Chủ tịch Alibaba Jack Ma đã trải lòng về tiền bạc và giàu có: “Khi bạn là người giàu nhất thế giới, đó sẽ là một nỗi đau lớn vì mọi người sẽ vây quanh bạn chỉ vì tiền”.
Tiền bạc không phải là thứ toàn năng, nhưng trong cuộc sống thực tế, nó chính là phép thử lòng người, có thể giúp đánh giá phẩm chất, giá trị của một con người.
Một người từng nói: Điều đáng sợ nhất không phải là hết tiền, mà chính là khi hết tiền rồi thì bạn bè cũng không còn nữa. Nhận xét này nhận được rất nhiều hưởng ứng, đồng tình. Có cả những người kể lại những trải nghiệm mà họ từng có trong đời sống, cho thấy bản chất của một mối quan hệ, dưới tác động của đồng tiền.
Nhiều cặp bạn bè lâu năm một ngày trở nên hận thù vì tiền bạc. Nhiều cặp vợ chồng tan vỡ chỉ vì tiền. Nhiều gia đình anh em ruột thịt ly tán cũng vì của nả.
Vay tiền – trả tiền: Phép thử lòng người
Vay tiền, thấy lòng người
Trong cuộc sống, khó tránh khỏi những khi cần tới sự giúp đỡ, vay tiền của bạn bè.
Lúc bạn ở đỉnh cao, người cho bạn vay tiền có thể nhiều không kể siết, nhưng lúc bạn khó khăn, người tình nguyện cho bạn vay lại chẳng được bao nhiêu.
Vay tiền, có thể nhìn thấu ai mới là người bạn tốt thực sự, còn ai là giả tình giả nghĩa.
Với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư, Johnson đã tạo ra được một trang web nổi tiếng, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, lượt người truy cập tranh web lên tới 9 triệu lượt.
Rất nhiều người đều cảm thán: “Không lẽ anh ta sẽ trở thành Bill Gates tiếp theo ư?”
Cũng không ít lời đồn nói rằng anh sẽ trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn.
Nhiều tổ chức tài chính đã chủ động cung cấp cho anh các khoản vay và hỗ trợ để công ty của anh sớm được niêm yết.
Sự tích lũy của cải ngày càng lớn, giống như lăn quả cầu tuyết vậy, từ giá trị ban đầu hơn 100 triệu đô la Mỹ lên 2,6 tỷ đô la Mỹ.
Đây chính là ví dụ điển hình về cái gọi là huyền thoại về sự giàu có.
Anh cũng trở thành bạn của rất nhiều người giàu có tầm cỡ, cuộc sống vô cùng xa hoa.
Sau này, thị trường chứng khoán đột ngột thay đổi, cổ phiếu của Johnson giảm mạnh từ 168 đô la/cổ phiếu ban đầu xuống còn 2 đô la, và công ty bị tuyên bố phá sản.
Chỉ trong hai năm, anh trở thành một người không một xu dính túi.
Khi Johnson quyết định vay tiền để làm lại từ đầu, cũng là lúc anh nhận ra rằng bạn bè và người thân đều lảng tránh mình.
Không công ty, không bạn bè nào sẵn sàng cho anh vay tiền.
Lúc này anh mới ý thức ra được rằng, thì ra những người từng tâng bốc mình lên tận trời xanh, đều chỉ là “bè” chứ không phải “bạn”.
Cuối cùng, anh vay tiền từ một người chú của mình, xây dựng lại trang web từ đầu, đáng tiếc là hào quang đã không thể quay trở lại nữa.
Sau khi trải qua việc này, anh cảm thán:
“Khi bạn đứng ở đỉnh cao danh vọng, người giúp bạn chưa chắc đã là người tốt với bạn, nhưng khi bạn rơi xuống đáy vực, người sẵn sàng giúp bạn, chắc chắc là người tốt với bạn thật lòng.”
Giống như một dịch giả từng nói: “Chỉ khi ở vào trạng thái yếu đuối, nhỏ bé nhất, bạn mới nhìn thấy chân tướng trần trụi và thực tế nhất của nhân tình thế thái.”
Tiền, là một thứ đồ tốt, nhiều khi thứ cho vay đi không phải là tiền, mà là sự tin tưởng và tình nghĩa.
Khi vay tiền, bạn có thể nhìn thấu lòng người, nhìn thấu bản chất một người.
Có câu: “Hoạn nạn thấy chân tình”.
Khi bạn khó khăn, người sẵn sàng đứng ra giúp bạn, đó mới là bạn bè thực sự.
Trả tiền thấu nhân phẩm
Có vay có trả, lại vay không khó.
Trả tiền có thể nhìn thấu nhân phẩm của một người.
Người nhân phẩm tốt sẽ trả nợ đúng hạn; người nhân phẩm không tốt sẽ luôn tìm cách trì hoãn, dây dưa không trả.
Có một câu chuyện như sau:
Có một người trẻ, ba của anh ấy lái xe đụng trúng người ta, cần đền bù cho người bị đâm 70 triệu.
70 triệu đối với một gia đình bình thường, không phải con số nhỏ.
Vì vậy, anh chạy đi vay mượn khắp nơi, có một người bạn tốt khi biết sự tình đã cho anh vay 30 triệu.
Sau đó, người cha mất đi sức lao động, gánh nặng kinh tế đè hết lên vai anh con trai.
Vài tháng sau, anh nghe nói người bạn cho mình vay tiền bị bệnh nặng, cần tiền chưa trị gấp.
