Theo tỷ phú Lý Gia Thành, luôn có rất nhiều cách khác nhau để đánh giá nhân phẩm một con người song nếu muốn nhìn thấu đối phương, bạn chỉ cần nhìn cách họ xử lý việc này là đủ!
Câu chuyện thứ nhất
Cuối tuần, tôi đang ngồi đọc sách trong thư phòng thì đột nhiên nhận được điện thoại của chị họ.
Trong điện thoại, giọng chị hốt hoảng: “Mau đến đây đi, xảy ra chuyện chết người rồi!”
Gác điện thoại, tôi không lập tức lao đi mà uống một ngụm trà, bất lực thở một tiếng dài thườn thượt.
Từ cách đây 2 năm, khi chị họ thuê một cửa hàng ngay ngoài cổng khu dân cư nhà tôi làm ăn buôn bán, cái gọi là tình huống khẩn cấp cứ liên tiếp xảy ra. Thế nhưng lần nào cũng chỉ là giúp chị giải quyết vài chuyện vặt vãnh.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ cửa hàng đó là do chị họ tôi và một người đồng hương hùn vốn vào mở chung.
Ban đầu, hai người hợp tác khá ăn ý, việc gì cũng thương lượng bàn bạc thấu tình đạt lý.
Thế nhưng thời gian lâu dần, mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện. Phàm là có liên quan đến một chút ít lợi ích, hai người lập tức phát sinh cãi vã, chẳng ai chịu nhường ai, không ai chấp nhận thua thiệt về mình.
Khi cả hai bên đã rơi vào trạng thái chẳng thể nói thêm gì với nhau, họ lại gọi tôi ra phân giải, hết lần này đến lần khác. Và lần này cũng không ngoại lệ.
Nguyên nhân sự tình là bởi buổi trưa đông khách, mỗi người phải tiếp đón hơn chục khách hàng, doanh thu không ít.
Vốn dĩ cả hai đều rất hào hứng nhưng đến lúc rảnh tay, kiểm tra lại hóa đơn thấy thiếu mất 50 NDT (khoảng 160 nghìn đồng).
Chỉ có vậy, trong tích tắc cả hai đã rối cả lên, người này nói người kia tính nhầm 50 NDT cho khách.
Họ cứ thế chẳng ai nhường ai, tranh cãi ầm ĩ. Lời qua tiếng lại, những lời nói khó nghe mỗi lúc một nhiều. Cuối cùng, không kiềm chế được, hai bên còn thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Chị họ tôi xé rách quần áo của đối phương. Người đồng hương cũng chẳng vừa, túm tóc chị tôi giật mạnh…
Những người bất chấp tất cả để giành cho được một chút quyền lợi cá nhân, quyết không chịu nhượng bộ cho thấy sự thiếu hoàn thiện về nhân phẩm. Ảnh minh họa.
Lần này, tôi chẳng nói gì ngoài việc đề nghị cả hai giải tán!
Trên thực tế, khi xảy ra tranh chấp lợi ích, nếu cả hai đều là người hẹp hòi ích kỷ cá nhân, chỉ biết nghĩ từ góc độ của bản thân, lo mình bị thiệt mà không nghĩ tới cảm xúc của người khác, một đối tác như vậy sớm muộn cũng giải tán, giải tán sớm thực sự là lựa chọn tốt nhất.
Câu chuyện thứ hai
Trong cuộc sống này, ai cũng có suy nghĩ tính toán vì lợi ích cá nhân, ai cũng mong mình đạt được lợi ích lớn nhất, đó là lẽ thường tình.
Nhưng đứng trước lợi ích vẫn giữ bản thân không lung lay, giữ vững phẩm đức làm người, duy trì giới hạn của đạo đức, đó mới là điểm sáng thực sự của nhân phẩm .
Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi và một cô chơi với nhau rất thân. Cô ấy rất khéo, mỗi lời cô nói ra đều khiến người khác cảm thấy dễ chịu. Tôi và mẹ đều rất thích cô nhưng về sau, họ không qua lại nữa.
Tôi hỏi mẹ sao cô ấy không đến chơi nữa, mẹ kể cho tôi nghe một chuyện nhỏ.
Trong một lần đi mua sắm, cả hai mua một túi hoa quả lớn đem về nhà rồi mới chia. Về sau, mẹ tôi đến nhà cô lấy, mới phát hiện cô giữ lại tất cả những quả to, đẹp cho mình và gói cho mẹ tôi tất cả những quả xấu, nhỏ.
