Công ty Cổ phần FPT vừa đây đã cho biết doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 2 tháng đầu năm 2023 của doanh nghiệp mức tăng trưởng lớn so với cùng kỳ.
Ngày 24/3, Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) cho biết doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 2 tháng đầu năm 2023 của doanh nghiệp này đạt 7.295 tỷ đồng và 1.312 tỷ đồng, tăng 19,6% và 19% so với cùng kỳ.

Với kết quả này, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS (lợi nhuận sau thuế của một cổ phiếu) lần lượt đạt 926 tỷ đồng và 844 đồng, tăng 22,5% và 21,7%.
Theo đại diện FPT, mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài của doanh nghiệp này tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức doanh thu 3.356 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 26%, dẫn đầu là thị trường Nhật Bản (tăng 23,8%) và APAC (tăng 56.7%).
Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT trong 2 tháng đầu năm đạt mức 6.747 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 30,2%.
Đầu tháng 2 vừa qua, FPT cũng đã chính thức nhận giấy phép xây dựng tổ hợp trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại Quy Nhơn. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công giai đoạn 1 trong quý III/2023.
Với tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, tổ hợp công nghệ này sẽ là nơi làm việc, nghiên cứu phát triển, học tập của 20.000 nhân sự công nghệ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương cũng như thu hút nhân lực quốc tế hướng đến mục tiêu đưa Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của khu vực Đông Nam Á.
Đến cuối tháng 2, FPT công bố hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ (IT Services) của Công ty Intertec International (Mỹ).

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình kỳ vọng thương vụ M&A này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng lớn vào mục tiêu mở rộng quy mô và tăng trưởng hoạt động kinh doanh của FPT trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường các nước nói tiếng Anh.
Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa công bố, FPT đặt mục tiêu doanh thu năm nay là 52.289 tỷ đồng, tăng 18,8% so với mức thực hiện năm 2022.
Trong đó, doanh thu từ khối công nghệ dự kiến đạt 31.150 tỷ đồng, tăng trưởng 20,9%; doanh thu từ khối viễn thông đạt 16.739 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6%; doanh thu từ khối giáo dục, đầu tư và hoạt động khác đạt 4.400 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh nhất ở mức 25,1%.
FPT lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 9.055 tỷ đồng, tăng 18,2% so với mức thực hiện năm 2022.
Trong đó, lợi nhuận từ khối công nghệ chiếm chủ lực, dự kiến đạt 4.166 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng ở mức 23,8%. Lợi nhuận từ khối viễn thông dự kiến đạt 3.230 tỷ đồng, từ khối giáo dục, đầu tư và hoạt động khác dự kiến đạt 1.659 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 14,6% và 12,2%.
Trong giai đoạn 2023-2025, FPT dự kiến phát triển thêm các chi nhánh tại khu vực Mỹ La tinh, Bắc Mỹ, Trung Đông và Đông Âu.

