Không chỉ giàu có bậc nhất thế giới, tỷ phú Bill Gates được các bạn trẻ thêu dệt thành huyền thoại về một chàng sinh viên nhờ… bỏ học mới có được thành công vượt trội.
Giống như Steve Jobs, Mark Zuckerberg hay Oprah Winfrey, Bill Gates là tỷ phú từng bỏ học. Ông trở thành hình mẫu của rất nhiều người theo chủ nghĩa hoài nghi vào giáo dục. Những người này cho rằng, nếu các tỷ phú đều không cần bằng đại học thì bằng cấp với họ cũng là điều không cần thiết.
Nhà văn Mark Twain từng nói: “Tôi không bao giờ để môi trường sư phạm ngăn cản việc học của mình”. Câu nói này có vẻ đúng với trường hợp của khá nhiều người thành công, cho rằng môi trường sư phạm không phù hợp với họ để rồi quyết định dấn thân lập nghiệp trước khi kiếm được “mảnh bằng” đại học như bao người khác.
Tuy nhiên, trong một bài chia sẻ của mình, tỷ phú Gates cho thấy quan điểm hoàn toàn ngược lại. Ông nói rằng mọi người thật sự cần một tấm bằng đại học. “Mặc dù tôi đã bỏ học và may mắn thành công khi theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực phần mềm nhưng một tấm bằng tốt nghiệp đại học vẫn là con đường chắc chắn và an toàn hơn để dẫn đến thành công”.
“Các học sinh tốt nghiệp đại học có khả năng tìm được một công việc tốt hơn, có thu nhập cao hơn và thậm chí nhiều bằng chứng cho thấy họ sống cuộc sống lành mạnh hơn so với những người không có bằng đại học. Những người này cũng có thể mang những kỹ năng và kiến thức học được để áp dụng vào công việc, giúp tăng năng suất làm việc của lực lượng lao động Mỹ, từ đó đẩy nền kinh tế phát triển và có tính cạnh tranh”.
Bill Gates nói thêm: “Thật tồi tệ khi chúng ta ngày càng có ít sinh viên tốt nghiệp”.
Trước đó, Cheryl Hyman – hiệu trưởng đại học City Colleges tại Chicago cũng chia sẻ rằng trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của mình, bà liên tục chứng kiến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thấp một cách đáng báo động.
Chính vì vậy, bà đã đưa ra giải pháp là đơn giản hóa quy trình chọn lựa khóa học để các sinh viên dễ dàng hơn trong việc đăng ký. Thực tế sự phức tạp trong quy trình chọn lựa khóa học tại nhiều trường đại học đang là vấn đề vô cùng lớn.
“Vấn đề không phải là không đủ người vào đại học. Vấn đề nằm ở chỗ không đủ lượng người tốt nghiệp”, Gates nói. Thực tế, có khoảng 1/5 người trong độ tuổi lao động đã học đại học nhưng lại không hề có bằng tốt nghiệp.
Dù đến nay, vẫn chưa tìm ra cách thức tốt nhất để giảm tỷ lệ sinh viên bỏ học. Nhưng rõ ràng đây là một vấn đề rất lớn. Các sinh viên không chỉ có được kiến thức từ việc học tập mà họ còn được trang bị những kỹ năng giá trị cho tương lai, tìm ra giải pháp và có lòng tin vào thành công.
Không thể phủ nhận, sự yếu kém của nền kinh tế trong suốt 15 năm qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp. Theo giáo sư David Autor thì giáo dục không phải một musical chair (trò chơi trong đó những người tham gia sẽ đi vòng quanh một dãy ghế cho đến khi nhạc dừng lại, rồi người nào không giành được ghế để ngồi vào sẽ phải rời khỏi trò chơi).
Càng có kiến thức, bạn càng giàu có, khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn. Một số quốc gia như Hàn Quốc và Mỹ đều đang nhanh chóng mở rộng số lượng sinh viên tốt nghiệp trong những thập kỷ gần đây.
“Thật khó để tìm ra ví dụ về một quốc gia nào không được hưởng lợi từ những khoản đầu tư bền vững vào giáo dục hiện đại. Trong khi có rất nhiều bằng chứng cho thấy, những khoản đầu tư như vậy sẽ được đến đáp trong trung và dài hạn”.
Dù vẫn có những người theo chủ nghĩa hoài nghi vào giá trị giáo dục nhưng ngay cả những người từng bỏ học nổi tiếng nhất thế giới lại không hề nghi ngờ về việc này.
Một nữ giáo viên chất vấn Bill Gates rằng, làm thế nào để khuyến khích học sinh học tiếp lên đại học khi mà thần tượng của họ lại rời bỏ trường học hàng đầu là Harvard. Tỷ phú Bill Gates cho biết ông thực sự đã gần tốt nghiệp. Khi khởi nghiệp Microsoft, ông luôn nghĩ một ngày nào đó sẽ trở lại đại học Harvard.
Tuy nhiên, Bill Gates đến nay vẫn chưa thể làm được điều đó. Ông giải thích, ông chưa trở lại đại học Harvard chỉ vì công việc quá bận, trách nhiệm quá lớn đến mức không có 1 phút nào được phép lơ đễnh.
Bill Gates khẳng định: “Tôi rất thích học, nhưng khi nhìn thấy cơ hội để bắt đầu một công ty có thể làm thay đổi thể giới tôi đã không do dự. Đây là trường hợp đặc biệt”. Cuối cùng, tỷ phú Bill Gates khuyên các bạn trẻ: “Hãy làm như tôi nói. Đừng làm như tôi đã làm”.
