Trong cuốn sách nổi tiếng “Nghĩ giàu, làm giàu”, tác giả Napoleon Hill đã dành 25 năm để nghiên cứu và tìm hiểu những người giàu có đã làm thế nào để đạt được những thành quả đỉnh cao như vậy.
Câu chuyện của “Ông vua xe hơi” Henry Ford và chiếc Ford V8 là một trong những nhân tố đã mang đến câu trả lời cho tác giả.
CHIẾC FORD V8 VỚI ĐỘNG CƠ KHÔNG TƯỞNG
Khi Henry Ford quyết định chế tạo chiếc xe hơi V8 nổi tiếng của mình, ông dự định thiết kế một loại động cơ mới với toàn bộ tám xi-lanh gộp thành một khối. Ông chỉ thị các kỹ sư của mình vẽ mẫu thiết kế cho động cơ này.
Bản thiết kế đã được hình thành trên lý thuyết nhưng các kỹ sư đều đồng loạt cho rằng, trên thực tế, việc chế tạo một động cơ với tám xi-lanh là không tưởng.
Nhưng Ford kiên quyết: “Bằng mọi giá, hãy chế tạo ra nó!”.
“Nhưng thật sự là không thể làm được!”, các kỹ sư trả lời.
“Cứ cố gắng hết sức mình đi”, Ford ra lệnh. “Hãy làm cho đến khi các anh thành công, dù phải mất bao nhiêu thời gian đi nữa”.
Các kỹ sư lại lao vào tìm tòi, thiết kế. Sáu tháng trôi qua, không có gì tiến triển. Rồi sáu tháng nữa lại trôi qua, vẫn chẳng có gì mới mẻ. Các kỹ sư đã thử đủ mọi cách để giải quyết vấn đề, nhưng mọi thứ chỉ có thể gói gọn trong hai từ “không thể”.
Cuối năm, Ford đến gặp các kỹ sư của mình. Một lần nữa, họ lại cho ông biết rằng không có cách nào giải quyết được vấn đề nan giải đó.
“Hãy tiếp tục!”, Ford nói. “Tôi muốn có nó và tôi phải có nó!”.
Họ lại tiếp tục.
Và rồi cuối cùng, như có phép màu, điều bí ẩn đã được khám phá. Lòng quyết tâm của Ford một lần nữa lại chiến thắng!
Henry Ford thành công vì ông đã hiểu và áp dụng những nguyên tắc dẫn đến thành công. Một trong số những nguyên tắc đó là niềm khao khát thành công: biết rõ những gì mình thật sự mong muốn.
Hãy ghi nhớ câu chuyện của Ford, hãy trích ra những dòng miêu tả lại bí quyết để đạt được thành quả kỳ diệu như của ông ấy. Nếu bạn có thể làm được điều đó, nếu bạn có thể cảm nhận được những nguyên tắc cụ thể đã làm cho Henry Ford trở nên giàu có, bạn cũng có thể đạt được những thành tựu không kém gì Ford trong gần như tất cả những ngành nghề phù hợp với bạn.
“TA LÀ CHỦ NHÂN CỦA CHÍNH SỐ PHẬN TA”
Nhà thơ nổi tiếng người Anh William Henley đã viết những dòng thơ mang đầy tính tiên tri như sau: “Ta là chủ nhân của chính số phận ta. Ta là thuyền trưởng của con tàu tâm trí.”
Có lẽ Henley muốn nhắn nhủ rằng, chúng ta là người làm chủ vận mệnh của mình, là thuyền trưởng trèo lái con thuyền tâm hồn mình bởi chúng ta có sức mạnh để điều khiển và kiểm soát được suy nghĩ của chính mình.
Ông cũng muốn nói rằng những ý tưởng đang chi phối và ám ảnh chúng ta có thể biến não bộ của chúng ta thành “một thanh nam châm” có sức thu hút rất mạnh. Dường như chính bộ não “nam châm” ấy thu hút về phía chúng ta những nguồn lực, con người và tình huống phù hợp với những ý tưởng đó.
Henley cũng muốn cho chúng ta biết rằng, trước khi có thể trở nên thành công, chúng ta phải “từ hóa” tâm trí của chính mình bằng một niềm khao khát mãnh liệt. Chúng ta phải hình thành được “ý thức về thành công và tiền bạc” cho đến khi khát vọng đó dẫn dắt và thúc giục chúng ta vạch ra một kế hoạch cụ thể để đạt bằng được mục đích.
Nhưng vì là một nhà thơ, Henley đã tự bằng lòng với mình khi nói lên chân lý lớn lao kia chỉ bằng hai câu thơ cô đọng, mặc cho hậu thế tìm mọi cách diễn giải ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong những dòng thơ đó.