Cô cho rằng mẹ tôi sẽ không biết song thực ra người tinh mắt chỉ cần nhìn là biết. Sau lần đó, mẹ tôi còn phát hiện thêm một vài việc nữa mà qua đó, bà nhận thấy chỉ cần có xung đột lợi ích với ai, cô đều phải giành phần hơn bằng mọi giá.
Mẹ tôi không nói ra, nhưng bà cho rằng kết giao với người như vậy không có ý nghĩa gì nên cả hai không qua lại như trước nữa.
Khi đó, mẹ có nói với tôi một câu mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ: Muốn nhìn thấu nhân phẩm của một người, chỉ cần quan sát thời điểm họ và con có xung đột về lợi ích là đủ.
Khi bạn và người khác đang đứng trước sự xung đột về lợi ích, đặc biệt là khi lợi ích bị hao tổn, phản ứng của họ sẽ thể hiện rõ nhất nhân phẩm trong con người đó.
Chuyện của tỉ phú Hong Kong Lý Gia Thành
Tờ “Tin nhanh tài chính” của Trung Quốc đã từng giới thiệu đặc điểm kinh doanh của tỉ phú Hong Kong Lý Gia Thành, trong đó có một đặc điểm khiến người người ấn tượng: 7 phần hợp lý, 8 phần cũng được, vậy tôi chỉ lấy 6 phần.
Bài báo đã lấy một câu chuyện, có người muốn tìm Lý Gia Thành hợp tác phát triển thị trường nhà đất, ông Lý hỏi đối phương chia lợi nhuận trong hạng mục này như thế nào. Người kia đưa ra con số 5%.
Trước đề nghị này, Lý Gia Thành đã chủ động đưa ra con số 10% lợi nhuận dành cho đối tác, cao gấp 2 lần con số ban đầu mà người kia đưa ra.
Tại sao lại như vậy? Đó chính là điểm cao minh, hơn người của vị tỉ phú người Hong Kong.
Ông đã để đối tác nhận được lợi ích cao gấp đôi dự tính ban đầu. Hành động nằm ngoài dự tính này sẽ khiến cho đối phương tâm phục, trong quá trình quản lý công trình không những không ăn bớt mà còn tận tâm tận lực quản lý tốt công trình đó.
Bằng cách này, ông Lý không chỉ đạt được mục đích của mình mà con xây dựng được tiếng tốt để đời.
Làm kinh doanh hay làm người, Lý Gia Thành hiểu sâu sắc một điều: Đứng trước sự cám dỗ, ông không để mình bị lợi ích thao túng. Đó chính là bí quyết của một thương nhân thành công.
Tỉ phú Hong Kong là một gương sáng, đáng để nhiều người học tập về lối sống, cách làm người.
Có người từng hỏi Lý Trạch Giai – con trai Lý Gia Thành: “Bố anh đã dạy cho anh những bí quyết kiếm tiền thành công gì?”
Trạch Giai đã trả lời rằng: “Thực ra bố tôi không dạy cho tôi bất cứ phương pháp kiếm tiền nào cả. Ông chỉ dạy tôi các đạo lý làm người mà thôi.”
Bôn ba phấn đấu nhiều năm, tôi phát hiện ra một quy luật: Phàm là đứng trước những xung đột về lợi ích, một khi vẫn giữ được cái tâm sáng, biết suy nghĩ cho đối phương, không tính toán thiệt hơn, những người đó đi đến đâu cũng cảm nhận được sự ấm áp.
Ánh sáng toát ra từ trong nhân phẩm khiến họ dù có làm việc gì cũng thuận lợi, cho dù gặp phải khó khăn tạm thời cũng sẽ có quý nhân tương trợ, việc tất sẽ thành.
Trái lại, với những người thích tính toán so đó, chỉ biết đến lợi ích của bản thân, cuối cùng sẽ đánh mất danh tiếng. Những người như thế thường khó có thể tìm kiếm được những đối tác ưu tú, càng không có những người bạn thật lòng.
Nhân phẩm tốt hay xấu quyết định trực tiếp đến thành bại của cả đời người.
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ phú Lý Gia Thành răn người trẻ: Thành công châm xây dựng nhân cách, thành công nhanh chỉ tạo ra sự kiêu ngạo!
- Tỷ phú Lý Gia Thành: Người thành công thật sự không phải nhiều tiền hay quyền lực đến đâu, mà là khiêm tốn và có một trái tim nhân hậu
- Tỷ phú Lý Gia Thành: Không muốn nghèo, hãy “Khắc cốt ghi tâm” 20 chân lý đúng trên mọi nẻo đường đời