Cố CEO Apple Steve Jobs đã biến kỹ năng “kể chuyện” – “Storytelling” thành một môn nghệ thuật đúng nghĩa. Chính điều này đã khiến khách hàng Apple nhanh chóng rút ví và không chần chừ xuống tiền mua các sản phẩm của hãng.
Có lẽ ngày nay không còn nhiều người nhớ về iPod, sản phẩm máy nghe nhạc lừng lẫy một thời của Apple. Người được mệnh danh là “cha đẻ của những chiếc iPod”, Tony Fadell, cũng là một trong những nhân viên ưu tú mà gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ từng sản sinh ra.
Gần đây, nhớ lại những ngày còn làm việc tại “Táo khuyết”, ông Tony Fadell đã nhắc về kỷ niệm khiến ông nhớ mãi: Khoảnh khắc cố CEO Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007. Chia sẻ trên Fast Company, ông Tony Fadell cho biết đây là một trong những bài thuyết trình “kinh điển” nhất mà cố CEO Apple từng thực hiện.

Nghệ thuật kể chuyện của cố CEO Apple Steve Jobs
“Mỗi sản phẩm ra đời nên có một câu chuyện giải thích lý do vì sao nó cần tồn tại và nó sẽ giúp giải quyết các vấn đề của khách hàng như thế nào. Một câu chuyện về sản phẩm tốt cần ba yếu tố: Thu hút khía cạnh lý trí và cảm xúc con người, có những khái niệm phức tạp và làm cho chúng trở nên đơn giản, tập trung giải quyết các vấn đề”, cố CEO Apple Steve Jobs mở đầu bài thuyết trình.
“Năm 1984, chúng tôi giới thiệu Macintosh. Nó không chỉ thay đổi Apple mà đã thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp máy tính. Năm 2001, chúng tôi giới thiệu iPod đầu tiên, và nó không chỉ thay đổi cách nghe nhạc của tất cả chúng ta mà còn thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp âm nhạc”, ông nói thêm.
Ngay sau đó, Steve Jobs khẳng định sản phẩm mà Apple sắp giới thiệu không phải là thiết bị riêng biệt. Đây là một thiết bị duy nhất, và họ gọi nó là iPhone. Đó là phần phát biểu mà mọi người đều nhớ.
Sau màn khởi đầu, Steve Jobs nhắc khán giả về các vấn đề mà Apple đang giải quyết cho họ. “Những chiếc điện thoại cao cấp nhất được gọi là smartphone. Tuy nhiên, vấn đề của chúng là không thông minh và khó để sử dụng”, Steve Jobs nói về các vấn đề của smartphone thời điểm đó trước khi đi sâu vào các tính năng của iPhone.
Steve Jobs đã sử dụng một kỹ thuật mà sau này Tony Fadell gọi là “virus của sự nghi ngờ”. Đó là một cách để tiếp cận tâm trí của mọi người, nhắc nhở họ về sự thất vọng hàng ngày, khiến họ khó chịu. Sau đó, người diễn thuyết bằng một cách nào đó phải đưa ra giải pháp cho khách hàng. Steve Jobs khiến họ thất vọng về smartphone nhưng lại khiến họ hào hứng theo cách khác.

Cố CEO Apple là bậc thầy về điều này. Trước khi cho khách hàng biết sản phẩm có tác dụng gì, ông luôn dành thời gian để giải thích lý do tại sao khách hàng cần sản phẩm đó. Mọi thứ diễn ra theo cách tự nhiên và đơn giản.
Ông Tony Fadell đã xem nhiều CEO khác thuyết trình, nhưng điểm chung của những người này là không biết sản phẩm mà họ làm có thể tạo ra cuộc cách mạng gì. Đôi khi những người này thậm chí không biết làm thế nào để giữ đúng giá trị sản phẩm.
Điều này hoàn toàn trái ngược với Steve Jobs. “Ông ấy rất bình tĩnh. Ông ấy không chuẩn bị cũng chẳng có giấy tờ nào cầm tay khi diễn thuyết. Mọi thứ mà Steve nói giống như đang hòa quyện vào nhau”, ông Tony Fadell chia sẻ.
Bài thuyết trình của Steve Jobs giống như một cuộc trò chuyện hàng ngày. Đó là câu chuyện của sản phẩm. Điều này đã thúc đẩy những gì mà Apple đã xây dựng sau đó.
Nếu câu chuyện không liền mạch, thì sản phẩm cũng không thể hoàn hảo. Đó là lý do iPhone có mặt trước bằng kính thay vì nhựa và không có bàn phím cứng. Bởi vì câu chuyện về “Chiếc điện thoại của Chúa” sẽ không thể kết nối được nếu nó bị xước ngay lần đầu tiên khách hàng cho vào túi hoặc nếu họ buộc phải xem phim trên một màn hình nhỏ. Vì vậy, câu chuyện được Steve xây dựng hoàn toàn dựa trên hành trình của chiếc điện thoại.
Xây dựng câu chuyện không đơn giản chỉ là tồn tại để bán sản phẩm, mà sản phẩm phải ở đó để hiểu khách hàng. Điều cuối cùng mà một nhà cung cấp cần làm là thuyết phục khách hàng để họ muốn những gì mà nhà cung cấp bán.
Tất cả đều bắt đầu với câu hỏi “Tại sao?”. Tại sao sản phẩm này phải tồn tại? Tại sao nó quan trọng? Tại sao mọi người cần nó? Tại sao họ sẽ thích nó?,… Đó chỉ là một số câu hỏi ban đầu mà nhà cung cấp phải cố gắng giải quyết.
Có một sự cạnh tranh thị phần ngay từ việc chia sẻ câu chuyện. Nếu đối thủ cạnh tranh có những câu chuyện hay hơn, thì kể cả khi sản phẩm có kém hơn đôi chút, họ mới chính là người giành lợi thế chứ không phải Apple.

