Theo tỷ phú Lý Gia Thành, quá trình đầu tư và làm giàu là việc làm lâu dài, không thể ngày một ngày hai mà thành. Dục tốc bất đạt, thành công nhanh chóng chỉ khiến con người ta trở nên kiêu ngạo mà thôi.
Phía sau sự thành công của các tỷ phú đều là những truyền kỳ, để lại muôn vàn những bài học giá trị. Trong đó phải kể đến những câu chuyện về tỷ phú Lý Gia Thành – người mệnh danh là “siêu nhân” hay “Warren Buffett châu Á”.
Hơn 2 thập kỷ qua, tỷ phú Lý Gia Thành luôn giữ vững ngôi vương là người giàu nhất Hong Kong. Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của ông trùm kinh doanh Hong Kong ở mức 34,3 tỷ USD và xếp thứ 43 trên thế giới.
Đối với vị tỷ phú này, dù thành công hay thất bại, nguyên nhân đều xuất phát từ bản thân. Thay vì than vãn hoặc trốn tránh, bạn phải chịu 100% trách nhiệm.
Vốn là bậc thầy đầu tư, quan niệm của tỷ phú Lý Gia thành là từng bước làm nên, chậm mà chắc, vạch kế hoạch cẩn thận, đưa nguy hiểm xuống mức thấp nhất. Muốn thành công, hãy dành 90% để suy nghĩ về thất bại.
Sách lược đầu tư của ông là “chân đi hai đường”, ổn định nhưng phát triển, phát triển nhưng vẫn ổn định. Đây chính là lý do giúp vị tỷ phú này luôn hóa nguy thành cơ hội, khống chế rủi ro ở tỷ lệ thấp nhất.
01. Chậm là ổn, ổn chính là biểu hiện của trưởng thành
Chẳng ai tự nhiên mà thành công, đặc biệt là đàn ông. Thành công của họ đều phải dựa vào nỗ lực của bản thân, từng bước trèo lên. Thành công không phải muốn là có được sau một đêm, nó là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác.
Những người thành công không hề đi nhanh, thực tế, họ đi rất chậm. Xã hội ngày càng phát triển, những người thích đổi đời sau một đêm sẽ không thể có được thắng lợi cuối cùng. Chỉ khi đánh vững đánh chắc, duy trì tốc độ ổn định, không ngừng nâng cao năng lực thì mới có được nền tảng ổn định.
Những người thành công đều có một niềm tin mạnh mẽ, không những thế họ còn rất kiên trì. Trên thế gian này, không lao động sẽ không có thu hoạch. Muốn thành công phải dựa vào đôi tay của mình.
Tất nhiên, trên con đường này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, đây sẽ là một con đường dài với muôn vàn khó khăn, thử thách. Có người từ bỏ, buông xuôi, cả đời sau này sống trong nghèo hèn; nhưng lại có người dù vấp ngã vẫn đứng lên, từng bước từng bước tiến về phía đích.
Người thành công đều rất chậm, chậm là ổn, ổn chính là biểu hiện của trưởng thành. Người chín chắn trầm ổn có vốn sống phong phú, tâm thái vững vàng, tự tin, khả năng hơn người.
02. Từng bước tích lũy, từng bước phát huy
Trên đời này không có thành công nào là ngẫu nhiên, đó là cả một quá trình tích lũy và nỗ lực. Họ tích lũy từ giá trị quan cho tới quan hệ xã hội, từ không cho tới có, từ lượng cho tới chất. Đến khi thời cơ thích hợp, họ sẽ tung ra tuyệt chiêu để giành chiến thắng.
Jack London – một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ vốn là một người có xuất thân bần hàn. Từ nhỏ ông đã đi làm thêm, có ngày làm mấy công việc. Dù khó khăn là thế nhưng ông chưa bao giờ từ bỏ việc học tập. Ông chầm chậm tích lũy vốn văn học của mình; tận dụng mọi thời gian và cơ hội để đọc sách.
Khi phát hiện từ ngữ hay câu nói hay, ông sẽ viết lại vào một tấm thẻ nhỏ, sau đó cất ở những nơi mình thường xuyên sờ đến, ví dụ như túi quần. Nhờ sự tích lũy không ngừng nghỉ này, ông đã làm giàu vốn từ ngữ của mình, trở nên thuần thục hơn trong việc viết văn và trở thành một tiểu thuyết gia nổi tiếng.
Lỗ Tấn, nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc từng nói rằng: “Một phần lao động sẽ cho ra một phần thu hoạch. Ngày dồn tháng chứa, từ ít tới nhiều, kỳ tích cứ như vậy mà được tạo ra.”
Không tích lũy nửa bước, lấy đâu ra vạn dặm đường đi; không có những con kênh nhỏ, lấy đâu ra sông lớn. Thành công là kết quả của từng chút tích lũy, biết nắm chắc thời cơ.
Người thành công sẽ không bao giờ từ bỏ; ngược lại kẻ từ bỏ sẽ không bao giờ có được thành công. Dù làm chuyện gì đi chăng nữa, cần phải có một tinh thần đi sâu tìm tòi nghiên cứu. Dẫu có bỏ ra hơn người khác 1/100 nỗ lực, nó cũng giúp bước đường thành công ngày càng gần hơn.
