Không chỉ là môn thể thao đơn thuần, chơi golf còn chứa đựng những bài học, triết lý kinh doanh, để củng cố địa vị, gặp những đại gia khác trên sân và còn gì nữa?
Golf là một môn thể thao đem lại nhiều giá trị tích cực và những bài học bổ ích có thể áp dụng được trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, như thành lập và vận hành một doanh nghiệp chẳng hạn. Dưới đây là những bài học khi chơi golf mà các doanh nhân có thể áp dụng được trong các dự án kinh doanh mới của mình.
Có tiền mới chơi được bộ môn đắt đỏ như golf thì đúng, nhưng còn lý do gì khiến giới nhà giàu đam mê golf tới vậy? Không phải ngẫu nhiên golf có xu hướng trở thành môn thể thao gắn liền với giới nhà giàu và khá giả. Đây là lời giải thích cho câu hỏi tại sao người giàu chơi golf rất nhiều.
Họ có thể chi trả cho bộ môn đắt đỏ này
Thiết bị chơi golf – hoặc ít nhất là thiết bị chất lượng – không hề rẻ. Để chơi golf một cách cơ bản nhất, bạn cũng phải sắm sửa rất nhiều thứ. Con số chi trả có thể từ vài chục, vài trăm triệu đồng cho đến vài tỷ .
Thêm vào đó là phí thành viên câu lạc bộ golf cũng không hề rẻ. Có thể hiểu được tại sao duy trì sở thích chơi golf trở nên quá đỗi đắt đối với những người có thu nhập bình thường.
Không những thế, để theo đuổi bộ môn chỉ dành cho người giàu này, học phí cũng là con số không tưởng. Bạn có thể phải đầu tư một số tiền ngang ngửa học phí Vinschool, đặc biệt nếu muốn theo học một giáo viên giỏi.
Chơi golf, cũng như làm ăn, bạn luôn phải “tự lực gánh sinh”
Golf là cuộc chiến giữa người chơi với sân golf 18 lỗ và mỗi lần cuộc chơi lại khác nhau. Kinh doanh cũng tương tự như vậy, doanh nhân một mình đấu lại thị trường và các đấu thủ khác. Tất nhiên cũng như môn golf, bạn có thể hợp tác với bên thứ 3 và cùng nhau làm ăn nhưng mỗi người chỉ được đánh quả bóng của mình. Cả trong kinh doanh cũng vậy, mức độ thành công sẽ dựa vào nỗ lực của chính bản thân mỗi người.
Nâng tầm địa vị xã hội
Do chi phí cao hơn nhiều so với các môn thể thao khác, golf đã mặc nhiên trở thành từ gắn liền với tiền bạc và địa vị. Do vậy, ngay cả những người không hẳn đã yêu thích bộ môn này cũng đăng ký chơi mỗi cuối tuần để nâng cao vị thế xã hội. Nếu chơi golf, nhiều người sẽ tự động cho rằng bạn là người khá giả.
Không chỉ vậy, trở thành thành viên của một CLB golf độc quyền hoặc chơi ở những sân đắt tiền thể hiện một địa vị xã hội thuộc hàng “khủng”. Những nơi như vậy thường sẽ có mức phí thành viên rất “chát”. Do vậy chỉ những người rất giàu mới có thể chi trả được – trở thành hội viên golf đồng thời gia nhập CLB “1% người giàu nhất”.
Ngoài ra, một số CLB chơi golf chỉ dành cho những người được phát thiệp mời. Vì vậy nếu bạn là thành viên của một câu lạc bộ như vậy, điều đó có nghĩa là bạn có rất nhiều mối quan hệ có địa vị cao và quen thuộc với giới thượng lưu.
Golf mang lại cơ hội quen biết được nhiều… người giàu hơn
Các câu lạc bộ chơi golf thường có thành viên là những người giàu có, máu mặt, quyền lực. Đó có thể là các doanh nhân, những người làm việc trong lĩnh vực tài chính, các CEO và thậm chí cả chính trị gia!
Có thể những người này chơi golf không phải vì đây là môn thể thao hấp dẫn, mà trên sân golf, họ có thể có cơ hội kết nối và giao lưu với những người giàu có khác. Khi đó, mọi người thường sẽ thoải mái nói chuyện và dễ dàng thân nhau hơn. Nó cũng mang lại cho họ cơ hội hợp tác trong làm ăn, kinh doanh.