Câu chuyện hay dựa trên sự đồng cảm
Một câu chuyện hay phải dựa trên sự đồng cảm. Nó cần phải kết hợp giữa sự thật và cảm xúc của khách hàng. Trước tiên, Steve cần có đủ thông tin chi tiết và thông tin cụ thể để đưa ra các lập luận xác đáng. Mọi thứ đều dựa trên thực tế.
Điều mà Steve Jobs làm một cách hoàn hảo đó là kết nối cảm xúc của khách hàng với những gì mà họ quan tâm, kể cả đó có là sự lo lắng hay sợ hãi… Tệ nhất, một nhà cung cấp cũng phải tìm được cách để khách hàng có một cái nhìn hấp dẫn về tương lai.
Để kể một câu chuyện hấp dẫn, những người kể chuyện đích thị là một “nghệ sĩ”. Dù vậy, Steve Jobs có cả tính khoa học khi kể chuyện. Bộ não khách hàng không phải lúc nào cũng hoạt động đồng điệu với bộ não của người diễn thuyết. Đôi khi lý lẽ của người kể sẽ tạo ra một kết nối tình cảm với khách hàng, và điều này thôi thúc họ mua sản phẩm.

Cùng một câu chuyện, nhưng cách kể của mỗi người sẽ dẫn đến một cái kết khác nhau. Đó là lý do suy luận loại suy, xuất phát từ sự giống nhau có thực của hai đối tượng, để đưa ra kết luận, có thể là một công cụ hữu ích trong nghệ thuật kể chuyện. Đây là điều mà ông Tony Fadell đã học được từ Steve Jobs.
Chia sẻ về Steve Jobs, ông Tony Fadell thậm chí còn thể hiện sự ngưỡng mộ với niềm say mê công việc của cố CEO Apple. Ông tiết lộ rằng Steve Jobs có thể đi bất kỳ đâu trên thế giới, nhưng trong đầu ông sẽ luôn nghĩ về công việc. Kể cả thời gian nghỉ ngơi, Steve Jobs cũng dùng để mở mang kiến thức. Đây là lý do mà cố CEO Apple có thể hòa mình vào bất kỳ câu chuyện nào mà ông kể.
Những câu chuyện thường rất nhanh và dễ nhớ, quan trọng hơn, chúng có thể được kể lại bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, trải nghiệm sản phẩm là thứ khó có thể lan truyền. Steve Jobs đã biến những câu chuyện bình thường trở nên hấp dẫn đến mức khách hàng phải học và yêu thích câu chuyện đó, thậm chí là mong muốn sở hữu câu chuyện đó bằng cách mua sản phẩm.
Sự thành công của iPhone nói riêng và Apple nói chung ngày nay có công không nhỏ từ những câu chuyện được cố CEO Steve Jobs truyền đạt trong quá khứ. Chính ông Tony Fadell cũng thừa nhận rằng rất ngưỡng mộ những câu chuyện này. “Cha đẻ iPod” đã rời Apple vào năm 2008 vì lý do cá nhân.
Storytelling là gì?
Storytelling được xem là một phương pháp quen thuộc và rất hiệu quả trong lĩnh vực Marketing. Phương pháp này được thể hiện thông qua việc xây dựng, lan tỏa câu chuyện về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hay tên tuổi của thương hiệu..
Các Marketer thường tìm đến Storytelling như một phương thức để xây dựng, phát triển thương hiệu một cách thông minh, gần gũi với khách hàng nhất. Đó là việc bạn thông qua câu chuyện, những nhận xét, phản hồi từ câu chuyện đó. Để nội dung truyền tải được hiệu quả, người viết cần cụ thể hóa cho từng cá nhân và phối hợp chặt chẽ giữa hình thức và nội dung.

