Bard, chatbot AI của Google cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT đã trả lời sai để khiến công ty chủ quản bay hơi 140 tỷ USD giá trị thị trường dù chưa ra mắt.
Cổ phiếu Alphabet giảm 9% trong phiên giao dịch ngày 8/2 sau khi chatbot Bard chia sẻ thông tin không chính xác trong một video quảng cáo đăng tải trên Twitter. Trong khi đó, cổ phiếu Microsoft đã tăng khoảng 3%, Reuters đưa tin.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Google đang mất chỗ đứng trước đối thủ Microsoft.
Trong video quảng cáo, một người dùng hỏi Bard: “Tôi có thể nói với đứa con 9 tuổi của mình về những khám phá mới nào của kính thiên văn James Webb?”.
Bard trả lời bằng một loạt gạch đầu dòng, trong đó có một gạch đầu dòng có nội dung: “Kính thiên văn James Webb đã chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời của chúng ta”.
Tuy nhiên, theo NASA, hình ảnh đầu tiên cho thấy một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời được chụp bởi Kính Thiên văn Rất lớn (VLT) của Đài thiên văn Nam Âu gần hai thập kỷ trước.
Google đã đứng vững sau khi OpenAl, startup được Microsoft tài trợ khoảng 10 tỷ USD, giới thiệu AI ChatGPT vào tháng 11/2022. ChatGPT khiến người dùng thán phục và tạo ra hiện tượng tại thung lũng Silicon vì khả năng trả lời chính xác và tự nhiên.
Sai sót đáng trách của Bard cho thấy thách thức Google phải đối mặt khi chạy đua tích hợp công nghệ AI.
Bard is an experimental conversational AI service, powered by LaMDA. Built using our large language models and drawing on information from the web, it’s a launchpad for curiosity and can help simplify complex topics → https://t.co/fSp531xKy3 pic.twitter.com/JecHXVmt8l
— Google (@Google) February 6, 2023
Trong buổi thuyết trình phát trực tiếp sáng 8/2, Google vẫn chưa tiết lộ thời điểm tích hợp Bard vào công cụ tìm kiếm. Một ngày trước đó, Microsoft công bố đã phát hành phiên bản tìm kiếm Bing tích hợp chức năng ChatGPT.
Lỗi của Bard được phát hiện ngay trước buổi thuyết trình của Google. Reuters là cơ quan đầu tiên chỉ ra lỗi của Bard trong quảng cáo.
“Google đã dẫn đầu về đổi mới AI trong vài năm qua, nhưng họ dường như ngủ quên trong việc triển khai công nghệ này vào công cụ tìm kiếm của mình, Gil Luria, nhà phân tích phần mềm cấp cao tại D.A. Davidson, cho biết.
Google ra chatbot AI cạnh tranh với ChatGPT
Google bắt đầu cho một nhóm người dùng thử nghiệm chatbot có tên Bard trước khi phát hành rộng rãi thời gian tới.
Bard được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ LaMDA và cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT đang gây sốt thời gian qua. Trong bài đăng blog ngày 6/2, Google cho biết công cụ sẽ được mở cho “một nhóm người thử nghiệm tin cậy”, sau đó sẽ ra mắt công chúng trong vài tuần tới. Người dùng có thể hỏi Bard để nhận về các câu trả lời chi tiết, như gợi ý nấu món gì cho bữa trưa, lên kế hoạch cho một buổi đi chơi.
“Chúng tôi sẽ kết hợp đánh giá bên ngoài và thử nghiệm nội bộ nhằm đảm bảo phản hồi của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, độ an toàn và tính có căn cứ của thông tin trong thế giới thực”, CEO Alphabet Sundar Pichai cho biết.
Google buộc phải tung ra Bard trong bối cảnh công ty đối mặt với những thách thức trong mảng kinh doanh tìm kiếm (Search). Tuần trước, Alphabet báo cáo doanh thu không như kỳ vọng do quảng cáo kỹ thuật số đi xuống và nhà đầu tư lo ngại các đối thủ AI như ChatGPT của OpenAI có thể làm đảo lộn hoạt động tìm kiếm trực tuyến.
Cuối năm ngoái, Google đưa ra cảnh báo “mã đỏ”, thúc đẩy các kỹ sư của công ty thực hiện các giải pháp đối phó với ChatGPT.
