Bầu Đức đặt mục tiêu công suất 1 triệu con heo xuất chuồng ngay trong năm sau. Trong khi đến năm 2025, con số của vua thép Hòa Phát Trần Đình Long vẫn chưa chạm ngưỡng mục tiêu này với 750.000 con heo ra thị trường.
Nông nghiệp Hòa Phát hồi sinh lãi khiêm tốn sau thời kỳ lao dốc
Tại Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần phát triển chăn nuôi Hoà Phát ra đời năm 2015 là thành viên đảm nhận vai trò cung cấp heo giống và heo thịt chất lượng cao cho thị trường. Trong mảng này, Hòa Phát tập trung cung cấp heo họa bì, heo giống 3M thương phẩm, heo thịt 3M với nhiều trang trại tại Yên Bái, Hoà Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Bình Phước.
Năm 2018, đơn vị này bắt đầu cung cấp heo giống ra thị trường, nhưng có thể vì chưa sở hữu lợi thế về hệ thống tiêu thụ tại các siêu thị như nhiều đối thủ khác, nên khay thịt heo mang thương hiệu Hòa Phát chưa được đến tay người tiêu dùng một cách phổ biến.
Ở miền Bắc, thịt heo Hòa Phát được bán sỉ cho các đối tác lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Tại phía Nam, thịt heo Hòa Phát được phân phối tại các chuỗi cửa hàng Hà Hiền, hệ thống siêu thị và các chợ truyền thống TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Năm 2021, Hòa Phát đã đầu tư mở rộng chăn nuôi heo tại một số địa phương, sản lượng năm ước đạt gần 450.000 con. 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng heo tiêu thụ các loại đạt gần 200.000 con heo thịt thương phẩm, heo giống… cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến năm 2025, Công ty đặt mục tiêu đạt 25.000 con heo nái sinh sản và hàng năm cung cấp ra thị trường 750.000 con heo thịt thương phẩm.
Đến cuối 2021, Hòa Phát đã đầu tư cho chăn nuôi, cung cấp heo giống, heo thịt tổng cộng 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ.
Do hạn chế về số liệu chi tiết của từng mảng riêng lẻ như bò, heo, gà, trứng gà, trong cơ cấu doanh thu, giá vốn của Hòa Phát nên không thể đánh giá được hiệu quả việc chăn nuôi heo của doanh nghiệp này thông qua số liệu.
Chỉ biết, từ Q4/2019 đến Q2/2021, mảng nông nghiệp Hòa Phát tăng trưởng mạnh mẽ khi đều đặn lãi 400 tỷ mỗi quý, trở thành ngành chiếm tỷ trọng doanh thu thứ 2 sau ngành cốt lõi là ngành thép.
Nhưng từ Q3/2021 đến Q2/2022, tỷ suất lợi nhuận của nông nghiệp Hòa Phát bắt đầu lao dốc. Q4/2021 mảng này lỗ kỷ lục đến hơn trăm tỷ, đến Q2 năm nay bắt đầu có lãi trở lại nhưng ở mức rất khiêm tốn, chỉ đạt 21 tỷ, trong khi doanh thu đạt gần 1.700 tỷ.
Hòa Phát đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ phát triển doanh thu mảng nông nghiệp gấp đôi năm 2020.
Heo ăn chuối đưa Hoàng Anh Gia Lai sang trang mới
Hành trình nuôi heo của Hoàng Anh Gia Lai cũng bắt đầu thí điểm từ quý 3/2020, nhưng phải một năm sau mảng mới chính thức có đóng góp vào chỉ số kinh doanh cho Tập đoàn của bầu Đức. Sự xuất hiện của “heo ăn chuối” gần đây một lần nữa khiến tham vọng làm nông của HAGL càng thu hút nhiều sự chú ý.
Tính đến tháng 5/2022, HAGL đã hoàn thiện được 9 cụm chuồng trại để duy trì nuôi hơn 27.000 con heo nái sinh sản và 600.000 con heo thịt xuất chuồng mỗi năm. Công ty mục tiêu mở rộng công suất lên đến 1 triệu con sang năm 2023.
Với mô hình một cây – một con, giai đoạn tháng 6,7,8, bầu Đức bỏ túi mỗi ngày trung bình 4 tỷ đồng tiền lời. Luỹ kế 9 tháng 2022, công ty ghi nhận sản lượng tiêu thụ 168.626 con heo thịt, 202.150 tấn chuối (xuất khẩu được 127.866 tấn và tận dụng làm thức ăn chăn nuôi 74.284 tấn).
Kết quả, doanh thu đạt 3.183 tỷ đồng, bao gồm 981 tỷ từ chăn nuôi và 1.707 tỷ cây ăn trái, ngành phụ trợ đóng góp 495 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm theo đó đạt 894 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch cả năm 2022.
Với biểu đồ tăng trưởng mạnh mẽ, bầu Đức tự tin tuyên bố chính thức thoát cửa tử và bước sang trang mới.