Thực sự thì nó cũng khá vui!
Cho đến bây giờ, tuy nhiều người chơi golf không phải vì đây là môn thể thao hấp dẫn, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng nó lại là đam mê và thú vui của những người có điều kiện khác. Không phải ai cũng thích chơi golf, nhưng khi đã ra sân và chinh phục, nhiều người thừa nhận cảm thấy rất đã khi thấy bóng mình đánh lăn vào lỗ golf trên sân.
Chơi golf không đòi hỏi phải vắt kiệt sức trên sân
Bạn thấy đó, người có điều kiện thường sẽ ngồi trong văn phòng, họp hành suốt ngày, đi lại bằng xe sang, lên xuống có người phục vụ. Họ muốn vận động để giải toả nhưng đó phải là 1 môn thể thao không quá nặng hay tốn sức, thì golf có vẻ là lựa chọn hợp lý. Chưa hết, trên sân golf có những người sẽ cầm đồ, phần lớn di chuyển bằng xe điện, nên xem chừng việc vận động này dễ dàng hơn nhiều đối với một số người.
Người giàu có thời gian
Nhiều người giàu chơi golf đơn giản chỉ vì họ có thời gian. Những người làm việc theo giờ hành chính làm sao có thể đến sân golf vào ban ngày, rồi đi khắp nơi để chơi golf. Mặt khác, những người có điều kiện sẽ có thời gian linh hoạt hơn, chủ động sắp xếp được nhiều thứ.
Sân golf rất hợp để thư giãn
Đến sân golf đôi lúc không phải để có cảm giác cầm trên tay cây gậy vài chục triệu. Đôi lúc nó chỉ đơn giản là để thư giãn, xả stress khi sân golf thường sẽ được xây dựng ở vùng ngoại ô, thoáng đãng, tránh xa sự hối hả và nhộn nhịp của trung tâm. Họp hành căng thẳng, tính toán làm ăn đau đầu đi chơi golf chẳng phải hợp lý quá sao!
Họ có thể nói chuyện làm ăn, chốt hợp đồng, tiến hành thoả thuận…
Đôi khi, những người giàu có sẽ đồng ý gặp nhau tại sân golf để thảo luận về một dự án kinh doanh, hay chuyện hợp tác sắp tới. Không gian nơi đây vừa đủ riêng tư mà lại rất sang xịn để tiến hành bàn bạc chuyện làm ăn.
Trên sân golf, cơ hội để gắn kết và tăng cường mối quan hệ có vẻ dễ dàng hơn. Câu chuyện tìm ra và giải quyết những khác biệt về quan điểm cũng trở nên đơn giản hơn, từ đó giúp phát triển một kế hoạch thành công.
Golf là một môn thể thao an toàn
Những doanh nhân giàu có thường không muốn đặt cược vào những bộ môn hay thú vui có nhiều rủi ro. Bởi vì chỉ cần gặp chuyện và không thể tham gia cuộc họp quan trọng có thể khiến họ mất trắng vài tỷ đồng kèm theo rất nhiều rắc rối.
So với các môn thể thao khác đi kèm với rủi ro, golf dường như là môn thể thao tương đối an toàn.
Nhiều thông tin quá cũng không tốt
Một golf thủ cần có thông tin trước khi thực hiện mỗi cú đánh. Biết được chính xác tốc độ gió, độ ẩm, khoảng cách đến mục tiêu, độ dốc của đường bóng… sẽ giúp bạn thực hiện cú đánh có độ chính xác cao, nhưng có quá nhiều thông tin không hề giúp bạn đánh bóng tốt hơn.
Dữ liệu quá nhiều có thể khiến người chơi không chú tâm vào những khía cạnh quan trọng của cuộc chơi, và điều tương tự cũng có thể xảy ra khi bạn thành lập một doanh nghiệp. Người doanh nhân cần phải tập trung vào những vấn đề mấu chốt, sử dụng lượng thông tin cần thiết tối thiểu để vận hành doanh nghiệp. Chẳng hạn, một bản nghiên cứu thị trường đơn giản là đủ để thiết kế một sản phẩm hoặc một dịch vụ nào đó, và sẽ là phản tác dụng nếu nghiên cứu quá sâu và dễ đánh mất cơ hội vì có quá nhiều thông tin vô ích.
