Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ khởi kiện Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vì quy định độc quyền trong tài trợ V.League 2023.
Trao đổi với ZingNews tối 2/2, bầu Đức cho biết: “HAGL sẽ kiện VPF lên tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Đơn sẽ nộp vào ngày 4/2, đúng ngày HAGL thi đấu. Tôi xem ngày này như cột mốc dù toà không làm việc vào thứ 7. Tôi sẽ ra sân xem trận đấu với Hà Tĩnh trên sân Pleiku”.
“Tôi đã xem Quyết định ban hành Quy chế BĐCN Việt Nam sửa đổi và bổ sung năm 2023 do anh Trần Quốc Tuấn ký. Văn bản đâu có nói gì về độc quyền mà VPF lại nhận tài trợ độc quyền rồi cấm HAGL không được cạnh tranh cùng ngành hàng. Làm gì thì phải theo luật pháp chứ”, ông phân tích.
Ông chủ của HAGL cho biết lý do “nhượng bộ” VPF để đội bóng được thi đấu. Theo đó, HAGL chấp nhận bỏ “nước tăng lực” (tiếng Anh: Energy drink) ra khỏi thương hiệu của nhà tài trợ và một số hoạt động quảng bá khác như công văn số 31 đã nêu, để tránh trùng ngành hàng độc quyền của nhà tài trợ V.League.
“HAGL phải thi đấu thì mới có tư cách để theo đuổi vụ kiện so với tư cách VPF. Tôi đã nói rồi, chúng tôi sẽ theo vụ này tới cùng, 1, 2 hay 3 năm cũng được. Nhà tài trợ hoàn toàn tin tưởng vào HAGL, vào lẽ phải và chấp nhận theo đuổi vụ này lâu dài nhằm lấy lại tên cho ngành hàng chủ lực của họ”, bầu Đức nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của ông Đức, nhà tài trợ HAGL chấp nhận thiệt thòi ở giai đoạn này, chịu ảnh hưởng quyền lợi nhưng không giảm hay lấy lại số tiền tài trợ đã ký. Cụ thể, HAGL nhận hơn 40 tỷ đồng/mùa giải trong chiến lược hợp tác toàn diện với thương hiệu đến từ Thái Lan.
Khi được hỏi về yêu cầu đền bù nếu thắng kiện, ông Đức cho biết: “HAGL sẵn sàng đối đầu với VPF trong vụ kiện này. Chúng tôi kiện không phải vì HAGL cần tiền bồi thường mà vì 14 đội bóng dự V.League. VPF thấy sai thì cần phải sửa điều lệ. Vì sao Quy chế không nói độc quyền mà điều lệ các anh lại muốn độc quyền?”.
Trước vấn đề bầu Đức từng làm Phó chủ tịch VFF, HAGL là thành viên VPF, từng thông qua điều lệ “nhà tài trợ độc quyền” trước đây nhưng giờ lại phản biện, người đứng đầu HAGL cho rằng: “Nếu tôi sai thì tôi cũng phải sửa chứ không phải ký rồi mà sai cũng không sửa. Trong khi VFF cho CLB kiếm nhà tài trợ và đúng pháp luật, không có độc quyền thì điều lệ của VPF làm ngược lại”.
Về khả năng bỏ bóng đá do thiếu kinh phí, ông Đức chia sẻ: “Tôi cũng suy nghĩ nhiều, không có nhà tài trợ thì CLB HAGL cũng khốn đốn. Tôi làm bóng đá hơn 20 năm, không thể nói bỏ là bỏ, chủ yếu là người dân Gia Lai không có cái gì xem vào thứ 7, chủ nhật. Bóng đá đã làm thay đổi Gia Lai rất nhiều. May mắn là nhà tài trợ thiện chí nên chúng tôi tiếp tục đấu tranh”.
Sáng 2/2, bầu Đức làm việc với nhà tài trợ và được họ đồng ý với các yêu cầu của VPF. Dẫu vậy, đơn vị này tin rằng HAGL sẽ đòi lại ngành hàng chủ lực của họ trong cuộc chiến pháp lý với VPF. HAGL sẽ đưa vụ việc ra tòa để tòa án phân định ai đúng, ai sai trong sự việc này.
