Với hơn 40 năm dẫn dắt Vinamilk, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên được coi là linh hồn của công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Vị “nữ tướng” quyết liệt mà bình dị này cũng là người phụ nữ đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời”, với dấu ấn “tư tưởng đổi mới sáng tạo, khả năng hoạch định chiến lược đúng đắn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn kết người lao động để cống hiến vì mục tiêu chung đưa công ty phát triển”.
Vài nét về bà Mai Kiều Liên và Hành trình đưa thương hiệu sữa Việt vươn tầm quốc tế
Sinh năm 1953 tại Pháp, bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp đại học tại Matxcova, Liên Bang Nga, chuyên ngành Chế biến sữa và thịt và có chứng chỉ Quản lý kinh tế – Đại học Kỹ sư Kinh tế Leningrad.
Được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Vinamilk vào năm 1992, bà quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp sữa này nhằm tạo ra động lực làm việc mới, khuyến khích cán bộ công nhân viên sáng tạo, đổi mới. Bà Mai Kiều Liên từng giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII nhiệm kỳ 1996 – 2001.
Năm 2018, Vinamilk đã đạt được những con số đáng ghi nhận như doanh thu đạt 52.800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 4.200 tỷ đồng. Vốn hóa của Vinamilk hiện đạt hơn 11 tỷ USD, tăng gấp 110 lần so với thời điểm niêm yết năm 2006.
Các sản phẩm của Vinamilk hiện đã có mặt tại 43 nước trên thế giới. Từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đã đạt khoảng 2 tỷ USD. Hiện công ty sữa lớn nhất Việt Nam này đang nắm giữ 50% thị trường sữa với danh mục hơn 200 sản phẩm.
Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, Mỹ và New Zealand. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) lên tới hơn 120 nghìn con, với sản lượng khoảng 950 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Dự kiến tổng đàn bò sẽ được nâng lên khoảng 200 nghìn con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến sẽ tăng lên hơn gấp đôi.
Các sản phẩm của Vinamilk được sản xuất bởi 13 nhà máy trải dài khắp Việt Nam, trong đó có hai siêu nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương được trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới với hệ thống thiết bị khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm và ba nhà máy chế biến ở Mỹ, New Zealand và Campuchia.
Không có cạnh tranh không có phát triển
“Những ngày qua, chúng ta đã nghe nói nhiều về phòng chống dịch như chống giặc, chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chiến đấu với những người bị nhiễm, nghi nhiễm như những kẻ thù. Chỉ có sự đồng lòng, tương thân tương ái mới giúp cộng đồng có được sức mạnh đoàn kết – đây chính là chiếc lá chắn mạnh mẽ nhất giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh.
Covid-19 đã tạo ra một không khí ảm đạm cho tất cả chúng ta vào những ngày đầu thập kỷ. Nhưng việc nó có phá hủy đi những giá trị của con người và cuộc sống hay không lại nằm ở hành động của mỗi người, ở cách chúng ta ứng xử với từng góc cạnh của đời sống xã hội”.
Đó là một đoạn trong bức tâm thư mà Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên gửi đến toàn bộ cán bộ công nhân viên Vinamilk trong những ngày đất nước gồng mình lên chống dịch Covid-19.
Bức tâm thư nhẹ nhàng nhưng quyết liệt, mạnh mẽ mà vẫn tràn đầy tình tương thân tương ái ấy không những động viên, tạo sự đoàn kết của toàn thể cán bộ công nhân viên, mà còn tiếp tục ghi danh Vinamilk ở một trong những đơn vị đi đầu trong việc vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa tham gia chống dịch.
Cái chất quyết liệt, mạnh mẽ mà bình dân, giàu lòng tương thân tương ái ấy cũng được vị nữ tướng này áp dụng vào việc làm “tỏa sáng” thương hiệu Vinamilk trong gần nửa thập kỷ qua.
Nhìn vị trí của Vinamilk hiện giờ, có lẽ ít người biết rằng, doanh nghiệp này cũng đã từng trải qua quá trình gian nan buổi ban đầu cổ phần hóa. Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII từng nhận xét: “Chị Liên là người phụ nữ thông minh, đôn hậu, chân thực nhưng quyết liệt, sáng tạo.
