Màn thăng chức của ‘thái tử Samsung’ hoàn thành việc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ trong 4 chaebol (tập đoàn do các gia đình nắm giữ) tài phiệt hàng đầu Hàn Quốc.
Sáng 27/10, “thái tử Samsung” Lee Jae-yong đã chính thức được hội đồng quản trị bổ nhiệm vị trí chủ tịch tập đoàn. Sự thay đổi về ghế lãnh đạo đã được kỳ vọng từ lâu, kể từ khi ông Lee Kun-hee, cố Chủ tịch tập đoàn Samsung, qua đời tháng 10/2020. Vị trí này đã bị bỏ trống suốt 2 năm, Theo The Korea Herald.
Thế hệ lãnh đạo thứ ba, thứ tư
Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) đã đưa ra tuyên bố hôm 27/10 về việc thăng chức của Lee Jae-yong, nói rằng đây là “quyết định nhằm tăng cường sự ổn định trong quản lý kinh doanh”.
“Trong bối cảnh môi trường quản lý kinh doanh ngày càng xấu đi, chúng tôi kỳ vọng (Samsung) sẽ củng cố quản lý có trách nhiệm và thiết lập chiến lược tương lai với tư cách là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của Hàn Quốc, cũng như tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành bằng cách đưa ra các quyết định táo bạo”, KCCI cho biết.
Lee Jae-yong (54 tuổi) là lãnh đạo chaebol thế hệ thứ ba, giống như Chung Euisun của Hyundai Motor, người kém Lee hai tuổi. Chung Euisun trở thành chủ tịch tập đoàn sản xuất ôtô từ giữa tháng 10/2020.
Còn chủ tịch hiện tại của tập đoàn SK, Chey Tae-won, là cháu trai của người sáng lập tập đoàn, trong khi Chủ tịch Koo Kwang-mor của LG là lãnh đạo chaebol thế hệ thứ tư.
Chey (61 tuổi) đảm nhận vị trí cao nhất ở tuổi 38, sau khi cha ông Chey Jong-hyun, người nắm quyền điều hành từ những năm 1970, qua đời vào năm 1998.
Chaebol lớn thứ ba của Hàn Quốc, Hyundai Motor Group, đã mở ra một kỷ nguyên lãnh đạo mới dưới thời Chung vào năm 2020.
Chủ tịch Koo của LG (44 tuổi), người trẻ nhất trong số các chủ tịch điều hành chaebol hàng đầu, đã được thăng chức vào vị trí cao nhất từ năm 2018, sau khi cựu Chủ tịch Koo Bon-moo qua đời cùng năm.
Bên cạnh 4 chaebol lớn, một sự thay đổi thế hệ có thể nhìn thấy ở những công ty nhỏ hơn. Tại Hanwha, con trai cả của Chủ tịch tập đoàn Kim Seung-yeon là Kim Dong-kwan đã được thăng chức làm phó chủ tịch vào tháng 8. Kim bắt đầu làm việc tại Hanwha vào năm 2010.
Thay đổi
Thế hệ lãnh đạo mới trong các chaebol lớn đang tìm cách phá vỡ rào cản truyền thống nhằm kết nối với lao động trẻ, trong bối cảnh tập đoàn gia đình dần mất sức hút với thế hệ Z và Millennial ở xứ kim chi, theo The Korea Times.
Theo thông tin từ tập đoàn Samsung, Lee Jae-yong đã phá bỏ những thủ tục truyền thống và dành thời gian trò chuyện với nhân viên.
Sau chuyến công du tới châu Âu vào tháng 6, ông nhấn mạnh việc thu hút người tài và tạo ra một nền văn hóa năng động để thích ứng với những thay đổi là điều Samsung nên làm.
Cuối tháng 9, Lee lần đầu tới thăm công ty Samsung SDS và tổ chức cuộc gặp mặt với những nhân viên đã làm mẹ. Ông thoải mái chia sẻ quan điểm về gia đình, công việc cùng với những thay đổi trong việc giữ cân bằng vào giai đoạn dịch bệnh.
Ông đã gặp riêng khoảng 10 người lao động để lắng nghe về tâm tư và suy nghĩ của họ quanh chủ đề cân bằng cuộc sống và công việc.
Đầu tháng 9, Lee cũng đã đến chi nhánh ở Giheung và Suwon của Samsung Electronics cùng với trụ sở Samsung Engineering. Ông ngồi dùng bữa ở căng tin công ty và chụp ảnh selfie cùng các nhân viên.