Ngày 21/8, HAGL đã chính thức ra mắt thương hiệu Bapi – Heo ăn chuối HAGL và cửa hàng BapiMart tại Đà Nẵng. Sang tháng 9, Công ty tiếp tục ra mắt thương hiệu tại Tp.HCM và mô hình cửa hàng BapiFood. Hiện tượng “cháy hàng” đã xảy ra tại một số siêu thị ngay từ ngày đầu lên kệ.
Theo kế hoạch tháng 10 tới, HAGL sẽ ra mắt Bapi – Heo ăn chuối tại Hà Nội. Cuối năm 2022, HAGL sẽ mở khoảng 200 cửa hàng và tăng lên 1.000 cửa hàng đến cuối năm 2023 (bao gồm mô hình nhượng quyền).
Nhìn chung, với tốc độ tăng trưởng cũng như mục tiêu công suất 1 triệu con heo ra thị trường vào năm 2023, trong khi mục tiêu của Hòa Phát đến năm 2025 vẫn chưa đạt đến con số này, phần thắng thế đang nghiêng về phía “heo ăn chuối” nhiều hơn ở phương diện tạo ra hiệu ứng và kỳ vọng.
Công ty của bầu Đức lãi lớn nhờ mảng nông nghiệp
Công ty của bầu Đức tiếp tục có kết quả ấn tượng trong quý III để ghi nhận mức lãi lên đến 892 tỷ đồng kể từ đầu năm, tạm hoàn thành 80% kế hoạch.
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần hơn 1.440 tỷ đồng, tăng hơn 887 tỷ đồng (160%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo cơ cấu, doanh thu thu từ trái cây chiếm tỷ trọng lớn nhất với 577 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán heo tăng gần 200% lên mức 540 tỷ, còn lại là doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa cũng mang về 241 tỷ đồng, tăng 184%.
Đi cùng với đà tăng doanh thu là sự tăng lên đáng kể của giá vốn bán hàng, đẩy biên lợi nhuận gộp đi lùi về còn 19%. Tuy nhiên, tính theo số tuyệt đối, lãi gộp của HAGL vẫn tăng trưởng 59% so với cùng kỳ, đạt 281 tỷ đồng.
Trong kỳ này, các chi phí bán hàng của công ty đã tăng gấp rưỡi lên gần 59 tỷ đồng, do sản lượng bán trái cây và hàng hóa tăng nên chi phí vận chuyển và dịch vụ mua ngoài cũng tăng tương ứng.
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này tiếp tục được hoàn nhập 181 tỷ đồng (cùng kỳ hoàn nhập đến 457 tỷ đồng). HAGL cho biết đây chính là các khoản giảm hoàn nhập dự phòng từ các khoản phải thu của công ty.
Chi phí tài chính cũng sụt giảm mạnh 76% kỳ này, chỉ tiêu tốn của doanh nghiệp 166 tỷ đồng, với nguyên nhân là HAGL đã hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư vào nhóm Công ty HAGL Agrico trong quý III. Các chi phí hoạt động khác trong kỳ giảm 59% do đánh giá lại một số tài sản không hiệu quả.
Với những biến động trên, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã báo lãi sau thuế gần 370 tỷ đồng trong quý III, cao gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, tập đoàn nông nghiệp này đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng 154% lên mức 3.471 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế theo đó cũng đạt 892 tỷ đồng, cao gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, cổ đông HAGL đề ra mục tiêu doanh thu thuần 4.820 tỷ và có lãi 1.120 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được 72% tiến độ doanh thu và gần 80% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến cuối quý III, quy mô tài sản của doanh nghiệp phố núi đạt hơn 19.300 tỷ đồng, tăng ròng 900 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, phần lớn tài sản vẫn nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (7.175 tỷ) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang (4.576 tỷ đồng).
Đối ứng ở nguồn vốn, HAGL vẫn đang cải thiện chất lượng vốn chủ sở hữu nhờ giảm dần lỗ lũy kế. Dù vậy, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này vẫn còn hơn 14.400 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu.
Trên thị trường, HAGL đang được chú ý với việc ra mắt thương hiệu thịt Bapi – heo ăn chuối – với kế hoạch mở khoảng 200 cửa hàng trong năm nay. Mục tiêu đến năm 2023, HAGL dự kiến có 1.000 cửa hàng kinh doanh mặt hàng thịt heo ăn chuối, bao gồm cả mô hình nhượng quyền.
Bên cạnh nuôi heo, tập đoàn của bầu Đức cũng đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại huyện Mang Yang, Gia Lai và dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11 tới.
Theo Nhịp sống thị trường, Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức thu 18 tỷ mỗi ngày, lãi 303 tỷ trong quý I, biên lợi nhuận mảng heo giảm về 0%
- Bầu Đức: Nếu giá heo xuống thì Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn chuối, xác định 2023 là năm phòng thủ
- Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức bán chuối thu 10 tỷ đồng mỗi ngày, ngược lại sản lượng heo giảm mạnh nhất 6 tháng qua