Tỷ phú giàu nhất thế giới Bernard Arnault đã mất 11,2 tỷ USD chỉ trong một ngày do những lo ngại về suy thoái tại Mỹ.
Theo Bloomberg, tài sản của tỷ phú Bernard Arnault – người đứng sau đế chế đồ hiệu LVMH – đã phình to trong năm nay nhờ giá cổ phiếu tăng vọt. Đó là xu hướng chung của các cổ phiếu hàng xa xỉ kể từ đầu năm.
Nhưng trong phiên giao dịch ngày 23/5, cổ phiếu của LVMH đã bay hơi 5% giá trị. Đây là mức giảm cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Trên toàn ngành, đà giảm thổi bay 30 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của các công ty hàng xa xỉ ở châu Âu.
Giá cổ phiếu giảm mạnh
Theo Bloomberg Billionaires Index, dù đã sụt giảm, tài sản của tỷ phú người Pháp vẫn ở mức 191,6 tỷ USD. Trong năm nay, ông bỏ túi tổng cộng 29,5 tỷ USD.
Nhưng với đà giảm của cổ phiếu, chênh lệch tài sản giữa ông Arnault và tỷ phú Elon Musk – CEO hãng xe điện Tesla, người giàu thứ 2 thế giới – đã được thu hẹp xuống còn 11,4 tỷ USD.
Cổ phiếu LVMH quay đầu giảm sau một đợt tăng trưởng kéo dài trong năm nay. Kể từ đầu năm đến nay, mã này vẫn tăng 23%. Trong khi đó, MSCI Europe Textiles Apparel & Luxury Goods Index (tạm dịch: chỉ số MSCI châu Âu về hàng dệt may và xa xỉ) ghi nhận mức tăng 27%.
Triển vọng kinh tế ảm đạm của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm trong nhu cầu đối với các hàng hóa xa xỉ ở châu Âu.
Theo ông Edouard Aubin – chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, trong một hội nghị về hàng xa xỉ do nhà băng này tổ chức ở Paris, mọi người đã cảnh báo về sự suy yếu trong các hoạt động kinh tế tại Mỹ.
Còn theo các nhà phân tích Matt Garland và Adam Cochrane của Deutsche Bank, giới đầu tư sẽ thận trọng hơn đối với nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ ở châu Âu. Nguyên nhân là mối lo ngại về tốc độ tăng trưởng tại Mỹ chậm lại.
Để kìm hãm lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp nhằm hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế và việc làm. Chi phí đi vay cao hơn là lực cản đối với các hoạt động kinh tế và chi tiêu tiêu dùng.
Khối tài sản gần 200 tỷ USD
Trên thực tế, LVMH vẫn tăng trưởng tốt trong thời kỳ suy thoái. Khi triển vọng kinh tế xấu đi, lãi suất và lạm phát tăng cao trên toàn cầu, các startup công nghệ lao đao, nhưng nhu cầu đối với những mặt hàng xa xỉ vẫn ổn định.
LVMH là tập đoàn mẹ của 75 công ty lớn, bao gồm các nhãn hiệu thời trang xa xỉ Louis Vuitton, Christian Dior, Bulgari và Fendi, hãng rượu Veuve Clicquot, đồng hồ Hublot và TAG Heuer. Hồ sơ chỉ ra gia đình ông Arnault kiểm soát 48% cổ phần LVMH.
Ông Arnault sinh năm 1949 tại thị trấn Roubaix thuộc miền Bắc nước Pháp. Ông từng theo học ngành kỹ thuật tại Đại học Ecole Polytechnique trước khi về làm việc tại công ty xây dựng gia đình.
Năm 27 tuổi, ông thuyết phục cha bán mảng xây dựng của công ty để tập trung kinh doanh bất động sản. Năm 1984, ông mua Boussac Saint-Freres, một công ty dệt may sở hữu cổ phần tại nhà mốt cao cấp Christian Dior và trung tâm mua sắm Le Bon Marche.
Boussac có quy mô lớn gấp 20 lần doanh nghiệp gia đình ông. Ông Arnault bỏ 15 triệu USD tiền túi và huy động thêm 80 triệu USD để mua Boussac, sau đó bán phần lớn tài sản công ty, chỉ giữ lại Christian Dior và Le Bon Marche.
Năm 1987, nhà mốt Louis Vuitton sáp nhập với Moët Hennessy, trở thành LVMH. Ông Arnault là người hòa giải mối hiềm khích giữa CEO Alain Chevalier của Moët Hennessy và Chủ tịch Louis Vuitton Henri Racamier.
