Ngày Trung Quốc chiếm ngôi cường quốc số 1 thế giới của Mỹ có lẽ không còn xa khi theo số liệu thống kê mới nhất, nước này có tổng kim ngạch xuất khẩu cao nhất mọi thời đại, tổng GDP của nước này đã đạt 114,37 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 18 nghìn tỷ USD, cao nhất trong gần 10 năm qua.
Theo hãng tin Bloomberg, số liệu của Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 17/1/2022 cho thấy tổng GDP của nước này đã đạt 114,37 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 18 nghìn tỷ USD, cao nhất trong gần 10 năm qua.
Đặc biệt hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 đạt tới 3,36 nghìn tỷ USD, cao nhất mọi thời đại. Nền kinh tế này đã đạt thặng dư xuất nhập khẩu tới 676 tỷ USD cho cả năm ngoái.
Một số ước tính cho thấy quy mô nền kinh tế Trung Quốc năm 2021 đã tăng tới 2 nghìn tỷ USD so với năm 2020, tức tương đương với GDP của nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới là Italy. Các chuyên gia nội địa cũng tự hào cho rằng mức tăng trưởng này đóng góp tới 50% tỷ trọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó khẳng định vai trò của Trung Quốc.
Trước đó vào năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng GDP 2,3%. Tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc giai đoạn 2020-2021 là 5,1%, cũng dẫn đầu hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Để so sánh, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Wotrld Bank) cho thấy GDP của Mỹ dự kiến chỉ tăng 5,6% vào năm 2021 và tốc độ tăng trưởng trung bình ước tính là 1,05% trong giai đoạn 2020-2021.
Trong quý 4 năm 2021, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 4,0%. Tăng trưởng kinh tế trong quý 1, 2 và 3 lần lượt là 18,3%, 7,9% và 4,9%.
Nguyên nhân chính của sự bứt phá thần ký trong mùa dịch này đến từ nhu cầu khổng lồ của thế giới hậu đại dịch Covid-19, từ thiết bị điện tử đến vô số sản phẩm khác khi nhiều thị trường lớn mở cửa hoạt động trở lại.
Theo NBS, doanh số bán lẻ tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 44,08 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong năm 2021. Giá trị gia tăng công nghiệp tăng 9,6% và đầu tư vào tài sản cố định tăng 4,9%, đạt 54,45 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Những thông tin trên cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc đang phả hơi nóng vào Mỹ, cường quốc số 1 thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2021 có thể chỉ đạt 6%.
Hiện nhiều chuyên gia đã cảnh báo Trung Quốc có thể soán ngôi vị nền kinh tế số 1 thế giới của Mỹ trong tương lai gần, có thể là vào năm 2030. Thậm chí cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Justin Lin cho rằng Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu này sớm nhất là vào năm 2028.
Bước sang năm 2022, cuộc đua bá chủ của 2 nền kinh tế chắc chắn sẽ càng gay cấn khi IMF dự báo Trung Quốc có thể tăng trưởng 5,6% còn Mỹ lại chỉ là 5,2%.
Khó khăn còn đó
Mặc dù đạt được những con số ấn tượng nhưng nhiều chuyên gia đánh giá sự bùng nổ này có khả năng không thể duy trì dài hạn. Nhu cầu bật tăng của thị trường thời gian đầu mở cửa sau đại dịch sẽ xói mòn dần và tăng trưởng của Trung Quốc sẽ quay lại bình thường trong năm 2022.
Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi phải cố gắng duy trì chiến lược “Zero Covid” trong bối cảnh đại dịch bùng nổ ở nhiều nơi. Hãng Goldman Sachs đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng của nước này trong năm 2022 từ 4,8% xuống còn 4,3% vì lo ngại đại dịch khiến chính quyền địa phương nhiều nơi đóng cửa giãn cách.
Việc doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 12/2021 chỉ tăng 1,7% so với 3,9% của tháng trước đó là dấu hiệu đáng báo động về việc đại dịch có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nếu chính quyền Bắc Kinh tiếp tục duy trì “Zero Covid”.
Ngoài ra, bong bóng bất động sản cũng là một vấn đề khi hàng loạt tập đoàn lớn với khối nợ khổng lồ mất khả năng thanh toán do không bán được nhà. Gần nhất là vụ vỡ nợ của tập đoàn Evergrande với khoản nợ lên đến 300 tỷ USD, kéo theo đó là hàng loạt doanh nghiệp trong ngành cũng lung lay bên bờ vực phá sản.
Thêm nữa, hàng loạt vấn đề như lão hoá dân số nhanh, ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất tăng cao… cũng khiến chính quyền Bắc Kinh gặp nhiều áp lực trong việc điều hành nền kinh tế.
Rõ ràng, cuộc đua bá chủ nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa ngã ngũ khi yếu tố đại dịch đang tạo nên những hướng đi khó lường. Liệu nền kinh tế Trung Quốc có duy trì được đà bùng nổ của năm 2021 trong năm nay hay không vẫn còn là một câu hỏi.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị/Bloomberg