Theo thống kê của Forbes, trong số 400 người tự lập nghiệp giàu nhất thì chỉ có 63 cá nhân từ bỏ đại học hoặc những trường học cao hơn. Mặc dù vậy, 337 người còn lại có ít nhất 1 bằng đại học và trong số 63 người bỏ học nêu trên, đa phần họ đều tham gia học những trường có tiếng sau đó từ bỏ.
Bill Gates cùng Mark Zuckerberg bỏ học, nhưng trước khi bỏ học họ đã theo học tại Havard, học đủ số môn mình cần, họ chỉ không có bằng mà thôi nên đừng nghĩ rằng bỏ học tại một trường bình thường với kiến thức ít ỏi có thể giúp bạn thành công trên thương trường.
Không cần học vẫn giàu – Sự “tưởng bở” của nhiều thế hệ
Người Trung Quốc thường dùng hai ví dụ sau để dẫn chứng cho việc trí tuệ của những người không bằng cấp có thể vượt xa các chuyên gia, giáo sư:
Câu chuyện thứ nhất: Giáo sư tiêu hết 900.000 tệ, nông dân, công nhân tiêu không quá 190 tệ.
Một thương hiệu hoá mỹ phẩm đã giới thiệu một dòng bao bì xà phòng và thấy rằng có một thiếu sót: Có rất nhiều hộp không có xà phòng bên trong. Sau đó, họ yêu cầu một giáo sư tự động thiết kế chương trình để chọn lọc các hộp xà phòng rỗng.
Nhóm nghiên cứu gồm hơn chục giáo sư, sử dụng kết hợp cơ học, vi điện tử, tự động hóa, phát hiện tia X và các công nghệ khác, đã chi 900.000 tệ để giải quyết thành công vấn đề.
Bất cứ khi nào một hộp xà phòng rỗng đi qua dây chuyền sản xuất, các máy dò ở cả hai bên sẽ phát hiện ra nó và lái một robot đẩy hộp xà phòng rỗng đi.
Một doanh nghiệp ở thị trấn nhỏ miền nam Trung Quốc cũng gặp vấn đề tương tự. Ông chủ tức giận tìm một công nhân và nói: “Cả nhà cậu nếu không giải quyết được việc này, thì biến khỏi đây cho tôi”.
Người công nhân đã nhanh chóng tìm ra một cách. Anh ta chi 190 tệ cho dây chuyền sản xuất và đặt một chiếc quạt điện công suất cao để thổi vào đó, như vậy những hộp xà phòng trống sẽ bị thổi bay.
Câu chuyện này cho chúng ta biết: Kiến thức không phải đều là lực lượng sản xuất/ Những người không có trình độ học vấn rất có sáng tạo/ Quan trọng có thể thổi được bao nhiêu hộp rỗng.
Câu chuyện thứ hai: Chiếc bút ngoài vũ trụ
Trong suốt 10 năm, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiêu tốn hàng triệu USD để nghiên cứu, chế tạo ra một loại bút bi mà các phi hành gia có thể viết được trong môi trường chân không và dưới điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.
Bởi vì, nếu không có trọng lực, thì mực không thể đổ xuống đầu bi của bút được. Nhưng đồng thời lúc đó, các phi hành gia Liên Xô đã sử dụng bút chì trong không gian.
Hai câu chuyện này, nhiều người đã được nghe nhiều lần, ở lớp tiểu học, trung học, từ bạn bè, đồng nghiệp… Điểm chung của nhiều người khi kể những câu chuyện này là đều sử dụng một kiểu tự mãn: “Đọc sách để làm gì? Càng đọc nhiều càng dốt”.
Thực tế, câu chuyện thứ hai đã bị khẳng định là tin đồn, vì các phi hành gia cũng không sử dụng bút chì do ngòi viết dễ bị vỡ và các mảnh bút chì trôi nổi trong môi trường không trọng lực có thể lọt vào máy móc hay tròng mắt của phi hành gia.
Còn trong câu chuyện đầu tiên, ngay cả khi hãng hóa mỹ phẩm sử dụng quạt điện, nhưng khi có nhiều dây chuyền sản xuất thì họ phải thuê mỗi dây chuyền một công nhân đi nhặt hộp xà phòng rỗng. Như vậy, mỗi năm tiền lương và thưởng của công ty cho số công nhân này còn lớn hơn 900.000 tệ.
Trong cả hai trường hợp này, phát minh “chân đất” đều chưa giải quyết vấn đề triệt để như nhiều người tưởng.
Nhiều người thích câu chuyện về những người nổi tiếng, có sự nghiệp thành công mà không cần học cao. Câu quen thuộc của họ là “Bill Gates cũng bỏ học giữa chừng đấy thôi”. Tuy nhiên, trên thực tế Bill Gates chỉ bỏ ngang đại học, song vẫn tự học suốt đời.
Tham khảo: Tiền Phong, Doanh nghiệp tiếp thị
Xem thêm bài liên quan
- Điều khiến tỷ phú Bill Gates hối tiếc thời còn học Harvard: Thanh xuân đã qua không quay lại được
- Sếp FPT Đỗ Cao Bảo trả lời câu hỏi “Doanh nhân thành công có học không, có đọc sách không?” Xin thưa, doanh nhân có học, có đọc sách chứ
- Tỷ phú Bill Gates lần đầu làm rõ giai thoại “Thấy tờ tiền 100 USD rơi dưới đất không thèm nhặt lên”