Trước mắt, cầu thủ HAGL vẫn tập luyện bình thường để chuẩn bị cho trận gặp Hà Tĩnh vào chiều 4/2 trên sân Pleiku. Đội bóng cũng thay đổi, chỉnh sửa lại nhiều hạng mục liên quan đến hình ảnh nhà tài trợ theo công văn 31.
Xung đột HAGL với VPF xuất phát từ việc đội bóng phố núi có nhà tài trợ mới ở mùa giải 2023. Đơn vị này kinh doanh ngành hàng trùng với ngành hàng mà nhà tài trợ V.League 2023 độc quyền – nước tăng lực. Do đó, VPF cấm HAGL quảng bá nước tăng lực của nhà tài trợ đội bóng.
Sau nhiều năm khó khăn, Hoàng Anh Gia Lai của “Bầu Đức” bắt đầu có lãi nghìn tỷ
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã: HAG) gần đây đã có thông báo khẳng định “chắc chắn đã vượt được kế hoạch lợi nhuận đề ra của năm 2022”, số liệu cụ thể sẽ được công bố chính thức tại báo cáo tài chính quý IV/2022 ngay trong tháng 1 này.
Trước đó, công ty của bầu Đức đặt kế hoạch khá tham vọng với mục tiêu lợi nhuận lên đến 1.120 tỷ đồng năm 2022, gấp 10 lần so với năm 2021 và tương đương với thời kỳ đỉnh cao kinh doanh trong giai đoạn 2011 trở về trước.
Như vậy, với con số lợi nhuận vượt 1.120 tỷ đồng, HAGL đã quay lại mức lãi nghìn tỷ đồng kể từ năm 2014 đến nay (lưu ý rằng lợi nhuận đột biến năm 2014 chủ yếu đến từ hoạt động tài chính).
Dù đang có những bước tiến lớn về kinh doanh, tập đoàn vẫn còn đối mặt với khoản lỗ lũy kế rất lớn gần 3.600 tỷ đồng tại cuối tháng 9.
Kết quả lãi nghìn tỷ đồng năm nay vẫn chưa thể giúp công ty xóa hết lỗ các năm trước và do đó cổ phiếu vẫn nằm trong diện bị kiểm soát.
Kết quả này đến sau khi bầu Đức tuyên bố sẽ làm nông nghiệp khép kín theo mô hình trồng chuối xuất khẩu và tận dụng chuối thải chăn nuôi.
Công ty cũng ra mắt thịt thương hiệu là Heo ăn chuối Bapi, Gà chạy bộ Marathon, mở rộng hệ thống bán lẻ Bapi Food… cũng như bắt tay với nhiều đối tác phân phối khác.
Tuy nhiên, HAGL vẫn còn đó nhiều khó khăn không chỉ đến từ việc mở rộng hoạt động kinh doanh mà còn là câu chuyện huy động dòng tiền và trả nợ trái phiếu.
Tập đoàn này tuyên bố tổng nợ trái phiếu và nợ vay ngân hàng chỉ chiếm 40% so với tổng tài sản công ty ở thời điểm hiện tại. “Các trái phiếu HAGL vẫn đủ tài sản đảm bảo, công ty đã có thoả thuận với trái chủ về lộ trình trả nợ trái phiếu”, thông cáo ghi.
Cụ thể, HAGL sẽ sử dụng tiền từ nguồn thu hồi nợ của HAGL Agrico (HNG) và thanh lý một số tài sản không sinh lợi để đảm bảo kế hoạch trả nợ đã thỏa thuận với trái chủ.
Kể từ năm 2024, HAG sẽ sử dụng dòng tiền tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện đúng kế hoạch trả nợ và dự kiến trái phiếu sẽ được tất toán vào ngày 30/12/2026.
Thông cáo được đưa ra sau khi doanh nghiệp này đã phải xin dời lịch thanh toán một phần tiền gốc và lãi trái phiếu với tổng giá trị 1.021 tỷ đồng cho mã trái phiếu HAGLBOND16.26.