Tôi nhớ các lần họp Trung ương khóa VIII, chị đều có những phát biểu sâu sắc, giúp Trung ương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chị luôn đòi hỏi phải nhanh chóng xóa bỏ cơ chế xin – cho, đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy cao độ tính tự chủ, sáng tạo”.
Tính cách quyết liệt của bà Mai Kiều Liên được khắc họa rõ nét trong tình cảnh Vinamilk buộc phải lựa chọn trở thành liên doanh (đối tác nước ngoài nắm 70% cổ phần) hay tự mình cạnh tranh với các sản phẩm ngoại, ở thời điểm cuối thập niên 90.
Thời điểm đó, bà trình bày với lãnh đạo Bộ Công thương là chấp nhận cạnh tranh, không đề nghị Nhà nước có ưu tiên gì, cạnh tranh về mọi phương diện, về chất lượng, về giá cả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở tất cả các tầng lớp dân cư.
Nghĩ là làm, bà là một trong những người quyết liệt với quá trình cổ phần hóa của Vinamilk. Giai đoạn đầu thập niên 1990, ba nhà máy của Vinamilk đều tập trung ở phía Nam, công ty phải đưa sản phẩm vượt gần 2.000 cây số từ TP Hồ Chí Minh ra thị trường phía Bắc. Trước thực trạng đó, bà Liên lên kế hoạch xây dựng nhà máy sữa tại Hà Nội.
Đề xuất lên cơ quan chủ quản, lãnh đạo hỏi: “Bán một hộp sữa giá hai ngàn bằng giá một gánh cà chua. Ai mua?” Bà trả lời: “So sánh như thế nào tôi không biết nhưng ngoài Bắc có nhu cầu. Không bán được sao Vinamilk đưa sản phẩm ra?”.
Phải mất hai năm, bà Liên mới thuyết phục được cấp trên chấp thuận dự án. Với tổng số vốn đầu tư 8 triệu USD, trong đó một nửa vốn tự có, Vinamilk khánh thành nhà máy sữa Hà Nội vào cuối năm 1994. Nhà máy sản xuất ra không đủ hàng để bán, người mua xếp hàng dài mua sữa. “Chưa bao giờ mà bán hàng thích như vậy,” bà Liên nhớ lại. Vinamilk mở hàng trăm đại lý, trở thành một trong các thương hiệu có mức độ nhận biết cao nhất tại Việt Nam.
“Không có cạnh tranh không có phát triển. Nó buộc các doanh nghiệp phát triển cao hơn”, bà Mai Kiều Liên khẳng định.
Một quyết định lịch sử khác của bà Mai Kiều Liên chính là quyết định phục hồi nhà máy sữa bột Dielac cho trẻ em, khi bà còn đang trên cương vị Phó Tổng giám đốc Vinamilk.
Nói về bối cảnh ngành sữa trước đổi mới, bà Mai Kiều Liên mô tả “rất yếu ớt, hoàn toàn không có gì”. Năm 1981 – 1982, Nhà nước bắt đầu có những chính sách để tháo gỡ cho sản xuất với 3 kế hoạch A, B, C. Kế hoạch A là toàn bộ nguyên vật liệu Nhà nước đưa bao nhiêu để sản xuất thì doanh nghiệp giao nộp hết. B là doanh nghiệp có quyền sử dụng máy móc thiết bị của Nhà nước, nguyên vật liệu tự kiếm, sản phẩm tự tiêu thụ. C là hoàn toàn không sử dụng máy móc thiết bị của Nhà nước, nguyên vật liệu tự lo, tiêu thụ tự lo.
“Việc đầu tiên là làm sao phải có ngoại tệ để có nguyên vật liệu. Chúng tôi mới kết hợp với SEAPRODEX để trao đổi”, bà Liên nói về quyết định lịch sử thời bấy giờ. Lúc ấy, SEAPRODEX có nguồn ngoại tệ khá lớn từ ngư dân.
Có ngoại tệ, Vinamilk mới nhập khẩu được phụ tùng thay thế, phục hồi nhà máy sữa bột Dielac cho trẻ em vào năm 1988. Nhà máy này do tập đoàn Netstlé (Thụy Sĩ) để lại trước ngày giải phóng, nhưng không hoạt động được do chủ nhà máy rút chạy, mang theo hồ sơ thiết bị công nghệ về nước.