Golf là môn thể thao mà bạn cần phải đồng bộ rất nhiều cơ bắp cùng lúc để đánh quả bóng chính xác và đưa bóng đi đến nơi mình mong muốn. Trong kinh doanh, doanh nhân phải cố gắng tìm ra nhịp điệu tạo nên dòng vận hành của công ty mình, đồng bộ mọi quy trình để đạt được kết quả tốt nhất.
Tất nhiên ban đầu điều đó không hề dễ, cũng như trong môn golf vậy, và bạn rất dễ bị lạc lối, nhưng nếu rèn luyện thật nhiều, bạn sẽ rất nhanh chóng có được sự đồng bộ mà mình mong muốn.
Sân golf – Nơi ra đời những hợp đồng triệu đô của giới CEO Việt
Thực tế, không có gì bí mật khi nhiều hợp đồng kinh doanh đã được thực hiện trên sân golf. Theo Forbes, những CEO thường xuyên chơi golf được trả lương trung bình cao hơn 17% so với những người không chơi.
Giáo sư Bill Walsh, người giảng dạy bộ môn kế toán của trường Đại học Syracuse cho biết: “Golf mang đến cơ hội tuyệt vời để gắn kết các CEO trong một khoảng thời gian đáng kể. Nếu bạn ăn trưa cùng ai đó, bạn có thể nói chuyện với họ trong khoảng một giờ hoặc lâu hơn đôi chút. Tuy nhiên, khi chơi golf, bạn có nhiều thời gian hơn đáng kể. Trong thời kỳ đại dịch, khi mọi người hạn chế tiếp xúc, chơi golf có thể là một trong những cơ hội ít ỏi để xây dựng mối quan hệ”.
Theo ước tính của trường Syracuse, khoảng 90% CEO trong danh sách Fortune 500 (500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ theo tổng doanh thu) chơi golf. Ngoài ra, 80% CEO cho biết chơi golf giúp họ thiết lập các mối quan hệ kinh doanh mới.
Mặc dù chỉ có 20% người chơi golf là phái nữ, nhưng có tới 50% trong số đó khẳng định rằng chơi golf cũng như có kiến thức về môn thể thao này giúp họ thành công hơn.
Tại Việt Nam, golf thường được biết tới là môn thể thao dành cho giới nhà giàu. Thực tế, chi phí để học và chơi môn thể thao này cũng tương đối đắt đỏ so với những môn thể thao khác. Do đó, không ngạc nhiên khi những người thường đứng trên sân golf là những doanh nhân, CEO, giới đại gia,…
Có rất nhiều doanh nhân Việt lựa chọn môn golf, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để tạo dựng mối quan hệ kinh doanh. Vì vậy, có nhiều CEO thừa nhận rằng môn golf có rất nhiều yếu tố có thể áp dụng trong công việc kinh doanh hàng ngày.
CEO Lazada Logistics Vũ Đức Thịnh: Chơi golf có rất nhiều mục đích
Trong chương CafeTalk số 9: Người vận chuyển, CEO Lazada Logistics Vũ Đức Thịnh đã có những chia sẻ về môn thể thao này. Ông cho biết bản thân đã học và chơi golf kể từ năm 2014. Thông thường, ông cố gắng chơi mỗi tuần một trận.
“Mỗi lần chơi golf, tính cả thời gian di chuyển cũng phải mất tới 7 – 8 tiếng. Vì vậy, tôi không có nhiều thời gian do bận công việc. Tôi thường cố gắng chơi mỗi tuần một trận, nhưng cũng có những lúc vài tuần mới chơi được một trận”, ông Thịnh cho biết.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cho biết chơi golf có rất nhiều mục đích. “Tôi cũng muốn đi chơi golf để giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Ngoài ra, sân golf cũng là nơi để tôi thư giãn đầu óc cũng như để tập luyện thể thao, tăng cường sức khỏe”, ông Thịnh cho biết.
