Mọi người thường ngưỡng mộ những người “tham công tiếc việc”, cặm cụi với công việc đến tận sáng sớm. Tuy nhiên, không phải điều này lúc nào cũng là tốt mà còn gây hại trở lại.
Trong cuộc sống hiện đại, áp lực kiếm tiền luôn đè nặng lên mỗi chúng ta. Kiếm tiền càng ngày càng khó khăn, chẳng còn cách nào khác ngoài cố gắng hết sức mình để có thu nhập ổn định lo cho gia đình và bản thân. Thế nhưng bạn cũng đừng nên dốc tất cả sức lực để làm việc. Bất cứ khi nào thấy mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi, phải biết lắng nghe cơ thể, đừng ép mình phải làm quá sức.
Khi còn sức khỏe, hãy biết trân trọng nó, bạn làm việc quá nhiều cũng là một hình thức tự hủy hoại sức khỏe của mình. Quãng đường còn dài, bạn còn rất nhiều thời gian để làm việc, không nhất thiết phải cố quá làm gì, thậm chí nếu không may sức khỏe bị ảnh hưởng thì lại không thể làm việc nữa.
Vậy nên hãy sắp xếp thời gian làm việc một cách hợp lí.
“Không có lao động, mọi cuộc sống đều trở nên mục ruỗng. Nhưng khi lao động không hồn, cuộc sống ngột ngạt sẽ giết chết bạn” – Albert Camus.
“Nếu bạn gặp một ai đó hành động như một kẻ ngốc, thì có thể người đó đang bị thiếu ngủ” -Jason Fried và David Heinemeier.
Dấu hiệu của những con ong “nghiện” công việc
- Thường xuyên làm việc nhiều hơn 14 giờ/ ngày
- Làm việc triền miên để quên đi cảm giác cô đơn, trầm cảm
- Ôm đồm quá nhiều việc vào người, không yên tâm khi để người khác làm thay
- Mất đi thú vui vào các hoạt động giải trí, thể thao chỉ vì cố làm thêm giờ
- Hay bị đau đầu, mất ngủ và nằm trằn trọc cả đêm nghĩ về công việc
Nghiện công việc cũng nguy hiểm như nghiện thuốc lá, nghiện rượu,… nếu không tìm cách giải quyết sớm thì hậu quả để lại là vô cùng khôn lường!
Khi bạn bị thiếu ngủ, đầu óc bạn sẽ không còn minh mẫn, bạn trông thiếu sức sống, chẳng còn biết gì ngoài công việc nhưng thật sự lúc ấy bạn sẽ chẳng thể nảy ra được ý tưởng nào hay ho bởi bạn đang làm việc như một cái máy không biết ngừng nghỉ.
Thiếu ngủ thường xuyên có thể gây ra những tác hại xấu đến suy nghĩ thậm chí tính cách của bạn như hay cáu kỉnh, thiếu sáng tạo, tinh thần giảm sút. Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc một cách thông minh.
Một điều còn quan trọng hơn là khi bạn làm việc đến mức điên cuồng, có thể bạn sẽ mất đi những mối quan hệ của mình. Mối quan hệ nào cũng thế, nếu không tiếp xúc không nói chuyện thì chỉ một thời gian cũng sẽ bị phai nhạt, dần dần chúng ta sẽ mất đi những mối quan hệ lúc nào không hay, rồi lại trở nên đơn độc.
Hơn nữa, khi bạn làm việc bán sống bán chết như vậy, thời gian dành cho gia đình bạn là bằng 0. Cha mẹ sinh ta ra, nuôi nấng ta lớn khôn trưởng thành, đi làm không phải để có được tiền mà chúng ta làm ra.
Cái họ thực sự cần là thời gian và tình cảm mà ta dành cho họ. Cha mẹ ngày một lớn tuổi, mỗi ngày trôi đi là quỹ thời gian mà ta được ở bên cha mẹ sẽ giảm đi 1 ngày. Vậy tại sao bạn cứ hoài lãng phí để rồi sau này lại hối tiếc vì mình đã không dành thời gian cho họ.
