Dù đã ra đời hàng nghìn năm, nhưng Binh Pháp Tôn Tử chẳng những vẫn còn được ứng dụng trong quân sự mà còn được vận dụng rộng rãi trong kinh doanh, thương mại, quản lý, ngoại giao.
Tôn Tử, là nhà quân sự lỗi lạc của Trung Quốc sống vào cuối thời Xuân Thu. Một trong những tác phẩm quan trọng nhất, đúc kết kinh nghiệm chiến trường, tư duy chiến tranh quân sự của Tôn Tử đấy chính là bộ Binh Pháp Tôn Tử.
Binh Pháp Tôn Tử gồm 8000 chữ dài 13 thiên bàn về chiến lược, mưu lược chỉ huy tác chiến, hình thức tấn công và phòng thủ; về địa lí quân sự, trinh sát, gián điệp, cách dụ địch, hậu cần quân sự…
Với lối tư duy tổng hợp biện chứng , Binh Pháp Tôn Tử đáp ứng nhu cầu tự thân của quá trình phát triển kinh tế và của phương pháp quản lý kinh tế xuyên suốt trong quá trình phát triển của loài người.
Không chỉ đề cập riêng trong lĩnh vực quân sự, những mưu kế, chiến thuật, chiến lược riêng có, nội dung của Binh Pháp Tôn Tử là sự tổng hòa của các mối quan hệ yếu tố trong đời sống.
Tinh hoa của binh pháp Tôn tử
Trong Binh Pháp Tôn Tử có viết “chiến tranh là đại sự của quốc gia, quan hệ tới việc sống chết của nhân dân, sự mất còn của nhà nước không thể không khảo sát nghiên cứu cho thật kỹ.
Cho nên, phải dựa vào 5 mặt sau đây mà phân tích, nghiên cứu, so sánh các điều kiện tốt xấu giữa hai bên đối địch, để tìm hiểu tình thế thắng bại trong chiến tranh”. Quá trình này thông qua việc đánh giá, xem xét năm yếu tố: Đạo, Thiên, Địa, Tướng.
Một là Đạo. Theo Tôn Tử, Đạo là chỉ việc chính trị, đạo nghĩa, phải làm cho nguyện vọng của dân chúng và vua nhất trí với nhau, đồng tâm đồng sức. Có như vậy trong chiến tranh mới có thể bảo nhân dân vì vua mà chết, vì vua mà sống, không sợ nguy hiểm.
Hai là Thiên. Binh pháp Tôn Tử: “Thiên là thiên thời, nói về ngày – đêm, trời râm – trời nắng, trời lạnh – trời nóng, tức tình trạng về khí hậu thời tiết.” Tức là luôn phải xem xét, cân nhắc hoàn cảnh bên ngoài.
Ba là Địa. Trong Binh Pháp Tôn Tử có nói: “Địa là địa lợi, nói về đường sá xa gần, địa thế hiểm yếu hay bằng phẳng, khu vực tác chiến rộng hẹp, địa hình phải chăng có lợi cho tiến công, phòng thủ, tiến tới, thối lui.”
Bốn là Tướng. Binh pháp Tôn Tử cho rằng: “Tướng là tướng soái, nói về tài trí, uy tín, lòng nhân ái, lòng can đảm, sự uy nghiêm của người tướng”. Đây chính là những phẩm chất cần có của người lãnh đạo.
Năm là Pháp. Pháp là pháp chế, nói về tình trạng tổ chức, biên chế, sự quy định về hiệu lệnh chỉ huy, sự phân chia chức quyền tướng tá, sự cung ứng vật tư cho quân đội và chế độ quản lý.
Áp dụng binh pháp tôn tử trong kinh doanh hiện đại
Có nhiều học giả từ Đông sang Tây đã say sưa nghiên cứu Binh Pháp Tôn Tử cũng như ứng dụng của nó. Điều này cho thấy sức lan tỏa cũng như giá trị của Binh Pháp. Có thể kể tới nhà nghiên cứu Becky Sheetz-Runkle với tác phẩm The Art of War for Small Business (Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh).
Trong cuốn sách Binh Pháp Tôn Tử Trong Kinh Doanh của mình, Becky Sheetz-Runkle đã chỉ ra những chiến thuật dành cho các lực lượng nhỏ hơn có thể sử dụng để chiến thắng đối phương mạnh hơn mình. Becky đã chỉ ra sự tương đồng giữa tư tưởng của Binh Pháp Tôn Tử và tư tưởng trong quản lý kinh tế.
Trong kinh doanh, Đạo ám chỉ đạo đức. Người làm kinh doanh hay hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực gì đều phải có đức, không đặt yếu tố về lợi ích, tiền bạc lên trên lương tâm. Khi khởi nghiệp, dựa trên sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược kinh doanh, các nhà lãnh đạo không được chấp nhận thỏa hiệp và có thái độ không khoan nhượng với tất cả các hành vi đi ngược lại đạo đức công lý.