“Sắp tới, bạn sẽ thấy tính năng do AI cung cấp trong Google Search, giúp chắt lọc thông tin phức tạp và nhiều quan điểm khác nhau thành những định dạng dễ hiểu. Bạn có thể nhanh chóng hiểu bức tranh toàn cảnh và tìm thêm thông tin trên web”, Sundar Pichai viết.
Hãng lấy ví dụ việc sử dụng Bard trong đơn giản hóa các chủ đề phức tạp, như giải thích những khám phá mới từ kính viễn vọng James Webb của NASA cho một đứa trẻ 9 tuổi.
Theo CNBC, trong một cuộc họp tháng 1, Jeff Dean, Giám đốc AI của Google, nói với nhân viên rằng công ty sẽ gặp nhiều “rủi ro về danh tiếng” nếu cung cấp thông tin sai. Do đó, Google cần “thận trọng hơn so với một công ty mới khởi nghiệp”. Họ cần thử nghiệm nghiêm ngặt Bard trước khi phát hành ra công chúng.
Trong khi đó, theo Reuters, hãng dịch vụ tìm kiếm Baidu (Trung Quốc) sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ công cụ Ernie Bot trong tháng 3. Ernie Bot là chatbot trí tuệ nhân tạo hoạt động tương tự ChatGPT và Bard. Baidu dự kiến triển khai AI này dưới dạng ứng dụng độc lập, sau đó dần hợp nhất vào dịch vụ tìm kiếm của mình.
Microsoft, đang đầu tư hàng tỷ USD vào ChatGPT, cũng thông báo sẽ tổ chức sự kiện lớn vào ngày 7/2, nhưng không tiết lộ nội dung chính. Theo The Verge, nhiều khả năng hãng sẽ dành phần lớn thời gian để mô tả quá trình tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác với OpenAI.
Tương tự, Google cũng đã gửi thư mời về sự kiện đặc biệt vào ngày 8/2, bàn về “sử dụng sức mạnh AI để thay đổi cách người dùng tìm kiếm, khám phá, tương tác thông tin”.
Công ty mẹ của Google sa thải 12.000 nhân viên
Công ty Alphabet ngày 20/1 thông báo sẽ cắt giảm 12.000 nhân viên, trở thành công ty công nghệ mới nhất tại Mỹ có đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn.
CEO của Alphabet Sundar Pichai cho biết việc cắt giảm nhân sự sau khi “đánh giá nghiêm ngặt” hoạt động kinh doanh, Guardian đưa tin.
Thông báo từ Alphabet, công ty mẹ của Google, được đưa ra vài ngày sau khi Microsoft tuyên bố sẽ cắt giảm 10.000 nhân sự, với lý do là sự thay đổi sau đại dịch trong thói quen chi tiêu kỹ thuật số, cùng sự suy giảm nền kinh tế toàn cầu.
Đợt cắt giảm lần này sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận ở toàn công ty, bao gồm bộ phận tuyển dụng, kỹ thuật và sản phẩm. Alphabet cũng sở hữu nền tảng YouTube.
Trước khi Alphabet và Microsoft thông báo cắt giảm nhân sự, một loạt công ty công nghệ như Amazon, Meta, Saleforce hay Twitter đều có những đợt cắt giảm quy mô lớn trong năm 2022.
CEO Pichai cho biết đợt cắt giảm lần này đánh dấu công ty sẽ tái cấu trúc chi phí, và tập trung nguồn lực cho những ưu tiên hàng đầu. Vị CEO của Alphabet và Google nói trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là lĩnh vực quan trọng trong tương lai, theo Verge.
Trong báo cáo tài chính của Google hồi tháng 10/2022, công ty cho biết doanh thu đạt 69 tỷ USD và lợi nhuận là 13,9 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2021, doanh thu của công ty tăng (65,1 tỷ USD năm 2021), nhưng lợi nhuận giảm (18,9 tỷ USD năm 2021).
Hồi đầu năm 2022, ông Sundar Pichai nói rằng công ty sẽ giảm tuyển dụng, kêu gọi nhân viên Google làm việc “khẩn trương, tập trung và khao khát hơn”.