Trước sự làm mưa làm gió của chatbot AI ChatGPT, mới đây CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng đã tiết lộ một người Việt Nam có vai trò quyết định với thành công của ChatGPT.
Nổi lên trong một vài ngày gần đây, ChatGPT – công cụ ứng dụng công nghệ AI đã trở thành một cơn sốt toàn thế giới.
ChatGPT có tên đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer. Được biết đến như một chatbot, Chat GPT do Công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) sáng tạo ra.

Đây là một chương trình máy tính AI miễn phí với đa chức năng như làm thơ, soạn nhạc, thiết kế, viết thư, thậm chí có thể lập trình. Chương trình hoạt động giống như cuộc hỏi đáp giữa người với người. Sở hữu kho kiến thức khổng lồ, ChatGPT sẽ hồi đáp tất cả những gì được hỏi theo cách tự nhiên nhất.
Tính đến hiện tại, Chat GPT đã vượt mốc 10 triệu người dùng/ngày, bỏ xa tốc độ tăng trưởng nhanh ban đầu của Instagram – mạng xã hội hình ảnh đình đám. Tại Việt Nam, cụm từ “ChatGPT”, “OpenAI” đã lọt top từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Ngoài ra, chương trình này cũng trở thành chủ đề được đề cập phổ biến trên mạng xã hội Facebook.
Trước sự làm mưa làm gió của ChatGPT này, theo CEO của BKAV, người Việt Nam này chính là anh Lê Viết Quốc, một trong 4 người đồng sáng lập ra Google Brain.
Chính anh Lê Viết Quốc đã phát triển một thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên và Google đã phát triển phiên bản này và cho ra thuật toán Transformers.
Thuật toán này đã giúp Open AI dựa vào đó để phát triển chatbot ChatGPT.
Được biết, anh Lê Viết Quốc sinh năm 1982 tại Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Sau khi tốt nghiệp trường chuyên Quốc học Huế, anh Quốc tiếp tục theo học tại Đại học Quốc gia Australia (Úc) và sau đó làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) về trí tuệ nhân tạo.

Năm 2011, anh Quốc đồng sáng lập Google Brain, cùng với cố vấn Tiến sĩ Andrew Ng, nghiên cứu sinh Google Jeff Dean và nhà nghiên cứu tại Google Greg Corrado. Mục tiêu là khai phá về Học sâu (Deep Learning) trên cơ sở khối lượng dữ liệu khổng lồ của Google.
Nguyên văn bài đăng trên trang cá nhân của CEO BKAV như sau:

“Phát hiện bất ngờ: MỘT NGƯỜI VIỆT NAM có vai trò QUYẾT ĐỊNH với thành công của ChatGPT
Với nguyên tắc Không ra bản chất Không tận gốc vấn đề và Không quyết liệt Kết quả sẽ làng nhàng, sau vài buổi báo cáo kỹ thuật của cộng sự, ngày Chủ Nhật tôi tập trung 24 giờ liên tục, quyết liệt nghiên cứu cho ra bản chất đơn giản nhất của anh bạn ChatGPT đang nổi sóng khắp thế giới.
Sau khi đã khám phá được BẢN CHẤT sâu xa nhất của ChatGPT (sẽ chia sẻ trong các bài sau), xâu chuỗi mọi vấn đề, tôi phát hiện điều bất ngờ và cực kỳ thú vị: NGƯỜI VIỆT NAM có vai trò QUYẾT ĐỊNH với thành công của CHATGPT !
Ngắn gọn như thế này:
ChatGPT do công ty OpenAI phát triển dựa trên thuật toán có tên là Transformers (AI model), do đội Google Brain phát triển vào năm 2017. Đây cũng là công nghệ lõi giúp Google Dịch có chất lượng cao như hiện nay.
Năm 2011 Google Brain được đồng sáng lập bởi 4 người, trong đó có bạn Lê Viết Quốc người Thừa Thiên Huế Việt Nam.
Năm 2014 Lê Viết Quốc phát triển thành công thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên có tên là seq2seq. Điều THÚ VỊ, nhờ thuật toán này của Quốc, Google phát triển một PHIÊN BẢN nâng cấp với tên gọi Transformers nói trên.
Như vậy Lê Viết Quốc có vai trò QUYẾT ĐỊNH với thành công của thế giới về Xử lý ngôn ngữ tự nhiên nói chung và ChatGPT nói riêng .
Quá tuyệt vời phải không các bạn”
Lê Viết Quốc – “Quái kiệt” AI của Google đến từ Việt Nam
Từ làng quê nghèo ở Huế đến thung lũng Silicon nước Mỹ, trở thành chuyên gia hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI), Lê Viết Quốc là người trực tiếp tham gia những dự án công nghệ mang tính cách mạng, có thể góp phần thay đổi thế giới. Sống và làm việc tại Silicon Valley (Mỹ) – nơi sôi động nhất của công nghệ thế giới – thế nhưng Quốc chia sẻ với Tuổi trẻ Online “lúc nào nằm mơ, tôi cũng mơ về Việt Nam”.
Không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, cái tên Lê Viết Quốc không còn xa lạ với giới khoa học và dư luận, nhất là những người quan tâm đến Trí tuệ nhân tạo (AI). “Tiến sĩ Lê Viết Quốc” thường xuyên xuất hiện gắn liền với những dự án nổi tiếng của Google về trí tuệ nhân tạo như Google Translate, Google Search….