Một thương hiệu được đánh giá mạnh luôn cần xây dựng những giá trị cốt lõi, cụ thể và quan trọng là phải nhận được phản hồi, chạm đến cảm xúc, sự liên hệ từ khách hàng. Khi đã nắm bắt cảm xúc khách hàng, thương hiệu dễ dàng tiến xa trên thị trường, nhận được “cơn mưa” lời khen, sự tín nhiệm của người dùng. Do đó, trong các phương thức Marketing, Storytelling là chìa khóa mang đến cảm hứng, tạo điều kiện để khách hàng tiềm năng có cái nhìn sâu sắc về giá trị của thương hiệu mà các Marketer muốn gửi gắm.
Dùng Storytelling có những ưu điểm nào?
Truyền tải điểm nổi bật của thương hiệu
Storytelling là phương thức hoàn hảo để giúp tính cách thương hiệu của bạn được “tỏa sáng” trong lòng khách hàng. Thông qua câu chuyện bạn kể, hình ảnh, dấu ấn, giá trị thương hiệu sẽ hiện lên chân thực và sinh động trước mắt người đọc.
Ví dụ: Năm 2001, đoạn quảng cáo “Bước chân Âu Cơ lên non. Bước chân Lạc Long Quân xuống biển. Bước chân Tây Sơn thần tốc. Bước chân vượt dãy Trường Sơn. Bước chân tiến vào thiên niên kỷ mới. Biti’s – nâng niu bàn chân Việt” đã trở thành quảng cáo “nằm lòng” mỗi người xem truyền hình thời đó.
Đưa thương hiệu của bạn lên vị trí hàng đầu
Tạo nên một câu chuyện có thể giúp thương hiệu nổi bật. Nhưng nếu bị làm sai, làm quá, thương hiệu của bạn có thể bị lãng quên một cách dễ dàng. Storytelling của bạn cần có định hướng, giá trị sâu sắc để khi cung cấp tạo được sự tin tưởng ở khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp.
Chạm đến tâm lý khách hàng
Khi Storytelling của bạn kể những câu chuyện có thật, hay ít nhất là bạn dựa trên các sự kiện có thật. Như thế, bạn mới có thể khơi dậy cảm xúc ở khách hàng. Đúng như câu nói Max Tsypliaev, CEO của Comindware từng nói: ““Các marketer chuyên nghiệp sẽ tận dụng điều đó để tạo nên lợi thế cho mình. Đừng “bịa chuyện” khi “kể chuyện”, và đừng nói rằng câu chuyện của bạn là thật khi tất cả đều biết nó là giả”.”
Ví dụ: Sau hơn 30 năm, thương hiệu lại viết tiếp câu chuyện “Cuộc đời là những bước chân mà ta mãi nâng niu.” Không sở hữu những khoảnh khắc quá cao trào hay cảm động, Biti’s nhẹ nhàng chinh phục trái tim của khách hàng thông qua những chiến dịch quảng cáo Tết trọn vẹn ý nghĩa và sâu sắc. Cách thức dùng Storytelling tinh tế, chân thực này của Biti’s đã đưa thương hiệu “hồi sinh”. Giữa rất nhiều chiến dịch truyền thông được tung ra mỗi dịp Tết, tính đến thời điểm hiện tại, dường như Biti’s vẫn là thương hiệu giữ được nét riêng không thể nhầm lẫn.
Chạm đúng tâm lý “Tết là dịp gia đình đoàn viên” của bao người dân Việt sau một năm bôn ba, liên tiếp 3-4 năm nay, Biti’s đã viết liền mạch cảm xúc qua các sản phẩm viral Đi Để Trở Về, mỗi năm một thông điệp khác nhau và đều tạo được thành công nhất định trên thị trường. Tết đoàn viên, Tết của tình thân – một chủ đề quen thuộc mỗi dịp xuân về luôn được các brand tận dụng triệt để vì chưa bao giờ hết “hot”. Tuy nhiên, với Insight xuyên suốt, thông điệp mới lạ cùng hình ảnh thương hiệu Biti’s xuyên suốt đã khắc sâu và chiếm trọn tình cảm của công chúng ngay khi vừa ra mắt.

Níu giữ và tạo niềm tin ở khách hàng
Thay vì đưa ra những con số khô khan, hãy tận dụng Storytelling để sáng tạo trong cách bạn chia sẻ chúng đến khách hàng hay trong cách bạn quảng bá thương hiệu. Đọc một câu chuyện với nội dung cuốn hút không chỉ kích hoạt bộ não của người đọc mà còn giúp thôi thúc họ hành động, trải nghiệm ngay với dịch vụ của bạn.

Theo Doanh nghiệp niêm yết, Tino