Nhưng rồi chân lý cũng từ từ hé mở.
Napoleon Hill cũng khẳng định chắc chắn rằng, những nguyên tắc được trình bày trong cuốn sách này chứa đựng bí quyết giúp bạn làm chủ được vận mệnh tài chính của mình.
13 NGUYÊN TẮC LÀM THAY ĐỔI SỐ PHẬN
1. Khát vọng
Để trở nên giàu có đích thực điều đầu tiên những người thành công phải có đó là một khát vọng mãnh liệt và nuôi dưỡng thường xuyên. Đó là động lực lớn để vươn tới những thành công vĩ đại.
2. Niềm tin
Một niềm tin lớn và một khát vọng mãnh liệt sẽ là sức mạnh to lớn để biến mọi ước mơ thành hiện thực.
3. Tự kỷ ám thị
Đưa vào trong tiềm thức của chính mình những niềm tin kiên định về những điều mong muốn đạt được một cách sâu sắc, thường trực.
4. Kiến thức chuyên môn
Trước khi bạn có thể biến khát vọng làm giàu thành đồng tiền cụ thể, bạn cần có những kiến thức chuyên môn về những loại dịch vụ, thương mại hay chuyên ngành mà bạn dự định cung cấp cho người tiêu dùng để đổi lấy tiền bạc.
5. Óc tưởng tượng
Óc tưởng tượng là một phân xưởng nơi con người có thể vạch ra mọi kế hoạch. Động cơ và khát vọng đều được định hình và biến thành hành động thông qua sự giúp đỡ của óc tưởng tượng.
6. Lập kế hoạch
Thành quả của bạn lớn đến đâu phụ thuộc vào tính đúng đắn của lập kế hoạch.
7. Tính quyết đoán
Phân tích của Napoleon Hill về hàng trăm người có tài sản trên 1 triệu USD cho thấy một thực tế là họ có quyết định nhanh chóng và thay đổi chậm. Người thất bại trong làm giàu lại đưa quyết định chần chừ, hay thay đổi nhanh chóng và thường xuyên.
8. Lòng kiên trì
Nền tảng của lòng kiên trì là sức mạnh của ý chí. Sức mạnh ý chí và khát khao khi kết hợp đúng đắn sẽ tạo ra một cặp tính cách có sức mạnh vô địch.
9. Sức mạnh của nhóm trí tuệ ưu tú
Những nỗ lực có tổ chức hình thành qua sự phối hợp của hai hay nhiều người cùng làm việc để hướng tới một mục đích rõ ràng trên tinh thần hòa hợp.
10. Tình dục
Ham muốn tình dục đứng đầu danh sách những yếu tố kích thích tâm trí và làm “quay” bánh xe hành động. Khi có động cơ là sự ham muốn con người sẽ chứng tỏ lòng can đảm, sức mạnh ý chí, lòng kiên trì và khả năng sáng tạo lớn.
11. Tiềm thức
Bạn có thể cấy vào tiềm thức của mình bất cứ kế hoạch, ý tưởng hay mục đích nào mà bạn khát khao muốn biến thành các giá trị vật chất hay tiền bạc tương đương.
12. Não bộ
Bộ não khi được kích thích bởi cảm xúc sẽ hoạt động ở một cường độ nhanh, mạnh hơn khi không cảm xúc giúp khả năng suy nghĩ được tăng lên mức tại đó trí tưởng tượng sáng tạo trở nên dễ đón nhận ý tưởng mới.
13. Giác quan thứ 6
Giác quan thứ 6 là nguyên tắc làm giàu thứ 13 được kể đến, chính nhờ nó mà Trí tuệ vô biên có thể giao tiếp một cách tự nguyện mà không cần một nỗ lực hay yêu cầu nào từ chính chủ thể – con người.
Napoleon Hill nhấn mạnh, hãy luôn nhớ rằng sự giàu có thực sự không được đo bằng những gì bạn đang có mà bằng những gì bạn mong muốn trở thành.
* Nội dung bài viết được rút từ cuốn sách Nghĩ Giàu Làm Giàu của tác giả Napoleon Hill xuất bản năm 1937.
Xem thêm bài liên quan
- Trước khi nghĩ tới làm giàu, hãy ngẫm câu chuyện về “vua xe hơi” Henry Ford vô cùng thấm thía này
- Trước khi muốn làm giàu, bạn hãy đọc câu chuyện vô cùng đắt giá về “vua xe hơi” Henry Ford
- 5 triết lý kinh doanh để đời của “vua xe hơi” Henry Ford: Mục tiêu cao nhất của kinh doanh không phải là “lợi nhuận”