Đối với Chung Ju Yung, khi đã trải qua biết bao thăng trầm, đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, đưa Hyundai trở thành một biểu tượng của Hàn Quốc thì đâu là nhân tố kiến tạo thành công của doanh nhân lãnh đạo xuất chúng?
Bắt đầu sự nghiệp với hai bàn tay trắng, xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, điều gì khiến ông có thể gầy dựng nên một đế chế công nghiệp có sức ảnh hưởng không chỉ đối với “xứ sở kim chi” mà còn trên toàn thế giới?
Niềm tin mạnh mẽ vào tương lai: Tất cả chỉ là thử thách
Bạn không được quyết định nơi mình sinh ra, nhưng bạn là người quyết định vận mệnh tương lai của mình như thế nào. Sinh ra trong một gia đình bần nông, ngay từ khi còn nhỏ, Chung Ju Yung đã phải mang trách nhiệm nặng nề nối tiếp truyền thống làm nông, đỡ đần cho ba mẹ từ năm 10 tuổi.
Tuy nhiên, chính cái đói nghèo là động lực thôi thúc Chung Ju Yung tìm cách thoát khỏi cuộc sống thực tại. Ba lần trốn nhà thất bại, đã có lúc tưởng chừng như chấp nhận buông xuôi quay về với cuộc sống làm nông tại quê nhà, nhưng chính niềm tin mạnh mẽ “Tất cả chỉ là thử thách” đã giúp ông tiếp tục hành trình làm giàu tại miền đất xa xôi, bất kể những gian nan thử thách.
Trở thành chủ cửa hàng gạo, những tưởng cuộc sống Chung Ju Yung đã ổn định và phát triển, nhưng trong bối cảnh cửa hàng gạo bị buộc phải dừng lại khi nhà nước chính thức thực hiện chế độ phân phối gạo, ông lựa chọn cho mình một hướng đi mới, mở xưởng sửa chữa ô tô.
Khó khăn tiếp tục kéo đến khi xưởng bốc cháy khiến ông ngập trong nợ nần. Nhưng Chung Ju Yung vẫn không từ bỏ. Chính nghị lực mạnh mẽ là bàn đạp giúp ông xây dựng nên đế chế Hyundai hùng mạnh như hiện tại.
Giữ vững chữ “tín”
“Một lần bất tín, vạn lần bất tin” là bài học vỡ lòng mà Chung Ju Yung học được ngay từ những ngày đầu kinh doanh. Đến với Seoul với hai bàn tay trắng, điều gì đã khiến ông được giao trở thành ông chủ cửa hàng gạo ở tuổi 22?
Đó chính là nhờ sự uy tín của bản thân. Thời gian trôi qua, Chung Ju Yung xây dựng được niềm tin càng lớn, và chính sự uy tín đã cứu ông khỏi những giây phút cận kề với sự phá sản.
Tiết kiệm và cần cù
Sinh trưởng trong gia đình nông dân nghèo khó nên từ nhỏ, Chung Ju Yung đã rèn luyện được cho mình tính tiết kiệm, cần cù. Ông hiểu được rằng, “làm việc nhiệt tình và tiết kiệm triệt để sẽ giàu có hơn người lãng phí”.
Và sẽ không nói ngoa rằng bạn sẽ chẳng thể có tài sản gì nếu không biết tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. Sự khác nhau giữa kẻ giàu người nghèo nằm ở quá trình tích lũy, chịu đựng gian khó, và làm việc chăm chỉ.
Quan niệm đúng đắn về giá trị đồng tiền và cách đối nhân xử thế
Khác hẳn nhiều người khi thành công chìm vào lối sống xa hoa, thì kể cả khi đứng ở đỉnh cao của danh vọng, Chung Ju Yung vẫn giữ cho mình một lối sống giản dị, thanh sạch. Chung Ju Yung chia sẻ: “Tôi nghĩ việc dùng tiền để chứng tỏ mình, tự hào về tiền là sai lầm của con người”.
Ông đối xử với nhân viên của mình một cách bình đẳng, không hề phân biệt giai cấp. Chính bởi những khó khăn trải qua thuở thiếu thời, ông đã nhận ra được: “Giai cấp không phải là rào cản để đạt đến thành công”.