Trong năm 1988 và 1989, ông Arnault chi 1,1 tỷ USD để thâu tóm 43,5% cổ phần LVMH. Tháng 1/1989, ông được bầu làm Chủ tịch Tập đoàn sau hàng loạt tranh chấp và kiện tụng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ: ‘Mỹ khó trụ đến giữa tháng 6’
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen một lần nữa nhấn mạnh về sự cấp bách của Mỹ trong việc nới trần nợ công. Vị quan chức cho rằng nước này khó có thể trụ đến giữa tháng 6 nếu Nhà Trắng và đảng Cộng hòa không đạt được thỏa thuận.
“Các khoản thu và chi thuế luôn không chắc chắn. Vì vậy, rất khó để đưa ra một dự đoán chính xác”, bà Yellen khẳng định trong một chương trình của NBC hôm 21/5.
“Nhưng theo đánh giá của tôi, đến ngày 15/6, khả năng chúng ta có thể tiếp tục thanh toán các hóa đơn là rất thấp”, vị bộ trưởng cảnh báo.
Khó trụ đến giữa tháng 6
Trước đó, bà Yellen đã cảnh báo về việc Mỹ có thể không thể trả mọi hóa đơn trước ngày 1/6. Điều này sẽ đẩy quốc gia này vào một vụ vỡ nợ nghiêm trọng.
Trên thực tế, thuế sẽ được trả vào ngày 15/6. Nhưng chính phủ có thể không trụ được đến ngày đó.
“Trong ngày 15/6, số tiền thuế được trả khá lớn. Nhưng một vụ vỡ nợ sẽ xảy ra vào đầu tháng 6, như tôi đã cảnh báo trước đây, và rất khó để chúng ta trụ đến giữa tháng”, bà Yellen giải thích.
Giới quan sát đã nhiều lần cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của một vụ vỡ nợ. Hàng triệu người Mỹ có thể không nhận được phúc lợi xã hội, các dịch vụ công bị gián đoạn hoặc thậm chí tạm dừng. Nền kinh tế sẽ trượt tới bờ vực suy thoái, hơn 8 triệu người lâm vào cảnh mất việc làm.
Một cuộc vỡ nợ sẽ tác động tiêu cực tới mọi người Mỹ. Cú sốc đối với nước này và các hệ thống tài chính toàn cầu được cảnh báo là “rất tồi tệ”.
Những người đang phải sống dựa vào đồng lương mỗi tháng phúc lợi xã hội sẽ lao đao vì mất việc làm và thu nhập. Trong bài phát biểu trước đó, bà Janet Yellen đã kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động nhanh chóng.
“Nền kinh tế Mỹ đang ở thế bấp bênh. Sinh kế của hàng triệu người Mỹ cũng vậy”, bà nhấn mạnh.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ vẫn đang bế tắc trong những cuộc thảo luận về trần nợ công. Đảng Cộng hòa Mỹ muốn cắt giảm chi tiêu thay vì nới trần nợ. Các quan chức lập luận rằng tốc độ chi tiêu hiện tại là “không bền vững”.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ chỉ muốn tăng trần nợ, và khẳng định 2 vấn đề này không liên quan đến nhau.
Rơi vào thế khó
Trên thực tế, rắc rối vẫn còn ngay cả khi Mỹ không vỡ nợ. Đa số Phố Wall tin rằng cuối cùng, các nhà lập pháp Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận về việc nới trần nợ và ngăn được một vụ vỡ nợ nghiêm trọng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ sẽ không gánh chịu thiệt hại. Các hoạt động của Bộ Tài chính có thể bị xáo trộn sau khi cơ quan này tăng cường vay mượn.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải chật vật trong việc bổ sung bộ đệm vốn nhằm duy trì khả năng thanh toán. Để làm được điều đó, cơ quan này có thể phải bán tháo trái phiếu kho bạc. Sự bùng nổ về nguồn cung có khả năng nhanh chóng rút cạn thanh khoản khỏi hệ thống ngân hàng.
Cùng với đó, lãi suất của các khoản vay ngắn hạn sẽ tăng lên, tạo thêm áp lực cho nền kinh tế Mỹ vốn đang mấp mé bờ vực suy thoái. Theo tính toán của Bank of America, điều này có thể tác động tới nền kinh tế tương tự một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
Theo Zingnews