Nếu bạn chưa có gia đình thì đây là khoảng thời gian bạn cần những cuộc vui chơi. Tất nhiên không phải là chơi bời một cách quá đà. Còn trẻ thì nên tận hưởng thanh xuân của mình. Bạn kiếm tiền nhiều mà không biết tận hưởng thì điều đó quả là bất công với chính mình. Còn nếu như bạn đã có gia đình, bạn lại càng không thể suốt ngày cắm đầu ở công ti được.
Lập gia đình thì bạn cũng phải có trách nhiệm với gia đình. Nếu như không cần bằng được công việc và gia đình thì sẽ rất thiệt thòi cho bạn đời và con của bạn. Khi có vợ hoặc chồng, chúng ta phải lo thêm nhiều thứ nhưng gánh nặng kiếm tiền đã được nửa kia san sẻ.
Hãy dành thời gian cho cha mẹ và cả gia đình nhỏ của bạn. Tâm sự với cha mẹ, chia sẻ với họ cũng khiến bạn giảm bớt căng thẳng và được tiếp thêm năng lượng chiến đấu tiếp. Hàng ngày cũng nên trò chuyện chơi đùa với con của mình, vừa để thư giãn vừa giúp chúng gắn bó với bạn nhiều hơn.
Hãy tự cho mình thời gian thư giãn. Thư giãn sẽ giúp bạn cho ra những ý tưởng mới hay ho hơn. Bạn nên thử đi dạo hàng ngày, mỗi ngày chỉ cần 30 phút đi bộ, cho mình khoảng thời gian yên tĩnh vừa để thư giãn giúp tâm hồn thoải mái lại có thêm thời gian tự suy nghĩ.
Đâu phải cứ ngồi vào bàn ngồi trước màn hình mới làm việc được đâu. Đừng biến công việc trở thành nghĩa vụ phải làm, hãy coi nó là điều mình được làm, được cống hiến, được đắm chìm vào trong đó.
Làm việc quá nhiều có thể khiến bạn bị giảm năng suất, không hiệu quả trong công việc, làm ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ với người thân và bạn bè. Vậy nên hãy biết cách cân bằng giờ giấc cho công việc. Nhiều không phải lúc nào cũng tốt.
Cách để bạn “cai nghiện” công việc thành công, khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn
Đón nhận sự giúp đỡ
Bạn nên mở lòng chia sẻ áp lực công việc với những người xung quanh và sẵn sàng để đồng nghiệp xắn tay áo giúp đỡ mình. Hãy bỏ ngay thói quen ai nhờ làm việc gì cũng nhận để rồi trở nên quá tải, lúc nào cũng ở tình trạng ngập đầu trong một núi deadline.
Sắp xếp các hoạt động trong ngày
Nghiện công việc chưa hẳn đã tốt mà hãy làm việc thông minh bởi vì làm việc thông minh đồng nghĩa với việc bạn phải tận dụng tối đa khoảng thời gian bạn có thể làm việc hiệu quả nhất.
Năng suất làm việc sẽ được cải thiện đáng kể nếu bạn biết mình phải làm gì, nên dành thời gian bao nhiêu cho việc đó, việc nào quan trọng hơn và thứ gì cần ưu tiên xử lý trước tiên…
Ra ngoài nhiều hơn
Thay vì chỉ biết đầu bù tóc rối ngồi làm việc trước màn hình máy tính, dân công sở nên ra ngoài nhiều để trải nghiệm và tích lũy thêm vốn sống cho bản thân. Bạn nên đi du lịch thường xuyên hơn để thay đổi bầu không khí cũng như cân bằng lại cuộc sống của mình.
Đánh đổi sức khỏe và niềm vui không phải là cách thông minh để theo đuổi con đường sự nghiệp còn dài phía trước. Cái gì nhiều quá cũng không tốt! Muốn thành công, trước hết phải học cách yêu thương và quý trọng bản thân mình.
Nguồn: Sưu tầm
Xem thêm bài liên quan
- Nhân viên gắn bó lâu năm cũng bị sa thải trong vài phút vì phạm phải 10 sai lầm này: Cả sếp và nhân viên đều nên đọc
- Làm Công ăn lương còn không xong thì đừng vội nghĩ đến chuyện Khởi nghiệp, khi mà “lượng và chất” bản thân vẫn còn chưa tích lũy đủ
- 7 tư duy bí mật của tầng lớp thượng lưu quyết định đến túi tiền “Đầy hay Vơi”: Ai muốn thoát nghèo đều nên học!