG Technology Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm ra mắt tại Thung lũng Silicon năm 2018, đã đầu tư khoảng 500 tỷ won vào 18 công ty khởi nghiệp toàn cầu bao gồm các lĩnh vực như AI, robot và lái xe tự động.
Ngoài ra, Chủ tịch Koo cũng đang nỗ lực mở rộng mạng lưới quan hệ của mình bằng cách gặp gỡ các doanh nhân và chính trị gia nổi tiếng.
Vào tháng 6 năm 2019, Chủ tịch Koo đã tổ chức một cuộc gặp riêng với Hoàng tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, người đã đến thăm Hàn Quốc. Trong cuộc họp, họ đã thảo luận về quan hệ đối tác trong lĩnh vực thiết bị gia dụng.
Một tháng sau, anh cũng gặp Chủ tịch Softbank Masayoshi Son, để thảo luận về các vấn đề kinh doanh liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp và một kế hoạch hợp tác giữa 2 bên.
Vào tháng 11, bốn tháng sau cuộc họp, bốn chi nhánh lớn của LG – LG Electronics, LG Chem, LG Uplus và LG CNS – đã quyết định cùng đầu tư khoảng 20 tỷ won vào quỹ 320 tỷ won do Softbank Ventures tạo ra trong lĩnh vực AI.
1 năm gần đây, cổ phiếu LG chứng kiến đà tăng nhẹ, vốn hóa thị trường hiện ở mức hơn 16 nghìn tỷ won, là chaebol lớn thứ 4 ở Hàn Quốc.
Thiếu gia tài phiệt bất chấp lấy vợ “thường dân”
Chuyện kết hôn của các thành viên trong gia tộc tài phiệt ở Hàn Quốc hầu hết đều phải môn đăng hộ đối và dựa trên lợi ích, về mặt kinh tế lẫn chính trị. Thế nhưng, đối với Koo Kwang-mo thì khác.
Hôn nhân của anh không hề liên quan gì đến lợi ích mà đó là cái kết đẹp dành cho câu chuyện tình của anh với bạn gái Chung Hyo-jeong, con gái của ông Chung Ki-ryeon, sở hữu một doanh nghiệp thực phẩm vừa và nhỏ, không thể so được với tầm cỡ toàn cầu của nhà LG.
Được biết, cặp đôi gặp nhau trong thời gian đi du học ở New York, Mỹ, từ năm 2004 đến năm 2006. Cả hai bắt đầu mối quan hệ vào những ngày đầu đến sống ở xứ lạ quê người. Những người quen nhận xét Chung Hyo-jeong là một người tốt bụng và chân thành nên rất được lòng mọi người xung quanh.
Theo chia sẻ của Chung Hyo-jeong, chồng cô dù là con trai nuôi của tập đoàn LG nhưng lại có lối sống giản dị và nuôi lớn tình cảm của đôi bên bằng những buổi hẹn hò lãng mạn.
Tất nhiên là chuyện tình của họ bị gia đình Koo Kwang-mo phản đối bởi vì quá cách biệt về danh tiếng và địa vị xã hội. Ngoài ra, gia đình nhà gái cũng không có ý muốn gả con gái mình vào gia đình tài phiệt vì không muốn Chung Hyo-jeong phải chịu nhiều áp lực.
Bất chấp những ý kiến phản đối từ gia đình 2 bên, Koo Kwang-mo và Chung Hyo-jeong vẫn nghe theo tiếng gọi của trái tim. Họ kết hôn vào năm 2009 bằng một lễ cưới đơn giản, kín tiếng vì không muốn thu hút sự chú ý của truyền thông lẫn dư luận và hiện đã có với nhau 2 người con 1 trai, 1 gái.
Cuộc hôn nhân chênh lệch này trở nên nổi tiếng khắp Hàn Quốc bởi hiếm khi một thiếu gia từ gia đình tài phiệt lại đi lấy một cô nàng “thường dân” như vậy và tình cảm của cả hai cũng không tránh khỏi những ánh mắt ngờ vực không bền lâu từ mọi người xung quanh.
Tổng hợp, Theo Thảo Vân/Pháp luật và bạn đọc
Xem thêm bài liên quan
- Chủ tịch “tuổi trẻ tài cao” của đế chế LG: Con nuôi thừa kế tập đoàn, vì tình yêu phá vỡ quy tắc liên hôn của giới Chaebol
- Kỳ nhân giới kinh doanh khiến báo lớn thế giới không thể lý giải, gọi là “vị vua cuối cùng” của Chaebol Hàn Quốc
- Kỳ nhân trong giới kinh doanh khiến báo lớn thế giới không thể lý giải, gọi là “vị vua cuối cùng” của Chaebol Hàn Quốc