FPT vừa chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm IoT. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói. Trong 2 năm tiếp theo, FPT dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip.
Công ty FPT Semiconductor (trực thuộc FPT Software – công ty con Tập đoàn FPT) ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) lĩnh vực y tế, ngày 27/9.
Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC – Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
Trong hai năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Doanh nghiệp đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ôtô, năng lượng, điện tử điện lạnh.
Khách hàng đầu tiên và cũng là đối tác chiến lược của doanh nghiệp phối hợp cùng phân phối các sản phẩm chip ở các thị trường Australia, Đài Loan, Trung Quốc. Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “Make in Vietnam” đến các tập đoàn trong nước.
Đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD (theo báo cáo từ Technavio). Trong bối cảnh này, FPT Semiconductor định hướng cung cấp chip thương hiệu Việt cho các công ty và tập đoàn trong nước, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị cho người dùng Việt Nam, giai đoạn 2023 – 2025.

Ông Nguyễn Vinh Quang – Giám đốc điều hành FPT Semiconductor cho biết việc thành lập công ty chuyên về thiết kế và sản xuất chip vi mạch là một bước tiếp nối hoài bão, ước mơ của nhiều thế hệ người Việt. Thực tế đã có nhà máy bán dẫn Việt Nam vào năm 1979, được biết đến với cái tên nhà máy Z181, cung ứng rất nhiều thiết bị bán dẫn cho thị trường Đông Âu.
“Với tiêu chí chip Make in Vietnam, Made by FPT, chúng tôi có kế hoạch thiết kế và thương mại hóa sản phẩm chip, đưa những dòng chip đến với thị trường trong nước cũng như quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…”, ông Quang nói.
Nói về chặng đường hiện thực hóa ý tưởng xây dựng đơn vị sản xuất chip của người Việt, ông Trần Đăng Hòa – Phó tổng giám đốc FPT Software cho biết: “Toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển thực hiện tại Việt Nam bởi những kỹ sư hàng đầu của FPT Software. FPT Semiconductor là bước tiến mới của chúng tôi trên hành trình khẳng định trí tuệ Việt, cũng như đồng hành cùng mọi đối tác trên toàn cầu”.

Chip vi mạch bán dẫn tích hợp đóng vai trò tiên quyết trong các thiết bị, quyết định hiệu suất làm việc và ảnh hưởng lớn đến giá thành của tất cả các hệ thống điện tử.
Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển.
Theo Gartner, năm 2021, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu mang về doanh thu gần 600 tỷ USD Tại Việt Nam, số lượng tổ chức và doanh nghiệp trong ngành chip vi mạch bán dẫn, phần lớn tập trung vào các trường đại học kỹ thuật hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất.
Với năng lực sản xuất chip bán dẫn, FPT Software tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ và sản phẩm, giải pháp công nghệ chuyển đổi số toàn diện. Đây cũng là cột mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của một trong những công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á.
Doanh nghiệp đồng hành cùng đối tác ở giai đoạn tư vấn, triển khai, cung cấp giải pháp công nghệ “may đo” theo nhu cầu, bảo trì, nâng cấp hệ thống và cung ứng linh kiện bán dẫn.
Với hơn 26.000 nhân sự làm việc tại 27 quốc gia và cùng lãnh thổ, đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ toàn diện tới hơn 1.000 khách hàng toàn cầu, trong đó có hơn 100 khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500.
Tham khảo Vnexpress

QUAN TRỌNG LÀ THƯƠNG MẠI
“Về việc FPT trở thành nhà sản xuất chip mà báo chí và MXH đăng hàng loạt ngày hôm qua, có một số bạn hoài nghi về sự thành công của FPT Semiconductor và đặt câu hỏi “FPT có phải là nhà sản xuất chip không hay chỉ là người thiết kế chip thôi”, “thiết kế chip thì ở Việt Nam có nhiều nhóm đã thiết kế chip trước cả FPT rồi”.
Sau đây là câu trả lời của các bạn làm trực tiếp dự án chip này với tôi trong tối hôm qua (sau khi nhận được các câu hỏi và nghi ngại của cộng đồng).
FPT thành lập công ty Semiconductor có nghĩa rằng FPT sẽ sản xuất, kinh doanh, thương mại chip, mà đã kinh doanh, thương mại chip thì hiển nhiên phải hạch toán kinh tế, phải có doanh số và lợi nhuận.
Trong ngành sản xuất chip thì thiết kế chip và thương mại chip là 2 khâu quan trọng nhất, gần như là tất cả everything rồi, sản xuất chip thì hoặc đặt gia công hoặc đầu tư nhập dây chuyền sản xuất khi qui mô đủ lớn, công nghệ, dây chuyền có sẵn rồi.
Nó gần giống như Apple, họ chỉ thiết kế (kiểu dáng, màu sắc, vật liệu, tính năng) cộng thêm phần mềm iOS cho iPhone thôi, còn sản xuất thì Foxconn và Luxshare sản xuất đấy chứ, thế mà có ai nói iPhone không phải của Apple đâu.

Về thiết kế chip, FPT không nói FPT là người đầu tiên ở Việt Nam thiết kế chip, nhưng chắc chắn rằng FPT là người đầu tiên ở Việt Nam thiết kế, tổ chức sản xuất và thương mại chip.
Khi FPT thành lập công ty bán dẫn và công bố (ngày hôm qua) trên public thì FPT đã thiết kế xong và đã có khách hàng mua chip rồi, họ đặt hàng với số lượng lớn, hàng triệu, hàng chục triệu con chip chứ không phải nhỏ.
FPT cũng không dừng lại ở 1 con chip IoT cho y tế, FPT đã có kế hoạch sản xuất 7 con chip cho các lĩnh vực khác nữa.
Trước mắt FPT tập trung thương mại chip tại thị trường Australia, China, Japan, Korea, Mỹ và Châu Âu, sau đó mới đến thị trường Việt Nam. Thế nên việc thế giới, đặc biệt là giới sản xuất, kinh doanh chip toàn cầu họ ghi nhận FPT là nhà sản xuất chip mới quan trọng và trên thực tế họ đã công nhận rồi, còn ở Việt Nam ai tin tưởng, chia sẻ niềm vui, động viên, khích lệ thì FPT cảm ơn, còn ai nghi ngờ, chưa tin thì thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất”.
– Chia sẻ của Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT nhân sự kiện FPT công bố sản xuất thành công chip vi mạch “make in Vietnam” này.
Xem thêm bài liên quan
- FPT chính thức đón nhân viên thứ 60.000 vào đúng ngày làm việc đầu tiên của năm 2023
- Thời “khai thiên lập địa” FPT Software: Tự sự về 1 tỷ USD và giấc mơ “Xuất khẩu phần mềm” lãng mạn
- Sau khi cán mốc tỷ USD, FPT đã “thâu tóm” một doanh nghiệp Mỹ: Mục tiêu thành công ty công nghệ tỷ USD đẳng cấp thế giới vào năm 2023