Theo ông Thịnh, cái hay nhất của môn golf là phải vượt qua chính mình. “Khi chơi golf, tất cả mọi thứ đều là của mình, không ai tác động tới mình cả, nhưng mình phải tự vượt qua chính bản thân để đánh được những cú đẹp nhất”, CEO Lazada Logistics cho biết.
Ngoài ra, ông Thịnh khẳng định golf và kinh doanh có những mối liên kết phù hợp. Thứ nhất, khoảng thời gian đi lại trên sân rất lâu nên mọi người có thời gian nói chuyện qua lại. Thứ hai, cách trao đổi trên sân golf đôi khi cũng thú vị hơn so với trong phòng họp.
Ông Nguyễn Quốc Bảo: Đã chơi golf thì đừng “sân si” chuyện thắng thua
Ông Nguyễn Quốc Bảo là Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thông minh MK đồng thời là hội viên CLB Golf Sky Lake. Nói về môn golf, ông Bảo cho biết không có ý phê phán mà chỉ nói tới một khía cạnh của thực trạng golf rằng, ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, vẫn có quá nhiều golfer tỏ ra hiếu thắng, thường đặt kết quả lên hàng đầu.
“Tôi có dịp chứng kiến một cặp vợ chồng già, cỡ 70-80 tuổi người châu Âu trên sân golf, họ sảng khoái, thư giãn, bắt tay và chúc tụng nhau sau mỗi hố golf, khi đó tôi mới ý thức được giá trị tốt đẹp của môn thể thao này”, ông Bảo nói.
Theo doanh nhân này, mỗi golfer đến với golf với những mục đích khác nhau, do đó quan niệm của họ đối với golf cũng khác nhau: giải trí, nâng cao sức khỏe, giao lưu, đối ngoại, đánh độ, kiếm tiền… Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên quá nặng nề chuyện thắng thua.
“Hãy để golf giúp ta lấy lại cân bằng trong cuộc sống, và rất có thể, giữa bao la đất trời cùng thảm cỏ, ai đó lại khám phá ra những điều tốt đẹp mới mẻ từ chính bản thân mình”, ông Bảo nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn Đông Dương Nguyễn Hồng Hải: Nếu muốn hiểu ai, hãy ra sân và chơi golf cùng họ
Chủ tịch Tập đoàn Đông Dương Nguyễn Hồng Hải cũng là golfer nghiệp dư đầu tiên của Việt Nam ra quân tại giải chuyên nghiệp Quốc tế (HOTRAM OPEN 2015) sau vị trí thứ 4 tại Giải Vô địch Quốc gia.
Chia sẻ về golf, ông Hải cho biết cũng như những CEO khác, khi công việc kinh doanh gặp nhiều áp lực, thường xuyên phải tiếp khách, uống rượu, di chuyển,… ông coi golf là một biện pháp giúp xả stress hữu hiệu, giúp đầu óc thanh thản hơn.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Đông Dương, ngoài lợi ích về sức khỏe, golf còn giúp ích rất nhiều cho công việc kinh doanh. Golf là một môn chơi đẳng cấp dành cho tất cả những người đam mê thể thao. Trong quá trình chơi golf, ông đã gặp gỡ và kết nối với nhiều đối tác tốt, điều đó khiến cho công việc thêm thuận lợi hơn.
Ông Hải cho biết so với trong phòng họp thì bàn chuyện làm ăn trên sân golf mang lại tâm lý thoải mái hơn nhiều. Không khí trong phòng họp khá nghiêm nghị, ai cũng phải cố thể hiện bản thân một cách tốt nhất, thế nhưng để hiểu thêm về đối tác thì nên mời họ ra sân và cùng chơi golf.
Theo GolfCircuit, Doanh nghiệp niêm yết, Pháp luật và bạn đọc
Xem thêm bài liên quan
- Sân golf – Nơi ra đời những hợp đồng triệu đô của giới CEO Việt
- Sếp FPT Đỗ Cao Bảo trả lời câu hỏi “Doanh nhân thành công có học không, có đọc sách không?” Xin thưa, doanh nhân có học, có đọc sách chứ
- Tỷ phú Lý Gia Thành khuyên những ai muốn thoát nghèo: Trí làm nên Tầm, Tầm làm nên Tiền – Khi Tầm tới thì Tiền sẽ tới!