Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức cho biết giá thịt heo vẫn ở mức thấp nên toàn bộ lợi nhuận tháng 3 của công ty đến từ mảng bán chuối.
Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 3 với doanh thu thuần đạt 652 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng giảm lần lượt 2%, 6% so với tháng trước.
Theo cơ cấu doanh thu, ngành chăn nuôi mang về doanh số 162 tỷ đồng. Kết quả này đến từ sản lượng chăn nuôi đạt 33.436 con heo thịt, mức thấp nhất trong vòng nửa năm gần đây.
Ngành cây ăn trái đạt mức cao nhất từ khi công bố ở mức 296 tỷ đồng (tương đương thu gần 10 tỷ đồng mỗi ngày). Các ngành phụ trợ đóng góp 194 tỷ đồng doanh thu.
Ngành cây ăn trái trong tháng vừa qua đạt tổng sản lượng 21.231 tấn. Con số này bao gồm chuối xuất khẩu là 18.676 tấn (mức cao nhất 7 tháng) và chuối để sản xuất thức ăn gia súc là 2.556 tấn.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết giá thịt heo tại thị trường trong nước hiện vẫn duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, giá chuối lại duy trì ở mức cao nhất trong năm cùng với sản lượng đạt được so với kỳ vọng nên toàn bộ lợi nhuận tháng 3 của công ty đến từ chuối.
Tính luỹ kế 3 tháng đầu năm, công ty của bầu Đức ghi nhận doanh thu khoảng 1.823 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 308 tỷ đồng. So sánh với cùng kỳ, doanh thu tăng 127% và lợi nhuận sau thuế tăng 19%.
Vào ngày 28/4 tới đây, HAGL sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Trong tài liệu gửi cổ đông, công ty đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu thuần 5.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng, đều nhích nhẹ so với năm liền trước.
Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở thực hiện chủ trương tập trung duy trì quy mô sản xuất kinh doanh không thấp hơn năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp phố núi sẽ duy trì ngành cây ăn trái với quy mô 7.000 ha chuối, ngành chăn nuôi cũng tiếp tục hoạt động với 10 cụm chuồng trại, công suất 600.000 con heo thịt/năm (mỗi cụm nuôi 2.400 heo nái, một heo nái sinh khoảng 25 heo thịt/năm).
Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, công ty hoàn thành được 36% chỉ tiêu doanh thu và 27% chỉ tiêu lợi nhuận.
Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023
Năm 2023 này, Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức chủ trương duy trì quy mô sản xuất kinh doanh không thấp hơn năm 2022 khi bối cảnh kinh tế vĩ mô còn diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn.
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã chứng khoán: HAG) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 để thảo luận về kế hoạch kinh doanh và đầu tư cho năm nay.
Đáng chú ý, sau năm tăng trưởng cao vừa qua, HĐQT HAGL chỉ đề xuất kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 5.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với năm 2022.
Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở thực hiện chủ trương tập trung duy trì quy mô sản xuất kinh doanh không thấp hơn năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn.
Về kế hoạch đầu tư năm nay, HAGL dự kiến duy trì ngành cây ăn trái với quy mô 7.000 ha chuối, ngành chăn nuôi cũng tiếp tục hoạt động với 10 cụm chuồng trại, công suất 600.000 con heo thịt/năm (mỗi cụm nuôi 2.400 heo nái, một heo nái sinh khoảng 25 heo thịt/năm).
Sự thận trọng trong chiến lược kinh doanh của công ty bầu Đức còn thể hiện ở đề xuất không thực hiện chia cổ tức và tăng vốn năm nay. Đối với thù lao cho lãnh đạo nòng cốt, HĐQT HAGL muốn được ủy quyền việc trích thù lao và báo cáo lại vào kỳ đại hội năm 2024.
Năm ngoái, HAGL ghi nhận sự khởi sắc với doanh thu cao gấp đôi năm 2021 đạt 5.198 tỷ đồng. Lợi nhuận sau kiểm toán cũng đạt 1.124 tỷ đồng, gấp gần 9 lần và quay trở lại mức nghìn tỷ sau gần một thập niên.
Tập đoàn này lý giải lợi nhuận đột biến năm vừa qua đến từ hoạt động bán trái cây và doanh thu bán heo tăng cao.
Doanh thu tài chính năm 2022 của HAGL cũng tăng nhờ thanh lý các khoản đầu tư. Chi phí quản lý giảm mạnh khi công ty hoàn nhập dự phòng liên quan đến các khoản nợ phải thu.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, đơn vị kiểm toán E&Y tiếp tục nhấn mạnh về việc doanh nghiệp của bầu Đức vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 3.300 tỷ đồng và khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối năm có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Doanh nghiệp phố núi Gia Lai cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Tập đoàn hiện chưa thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn với BIDV tổng giá trị hơn 2.354 tỷ đồng, chưa thanh toán khoản vay đến hạn 279 tỷ đồng theo lịch cam kết với Eximbank.
HAGL cho biết báo cáo được lập trên giả định hoạt động liên tục cho 12 tháng tiếp theo, bao gồm dòng tiền tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Tập đoàn cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay để điều chỉnh khoản vay đã vi phạm. Tập đoàn cam kết có thể hoàn trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động trong các kỳ kế toán tiếp theo.
Trong năm vừa qua, doanh nghiệp được điều hành bởi ông Đoàn nguyên Đức cũng có một số giao dịch với bên liên quan đáng chú ý.
Như tập đoàn này có cho vay hơn 20 tỷ và bảo lãnh khoản vay 300 tỷ đồng với Công ty Gia súc Lơ Pang – công ty con được HAGL mua lại từ ngày 31/3/2022.
Tương tự, HAGL cũng cho vay gần 860 tỷ đồng và bảo lãnh 2 khoản vay với tổng giá trị 900 tỷ đồng cho Công ty Hưng Thắng Lợi Gia Lai; cho Công ty Chăn nuôi Gia Lai vay 20 tỷ đồng…
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- HAGL của Bầu Đức lãi hàng trăm tỷ đồng từ trồng chuối nhưng bán gần 83.000 con heo gần như không có lãi trong 2 tháng đầu năm
- Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức thu 18 tỷ mỗi ngày, lãi 303 tỷ trong quý I, biên lợi nhuận mảng heo giảm về 0%
- Bầu Đức: Nếu giá heo xuống thì Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn chuối, xác định 2023 là năm phòng thủ