Tại phiên họp cổ đông sắp tới, Vietcombank sẽ bầu nhân sự thành viên HĐQT độc lập là ông Vũ Viết Ngoạn, thay thế ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (VCB) – vừa cập nhật tài liệu phục vụ phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 liên quan việc bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.
Cụ thể, theo kế hoạch, tại phiên họp cổ đông ngày 21/4 tới đây, các cổ đông Vietcombank sẽ bầu ra HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2023-2028 tại ngân hàng bao gồm 11 thành viên. Trong đó, 1 thành viên HĐQT đại diện vốn nước ngoài và 1 thành viên HĐQT độc lập.
Tuy nhiên, trước mắt, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ban lãnh đạo Vietcombank mới đề xuất cổ đông bầu 8 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó có 6 thành viên HĐQT đương nhiệm là ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Thanh Tùng, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietcombank; các ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hà, ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Hồng Quang cùng giữ vị trí Thành viên HĐQT.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng trình cổ đông thống nhất và bầu 1 thành viên HĐQT đại diện vốn nhà đầu tư nước ngoài (nhân sự do Mizuho đề cử) là ông Shojiro Mizoguchi. Hiện nhân sự này cũng đang là thành viên HĐQT đương nhiệm tại Vietcombank.
Đáng chú ý, tại phiên họp này, Vietcombank sẽ đề xuất cổ đông bầu thay thế nhân sự đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2018-2023 là ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, theo nguyện vọng cá nhân.
Nhân sự được đề cử thay thế là ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Viet Lotus. Ông Ngoạn cũng là nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietcombank (nay đã nghỉ hưu).
Như vậy, ông Trương Gia Bình sẽ rút khỏi HĐQT Vietcombank sau một nhiệm kỳ tham gia với vai trò thành viên độc lập (từ năm 2018).
Bên cạnh kế hoạch bầu nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028, tại phiên họp cuối tuần này, các cổ đông Vietcombank cũng sẽ bầu ra Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028 với cơ cấu 5 người (bao gồm cả vị trí trưởng ban).
Trước mắt, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Vietcombank sẽ bầu 4 thành viên Ban kiểm soát gồm 4 nhân sự đương nhiệm là ông Lại Hữu Phước, Trưởng Ban kiểm soát; và các Thành viên là bà La Thị Hồng Minh, bà Đỗ Thị Mai Hương và bà Trần Mỹ Hạnh.
Cũng tại phiên họp, ban lãnh đạo Vietcombank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với tăng trưởng tổng tài sản dự kiến 9-10% so với cuối năm 2022. Các chỉ tiêu huy động vốn và dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng lần lượt 10-11% và 12-14%. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 1,5%.
Đáng chú ý, Vietcombank chưa đưa ra kế hoạch lợi nhuận cụ thể cho năm nay nhưng ngân hàng đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ ROE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) ở mức 17-18%.
Vietcombank lãi gần 36.800 tỷ đồng
Với mức lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021, ngân hàng mẹ Vietcombank đã thu về khoản lãi gần 36.800 tỷ đồng trong năm 2022, cao nhất từ trước đến nay.
Đây là thông tin được lãnh đạo Vietcombank báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 tổ chức ngày 9/1.
Cụ thể, Vietcombank cho biết trong bối cảnh năm 2022 diễn ra với nhiều biến động phức tạp của thị trường, nhà băng này vẫn hoàn thành hầu hết chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã đặt ra.
Trong đó, hoạt động huy động vốn đã được ngân hàng điều hành phù hợp với với nhu cầu tăng trưởng tín dụng thực tế.
Tính đến cuối năm 2022, số dư huy động vốn thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng) của Vietcombank đã đạt xấp xỉ 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021 và hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra. Trong đó, tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với năm 2021; huy động vốn bán buôn tăng 10,4%; huy động vốn bán lẻ tăng 8%.
Ở chiều ngược lại, số dư tín dụng của ngân hàng này cũng đã vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tăng 19% so với năm 2021.
Cũng trong năm 2022, ngân hàng đã kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với dư nợ nhóm 2 (Nợ cần chú ý) đến cuối năm ở mức 3.289 tỷ đồng, tương đương 0,29% tổng dư nợ, giảm 0,08 điểm % so với năm 2021 (0,36%). Trong khi đó, tổng số dư nợ xấu đến cuối năm 2022 của nhà băng này là 7.662 tỷ đồng, tương đương 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao.
Với số dư nợ xấu kể trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết hiện nhà băng này đang dành tới hơn 35.600 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, tương đương với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng lên tới 465%, cao nhất hệ thống ngân hàng.
Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% năm nay và vượt 19% so với kế hoạch. Với mức tăng trưởng kể trên, ngân hàng mẹ Vietcombank đã thu về hơn 36.775 tỷ đồng lãi trước thuế năm qua, là mức lãi cao nhất nhà băng này từng ghi nhận được cũng như toàn hệ thống ngân hàng.
Tại nhóm công ty con và công ty liên doanh liên kết, Vietcombank cũng cho biết 9 công ty con của ngân hàng đều hoạt động hiệu quả năm vừa qua với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 976 tỷ đồng. Trong đó, 5/9 công ty hoàn thành trên 100% kế hoạch.
Đáng chú ý, tại hội nghị này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank, cho biết trong năm vừa qua, ngân hàng đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Trong năm nay, đây cũng là một trong sáu trọng tâm mà Vietcombank dự kiến tập trung triển khai.
Cũng trong năm 2023, Vietcombank dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt 12,8%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% tổng dư nợ, và lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%.
Liên quan tới hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 3/1, lãnh đạo Chính phủ cho biết hiện Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025, trong đó hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng…
Chính phủ cũng đã báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với nhóm ngân hàng yếu kém và Ngân hàng Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Trong đó, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Riêng SCB, lãnh đạo Chính phủ cho biết từ giữa tháng 10, NHNN đã đưa đơn vị này vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Vốn hóa của “ông lớn ngân hàng” Vietcombank lập đỉnh, vượt qua cả Deutsche Bank của Đức, bỏ xa Vinhomes, BIDV, Vingroup, PV Gas, ACV, Vinamilk
- Toàn cảnh Đại hội cổ đông FPT 2023: Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ sứ mệnh kiến tạo hạnh phúc, hướng tới 1 triệu nhân viên năm 2035
- Sau khi cán mốc tỷ USD, FPT đã “thâu tóm” một doanh nghiệp Mỹ: Mục tiêu thành công ty công nghệ tỷ USD đẳng cấp thế giới vào năm 2023