Trên chiến trận cũng như trên thương trường, ta muốn đánh dẹp “kẻ địch” mà sức chẳng địch nổi, biết làm sao? Tư Mã Ý có một công thức: Nếu địch là kỳ tài, ta chờ địch chết rồi mới khen! Khi địch còn sống, ta dìm hàng địch bất chấp lí lẽ!
Khổng Minh Gia Cát Lượng là nhân vật luôn khiến cho người ta phải tranh luận. Từ thời kỳ mà tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung còn gây ảnh hưởng mạnh cho đến giai đoạn bộ sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ được xuất bản lần đầu tại Việt Nam, đã có những chuyển dời trong con mắt đánh giá của thế nhân dành cho ông. Thôi thì khen chê đủ cả.
Tư Mã Ý phẩm bình Gia Cát Lượng: Who? What? Whom? When? Where?
1 – WHO?
Nhưng rốt cục thì nhận xét của ai là đúng đắn nhất, có căn cứ nhất? Là chúng ta – những người sống cách ông gần hai ngàn năm? Là Trần Thọ và Bùi Tùng Chi – những sử gia đã cố phác họa chân dung lịch sử của ông? Là La Quán Trung – người vẽ nên chân dung văn học của ông?
Chúng ta có thể cân nhắc thêm một người nữa: Đối thủ lớn của ông – Tư Mã Ý.
2 – WHAT?
Tư Mã Ý có ít nhất hai lời bình về Gia Cát Lượng. Điều kỳ lạ là chúng khá trái ngược nhau.
Lời bình thứ nhất nằm trong Tấn Thư – Tuyên đế kỷ: “Lượng chí lớn nhưng không biết thời cơ, nhiều mưu mà thiếu quyết đoán, giỏi binh nhưng không quyền biến”.
Lời bình thứ hai được cả Tấn Thư và Tam Quốc Chí chép lại: (Lượng) “thật là kỳ tài trong thiên hạ vậy”.
Tại sao lại có sự trái ngược này?
Nên nhớ, Ý khen Lượng là “kỳ tài” chứ đâu chỉ dừng lại ở mức “có tài”. “Kỳ tài” thì lẽ đâu lại nhiều khuyết điểm thế? Vừa không biết thời cơ, vừa thiếu quyết đoán lại còn không quyền biến?
Thật ra, cả hai phát ngôn của Tư Mã Ý đều có vấn đề. Ai cũng biết Tư Mã Ý đối đầu với Gia Cát Lượng ở chiến trường Ung – Lương, ân oán bao năm, duyên nợ không thiếu. Lời bình luận dành cho đối thủ đa phần đều là không khách quan. Hơn nữa, là một chính trị gia lão luyện, Tư Mã Ý hẳn là có nhiều hơn một lí do khi đưa ra hai phát ngôn tiền hậu bất nhất như vậy.
Để biết tại sao, cần phải tính đến: Người lắng nghe phát ngôn đó là ai? Ở đâu? Khi nào?
3 – WHOM? WHEN? WHERE?
Phát ngôn thứ nhất được Tư Mã Ý viết trong thư trả lời người em Tư Mã Phu, giữa chiến dịch bắc phạt cuối cùng của Lượng. Đại loại, Phu viết thư hỏi Ý tình hình chiến sự. Ý sau khi chê bai Lượng, còn tự tin khẳng định rằng (Lượng) “dẫu nắm quân mười vạn, lại đã rơi vào trù tính của ta, tất bị đánh bại thôi”.
Phát ngôn thứ hai xuất hiện ở thời điểm Lượng vừa mất, quân Thục rút lui, Ý dẫn quân Ngụy tấn chiếm khu vực doanh lũy mà quân Thục để lại. Chứng kiến các bố trí quân sự này, Ý buộc phải thốt ra lời khen “kỳ tài” đó.
Thế thì phát ngôn nào khách quan hơn?
Phát ngôn thứ hai xuất hiện sau quá trình quan sát bố trí doanh lũy của Gia Cát Lượng, có sự chứng kiến của đông đảo quân Ngụy. Do vậy, khả năng thiên lệch là thấp, tính khách quan hiển nhiên là cao hơn so với phát ngôn thứ nhất – vốn chỉ là lời riêng tư trong thư giữa hai anh em trong nhà với nhau.
Từ phân tích về người nhận được phát ngôn và hoàn cảnh phát ngôn, có thể thấy phát ngôn thứ nhất chê bai Gia Cát Lượng như vậy không ngoài mục đích nâng cao sĩ khí, động viên rằng “ở nhà cứ yên tâm, Lượng cũng gà thôi, Ý tôi thắng chắc”.