Trước đó anh làm việc cật lực để trả nợ, bản thân cũng không dư dả bao nhiêu.
Anh về nhà thương lượng với ba mẹ, thế chấp căn nhà để trả người bạn kia tiền, rồi cho người bạn ấy vay thêm một chút phòng trường hợp cấp bách.
Người bạn sau khi tỉnh lại: “Khi đó là vì tin vào nhân phẩm của cậu ấy nên mới dám cho cậu ấy vay.
Dẫu sao thì khi ấy cũng chẳng ai biết tôi có thể tỉnh lại hay không, nếu cậu ấy không xuất hiện, cũng chẳng có ai biết tôi từng cho cậu ấy vay tiền.”
Sau này khi người bạn hồi phục, lập tức trả cho người bạn số tiền mà anh cho mình vay.
Cả hai người họ đều hiểu rằng, không có thứ tình cảm nào là lẽ đương nhiên cả, tình nghĩa thực sự là khoảnh khắc bạn đứng ra khi người khác cần tới bạn.
Xã hội hiện tại, có thể cho bạn vay tiền, đều là quý nhân của cuộc đời bạn.
Rất nhiều khi, bạn cho người khác vay tiền, ban đầu người ta sẽ thấy biết ơn, nhưng lâu dần, có một vài người sẽ quên và trở nên tê liệt, xem tiền đi vay là tiền của mình, muốn chiếm làm của riêng.
Hành vi này không chỉ phụ sự tín nhiệm của người khác, mà còn hao mòn đi nhân phẩm của chính mình.
Người ta thường nói, vay tiền sẽ làm tổn thương tới tình cảm, nhưng thúc người ta trả tiền còn làm tổn thương tình cảm hơn.
Rất nhiều đoạn tình cảm đã bị xé nát sau khi cho ai đó vay tiền và chờ đợi họ chủ động trả lại cho mình.
Vì vậy, luôn biết ơn, đồng thời chủ động trả tiền đúng thời hạn, người như vậy, nhân phẩm chắc chắn không tồi.
Nói chuyện tiền bạc, là viên đá Touchstone thử độ bền của tình cảm
Có câu: “Có tiền mua tiên cũng được.”
Ai chẳng thích tiền, vì vậy, tiền có thể nhìn thấu lòng người, có thể thử thách được nhân tính, còn có thể thử nghiệm được tình bạn.
Phản ứng của con người khi đối mặt với tiền bạc là chân thực nhất, thái độ với tiền khó mà giấu giếm được.
Tiền bạc là thứ tốt có thể nhìn thấu lòng người, đo độ nóng lạnh của con người, nhìn ra bản chất của một người.
Tiền bạc được bàn đến trong tình cảm, không chỉ đơn thuần là tiền bạc, mà còn là lòng tin và tình người.
Vì vậy, hãy trân trọng người sòng phẳng, rõ ràng và dám nói chuyện tiền bạc với bạn, vì họ chính là người coi bạn quan trọng hơn tiền bạc.
Càng rõ ràng về tiền bạc, mối quan hệ càng bền chặt
Nhiều người nói rằng trong một mối quan hệ, cứ nói đến tiền để làm gì, sẽ khiến cảm xúc bị tổn thương. Nhưng thực ra không phải vậy. Càng thẳng thắn, rõ ràng về tiền bạc, cả hai phía sẽ càng đỡ khó xử, tổn thương sau này.
Lẽ đơn giản, tiền bạc là một phần không thể tách rời trong cuộc sống của mỗi chúng ta, vậy làm sao để tách rời nó khỏi các mối quan hệ cho được? Do đó, cố ý không nói về tiền chỉ là chôn vùi gốc rễ của mâu thuẫn, xuất phát từ sự ngại đề cập, từ sự cả nể.
Chỉ khi rành rẽ mối quan hệ và tiền bạc thì mối quan hệ đó mới có thể lâu dài, bền vững. Đừng quên rằng tiền bạc có thể tạo ra hạnh phúc, nhưng cũng có thể phá vỡ hạnh phúc đó một cách nhanh chóng.
Trong gia đình, vợ chồng nên rõ ràng về tiền bạc. Trong mối quan hệ làm ăn, càng cần phải rành mạch, dứt khoát về tiền. Hay với bạn bè, họ hàng, sòng phẳng tiền bạc cũng là cách để hai phía nhìn nhau thoải mái, không phải dè chừng, e ngại. Thế mới nói, càng rõ ràng về tiền bạc, mối quan hệ càng bền lâu.
Tiền bạc có thể làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực
Một cách rất tự nhiên, tiền bạc gây ra sự nghi kỵ, sự so sánh ngầm giữa các cá nhân với nhau. Khi một người nảy sinh tâm lý rằng mình kém cỏi hơn so với người kia vì không nhiều tiền bằng họ, mối quan hệ giữa cả hai sẽ thay đổi.
Kể cả bạn có không phải người trọng tiền bạc, thì những thước đo vô hình cũng sẽ khiến cho bạn cảm thấy mình “lệch pha” so với những người giàu có hơn, đẳng cấp hơn trong xã hội, dù danh nghĩa là bạn, là họ hàng thân thích.
Thế nên, để tránh những cảm xúc tiêu cực phát sinh, đừng đề cao giá trị của tiền khi xây dựng mối quan hệ. Nếu không, đối phương không nhìn vào bạn, mà lại nhìn vào tiền của bạn, để xác định tên gọi của mối quan hệ này.
Tổng hợp: Sohu, Trí thức trẻ