Với việc tổng giám đốc Bùi Hải Huyền cùng 2 phó tổng giám đốc từ nhiệm, ban điều hành cũ của FLC đã có 6 lãnh đạo cấp cao từ nhiệm trong giai đoạn từ 2022 đến nay.
Ngày 27/2, HĐQT Tập đoàn FLC nhận được đơn từ nhiệm của Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền cùng hai phó tổng giám đốc là bà Đàm Ngọc Bích và Lê Thị Trúc Quỳnh.
“Nói lời chia tay là điều vô cùng khó khăn, nhưng tôi hiểu rằng, FLC đang thực sự cần một luồng gió mới sau tất cả những biến cố đã qua. Do đó, việc tôi rời cương vị CEO ở thời điểm này là điều cần thiết phải làm để quá trình tái cấu trúc mà FLC đang hướng tới có thể thành công tốt đẹp” – bà Huyền viết trong thư chia tay gửi cán bộ nhân viên.

Sinh năm 1976, bà Bùi Hải Huyền có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị, điều hành, tư vấn và triển khai dự án tại nhiều doanh nghiệp lớn. Tại FLC, bà Huyền có hơn 12 năm gắn bó. Bà giữ chức phó tổng giám đốc FLC từ 2015 và được bổ nhiệm vị trí tổng giám đốc vào tháng 3/2020.
Tính đến thời điểm hiện tại, nữ tổng giám đốc của FLC đã có 3 năm nắm giữ cương vị CEO, trong đó có 1 năm điều hành tập đoàn này sau biến cố vướng lao lý của một số cựu lãnh đạo FLC.
Cũng trong ngày 27/2/2023, HĐQT FLC nhận thêm hai đơn xin từ nhiệm của phó tổng giám đốc Đàm Ngọc Bích và Lê Thị Trúc Quỳnh.
Bà Đàm Ngọc Bích sinh năm 1977, được bổ nhiệm phó tổng giám đốc FLC từ năm 2015, phụ trách lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Còn bà Lê Thị Trúc Quỳnh đảm nhiệm vai trò phó tổng giám đốc FLC từ năm 2020. Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng.

Như vậy, với việc Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền và hai phó tổng rời đi, ban điều hành cũ của FLC đã có 6 lãnh đạo cấp cao từ nhiệm trong giai đoạn từ 2022 đến nay.
Tại phiên họp bất thường lần 2 dự kiến diễn ra cuối tuần này, đại hội đồng cổ đông FLC sẽ phải bầu bổ sung thêm thành viên để thay thế bà Bùi Hải Huyền và ông Đặng Tất Thắng – người cũng xin thôi mọi chức vụ tại FLC, Bamboo Airways sau 8 năm gắn bó hồi tháng 7/2022. Phiên họp lần 1 hồi đầu tháng 2 không thể diễn ra vì tỷ lệ tham dự dưới 50% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Cổ phiếu FLC được lên UPCoM nhưng bị đình chỉ giao dịch
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đăng ký giao dịch gần 710 triệu cổ phiếu FLC trên UPCoM nhưng lập tức đình chỉ giao dịch mã chứng khoán này.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông tin về việc tiếp nhận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC). Theo đó, cơ quan này đã ban hành quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cho gần 710 triệu cổ phiếu của FLC trên UPCoM. Tuy nhiên, HNX cũng ban hành đồng thời quyết định đình chỉ giao dịch với mã chứng khoán này.
HNX cho biết sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy niêm yết bắt buộc, Tập đoàn FLC vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng nên cổ phiếu FLC đã được HNX chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Tuy nhiên, theo quy định, cổ phiếu đăng ký giao dịch ở UPCoM sẽ bị đình chỉ nếu tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, hoặc công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do cơ quan quản lý xét thấy cần thiết phải hủy bỏ niêm yết nhằm đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, HNX đã ban hành quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn FLC và quyết định đưa cổ phiếu này vào diện đình chỉ giao dịch.
Trước đó, vào ngày 20/2, HoSE đã hủy niêm yết bắt buộc đối với gần 710 triệu cổ phiếu FLC do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Ngày 22/2, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã chuyển dữ liệu đăng ký và lưu ký cổ phiếu FLC từ sàn HoSE sang UPCoM.
Về trường hợp cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros bị hủy niêm yết bắt buộc trước đó, HNX cho biết do việc tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng của FLC Faros thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra. Trong khi HNX chưa có cơ sở xác định số vốn điều lệ hợp lệ của doanh nghiệp cũng như tính đại chúng của FLC Faros để đảm bảo chấp thuận đúng số lượng chứng khoán ROS được đăng ký giao dịch.
Do vậy, HNX sẽ xem xét thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM đối với cổ phiếu ROS của FLC Faros sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về số vốn điều lệ hợp lệ và tính đại chúng của công ty.
FLC triệu tập họp cổ đông bất thường lần 2
Công ty CP Tập đoàn FLC đã công bố thông tin về phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 4/3 tại Hà Nội.

Theo thông báo từ Tập đoàn FLC, phiên họp cổ đông bất thường lần thứ 2 dự kiến được tổ chức vào sáng ngày 4/3, địa điểm tại tòa nhà Bamboo Airways (số 265 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Danh sách cổ đông tham dự dựa theo danh sách đã chốt vào ngày 4/2 trước đó.
Nội dung chính của cuộc họp bất thường lần này vẫn là để thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Đặng Tất Thắng, đồng thời FLC cũng sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2021-2026.
Hiện HĐQT FLC nhiệm kỳ 2021-2026 chỉ bao gồm 4 thành viên là Chủ tịch Lê Bá Nguyên, Phó chủ tịch thường trực Bùi Hải Huyền, Phó chủ tịch Doãn Hữu Đoàn và Thành viên HĐQT độc lập Lê Thái Sâm.
Ông Đặng Tất Thắng trước đó đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch Tập đoàn FLC từ cuối tháng 7/2022. Cùng thời gian này, ông Thắng cũng xin rời ghế Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại Bamboo Airways.
Mới đây, bộ phận Kiểm toán nội bộ Tập đoàn FLC cũng có xáo trộn khi bà Trần Thị Mỹ Dung – thành viên thứ hai và là người cuối cùng – đã có đơn từ nhiệm chức vụ với lý do cá nhân.
Đầu tháng 1, FLC cũng nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Phụ trách bộ phận Kiểm toán nội bộ của ông Nguyễn Mạnh Cường với lý do tương tự. Như vậy, bộ phận Kiểm toán nội bộ của FLC hiện không còn nhân sự nào.
Được biết, bộ phận Kiểm toán nội bộ của FLC là đơn vị trực thuộc HĐQT, được thành lập vào ngày 26/10/2021.

Phiên họp cổ đông bất thường lần 2 của FLC diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp vừa tổ chức họp lần 1 bất thành ngày 5/2 do không có đủ 50% số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Trong phiên họp trước đó, Phó chủ tịch thường trực Bùi Hải Huyền cũng là lãnh đạo duy nhất của công ty xuất hiện.
Theo quy định, phiên họp bất thường lần này có thể tiến hành nếu số cổ đông tham gia nắm giữ trên 33% vốn điều lệ FLC.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Tổng giám đốc tập đoàn FLC xin lỗi cổ đông, khẳng định quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo đầy đủ
- Nhân sự được ông Trịnh Văn Quyết ủy quyền cổ đông sắp trở lại FLC tham gia hội đồng quản trị tập đoàn
- Chân dung Tổng giám đốc mới của Tập Đoàn FLC: Kỹ sư điện lực Đại học Bách Khoa Hà Nội, từng giữ chức Chủ tịch HĐQT FLC Faros