Thành công vốn dĩ không phải là chuyện dễ dàng. Muốn thành công phải không ngừng nỗ lực, dù phía trước chỉ là một tia hi vọng nhỏ nhoi cũng không được phép từ bỏ. Người xưa có câu rằng: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.
Một người không từ bỏ, nỗ lực học hỏi và tìm tòi thì cánh cửa thành công sẽ luôn rộng mở chào đón họ. Tâm thái “chậm”, không nóng vội không bốc đồng, giỏi hoạch định cá nhân.
Một người trầm ổn khi gặp vấn đề đều bình tĩnh xử lý, không hề hoang mang. Không phải tính cách họ chậm chạp mà dù vấn đề có gấp gáp tới đâu, họ vẫn giữ được cái đầu tỉnh táo, không suy nghĩ rối loạn, vì thế, họ không bỏ lỡ thời gian vàng để giải quyết vấn đề.
Nhớ về thời kỳ Tam Quốc có Không thành kế của Gia Cát Lượng cũng nói về đạo lý này. Thời điểm đó, Tư Mã Ý thống lĩnh 15 vạn đại quân đánh về phía Tây, cũng chính là nơi mà Gia Cát Lượng đóng quân. Đáng nói, Gia Cát Lượng chỉ có trong tay hơn 2000 binh sĩ trong thành khiến mọi người hoảng loạn và lo lắng.
Chỉ riêng Gia Cát Lượng vẫn điềm tĩnh như không. Ông nói với mọi người rằng: “Mọi người không cần hoảng loạn, ta có kế sách có thể khiến Tư Mã Ý tự động lui binh”.
Sau đó, ông cho binh sĩ mở hết 4 cổng thành, bản thân thì an nhiên ngồi trên thành lầu gảy đàn. Đến dưới chân thành, Tư Mã Ý trông thấy cảnh tượng trước mắt, nghi ngờ có bẫy nên đã tự động rút quân.
Nhờ trí tuệ thông thái và tâm thái điềm tĩnh an nhiên, Gia Cát Lượng đã chiến thắng không biết bao nhiêu trận đánh. Điều này khiến kẻ địch không kịp trở tay, để lại một cuộc đời huy hoàng suốt ngàn năm qua.
Có thể thấy, càng là người trầm ổn và bình tĩnh khi gặp chuyện thì sẽ càng nhanh chóng tìm ra giải pháp cho vấn đề. Có những người, dù sự việc có bất ngờ đến mấy họ vẫn giữ được cái đầu tỉnh táo, cảm xúc vững vàng như núi Thái Sơn. Họ có khả năng địa vị mạnh mẽ, mang tới cảm giác an toàn, đáng tin cậy cho người bên cạnh.
Một người luôn ổn định, bình tĩnh trước muôn vàn sóng gió, có một tố chất tâm lý mạnh mẽ và duy trì được sự lý tính khi đối mặt với tình huống khẩn cấp sẽ khẳng định được phong độ lãnh đạo của bản thân.
03. Người nên được nghiệp lớn, đều rất “chậm”
Michael Yu – Người sáng lập và chủ tịch của New Oriental Education & Technology Group Inc. từng nói rằng:
“Đừng quá tin vào mấy lời kiểu dạng như “tam thập nhi lập”, đừng tạo áp lực quá lớn cho bản thân. Thay vào đó, cứ từ từ mà sống. Tôi 30 tuổi vẫn là một tên nghèo rớt mồng tơi. Chỉ cần không ngừng nỗ lực, kiên trì không từ bỏ mục tiêu, sớm muộn gì cũng sẽ thành công.”
Thành công không phải cứ tưởng tượng là ra, cũng không phải cứ nói là thành. Người không biết cố gắng, không biết nỗ lực thì cả đời chẳng thể khấm khá, mọi mong ước cũng chỉ là mơ mộng viển vông. Người nỗ lực thì khác, thành công sẽ từ từ tìm đến họ.
Ngày nay, áp lực cạnh tranh trong xã hội rất lớn. Một người thành công đúng nghĩa sẽ trải qua một cuộc sống vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, họ cũng bỏ ra nhiều nỗ lực, cố gắng hơn người khác.
Chỉ khi vượt qua mọi khó khăn mới có thể vững vàng đứng trên đỉnh núi, nhìn ngắm những phong cảnh xa xôi mà không phải ai cũng có thể chiêm ngưỡng được.
Thành công không chỉ 3 phút nhiệt huyết là có thể đổi lại nước. Họ phải nỗ lực, tích cóp từng chút từng chút một hết ngày này qua tháng khác mới có thể đổi được chiếc chìa khóa quý báu mở ra cánh cửa thành công.
Con người sống ở trên đời, đừng có mong muốn sẽ giàu có sau một đêm. Dù có thành công đi chăng nữa họ cũng chỉ là mầm cây non nớt, hứng chịu chút sóng gió sẽ bị tan tác, không đứng dậy nổi.
Thành công ai chả mong muốn. Thế nhưng có những người muốn có nghiệp lớn nhưng không làm, khi thấy người khác thành công lại ghen tị, soi mói, đặt điều. Chỉ có những người trải qua thăng trầm của cuộc sống mới biết thành công không phải chuyện dễ dàng.
Đúng như tỷ phú Lý Gia Thành từng nói: “Thành công chậm giúp xây dựng nhân cách, thành công nhanh chỉ tạo ra sự kiêu ngạo”.
Theo Realtimes