Ông quan niệm rằng, chính những nhân viên là người tạo ra để chế Hyundai. Họ là người tạo nên giá trị, giúp Hyundai đạt được những vị trí, thành tựu ngày hôm nay.
10 bài học quý báu từ “Kỳ nhân” sáng lập đế chế Hyundai
1. Trong bất cứ việc gì, dù dễ hay khó, chỉ những người có niềm tin mạnh mẽ rằng mình có thể làm được thì mới làm nên chuyện. Nếu bạn còn nghi ngờ năng lực bản thân thì kết quả công việc sẽ bị hạn chế và rất khó đột phá.
Nếu từ trong suy nghĩ bạn đã do dự cho rằng mình không thể làm được thì chắc chắn bạn sẽ không thể làm được.
2. Một người không có gì trong tay muốn trở nên giàu có sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để vươn lên trong điều kiện bất thuận lợi so với một người vốn đã giàu và muốn trở nên giàu có hơn.
Để chiến thắng trong cuộc chiến này, chúng tôi bắt buộc phải nỗ lực gấp mười, hai mươi lần những quốc gia giàu có để bù lại những điều kiện bất lợi.
3. Tôi là người luôn khẳng định rằng không thể chờ đơi sự sáng tạo hay đột phá nào từ những người bị ràng buộc bởi những quan niệm cố hữu hay những tri thức thông thường. Tôi tin tưởng vào khả năng sáng tạo và tiềm năng không giới hạn của con người khi họ có ý chí vững chắc và quyết tâm bằng mọi cách để đạt đến thành công.
4. Nếu nỗ lực tư duy thì sẽ chắc chắn sẽ tìm ra được giải pháp. Còn nếu không tìm thấy giải pháp thì đó là chưa dành thời gian tư duy đủ nhiều.
5. Bất kể làm công việc gì, cuộc sống của một người sẽ trở nên vô nghĩa nếu người đó không có ý thức rõ về sứ mệnh và giá trị của mình trong công việc.
6. Tôi luôn cho rằng lãng phí là một loại tội lỗi, bất kể đó là lãng phí thời gian, công sức hay tiền bạc, của cá nhân chính họ hay của nhà nước. Những người trong nhà nước mà lãng phí như vậy thì thực sự đó đúng là một tội ác – và họ sẽ phải tr.ả gi.á bằng nhân quả.
7. Không phải tôi cố ép mình suy nghĩ, mà những dòng suy nghĩ cứ nối nhau xuất hiện trong đầu tôi. Ban đầu chỉ một hạt giống thoáng qua cũng có thể biến thành hạt giống nảy mầm trong tâm trí.
Và tôi sẽ không ngừng theo đuổi, nuôi dưỡng và phát triển nó trở thành một dự án khổng lồ hiện thực hiện diện trước mắt tôi.
8. Khi gặp trở ngại, chúng ta cần đối mặt và vượt qua. Nếu chỉ nghĩ cách để tránh né thì sau này gặp việc gì không tránh né được, chúng ta sẽ rất dễ buông xuôi. Chính vì vậy mà ngay từ đầu tôi đã truyền cho Hyundai luôn giữ tinh thần xông pha như một “cỗ máy ủi” và trường tồn tươi sáng cho đến ngày hôm nay.
9. Tôi nghĩ chính thời gian và bắt đầu hành động là yếu tố quyết định chúng ta thành công hay thất bại trong đời.
10. Không có phép màu nào trong cái gọi là “Kỳ tích sông Hàn”. Kỳ tích đó không có gì ngoài sự lao động chăm chỉ, hết lòng và thật tận tâm.
Đến cuối cùng, tôi vẫn rất tâm đắc với chân lý sống và làm việc của ông: “Lấy sự cần cù và chính trực làm giá trị cốt lõi, tôi đã sống cả cuộc đời mình để làm việc vì bản thân công việc mang lại cho tôi niềm vui. Hành trình phát triển của Hyundai gắn liền với sự phát triển và phồn thịnh của Hàn Quốc”.
Tham khảo: Nhịp sống kinh tế, Góc nhìn Alan