Lô trái phiếu này có lịch trả nợ vào ngày 30/12/2022, số tiền thanh toán gốc là 881 tỷ và tiền lãi hơn 140 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty xin dời thời hạn thanh toán sang quý II/2023.
Tính đến tháng 10/2022, HAGL cho biết chỉ còn 2 khoản trái phiếu thường bao gồm: Khoản trái phiếu 5.271 tỷ đồng (phát hành 30/12/2016 – đáo hạn 30/12/2026) và lô trái phiếu 300 tỷ đồng (phát hành 18/6/2012 – đáo hạn 30/9/2023). Các khoản này đều có đầy đủ tài sản đảm bảo.
Khó khăn còn lớn
Ngoài lợi nhuận gộp năm 2022 vẫn lỗ, tình hình sức khỏe tài chính của Hoàng Anh Gia Lai cũng không thực sự tốt khi dòng tiền âm năm thứ 5 liên tiếp. Trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 200 tỷ đồng, trong khi năm trước âm hơn 640 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hoạt động kinh doanh chính của HAGL vẫn chưa có dấu hiệu tạo tiền, vẫn tiếp tục thâm hụt vốn kéo dài.
Một điểm cũng đáng lưu ý là: HAGL không hạch toán chi phí phát triển vườn cây vào chi phí phát sinh trong kỳ, mà lại vốn hóa đưa vào chi phí xây dựng dở dang.
Tính đến cuối 2022, HAGL ghi nhận chi phí phát triển vườn cây là gần 2.959 tỷ đồng, cao hơn so với mức 2.366 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Như vậy, hàng nghìn tỷ đồng chi phí phát triển vườn đã được vốn hóa.
Chi phí dự án chăn nuôi trong năm 2022 ghi nhận 1.616 tỷ đồng, tăng mạnh so với 938 tỷ đồng cuối năm 2021.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cho Học viện bóng đá HAGL JMG chỉ có 2,39 tỷ đồng, so với 1,46 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
HAGL cũng ghi nhận nợ phải trả tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn tăng thêm 2.200 tỷ đồng, trong khi nợ dài hạn giảm. Vay nợ ngắn hạn cũng tăng mạnh, thêm gần 1.000 tỷ đồng.
Đầu năm 2023, HAGL công bố thông tin chậm thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng lãi và gốc trái phiếu (theo lịch là 30/12/2022) do nguồn tiền thanh toán là từ khoản nợ của HAGL Agrico và thanh lý một số tài sản của HAG.
Hồi tháng 5/2022, ông Đoàn Nguyên Đức đã bán nốt 3 triệu cổ phần cá nhân tại đế chế nông nghiệp tỷ USD HAGL Agrico (HNG). Sau thương vụ, ông Đoàn Nguyên Đức không còn nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp nông nghiệp được kỳ vọng là số 1 trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực Đông Nam Á.
Bầu Đức bán cổ phiếu HAGL Agrico, khi giá cổ phiếu ở vùng đáy lịch sử, khoảng 6.300 đồng/cp. Số cổ phần này Bầu Đức đã mua cách đó hơn một năm với mức giá trên 11.000 đồng/cp.
HAGL Agrico gặp rất nhiều khó khăn trong nửa thập kỷ qua. Vài năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai đã bán cổ phần và chuyển quyền kiểm soát cho Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương.
Mặc dù doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng Bầu Đức vẫn được xem là một người đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam. Ông nổi tiếng nhờ đi đầu trong việc đào tạo bóng đá trẻ và mời được HLV Park Hang Seo, qua đó mang đến một tầm cao cho bóng đá Việt.
Theo Zingnews, Nhà quản lý
Xem thêm bài liên quan
- Bầu Đức “dọa” giải thể Hoàng Anh Gia Lai khi không được quảng bá cho Carabao vì cùng ngành hàng với nhà tài trợ V Leage
- Vụ sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc thất bại và Bầu Đức có “Át chủ bài” là vườn sầu riêng 1.000ha lớn nhất thế giớ sẵn sàng xuất khẩu
- Giá heo xuống thấp, lợi nhuận Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức chạm đáy