Về kế hoạch đầu tư năm 2023, FPT sẽ dành 1.800 tỷ đồng tỷ đồng đầu tư vào khối công nghệ để mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM… cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh.
Công ty sẽ dành 2.300 tỷ đồng đầu tư vào khối viễn thông, cụ thể là các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu.
FPT cũng dành ra 1.700 tỷ đồng đầu tư vào khối giáo dục, mở rộng các khuôn viên tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, mở rộng thêm 7 điểm trường phổ thông mới tại các tỉnh thành.
Tổng chi phí đầu tư của FPT dự kiến cho năm 2023 là 5.800 tỷ đồng.
Năm ngoái, FPT ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 100% lợi nhuận.
FPT đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 tăng 18%, M&A sẽ là ưu tiên hàng đầu cho chiến lược tăng trưởng
Chuyên viên phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã tham dự buổi họp gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức theo hình thức trực tuyến của CTCP FPT (Mã: FPT) ngày 23/2. VCSC cho biết, ban lãnh đạo FPT vẫn lạc quan về khả năng sinh lời của công ty bất chấp những dự báo về bối cảnh kinh tế ảm đạm cả tại trong nước và toàn cầu vào năm nay.
Về mảng công nghệ, ban lãnh đạo FPT nhận định, trong năm nay, nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số (DX) và hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) tăng nhanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mảng xuất khẩu phần mềm (XKPM) toàn cầu đạt 25% so với cùng kỳ.
Hai tháng đầu năm, giá trị hợp đồng mới của FPT ước tăng 30% so với cùng kỳ nên ban lãnh đạo đặt mục tiêu doanh thu DX tăng hơn 35% so với năm 2022 và chiếm 43% – 44% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm.
Ngoài ra, công ty tin rằng, các khoản đầu tư M&A sẽ là ưu tiên hàng đầu cho chiến lược tăng trưởng toàn cầu của FPT trong năm nay, bao gồm cả thương vụ mua lại mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Intertec của Mỹ.
FPT dự phóng, doanh thu của công ty năm nay sẽ tăng trưởng hai chữ số ở các thị trường XKPM chính. Trong đó, doanh thu tại Nhật Bản có thể tăng 20% so với cùng kỳ, từ mức 16% của năm 2022 trong bối cảnh tỷ giá JPY/VND dự kiến ổn định.
Còn thị trường Mỹ, công ty kỳ vọng mức giá dịch vụ thấp hơn so với các công ty cùng ngành sẽ vẫn là lợi thế cạnh tranh chính trong bối cảnh nhu cầu yếu.
Hiện tại, FPT đang đẩy nhanh việc mở các trung tâm giao nhận tại châu Âu trong năm nay để tăng cường sự hiện diện và đạt mức tăng trưởng doanh thu ổn định 20% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cũng cho biết, mảng kinh doanh CNTT của công ty đang gặp nhiều thách thức. Mặc dù FPT đã thảo luận, ký kết các dự án chuyển đổi số với 25 tỉnh thành nhưng công ty sẽ gặp khó trong mảng tư nhân khi doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế không mấy khả quan.

Đối với mảng viễn thông, động lực tăng trưởng dài hạn của mảng là tiếp tục phát triển hệ sinh thái hạ tầng và công nghệ đáp ứng nhu cầu của người dùng cuối.
Công ty đặt mục tiêu mở rộng mảng kinh doanh truyền hình trả tiền và trung tâm dữ liệu, hai mảng kinh doanh đóng góp doanh thu chính cho mảng dịch vụ viễn thông.
Còn mảng giáo dục, FPT đặt kế hoạch mở rộng mạnh để đạt tăng trưởng doanh thu ổn định 30%/năm trong thời gian tới. Năm 2022, FPT đã làm việc với nhiều tỉnh thành để thành lập các trường đại học mới và trường bậc học phổ thông (K-12).
Ban lãnh đạo dự kiến trường K-12 của FPT tại Hà Nam sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Tổng số học sinh của FPT tăng khoảng 50% so với cùng kỳ vào năm 2022 và vượt qua cột mốc hơn 100.000 học sinh toàn thời gian tương đương.

Từ những lập luận trên, FPT đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 52.289 tỷ đồng doanh thu tăng 19%, lợi nhuận trước thuế khoảng 9.055 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ.
Năm 2022, FPT đạt doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 21% so với cùng kỳ, vượt 4% mục tiêu doanh thu và hoàn thành 100% lợi nhuận đặt ra.
Theo VietnamFinance, Doanh nhân Việt Nam
Xem thêm bài liên quan
- “Ông vua văn phòng phẩm” bút bi Thiên Long lãi gần 1,5 tỷ đồng/ngày: 5 tháng hoàn thành 38% chỉ tiêu doanh thu và 43% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm
- Thế Giới Di Động bội thu từ bán các mặt hàng điều hòa, máy lạnh
- LG lần đầu vượt mặt Samsung: Lần đầu tiên trong lịch sử tập đoàn, một bộ phận kinh doanh lợi nhuận quý vượt mốc 1000 tỷ won