Bảo là ba hoa khoác lác cũng không oan, khi mà mới cách đó không lâu, trong chiến dịch bắc phạt lần thứ năm – cũng là lần đối đầu trực tiếp duy nhất giữa Lượng và Ý, thì Ý đã bị Lượng đánh cho sấp mặt, vả cho không trượt phát nào
Trong khi đó, phát ngôn thứ hai xuất hiện khi Gia Cát Lượng đã mất, Tư Mã Ý đã không còn cần phải cố tình “dìm hàng” Lượng như lúc trước để nâng cao sĩ khí nữa. Trái lại, Ý khen Lượng lúc này lại là cách khéo léo để gián tiếp nâng chính mình lên. Hàm ý là: “Một kỳ tài thiên hạ như thế này, nhưng cũng không thể thắng được ta”. Quả thật, thâm như Ý!
4 – KẾT
Mà, thử xét lại xem liệu có đúng là Lượng “không biết thời cơ”, “thiếu quyết đoán”, “thiếu quyền biến” hay không:
Nếu nói Lượng “không biết thời cơ” , thế ai đã nhìn đúng thời điểm, ra quân bắc phạt lần thứ nhất khiến cho cả triều Tào Ngụy bất ngờ, “triều dã chấn động”, ở giai đoạn đầu còn nắm được 3 quận Lương châu? Thế ai đã chọn đúng chiến cơ, hợp binh cùng Trần Thức uy hiếp Quách Hoài, nuốt gọn hai quận Vũ Đô, Âm Bình trong lần bắc phạt thứ ba?
Nếu nói Lượng “thiếu quyết đoán”, hãy nhớ lại, Lượng ra kế còn quyết tuyệt hơn cả Lưu Bị. Khi Tào Tháo nam hạ Kinh châu, chính Lượng bày kế để Lưu Bị đánh Lưu Tông chiếm Kinh châu, chẳng qua Lưu Bị không dùng mà thôi. Dám cả gan giết cháu đoạt nhà ngay trước mồm Tào Tháo, sát phạt quyết đoán còn gì hơn được nữa?
Nếu nói Lượng “không quyền biến”, hãy nhớ lại ai là người đã ân uy cùng thi triển, cương nhu đồng thời:
+ với man di biên hoang như Mạnh Hoạch thì thất cầm thất túng để thu phục hoàn toàn, biến Nam Trung thành hậu phương vững chãi;
+ với người Khương, người Đê ở Lương châu thì khéo léo chiêu dụ, tạo thành trợ lực lớn giúp chiếm được Nam An, Thiên Thủy, An Định trong lần bắc phạt thứ nhất;
+ với thế tộc Ba Thục bản thổ thì chèn ép mạnh mẽ, giúp Kinh châu phái và Nguyên tòng phái nắm giữ địa vị chủ đạo trong triều đình Thục Hán
…
Nếu như Lượng không quyền biến, làm sao có thể với mỗi đối tượng khác nhau lại có cách xử lý khác nhau và đều thu được hiệu quả cao như vậy? Không quyền biến thì làm sao có thể khéo léo “xin giáng cấp Đại tướng quân” sau thất bại Nhai Đình, nhưng thực tế thì là “đổi làm Hữu tướng quân Hành Thừa tướng sự, vẫn thống lĩnh như cũ”? Để rồi sau thắng lợi ở lần bắc phạt thứ ba thì đàng hoàng phục chức?
Tư Mã Ý không thể không biết đến những điều này. Những phát ngôn của Ý chẳng qua là có ý đồ khác mà thôi.
Trong Hỏa Phụng Liêu Nguyên, Trần Mỗ có nhắc đến “Sĩ Khí Luận”:
“Chê địch khen ta có 3 cách: Tướng địch thắng một trận thì chê tướng ta bất cẩn. Tướng địch thắng nhiều trận thì chê quân sư bên ta bày mưu không hợp lí. Tướng địch luôn luôn thắng thì chê tướng địch hữu dũng vô mưu”.
Tư Mã Ý có một công thức khác: Nếu địch là kỳ tài, ta chờ địch chết rồi mới khen! Khi địch còn sống, ta dìm hàng địch bất chấp lí lẽ!
P/S: Năm đó trước chiến dịch Quan Độ, có một người cũng chê bai một người khác rằng “nhiều mưu kế mà thiếu quyết đoán, về sau thường mắc sai lầm”. Lời bình “nhiều mưu mà thiếu quyết đoán” này, nghe rất quen đúng không?
Đấy là Quách Gia dìm hàng Viên Thiệu để động viên Tào Tháo quyết tâm chiến đấu đó thôi! Nếu Tháo không thể hiện sự thiếu sự tin đến độ phải thở vắn than dài “Bản Sơ nắm giữ bộ chúng của Ký châu, Thanh châu và Tinh châu theo hắn, đất rộng binh cường …Ta muốn đánh dẹp hắn, mà sức chẳng địch nổi, biết làm sao?”, ắt hẳn Quách Gia cũng không phải nhọc công nghĩ ra “Thập thắng luận” vậy.
Nguồn: Yêu Tam Quốc