Có như vậy, doanh nghiệp hay cửa hàng mới xây dựng được uy tín và thương hiệu trong xã hội, tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác và cả niềm hãnh diện cho nhân viên tương lai.
Ngoài ra Đạo trong binh pháp Tôn Tử còn thể hiện mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, ở khả năng tận dụng người hiền tài. Trong công việc, nếu tìm được người có tinh thần làm việc cao, tư chất tốt cần phải được tận dụng để đội ngũ nhân viên vững mạnh.
Từ lãnh đạo cho đến nhân viên đều phải đồng lòng, cùng chung mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành đơn vị hàng đầu trong thị trường thương mại điện tử, có như vậy đơn vị mới có thể phát triển. Nếu trên dưới xung đột, cấp trên nói cấp dưới không nghe, làm việc hời hợt cho đủ chỉ tiêu, chắc chắn sớm muộn, doanh nghiệp cũng bị gạch tên khỏi thương trường.
“Thành công quan trọng là sắp đúng người đúng việc, đừng cố gắng dạy người khác hoàn hảo giống mình mà hãy thúc đẩy tiềm năng sẵn có của họ, phát huy tối đa khả năng của một nhân viên”.
Thiên ám chỉ thời thế, cơ hội, nhận được sự ủng hộ về nhiều mặt như nguồn cung cấp, nhu cầu thị trường, công nghệ. Các yếu tố ngoại cảnh mặc dù không mang tính quyết định nhưng sẽ tạo điều kiện để hoạt động của doanh nghiệp phát triển nhanh và mạnh hơn. Thậm chí nếu biết cách tận dụng, khả năng từ những “con người nhỏ bé”, vươn vai thành “khổng lồ” không có gì là khó khăn.
Vị trí thuận lợi, thương hiệu hiện tại hay những điều kiện thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, nhân công, thị trường chính là “Địa lợi” trong kinh doanh.
“Tướng” chính là lãnh đạo – linh hồn của doanh nghiệp để đi đến thành công. Người lãnh đạo là linh hồn của doanh nghiệp. Dù đơn vị có đầy đủ các yếu tố “Thiên thời, địa lợi” nhưng không có “nhân hòa”, con người xuất chúng biết nắm lấy các cơ hội đó thì doanh nghiệp vẫn không thể phát triển.
Trong kinh doanh, nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược, hiểu rõ thị trường cũng như đối thủ cạnh tranh. Một người lãnh đạo phải thực sự tài giỏi mới có thể làm cho nhân viên nể trọng, trấn an nhân lực và hướng họ tới mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, vị “Tướng” của doanh nghiệp trong thị trường online cần biết cách tháo gỡ những khó khăn gặp phải trong quá trình vận hành đơn vị trên thị trường ảo, tìm cách khuyến khích động viên cho bộ máy hoạt động. Một lời động viên, hỏi thăm của lãnh đạo cao nhất khi nhân viên gặp khó khăn, không chỉ trong công việc, có tác động rất lớn đối với mọi người.
Cuốn “Tôn Tử Binh Pháp” ra đời cách đây hơn 2500 năm dạy cho các tướng lĩnh cách cầm quân đánh thắng đối phương, là cuốn “sách giáo khoa” không thể thiếu của các nhà quân sự Trung Quốc xưa.
Kế thừa những tinh hoa đó, Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh của Becky Sheetz-Runkle là cuốn cẩm nang của các nhà doanh nghiệp và thương nhân dùng để chỉ đạo kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường.
Becky Sheetz Runkle,là một diễn giả về kinh doanh, bậc thầy võ thuật và là một diễn giả hấp dẫn cho các tập đoàn kinh doanh và các nhóm kinh doanh của phụ nữ. Các khóa đào tạo của cô được đánh giá cao vì đã thay đổi cách phụ nữ tiếp cận và sống hết mình trong sự nghiệp.
Là chuyên gia về chiến lược của Tôn Tử, cô nói chuyện với tất cả mọi người. Các khách hàng của cô bao gồm Delta Airlines, Oscar Mayer, Engility Corporation, Hiệp hội phụ nữ quốc tế về dịch vụ cứu hỏa và khẩn cấp (I-Women), Hiệp hội chăm sóc sức khỏe Hoa Kỳ, Hiệp hội cựu sinh viên Học viện Hải quân Hoa Kỳ…
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Vận dụng tinh hoa Binh Pháp Tôn Tử trong kinh doanh: Mưu kế và chiến lược để làm ăn tất thắng trong thời hiện đại
- Vận dụng tinh hoa của Binh Pháp Tôn Tử trong kinh doanh: Mưu kế, chiến lược để làm ăn tất thắng trong thời hiện đại
- 6 mưu kế gói gọn bí kíp “Kinh doanh đắc thắng” của Binh Pháp Tôn Tử, ngàn đời áp dụng vẫn đúng