“Chúng tôi có mời hai công ty lớn, một nơi đòi 2,7 triệu USD, một nơi đòi 3 triệu USD để phục hồi. Lúc đó thì làm gì có đồng nào? Chúng tôi bắt đầu đặt bài toán cho các giáo sư của các trường, mời xuống để họ khảo sát rồi họ nói họ làm được. Chúng tôi bảo nếu làm được thì ký hợp đồng”, bà Mai Kiều Liên thuật lại.
Mặc dù giá trị hợp đồng là 500.000 USD nhưng khi thanh toán cuối cùng, Vinamilk chỉ mất hơn 200.000 USD, do chi phí phục hồi thấp hơn dự kiến. “Đó là một điều rất quan trọng vì là lần đầu tiên nước Việt Nam mình có một nhà máy sản xuất sữa cho trẻ em, trước đây toàn là nhập hết”, vị tổng giám đốc Vinamilk nhấn mạnh.
Đây là bước đệm tiên quyết giúp Vinamilk trở thành công ty sữa lớn nhất Việt Nam hiện tại, đồng thời là một trong những công ty niêm yết lớn nhất nước với giá trị vốn hóa lên đến gần 10 tỷ USD.
Từ việc chinh phục thị trường trong nước, Vinamilk bắt đầu “đem chuông đi đánh xứ người”. Sau sản phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường nước ngoài vào năm 1997, đến nay, Vinamilk đã chinh phục hàng loạt thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông…
Nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần kinh doanh nội địa đạt 25.456 tỷ đồng và xuất khẩu trực tiếp đạt 2.451 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 7,7% và 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, bất chấp các tác động mạnh mẽ của Covid-19 trong sáu tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Vinamilk hiện đạt 29.648 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Trong đó, đáng chú ý, doanh thu cả thị trường nội địa và xuất khẩu của Vinamilk trong Quý 2/2020 đều tăng trưởng hai chữ số so với Quý 1/2020, khẳng định thương hiệu Vinamilk không chỉ trong nước mà còn khắp thế giới.
“Ở nhà, tôi là Ô sin”
Để làm tốt vai trò lãnh đạo doanh nghiệp, người đứng đầu Vinamilk coi trọng việc duy trì sức khỏe và sự cân bằng. Bà Liên giữ nếp sinh hoạt khá quy củ, hết thời gian làm việc bà dành hai tiếng tập yoga.
Mặc dù là lãnh đạo cấp cao nhất, bận rộn nhất nhưng một ngày của bà vẫn bắt đầu từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều như bao nhân viên khác. Ở nhà, bà Liên không có người giúp việc, mà coi công việc nội trợ như một sở thích giúp bà giữ sự cân bằng. Mỗi cuối tuần, bà đi chợ, chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần vào thứ bảy, chủ nhật. Thường ngày bà Liên hoặc ông Nguyễn Hiệp, chồng bà, công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tự đứng bếp, chuẩn bị bữa ăn.
“Gia đình tôi rất bình thường. Tôi và ông xã là bạn học từ hồi phổ thông. Tôi có hai con. Về nhà tôi là ô sin. Chúng tôi là bạn học nên thực ra mọi việc chia sẻ rất thoải mái. Buổi tối, bên cạnh việc nhà thì tôi cũng vẫn trả lời email công việc. Ông xã tôi cũng thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình”, bà Liên vui vẻ kể về cuộc sống “bình dân” của mình.
Và có lẽ, chính sự bình dân ấy là chất xúc tác để bà cân bằng lại với những quyết liệt trên thương trường.
Bà khẳng định, vai trò của người phụ nữ ngày càng được đề cao trong thời đại hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Người phụ nữ đang tạo ra ngày càng nhiều những giá trị mới, đó chính là giúp giải quyết công ăn việc làm cho xã hội và đưa các thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới.
Theo Báo Nhân Dân
Xem thêm bài liên quan
- CEO Vinamilk Mai Kiều Liên: “Làm sao để nhân viên thích về nhà lúc 5h chiều và thích đến công ty lúc 8h sáng, tôi nghĩ đó mới là thành công”
- Chèo lái các doanh nghiệp nghìn tỷ, các sếp nữ doanh nhân Việt nhận thù lao bao nhiêu?
- Chân dung “Người làm thuê số 1 Việt Nam” Trần Bảo Minh: Quá tài giỏi và năng lực, chinh chiến khắp các công ty lớn