Chey Tae-won, Chủ tịch tập đoàn SK Group, cũng đẩy mạnh việc giao tiếp với nhân viên. Trong phiên bế mạc của Diễn đàn Icheon 2022, Chey đã trò chuyện với các giám đốc điều hành và người lao động.
Hồi tháng 3, tại cuộc gặp mặt với các thành viên nhóm kinh doanh trí tuệ nhân tạo (AI) của SK Telecom, Chey đã yêu cầu được nhân viên gọi bằng tên tiếng Anh của mình, Tony, thay vì gọi là “Chủ tịch Chey”, nhằm xóa bỏ văn hóa thứ bậc vốn khắc sâu trong các doanh nghiệp và xã hội Hàn Quốc.
Trong 4 người đứng đầu bộ tứ chaebol, Chey được đánh giá là người duy nhất thường xuyên sử dụng mạng xã hội để kết nối với nhân viên.
Hồi tháng 6, Chung Euisun, Chủ tịch tập đoàn Hyundai Motor, đã mời một bác sĩ tâm lý đến nói chuyện và chia sẻ mối quan tâm của ông về cách thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ, các phương pháp giao tiếp được kỳ vọng tại nơi làm việc.
Trong cuộc họp với các phóng viên Mỹ trước đó, Chung cho biết: “Con gái út của tôi thuộc thế hệ MZ và tôi cũng giao tiếp với thế hệ này trong công ty”.
Để truyền tải thông điệp tốt hơn tới lao động trẻ, từ 2019, Chủ tịch tập đoàn LG Koo Kwang-mo đã đổi hình thức gửi tin nhắn chúc mừng năm mới thành trực tuyến thay vì gửi trực tiếp như trước đó.
Theo Zingnews
Thế nào được gọi là chaebol?
Chaebol chính là những tài phiệt, tập đoàn gia đình khổng lồ chi phối nền kinh tế, chính trị cũng như xã hội ở đất nước Hàn Quốc. Hán tự của “Chaebol” là “tài phiệt” còn trong tiếng Hàn “Chae” có nghĩa là sở hữu, “Mumbol” có nghĩa là gia đình quyền quý.
Chaebol còn được dùng để miêu tả một nhóm gồm các công ty con được liên kết với nhau và được chi phối và điều hành bởi một gia đình Hàn Quốc giàu có. Với những đóng góp đáng kể, có thể nói Chaebol hiện vẫn thống trị nền kinh tế trong Hàn Quốc.
Tính đến năm 2019, có 45 tập đoàn phù hợp với định nghĩa của chaebol, theo Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc. Top 10 sở hữu hơn 27% tất cả tài sản kinh doanh tại Hàn Quốc.
Hiện nay, 5 Chaebol lớn nhất Hàn Quốc được công nhân là Samsung, Hyundai, SK Group, LG và Lotte, đồng thời đây cũng là 5 tập đoàn đang chiếm khoảng 50% giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Những cái tên khác ít được biết đến hơn như Hanjin, Kumho…
Chaebol nói chung là tập đoàn của các công ty liên kết. Chẳng hạn, LG sản xuất điện thoại thông minh, tivi, linh kiện điện tử, hóa chất và phân bón. Đồng thời LG cũng sở hữu các đội bóng chày và bóng rổ của Hàn Quốc.
Hãng sản xuất ô tô Hyundai hay Kia phổ biến ở Mỹ và các nước khác, cũng sản xuất thang máy, cung cấp dịch vụ hậu cần và điều hành các khách sạn lẫn cửa hàng bách hóa.
Mô hình Chaebol được xây dựng trên hệ thống phân quyền phức tạp và chồng chéo lên nhau. Người đứng đầu tập đoàn nắm quyền kiểm soát ba hoặc bốn công ty mẹ, các công ty mẹ này tiếp tục quản lý các công ty con trực thuộc khác.
Việc điều hành chủ yếu từ các thành viên trong các gia tộc Chaebol và các nguồn quỹ do cả gia tộc sở hữu.
Thuật ngữ này được xuất hiện đầu tiên vào năm 1984. Chính nhờ những thành công vang dội mà các công ty đã gây dựng được trong nước và toàn cầu mà Chaebol ngày càng nhận được những ưu đãi đặc biệt từ chính phủ và được đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề chính trị, quân sự của Hàn Quốc.
Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của Chaebol đến nền kinh tế của đất nước này. Hàn Quốc từ một đất nước nghèo đói đã đi qua cuộc nội chiến để trở thành quốc gia có GDP đứng thứ 10 trên thế giới 3 năm liên tiếp từ 2020 theo số liệu Wold Bank .