Khi Lê Viết Quốc, người Việt Nam đầu tiên được xướng tên trong TOP những nhà phát minh trẻ hàng đầu thế giới, các thầy cô trường Chuyên Quốc học Huế không quá bất ngờ trước thành tựu Quốc đạt được. Họ vẫn nhớ cậu học trò nghèo chuyên toán, đến từ nông thôn nhưng luôn tràn đầy nghị lực và đam mê học tập.
Quốc kể, nơi mình sống suốt thời thơ ấu, một làng quê nghèo của huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế thậm chí không có điện. Khi đó, thư viện nhỏ gần nhà là cả một thiên đường đối với cậu bé. Hàng ngày, Quốc vùi đầu trong thư viện, ngấu nghiến đọc các cuốn sách về những phát minh vĩ đại và mơ mộng một ngày nào đó, mình cũng sẽ có tên trong danh sách ấy.
Năm 14 tuổi, Quốc quyết định rằng, phát minh hữu ích nhất cho nhân loại có lẽ là một cái máy đủ thông minh để có thể tự theo đuổi và cho ra các sáng chế – một ý tưởng cho đến giờ vẫn còn là một giấc mơ. Nhưng chính ước mơ cháy bỏng của tuổi thơ đó đã đưa Quốc đến với con đường trở thành một người tiên phong nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, để tạo ra những phần mềm giúp hiểu về thế giới hơn cách mà con người đang làm.
Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Quốc được trao học bổng toàn phần của Chính phủ Australia để theo học đại học tại Đại học Quốc gia Australia và sau đó là học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ).
Quốc kể, khi mình lần đầu tiên bắt đầu nghiên cứu AI, đầu những năm 2000, nó “thực sự làm phiền” anh. Anh không thích các hệ thống máy-học dựa quá nhiều vào đầu vào từ các kỹ sư con người. Để đạt được sự thông minh thực sự, Quốc nói, máy phải tự học, không cần nhãn hiệu chỉ dẫn, giống như con người.
Khi ở Stanford, Quốc đã khám phá ra chiến lược để cải thiện khả năng tự học của máy. Khi đó, các nhà khoa học đã bắt đầu công bố các kết quả đầy hứa hẹn nhưng vẫn còn rất chậm chạp về một phương pháp gọi là “học sâu” (deep learning), bằng cách sử dụng hàng trăm máy để vận hành “các mạng thần kinh” phức tạp – các kiến trúc phần mềm có nhiệm vụ bắt chước các mạng lưới nơ-ron thần kinh – nó cho phép các máy học hỏi. Quốc tìm ra được cách làm thế nào để tăng tốc – bằng việc xây dựng các mạng nơ-ron thần kinh mô phỏng lớn hơn 100 lần, từ đó có thể xử lý dữ liệu với độ lớn gấp hàng ngàn lần.

Cách tiếp cận của Quốc đã thu hút sự chú ý của Google, dẫn đến cơ duyên anh được mời tham gia đồng sáng lập dự án Google Brain vào năm 2011 cùng nhà nghiên cứu AI nổi tiếng khi ấy, Andrew Ng. (hiện là giám đốc nghiên cứu của Baidu, hãng công nghệ tìm kiếm khổng lồ tại Trung Quốc).
Năm 2012, kết quả nghiên cứu của họ được công bố, khởi động cho một cuộc chạy đua quyết liệt ở Facebook, Microsoft và các công ty khác nhằm đầu tư vào nghiên cứu công nghệ “học sâu”. Quốc và cộng sự đã phát triển thành công một mô hình mạng lưới nơron chuyên sâu có thể nhận ra mèo dựa trên 10 triệu hình ảnh kỹ thuật số từ Youtube, cũng như hơn 3.000 bức ảnh trong tập dữ liệu ImageNet.
Kể từ đó, nhà khoa học trẻ tuổi này đã giúp đỡ xây dựng các hệ thống Google nhận dạng các từ nói trên điện thoại Android, và tự động đánh dấu (tag) ảnh của bạn trên web, cả hai kỹ thuật đều được hỗ trợ từ công nghệ học sâu.
Rời Stanford năm 2013, Quốc chính thức gia nhập Google với tư cách một nhà nghiên cứu. Anh sớm đạt được những đột phá ấn tượng trong lĩnh vực dịch máy, trước khi đề xuất và hoàn thiện trình tự chuỗi cùng các nhà nghiên cứu khác ở Google.
Năm 2016, dựa trên những thành công trong nghiên cứu của Quốc, Google đã công bố hệ thống dịch máy Nơron (Neural Machine Translation System), sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra các bản dịch tốt hơn và tự nhiên hơn. Đầu năm 2019, Google đã ra mắt AutoML Vision cũng dựa trên những nguyên lý mà Lê Viết Quốc đặt nền móng.
Theo Nguyễn Tử Quảng, Doanh nghiệp hội nhập
Xem thêm bài liên quan
- Chủ tịch THACO Trần Bá Dương: Từ công nhân vét mỡ bò đến đế chế công-nông-thương tỷ USD
- Ước mơ lớn lao nhất cuộc đời của Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Vì một Việt Nam hùng cường, vĩ đại sánh ngang cường quốc 5 châu!
- Thời “khai thiên lập địa” FPT Software: Tự sự về 1 tỷ USD và giấc mơ “Xuất khẩu phần mềm” lãng mạn